Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Kể chuyện đi Lào (2)


2. Đi lại
Từ Việt Nam sang Lào có thể đi đường hàng không, đường bộ. Đi du lịch, phổ biến là đi đường bộ. Nhiều người đã tự lái xe ô tô đi chơi khắp nước. Đó là lựa chọn hợp lý vì: lái xe bên Lào có phần thoải mái hơn ở Việt Nam; cùng luật đi đường như Việt Nam (xe đi bên phải đường); đường đi các điểm tham quan khá tốt, phong cảnh dọc đường rất đáng quan tâm... Ví dụ, nếu đi từ Vientian đến Luang Prabang có thể ghé thăm Vang Viêng, một thị trấn du lịch nổi tiếng của Lào.

Quốc lộ 8 qua cửa khẩu Cầu Treo
Lào có tổng cộng 21.716 km đường bộ, nhưng chỉ có 9673 km có trải mặt đường (đá, nhựa) còn lại là đường có nền là đá hoặc đất. Như Quốc lộ 1 của Việt Nam, Lào có Quốc lộ 13 chạy từ Bắc xuống Nam Lào. Con đường tương đối tốt do Việt Nam làm. Ngoài ra, Lào cũng có những con đường nối với đường của Việt Nam như đường số 6 qua Sơn La, số 7 qua Nghệ An, số 8 qua Hà Tĩnh, số 9 qua Quảng Trị, số 11 qua Kon Tum… 

Quốc lộ 13 đến Vientian
Quốc lộ số 7 đến cửa khẩu Nặm Cắn (Nghệ An)
Quốc lộ số 6 đến cửa khẩu Pa Hang vào Mộc Châu, Sơn La
Đường nhựa của Lào khá tốt, ô tô có thể đi 100 – 120 km/giờ vì mặt đường êm thuận, ít xe cộ lưu thông, xe cộ Lào đi lại khá nghiêm chỉnh. Chỉ cần thấy xe phía sau, xe trước đã dẹp vào bên đường, thậm chí dừng hẳn lại để cho bạn vượt. Trong thành phố, xe cộ nhường nhịn nhau, không chen lấn, luồn lách,… và đặc biệt không dùng còi xe. Riêng vụ này, các lái xe đều công nhận là Lào văn minh hơn Việt Nam, thậm chí có thể sánh ngang với các “cường quốc năm châu”. Những đoạn đường đèo núi thì cũng kinh khủng. Kinh khủng vì độ dài quãng đường, có những cung đường hàng trăm km lên xuống dốc, cua trái, cua phải liên tục,… Tuy vậy, phong cảnh hai bên đường thì thật tuyệt vời. Gần đến ngã ba Phou Khoun, cách chừng 10 km, đi từ Văng Viêng lên, có một điểm dừng chân ngắm cảnh (viewpoint) tuyệt đẹp.

