22. Lam Kinh là
di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
(theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012
của Thủ tướng Chính phủ) ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về
phía Tây Bắc.
Lê Thái Tổ sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
(1418 - 1428) giành thắng lợi và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng
Long), lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất. Đồng thời cho xây dựng ở quê
hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.
Thành điện Lam kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu mặt Nam nhìn ra sông Chu
- có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi
Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh
được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng
chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía
Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m. Qua khảo cổ và dấu tích còn
lại cho thấy xưa kia ở đây đã từng tồn tại Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu
Thái miếu... nguy nga tráng lệ.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh
rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua
nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.
23. Khu Lưu niệm Nguyễn Du là di tích lịch sử được xếp hạng di tích
quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số
1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ) thuộc làng Tiên
Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách
thành phố Hà Tĩnh khoảng 50 km, cách Thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 8 km.
Nguyễn Du (1765 - 1820) tên tự là Tố Như, hiệu là
Thanh Hiên, nguyên quán tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân,
phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) nhưng sinh ra và lớn lên tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Cha của cụ là Hoàng
giáp Nguyễn Nghiễm và mẹ là Trần Thị Tần làng Hoa Thiền, huyện Đông Ngạn, xứ Kinh Bắc (nay là tỉnh
Bắc Ninh).
Nguyễn Du lớn lên trở thành người học
rộng, tài cao, tinh thông cả Phật học và sành các môn thi, họa. Tác phẩm Truyện
Kiều là một minh chứng rất rõ về Nguyễn Du. Đây là sự đóng góp rất lớn vào kho
tàng văn học Việt Nam.
Khu lưu niệm cụ
Nguyễn Du được xây dựng để các nho sỹ, văn sỹ và du khách trong và ngoài nước ngưỡng mộ cụ Nguyễn
Du - một Đại thi hào dân tộc, một Danh nhân văn hóa thế giới; đến thắp hương
tưởng niệm. Đây là khu di tích văn hóa nằm trong quần thể di tích dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Quần thể di tích này
là một tổ hợp bao gồm nhiều di tích: đền thờ Đại Vương tiến sĩ Nguyễn Huệ; đền
thờ Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng; đàn tế Nguyễn Quỳnh; 2 ngôi nhà Tư văn; khu mộ
đại thi hào Nguyễn Du, bảo tàng Nguyễn Du và nhà thờ Nguyễn Du. (Q071101)
24. Óc Eo - Ba
Thê là di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích quốc
gia đặc biệt (theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg
ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ) nằm ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học
người Pháp Louis Malleret đặt. Nơi đây có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm
uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Óc Eo đã từng
được nối bằng một kênh đào dài 90 km về phía bắc với Angkor Borei, nơi có lẽ
từng là thủ đô của vương quốc Phù Nam. Lý do quan trọng nhất cho sự thịnh vượng của Óc Eo
là do vị trí của nó trên trục đường thương mại trên biển giữa một bên là bán
đảo Mã Lai và Ấn Độ và bên kia là sông Mêkông cùng với Trung Quốc. Vào thời kỳ phồn
thịnh của Óc Eo và Phù Nam, tàu thuyền trong khu vực có thể thực hiện những hải
trình rất dài mà không phải đi dọc theo bờ biển. Do vậy Óc Eo là một địa điểm
trung chuyển rất thuận lợi.
Núi Ba Thê còn có
tên gọi là Vọng Thê, tên gốc là Hoa Thê Sơn, đời các vua nhà Nguyễn, vì kỵ húy
nên đổi tên. Đây là một ngọn núi nằm lẻ loi giữa đồng Tứ giác Long Xuyên, ngày
nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Qua thị trấn Núi Sập,
ta sẽ đến chợ Ba Thê, nay có tên mới là thị trấn Óc Eo. Nơi đây đã từng là một thương cảng phồn thịnh thời
trung cổ bị vùi lấp dưới lớp đất phù sa hơn 3m. Người ta đã phát hiện di chỉ
này vào năm 1942 và khám phá ra thành cổ Óc Eo vào năm 1944, lúc đào kênh Ba
Thê. Có nhiều cổ vật thu được như khuôn chế tác vật dụng và nữ trang bằng gốm,
đá, vàng, đồng. Các tượng đá mang dấu ấn văn hóa Phật Giáo và Hindu giáo rất đa
dạng như tượng Phật, linh vật, Yoni và Linga có niên đại cách đây trên dưới một
thiên niên kỷ rưỡi. Đặc biệt là nhóm tượng Ganesa với mình người đầu voi trông
rất ấn tượng. Bảo tàng tỉnh An Giang hiện có trưng bày nhiều hiện vật và phiên
bản của nhiều cổ vật, tượng, xương thú hóa thạch...
(Còn nữa)
Chào TĐQT!
Trả lờiXóa