(Tiếp theo và hết)
Ông thường nói trong tuổi già, sức khoẻ là quý nhất.
Nhưng nếu ai đó có sức khoẻ tốt, không hề đau ốm thì cũng là một sự nhàm chán.
Họ đâu biết họ đang có cái quý báu nhất trong đời. Lâu lâu phải đau vài trận để
nhắc nhở và nhớ rằng không ốm đau là sung sướng, là hạnh phúc lắm lắm. Làm sao
bọn trẻ và những người khoẻ mạnh biết được cái hạnh phúc, cái sung sướng của
người già khi buổi sáng ngủ dậy mà thân thể không đau rêm, nhức nhối?
Nên quan niệm rằng với sức khoẻ nào
cũng tốt cả, đừng so sánh với trường hợp tốt hơn. Cứ vui với cái sức khỏe mà
mình đang có. Ðược khoẻ nhiều thì sướng nhiều, khoẻ ít cũng sướng hơn vì chưa
đến nỗi tệ hại lắm. Nhớ đi khám bác sĩ đều đều, để khám phá ra bệnh, kịp thời
chạy chữa. Một người bạn ông cho biết không dám đi khám bệnh thường niên vì sợ
“bói ra ma, quét nhà ra rác”, thế nào bác sĩ cũng tìm ra bệnh này, bệnh nọ
trong cơ thể và thêm lo. Cứ để thế rồi khi bệnh nặng thì chết. Bà vợ ông này
khổ sở lắm nhưng không thuyết phục ông được. Ông còn nói bác sĩ thường cho uống
thuốc chữa bệnh này thì sinh ra thêm bệnh khác nữa. Hoặc bác sĩ chẩn đoán sai
bệnh là thường. Có người đọc báo cáo y khoa cho biết trên nước Mỹ, mỗi năm có
đến hai trăm ngàn người chết do hoặc thương tật vì bác sĩ kém hiểu biết hoặc sơ
suất gây ra.
Theo ông thì đừng sợ vì bác sĩ giỏi nhiều hơn bác
sĩ dở và bác sĩ có lương tâm nhiều hơn bác sĩ thiếu lương tâm. Ðừng vì một số
trường hợp xấu mà sợ đi khám bệnh. Khám bệnh để biết trước mà đề phòng, để chữa
trị khi bệnh mới chớm, còn kịp chữa trị dễ dàng hơn. Ðể ung thư ăn tràn lan ra
rồi thì chỉ có phép lạ mới cứu được. Người ta có thể mạnh khỏe cho đến khi
chết. Ðó là trường hợp hiếm hoi. Nhưng đau yếu trong tuổi già là thường, không
đau yếu là bất thường.
Có một người than rằng cứ đi vào, đi ra trong nhà
hoài, chán quá. Ông bảo rằng được đi vào đi ra như thế là sướng lắm rồi, sao mà
chán vì có nhiều người khác mong được đứng dậy đi vài bước mà không làm được vì
bệnh. Nhưng theo ông thì cái người nằm liệt trên giường cũng tìm được cái thú
vui riêng khi nghe nhạc, nằm mơ mộng, nghĩ đến các kỷ niệm thời còn vàng son,
nhớ đến những tội lỗi nho nhỏ mà họ đã phạm một cách cố ý và thích thú.
Ông Phiên Phiến tập thể dục đều đặn. Ông nói
không ai chối bỏ được ích lợi của thể dục dù già dù trẻ. Không bao giờ trễ để
bắt đầu tập thể dục. Không thể dục thì tấm thân nhão nhẹt ra, rất dễ làm mồi
cho bệnh hoạn. Ði bộ trong tuổi già là tốt nhất. Còn khoẻ thì đi nhanh, yếu thì
đi chậm hơn, yếu hơn nữa thì chống gậy mà đi. Có vận động là tốt. Ði bộ, xương
đỡ rỗng, đỡ gãy tay chân khi vấp té. Ði bộ cũng làm cho mặt mày trẻ ra, lưng đỡ
còng, thân thể đỡ đau đớn, mệt mỏi. Ði bộ cũng vui, nhất là đi với vợ, với
chồng, nói đủ thứ chuyện vui buồn. Nhưng khi bà vợ bắt đầu cằn nhằn vì những
chuyện không đâu thì phải giả vờ chạy để bà lại phiá sau cho bà nói với cột
đèn, cằn nhằn với cây cỏ. Không có vợ đi cùng thì đi với bà cụ hàng xóm cũng
vui. Bà sẽ không bao giờ dám cằn nhằn ông vì những chuyện không đâu. Bà sẽ lịch
sự hơn. Ði với bà hàng xóm, ông bảo, đừng sợ thiên hạ hiểu lầm, cũng đừng sợ
chính bà ấy hiểu lầm. Không hiểu lầm thì tốt. Hiểu lầm thì càng tốt hơn vì làm
cho bà ấy vui, làm bà nghĩ là còn sáng giá, còn có người ngưỡng mộ đến cái nhan
sắc mùa thu của bà. Bà sẽ yêu đời hơn, sẽ ăn ngon, ngủ được, thế thì ông cũng
đã làm được một điều thiện nho nhỏ. Ông nói ông được nghe chuyện một bà cụ 88
tuổi, bà nói rằng phải đi bộ, phải tập thể dục để chống lại bệnh hoạn. Mỗi
ngày, bà đi bộ hơn một giờ. Bà nói rằng: “Mình phải biết tự thương mình. Con
cái có thương mình, chúng có thể cho tiền bạc, quà cáp chứ không cho mình sức
khỏe được. Mình phải tự lo lấy để mà sống cho vui, sống cho có… chất lượng”.
