Theo truyền
thuyết, hai anh em thương gia người Myanmar là Taphussa và Bhallika sang Ấn Độ
buôn bán và được giác ngộ đạo Phật. Khi trở về quê hương, họ mang theo bảo vật
là 8 sợi tóc của Đức Phật. Với sự giúp đỡ của vị vua thời bấy giờ của Myanmar
là Okkalapa, hai anh em đã xây ngôi chùa Shwedagon để lưu giữ những sợi tóc đó
của Đức Phật.
Ước tính, Chùa
Shwedagon được dát tới 60 tấn vàng. Để có số vàng khổng lồ dát chùa, dân chúng Myanmar
đã đồng tâm đóng góp. Mỗi người dân dù nghèo khổ cũng dành dụm tiền, mua những
lá vàng mỏng tiến cúng vào chùa.
Chùa Shwedagon là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng nhất trên thế giới. Theo sử sách ghi chép lại, chùa Shwedagon có lịch sử khoảng hơn 2.500 năm (trước khi Phật qua đời), còn các nhà khảo cổ cho rằng chùa được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ X. Quần thể Chùa Vàng Shwedagon một quần thể kiến trúc nằm trong một khu hình chữ nhật (214 m x 275 m) chạy dài theo hướng Bắc Nam và cao hơn vùng đất xung quanh 20 m. Bốn dãy tam cấp ở bốn mặt từ dưới dẫn tới khu chùa và cả bốn đều được lợp mái che mưa nắng. Dài nhất là tam cấp phía Tây (175 m), ngắn nhất là tam cấp phía Nam (104 m). Quanh các bậc các sườn đồi, gần các cổng vào chùa, dày đặc những nhà nghỉ dành cho khách thập phương. Ngay ở chân đồi phía cổng Nam hướng vào thành Yangon, sừng sững hai pho tượng Sư tử (Sinte) cao chín mét. Xung quanh tháp chính là một lối đi rộng (chỗ rộng nhất tới 30 m, chỗ hẹp nhất là 10 m), được láng xi măng và đá hoa Italia. Bên ngoài lối đi này, trong khu vực chùa có hơn 1000 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, như hàng chục ngôi tháp, nhiều điện thờ Phật, các tháp chuông, nhà nghỉ, cột thờ... bao quanh tòa tháp trung tâm. Tòa tháp vàng trung tâm này cao tới 99 m, gồm 3 phần chính: đáy tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Ban đầu, tòa tháp được xây bằng gạch, và chỉ cao khoảng hơn 20 m nhưng sau đó liên tục được xây bổ sung và đến thế kỷ XVIII đã đạt chiều cao như hiện nay.
Toàn bộ tòa tháp
được dát một lớp vàng ròng ở bên ngoài, mỗi lá vàng có kích thước khoảng 20 x
20 cm và được gắn vào thân tháp bằng đinh tán. Theo thống kê, nửa dưới của ngọn
tháp được dát 8688 lá vàng, còn nửa trên là 13.153 lá vàng. Đỉnh tháp có hình
vương miện, được nạm 5448 viên kim cương, 2317 viên ruby, sapphire và các loại
đá quý khác, cùng 1065 chiếc chuông nhỏ bằng vàng. Trên lá cờ ở đỉnh tháp, có
gắn một viên kim cương nặng tới 76 carat (15 gr).
Chùa Shwedagon được trùng tu nhiều
lần sau ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt khi chùa chịu ảnh hưởng của ít nhất 8
trận động đất vào thế kỷ XVII. Hình dáng
chùa hiện nay được xây lại sau cơn địa chấn năm 1786 từng khiến nửa trên của
chùa sụp xuống.
Dù là ban ngày dưới ánh nắng mặt
trời hay khi đêm xuống dưới ánh đèn rực sáng, toàn bộ khuôn viên chùa và đặc
biệt là ngọn Tháp Vàng luôn bật lên một thứ ánh sáng uy nghi, rực rỡ. Tuy
nhiên, với phần lớn người dân Myanmar cũng như khách du
lịch, thời điểm chiêm ngưỡng Shwedagon tuyệt nhất có lẽ là vào lúc chiều
tà, khi ấy cả ngọn tháp vàng rực nổi bật trên nên trời xanh thẫm. Đặc biệt, vào
khoảng thời gian từ 18g30’ đến 19g00 hàng ngày, ở một vị trí duy nhất trong
khuôn viên rộng nửa cây số vuông của chùa, mắt người có thể chiêm ngưỡng được ánh
sáng 6 màu riêng biệt phát ra từ đỉnh tháp, từ màu đỏ, cam, vàng, trắng, xanh
và lam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét