Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Chồng hư tại vợ



Tác giả: Thanh Chung
(Viết tặng con dâu tương lai)

“Khi những điều anh thích
Em sẵn sàng vâng lời
Thì hai ta lúc ấy
Chỉ một mình em TOI” 
(Xin lỗi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn”


Mấy mụ có con dzai như mình, lần nào gặp nhau cũng hỏi: “Sắp thành mẹ chồng chưa?” Thực ra, sốt ruột thế chẳng phải vì mong được thành “ông nọ, bà kia”.Trong thâm tâm, mụ nào cũng chỉ mong có một đứa thay mình “dạy bảo” “cậu Giời”.

 

Chị bạn mình có mỗi một “quý tử” lúc muộn mằn. Sáu mươi tuổi mới có một đứa con gái nhà người ta về gọi mình bằng mẹ. Căn phòng của “cậu Giời” được dọn dẹp, chỉnh trang lại thành buồng hạnh phúc của đôi uyên ương. Sống chung được chừng sáu tháng, chị bán miếng đất “đầu tư ất ơ” cùng vài người bạn  đi mua cho hai đứa một căn hộ chung cư. Con dzai khăng khăng: “Để mẹ sống một mình con không đành”. Con dâu cũng là đứa biết điều: “Hay tại con ăn ở không nên không phải khiến mẹ rầu lòng?” Chị bạn mình bảo với hai con: “Mẹ chưa già, cũng cần có không gian cho riêng mình. Các con ở riêng sẽ có điều kiện chăm lo cho nhau. Khi nào mẹ ốm đau hẵng hay”. Sau đó, đợi con dzai đi tụ tập bạn bè, chị gọi con dâu vào nhỏ to: “Mẹ cho vợ chồng con ra ở riêng để con “dạy” cho con trai mẹ thành người đàn ông có trách nhiệm với gia đình. Con xem từ hồi có con về đến nay, nó có thay đổi gì đâu. Cơm nước, giặt giũ, cửa nhà vẫn chỉ có hai người đàn bà chia nhau ra làm. Buổi tối, nó hết xem tivi lại online chơi game. Lúc này mẹ còn khỏe thì còn giúp được con. Sau này, nếu nó không thay đổi thì con lại đi đúng vào vết xe đổ của mẹ. Hơn nữa, nó là cả cuộc đời mẹ. Nếu thấy hai đứa chúng mày cãi lộn về việc nhà, có khi mẹ lại xót ruột mà giận con. Bây giờ hai đứa vẫn còn đang “trăng mật”, con nói nó sẽ biết nghe. Chịu khó vất vả thời gian đầu con ạ”. Con dâu nghe mẹ chồng nói lời “gan ruột” thì yên tâm. Hai đứa dọn ra ở riêng chừng vài tháng thì con dâu vác bụng ộ ệ chờ sinh. Chị bạn mình ghé thăm con, thấy “cậu Giời” đang “thao tác” máy giặt rồi quay sang xách nước lau nhà. Mẹ chồng và con dâu nháy mắt nhìn nhau “mừng chiến thắng”.

 

Một mụ bạn khác của mình nhan sắc bình thường, nhưng lại được tiếng là “chuột sa chĩnh gạo”. Chồng mụ vừa đẹp trai, vừa trí thức lại con nhà khá giả. Thuở cả nước đi xe khung dựng “đa quốc gia” (phụ tùng được sản xuất từ các nước XHCN khác nhau) thì mụ đã được anh chồng đặt ngay giữa nhà chiếc mini Nhật “Thiên thần bãi rác” khi “bơ vơ mới về” làm dâu. Chỗ của “thầy em” là phòng khách với cái điều khiển tivi. Mụ vợ thành “Osin toàn tập” được phép ăn nằm với ông chủ. “Thầy em” đi uống bia, tụ tập với bạn bè cũng là đi công chuyện, kiếm tiền nuôi gia đình. “Thầy em” quá chén, “trớ” ra chăn màn giường chiếu cũng phải được nhìn nhận là “lao tâm khổ tứ” vì vợ con. Mọi suy nghĩ đã được bà nội bọn trẻ con “định hướng” như thế. Mụ “Osin” bụng chửa vượt mặt vẫn xách nước lên cầu thang lau nhà. “Ngày xưa chửa chồng mày, mẹ còn gánh lúa phăng phăng từ đồng về. Quẳng gánh xuống, thấy đau rút sống lưng là vơ quần áo ra trạm xá. Đẻ dễ như gà”. “Mẹ chồng luôn luôn đúng. Nếu nghi ngờ thì hỏi lại con dzai cụ”. Mụ Osin vốn dĩ hòa vi quý. Sợ nhỡ nặng nhẹ điều gì sẽ làm “thầy em phật lòng”, “tivi méo hình mất tiếng”. Thế là mấy chục năm mụ cứ lầm lũi đi làm kiếm tiền và chăm lo cho cái tổ không còn hơi ấm của mình. Hai đứa con học đủ 12 năm phổ thông với 72 kỳ họp phụ huynh, ông chồng chưa từng phải bỏ một cuộc hội hè, họp mặt bạn bè nào để đi dự. Chuyện tìm thầy, tìm lớp, học thêm học nếm cũng do “Osin” đảm trách. “Thầy em” ăn ngủ như ông chủ – việc nhà như khách. Đến một ngày mụ Osin bị phát hiện ra khối u cần phẫu thuật. Lịch mổ đã lên trước hàng tháng, nhưng ngày vào bệnh viện chỉ có cô con gái đưa mẹ đi. “Thầy em” còn đang “bát ngát cung mây” với các em chân dài váy ngắn. (Tự nhiên lúc về già lại có thêm thú vui “đàn ca sáo nhị”). Lúc Osin cắt chỉ xong, “thầy em” mới tạt qua bệnh viện dặn các con chăm mẹ rồi tất tả đi “làm nốt cái video clip hôm trước chưa quay xong”. Trước khi Osin xuất viện, thầy thuốc dặn riêng hai con: “Các cháu cố gắng đừng để cho mẹ phiền muộn”. Khi “thầy em” về nhà, trên bàn chỉ còn mấy chữ của Osin để lại: “Em vào chùa sống nốt những ngày cuối cùng”. Tháng mười hai, trời mưa lạnh. Đứa con gái chạy qua nhà thăm bố, thấy “Thầy em” ngồi co ro mắt buồn ngơ ngác. “Áo ấm đâu, sao bố không mặc vào?”. “Bố có biết mẹ con để ở chỗ nào đâu?” Giới khoa học gọi hội chứng này là “sốc vì bị vợ cai sữa đột ngột”.