Ông nói rằng thể dục làm tăng tuổi thọ chứ không
làm giảm. Ngoại trừ ham tập, tập quá sức thì lăn kềnh ra mà chết, mau lắm. Bơi
lội là tốt nhất, vận động đủ các thứ bắp thịt nhưng tuổi già thường sợ nước, sợ
lạnh. Cái gì sợ thì không nên làm, hại cho sức khoẻ, hại thần kinh.
Mỗi lần nghe có người than là mất ngủ, ông thường
nói say sưa về bệnh nầy. Theo ông thì những người nầy, đã ngủ đủ, ngủ thừa nên
không ngủ thêm được mà tưởng là mất ngủ. Vì ban ngày, họ cứ thấy mệt, mắt ríu
lại là ngủ những giấc ngắn. Nên biết, ngủ một giấc chừng 15 phút lúc ban ngày
có thể tương đương với một giấc ngủ 1 hay 2 giờ ban đêm. Mỗi đêm, người bình
thường chỉ cần ngủ ngon chừng 3 hay 4 giờ là đủ mạnh như gấu bắc cực. Nếu không
ngủ ngày thì đêm về, ngủ dễ lắm. Không phải tuổi già là mất ngủ. Bằng chứng cho
thấy chó mèo già ngủ li bì, ngủ ngày, ngủ đêm, ngủ liên miên. Người già dư thì
giờ, ban ngày ngủ rồi thì ban đêm khó ngủ là chuyện thường.
Ông thường nói rằng đừng sợ mất ngủ. Khi không
ngủ được thì dậy đọc sách, viết thư, làm thơ, xem truyền hình, gõ máy vi tính,
đọc thư bạn bè, hãy tận hưởng cái thời gian quý báu đang có. Rồi chờ cho thật
buồn ngủ, không thức nổi nữa thì vào giường nằm, sẽ ngủ được ngay và ngủ một
giấc ngon lành cho đến sáng. Ðừng ép giấc ngủ, ép giấc ngủ sẽ khó ngủ hơn. Cũng
đừng uống thuốc ngủ. Ðại kỵ. Uống thuốc ngủ nhiều làm hư hại hệ thống thần
kinh. Ðừng nằm nhắm mắt mà đếm cừu, nếu phải đếm thì đếm những người tình cũ
thì mau ngủ hơn. Nếu đời chỉ có một hai người tình thôi thì đừng đếm một hai,
một hai, không có lợi. Hoặc nằm mà hát trong trí những bài ca du dương, đẹp,
gợi nhiều kỷ niệm êm ái, thân thương.
Bà chị ông, cứ than phiền là mất ngủ nhưng khi đi
chơi, hễ cứ leo lên xe thì quẹo đầu ngáy khò khò, ngủ suốt buổi, suốt ngày, ngủ
mà quên xem phong cảnh. Ngủ như thế thì no rồi, dư rồi nên khi đến khách sạn
thì làm sao mà ngủ thêm được nữa. Bà chị nói đi chơi xa sợ mất ngủ. Bà ấy thực
sự ngủ nhiều hơn ai cả mà bà tưởng là mất ngủ. Một chị khác than là mất ngủ
kinh niên, ghé nhà ông chơi, ông nói là sẽ chữa bệnh mất ngủ cho chị. Ông dẫn
chị kia đi chơi, suốt ngày lội bộ, chị vừa đi vừa ngủ gật, ông không cho ngủ.
Ông nhờ hết việc này qua việc nọ, không để chị có thì giờ mà ngủ gật. Ðêm không
cho đi ngủ sớm. Mới mười giờ đêm, mệt quá, chị năn nỉ xin đi nằm và đánh một
giấc ngon lành dài đến sáng hôm sau.
Trong mấy hôm liên tiếp, đêm nào chị cũng ngủ li
bì, ngủ ngon, không cần thuốc thang chi cả. Ông truyền bí quyết là không ngủ
ngày, mệt mấy cũng không ngủ, ban đêm đừng đi ngủ sớm, phải chờ cho mắt ríu
lại, mở không ra mới đi ngủ thì ngủ ngon!
