Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Khi mình có cháu

Nguyễn Ngọc Lợi

Về hưu rồi cảm thấy người nhẹ bỗng. Không còn bị các áp lực, có điều kiện đi chơi gặp gỡ bạn bè. Gặp bạn già hỏi các ông rằng bà đi đâu thì hầu như ai cũng trả lời: Đi chăm cháu. Đi nuôi con gái sinh, nuôi con dâu đẻ…


Hóa ra chẳng riêng gì mình. Đàn ông thời này lắm người “mồ côi” vợ khi cả hai còn sờ sờ. Câu ca thời hiện đại “... con có con thì mình mất vợ” vậy là đã vận vào mình dăm năm nay rồi.
Năm nay, mới giữa tháng chạp, khi con trai thứ hai bế đứa con gái chưa đầy hai tuổi, nghe điện thoại mẹ gọi từ Hà Nội, nói “bà sắp về”, liền hỏi: “Ngày mấy thì bà về?” “ Dạ, hai mươi. Nhưng bà dặn phải mua vé trước để ngoài tết, mười hai bà lại ra...”. Đấy, chưa về đã tính chuyện đi. Một thoáng chạnh lòng nhưng nghĩ lại ngay, tất cả cũng vì con vì cháu. Thời buổi này tìm người giúp việc vừa ý còn khó hơn... tìm người làm lãnh đạo.
Cháu nội cháu ngoại năm đứa, nghĩa là đã có nhiều năm tháng phải sống một mình. Nhớ những lần vợ đi vắng, nhà cửa lạnh lẽo, nương vườn ngơ ngác. Con chó con mèo cũng thui thủi buồn phiền. Riêng mình đến bữa bát một chiếc, đũa một đôi, nhà ở một mình. Đi chơi, gặp gỡ bạn bè khuây khỏa, trưa tối về đối diện với cái bóng. Phải tự lo bữa ăn, vội vàng ra chợ, gặp nhiều người cùng cảnh. Ông nào ông nấy cười như mếu. Người bán hàng kêu trước gọi sau. Đàn ông mua bán lơ ngơ. Các bà các chị khoái gặp mấy vị này lắm, hiền lành thật thà, nói sao nghe vậy. Ai cũng bảo nhìn các ông tội ghê. Rồi trao hàng, bảo hết bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Cứ nghĩ họ thương mình, không nỡ “chém chặt”. Nghĩ cũng vui vui. Cầm vài thứ về nhà. Cá vài con, rau dưa mấy cọng... Thế rồi nồi cơm chỉ ống gạo cả chó cả mèo. Thức ăn chỉ chút cá, bát canh. Uống xong chén rượu rồi ngồi bần thần, chẳng biết buồn hay vui. Thế rồi cũng qua bữa. Vét sạch cơm canh trộn đều chia cho chó mèo, rửa ráy xong lên nhà, lại bần thần... Sợ nhất là tối đến. Sợ nhất trời mưa dầm… Đầu hôm còn đỡ. Lướt mạng một lúc lại mở tivi xem thời sự, rồi xem sách... Đến lúc lên giường ngủ mới thấy chênh chao. Giường rộng mênh mông. Trời rét, chăn len chăn mút mà phía nào cũng lạnh. Có cảm giác chống chếnh như đưa võng. Nằm nghe mưa, tiếng nước rơi chéo rơi nghiêng triền miên vô tận gọi về bao ngày xưa cũ, gọi về bao khuôn mặt ghét yêu thương giận. Thao thức mãi rồi cũng ngủ được. Nghe tiếng gà gáy đã tỉnh giấc, chẳng biết đó là tiếng gáy lần thứ mấy. Lúc này lại nghe sương rơi, nghe tiếng chim lích rích, nằm chờ trời sáng mà thấy mình nhỏ nhoi cô đơn giữa đất trời vũ trụ... Nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác, chuyện hôm nay, chuyện ngày mai, chuyện nhân tình thế thái... Chợt nhớ lúc mới trên dưới ba mươi vợ khỏe chồng khỏe và con còn nhỏ. Vợ chồng con cái năm người nhà chỉ một gian, giường chỉ một chiếc... Bữa ăn chỉ cơm khoai dưa mắm mà vẫn xì xụp hít hà. Ăn tối xong cả nhà quây quần trên chiếc giường duy nhất có lót vài phên rạ chống rét, con ba đứa nằm giữa, vợ chồng mỗi người một bên, tấm chăn chiên mỏng kéo bên này hụt bên kia để rồi bố kể chuyện, mẹ ấp đứa bé, đứa lớn cười đùa... Thật là ấm áp, thật là sum vầy, vợ chồng con cái sớm tối có nhau. Thiếu thốn chắt chiu dành dụm, no đói nhường nhịn... Cứ nghĩ hạnh phúc trước hết ở sự tin yêu chia sẻ... Lúc này đây, khi cuộc đời đã mãn chiều xế bóng, khi con cái đề huề, có của ăn của để thì mình đã già, muốn ăn cũng không ăn được, có quần áo đẹp cũng chẳng mặc làm gì... lại quanh năm vợ vắng nhà. Chợt nghĩ  rằng giá như có phép màu đổi cái sự no đủ bây giờ lấy cái thiếu thốn ngày xưa thì sẽ đổi ngay không do dự…
Bà ở với cháu nội ngoài kia, mình ở với cháu nội ở nhà. Vậy là công bằng trọn vẹn. Cứ ít bữa lại gọi ra hoặc bà lại gọi về, lần nào cũng hỏi nhau có khỏe không, có ăn được không, có ngủ được không, cháu có ngoan không... Tình cảm vợ chồng chuyển từ thương nhớ lứa đôi sang những lo lắng cụ thể. Tình thương dành cho cháu chia đều. Con nào cũng thương, cháu nào cũng yêu nhưng thân mình không thể xẻ hai, thôi thì đành vậy... Mấy lời cuối thế nào cũng dành cho nhau sự lo lắng về sức khỏe, dặn nhau nhớ giữ gìn, chịu khó ăn, chịu khó uống thuốc...
Tuổi già sức khỏe giảm, sinh ra khó tính khó nết. Ở với nhau lâu cũng có lúc nóng lạnh, cằn nhằn, giận dỗi... Ấy mà đến lúc vắng nhau lại cảm thấy chống chếnh vô cùng. Con cái biết lắm, thiếu bà là ông khổ nhưng... Chúng nó đâu có nhiều tiền để thuê “Ô sin” cao cấp để dành bà cho ông. Thôi thì xin ông thông cảm, nhường bà cho cháu. “Một mẹ già bằng ba đứa ở”. Chẳng ai yêu con cháu hơn ông bà. Chẳng tin tưởng ai hơn bố mẹ. Sự đời là thế rồi. Cái tình máu mủ nó kì diệu là thế. Như cây tre già cỗi truyền chút sinh lực lại để cây măng mập mạp lớn lên. “Tre già yêu lấy măng non” là vậy. Con cháu là hiện thân, là tiếp nối dòng máu nhà mình... Muôn đời nay đã thế rồi, nước mắt chảy xuôi. “Cá chuối đắm đuối vì con”.
Ăn tết xong, mới mùng bốn mùng năm bà đã soạn sửa... Bà bảo rằng vé đã mua. Phải ra cho chúng nó đi làm. Thời buổi gì mà công việc làm chúng mắt ngược mắt xuôi, nhiều lúc không kịp thở... Thế rồi mồng bảy mồng tám... Đồ đạc bà mang theo có rau có gà có cá có trứng. Rau có xu hào cải bắp, đậu cô ve, toàn loại nhà trồng được, đảm bảo sạch. Cá thu mua loại tươi ngon thuê nướng chín rồi bỏ ngăn đá. Gà làm sạch cũng bỏ ngăn đá. Trứng gà nhà không cám cò mấy chục... Tất cả gói ghém cẩn thận rồi đóng vào thùng xốp. Hướng dẫn bà cách sử dụng di động mãi mà bà chẳng thể nhớ... Thôi thì biết nghe là được rồi. Có gọi cho ai đâu mà lo phải nhớ, chỉ có ông và các con gọi thôi. Vé đề mười giờ kém mười lăm xe xuất bến. Chín rưỡi đèo bà ra điểm bán vé thì người như mình đã ngồi chật kín. Nhìn cảnh này chợt nghĩ, giờ đây chẳng phải Đài Loan, chẳng cần Mã Lai... Đã đến lúc Việt Nam cần nhập “Ô sin” rồi. Xe đến muộn, vợ chồng già ngồi với nhau bần thần nhìn trời mưa. Lại dặn bà rằng cố gắng ăn vào nhé. Cái cầu thang ngoài đó hơi dốc, lên xuống nhớ cẩn thận... Bà bùi ngùi rằng bất đắc dĩ phải đi. Ra đó khỏe thì ở ốm thì về. Giận hờn lúc nào không biết nhưng ở nhà với nhau vẫn hơn, “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. Nghe vừa thương vừa tủi.
Một lúc thì xe đến. Vội vàng mang đồ ra rồi bà lên xe. Bà vào chỗ cửa xe đóng. Xe chạy rồi, bần thần một lúc rồi quay về. Sực nghĩ đời sống nâng cao, xã hội phát triển gì mà vợ chồng cứ phải xa nhau thế này...
Tháng giêng Quí Tỵ năm 2013

1 nhận xét:

  1. Bài viết hay ,Hợp với tâm trạng vợ chồng mình (Osin xịn)và may chưa phải ra nước ngoài phục vụ cháu

    Trả lờiXóa