Viewpoint in Phou Khoun
Giao thông trong các thành phố chủ yếu là xe “túc túc”. Thông thường để đi tham quan các danh lam thắng cảnh trong phạm vi 30 km trở lại thì đi xe túc túc là hợp lý vì điều kiện đường xá chật hẹp, người địa phương quen đường, giá cả vừa phải,… Đến Luang Prabăng chúng tôi còn lên thuyền đi dọc sông Mê Kông tham quan các điểm du lịch ở hai bên bờ. Thuyền Lào đặc biệt là rất dài và hẹp lòng. Chiều dài thuyền có thể chừng 15 – 20 m, ngang lòng chỉ chừng 1,5 m. Thuyền du lịch chạy bằng máy, đi ngược dòng cũng đạt 30 km/giờ.
Bến thuyền trên sông Mê Kông ở Pak Ou
Trên các quốc lộ của Lào, CSGT làm việc tích cực đấy. Chủ yếu họ kiểm tra các loại giấy tờ là chính. Lái xe phải xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ của xe và lái xe. Lưu ý các loại giấy tờ như tờ khai hải quan – giấy A4 màu xanh, như đã nói ở phần Cửa khẩu. Tiếp theo là giấy bảo hiểm. Không có bảo hiểm, CSGT Lào cũng sẽ phạt nặng đấy. Tuy vậy, CSGT Lào cũng tương tự như ở ta (vì thày Việt Nam dạy mà), có nghĩa là có thể “làm việc” được. Thông thường từ 20.000 kíp đến 50.000 kíp mỗi trạm tùy theo lỗi mắc phải. Được cái, khi nhận tiền, tất cả nhóm CSGT đều nở nụ cười vui vẻ, thậm chí lái xe còn được “vái chào” theo cách rất Lào.
Trên đường cũng rất ít khi gặp CSGT. Các điểm có chốt CSGT đều có cảnh báo phân làn bằng các cây cột nhựa sơn vằn da cam - trắng. Tuy nhiên, đường ở Lào phần lớn là tuyến duy nhất, nên có tránh CSGT thì cũng không biết chạy đi đâu…
3. Tiền tệ
Đồng tiền của Lào là đồng kíp, mệnh giá cao nhất là 100.000 kíp,…
Bên Lào có thể sử dụng nhiều loại tiền của các nước. Ngoài tiền kíp, đồng tiền được dùng phổ biến nhất là đô la Mỹ, bạt Thái Lan,… Tiền đồng Việt Nam cũng có thể tiêu được nhưng tỷ giá rất thấp. Ở Luang Prabăng, một kíp Lào có thể ăn 3,3 đồng Việt Nam, còn lại phổ biến là 2,7. Riêng ở cửa khẩu, 1 kíp Lào đổi bằng 2,63 đồng Việt Nam. Vì vậy, khi đi chơi Lào nên đến cửa khẩu đổi tiền. Tại cửa khẩu chỉ nên đổi đủ dùng cho đến các thành phố lớn của Lào, nơi có rất nhiều bàn thu đổi tiền với tỷ giá được niêm yết công khai và thay đổi từng giờ. Tại những bàn này, bạn không phải xuất trình giấy tùy thân. Tại sao lại nói điều này ? Có một ông vào ngân hàng đổi tiền, sau khi đếm xong tiền đổi được có lẽ sướng quá, quên béng hộ chiếu. Thế là rất phiền phức.
Chợ đêm ở Luang Prabang
Khi đến cửa khẩu (tất nhiên chỉ các cửa khẩu quốc tế - cửa khẩu lớn, có mật độ người và xe cộ, hàng hóa qua lại đông), đều có bàn thu đổi tiền. Tuy vậy, chỗ đó chỉ để bạn tham khảo thôi. Đổi ngoài bàn có thể mặc cả được và đương nhiên là rẻ hơn vài giá.
Kinh nghiệm đi Lào nên mang tiền đô la Mỹ. Tỷ giá đổi đô la Mỹ tại Lào là rất “được”. Tôi thường đổi là 1 USD = 8000 kíp Lào, nhất là khi trả tiền khách sạn bằng đô la Mỹ và lấy tiền trả lại được quy đổi kíp Lào. Các bàn thu đổi tiền ở Luang Prabăng cũng niêm yết tỷ giá 1 USD = 7960 – 7980 kíp.
Tiền Lào rất khó phân biệt. Được cái khi mua bán, người Lào rất chân thật, nên có khi đưa cả mớ tiền ra để họ tự chọn số tiền phải trả.
Giá cả ở Lào nhìn chung là đắt hơn ở Việt Nam, trừ một số hàng hóa của Thái Lan, một số nông sản,… Gạo nếp nương mua ở chợ Xiêng Khoảng có 4.500 kíp/kg (tương đương 12.000 đVN).
Các đại gia Việt mua gạo ở chợ Phonsavan, Xiêng Khoảng
Giá nhiên liệu bên Lào đắt hơn Việt Nam khoảng 10%. Các cây xăng dầu của Lào chỉ bán hai loại nhiên liệu: xăng (reguler, màu xanh) và dầu (diesel, màu đỏ). Dân Lào dùng nhiều xe chạy dầu nên có lưu ý khi mua nhiên liệu, lái xe phải nói rõ là mua xăng hay dầu. Có trường hợp, người bán hàng “vô tư” bơm dầu và xe ô tô chạy xăng của bạn. Thế là mất rất nhiều thời gian để súc rửa… Kinh nghiệm lái xe sang Lào là mua đầy bình nhiên liệu trước khi xuất cảnh và khi về cần tính toán quãng đường để mua vừa đủ nhiên liệu qua biên giới. 

Cây xăng Lào
(Tiếp theo Ngôn ngữ)

1 nhận xét:

  1. Bạn đã qua và nói cách đi lại trên đất Lào thật trên cả tuyệt vời .Khâu chuẩn bị là quan trọng nhất .Hẹn gặp
    Hội K16a CTM ĐHBK

    Trả lờiXóa