 

Một mụ bạn khác vốn không phải đứa hiền lành. Nhưng từ ngày chồng bị tai nạn giao thông và phải nghỉ việc ở nhà, chống nạng đi quẩn quanh thì mụ nhịn chồng như nhịn cơm sống, chỉ sợ chồng mặc cảm “ăn theo” vợ. Từ một người cưỡi xe phân khối lớn đi dọc ngang đông – tây – nam – bắc, bây giờ ngồi nhà cãi nhau với đài, báo, tivi, lão chồng trở nên cáu bẳn và lao vào rượu để giải khuây. Mỗi lần say (hoặc viện cớ say) lão đem tất tật vợ con, nội ngoại ra chửi. Vợ đi làm về muộn – chửi. Con nấu cơm nát – chửi. Hàng xóm bật tivi to khiến lão không ngủ được – chửi. Anh chị em, bạn bè, họ mạc thấy mụ cứ nhũn như chi chi thì xót ruột thay. Mụ bảo chắc kiếp trước mình xù nợ nên bây giờ phải “kéo cày” bù lại. Rồi một ngày, khi cả hai đứa con về thăm bà ngoại, lão lại lôi rượu ra và bắt đầu chửi. Thấy mụ vợ lầm lũi, nhẫn nhịn như cái bóng thì lão nổi đóa: “Á à, mày dám khinh thằng này à? Ít nhất tao nói thế thì mày cũng phải cất cái mồm lên mà cãi giả một tiếng chứ? Mày coi tao là liệt sĩ à? Hôm nay tao sẽ đi mua một cân thuốc nổ cho nổ tung cái nhà này lên…” Đến nước này thì con mèo nhung đã dựng bờm lên thành sư tử. Mụ bạn mình quẳng ngay một tập tiền ra trước mặt lão chồng và gầm lên ngang ngửa: “Tiền đây, mày cầm đi mua luôn hai cân. Hôm nay con tao không có nhà, tao với mày cùng chết. Mày tưởng tao ham sống lắm hả? Tao đã chết từ cách đây mười năm, khi mày đâm xe vào người ta và tao phải bán tất tật nhà xưởng để đền bù cho mày khỏi phải ngồi tù rồi”. Lão chồng đang ở thế tấn công, lần đầu tiên thấy “con vợ” “thẳng ăn thẳng – cong ăn cong” thì ớ ra. Từ đấy, trật tự, kỷ cương trong nhà được lập lại. Lão chồng tuy chưa cai được rượu, nhưng mỗi lần phê phê, thấy vợ về là lẳng lặng bỏ vào trong phòng. Hai đứa con yên tâm ngủ ngon, không lo nửa đêm bố dựng mẹ dậy nghe chửi.

 

Tất nhiên, còn rất nhiều “thực tiễn sinh động” cho thấy các bà vợ phải chịu một phần trách nhiệm đối với sự “thoái hóa biến chất” của các “Cậu Giời”. Ví dụ thứ ba tuy muộn – nhưng “còn hơn không”. Câu chuyện của “Osin” với “Thầy em” quả là đáng tiếc. Câu ca từ ngày xưa của các cụ, xin được sửa lại như sau:

“Dạy con từ thuở còn thơ

Răn chồng từ thuở Ló chưa chèn (ép) mình”

He he

3 nhận xét:

  1. "Chuyện thường ngày ở huyện" . Cần liên hệ bản thân mình ,bạn mình và tán gẫu mới vui ? Có thật chồng hư tại vợ không hay vợ hư tại chồng?

    Trả lờiXóa
  2. Chồng hư tại vợ .Thế còn chồng ngoan như Q, thằng HT, BĐT...v v do AI đây ?
    Hi!Hi!Hi!

    Trả lờiXóa
  3. Vợ ngoan nhờ chồng .Chồng ngoan nhờ bạn tốt ,nhờ trời ,nhờ vợ ..v v Ngoan hay hư trong con mắt AI đây Đúng là bàn về ngoan ,hư phải có tiêu chí ,thời điểm để bình .Các bạn của tôi đều là các ông chồng ,bà vợ tuyệt vời trong gia đình mình, vì nếu không tôi đã được đi ăn cưới nhiều lần mà ?
    Hội K16A CTM ĐHBK

    Trả lờiXóa