Nhiều người già tự đặt cho họ một kỷ luật để
sống. Theo ông thì có kỷ luật cũng tốt mà không kỷ luật lại càng khỏe hơn.
Nhiều người tính tình nghiêm khắc, mọi sự đều phải răm rắp đúng như quy định
mới chịu. Tội chi vậy, nếu không răm rắp mà không chết ai, hại ai thì răm rắp
làm chi cho khổ mình, khổ người? Nên dễ dãi với mọi sự, dễ dãi với chính bản
thân mình, kẻo tội nghiệp nó. Khắc kỷ cũng là điều hay nhưng tội gì mà tự khắt
khe với chính mình, người khác không khắt khe thì thôi. Nên cứ xem mọi sự như
trò chơi. Chơi vui nhiều thì tốt, vui ít cũng tốt luôn. Ông không mong cái
tuyệt đối, hoàn hảo.
Trong một cuộc chơi, ông không hy vọng được tất cả mọi người tham gia, có ít
vui ít, có nhiều vui nhiều. Hai ba chục người cũng vui, mà năm bảy bạn bè cũng
vui luôn. Nếu hụt một cuộc chơi, một cuộc gặp gỡ, ông cũng không tiếc, chẳng
sao cả, ông về nhà mở nhạc, mở TV ra mà thưởng thức. Ông nghĩ, được thêm một
dịp nghỉ ngơi, yên tĩnh. Có lần đi trễ máy bay? Ông bình tĩnh xin đi chuyến sau
mà không được. Ông cũng cười, không bực mình, quay về nhà, pha một bình trà,
đem một tập thơ ra mà ngâm vịnh, nằm ngửa mà thưởng thức cuộc tranh tài thể
thao. Ông nói, đôi khi nhờ trễ một chuyến máy bay mà sống sót nếu máy bay rớt.
Chiều ra ngoài quán uống cá phê xem sinh hoạt phố phường. Nói chuyện tào lao
với chủ quán, là dzui!
Ông không bao giờ tranh luận gay gắt với ai. Ông
nói, tranh luận làm chi cho mệt, rồi giận nhau? Trong tuổi già, khi có cuộc
tranh luận thì tránh là tốt nhất. Nếu không tránh được thì chịu thua đi, thắng
làm chi, để cho đời ngắn lại? Thắng tranh luận, làm thiên hạ ghét, làm mất lòng
bạn, làm người bị thua tức giận và nóng mặt, không ưa mình. Không ai ghét người
thua trong cuộc tranh luận. Người thắng cuộc, dễ bị ghét hơn. Thử đánh một ván
cờ xem, nhường cho đối phương thắng, làm họ vui hơn, không chừng mình được đãi
đằng hậu hỉ hơn.
Ðến nhà người ta, mà cãi nhau, tranh thắng, làm
họ mất mặt với vợ con, với bạn bè, thì đừng mong chi được tiếp đãi thắm thiết.
Khi thua, mình không thiệt thòi, mất mát chi cả, mà lại được thương mến, tại
sao không chọn tình thương, mà chọn cái bị ghét. Thắng tranh luận, cũng chưa
chắc mình đã giỏi hơn người, mà giỏi hơn để làm chi? Và cũng chưa chắc người ta
đã chịu cái lý của mình là đúng. Trong tình vợ chồng cũng vậy, nhiều ông nhiều
bà tranh hơn thua từng ly, từng tí, cãi vả nhau tưng bừng về những điều không
ích lợi chi cho ai cả. Rồi giận nhau, nói nặng nhau, làm nhau đau đớn vì lời
nói thiếu tử tế, thiếu lịch sự. Có ích lợi gì đâu.Tranh nhau thắng thua, làm
sứt mẻ hạnh phúc gia đình, làm mất đi thì giờ quý báu bên nhau, làm không khí
gia đình nặng nề. Ðừng bao giờ nói là phải làm cho ra lẽ, không thì hoá “đụt”.
Hãy cứ để cho chồng mình, vợ mình thắng đi, cho họ sướng. Tại sao đi ra ngoài,
không dám “đấu” với thiên hạ, mà về nhà lại “đấu” nhau làm chi cho mất vui.
Ông thường nói, cứ chịu thua đi là khoẻ nhất. Ông
đã thua thì không việc chi mà ai đó gây hấn thêm. Ðúng hay sai, ông tự biết.
Không cần tranh luận nhiều. Có tranh luận thì cũng chưa chắc đã thuyết phục
được đối phương mà không gây mất mát.
Khi có ai chê bai ông, ông chẳng bực mình, không
giận hờn mà cứ cười, và xem như không. Ông tự nhủ, biết đâu ông cũng đáng chê,
đáng trách. Nghe thiên hạ chê, để mà sửa mình, biết mình còn cái chưa hay, sai
sót. Không phải ông là kẻ mặt dày không biết xấu hổ, nhưng thiên hạ chê mà
không phản ứng, thì như gió qua truông. Có một ông khác, bị vợ chê bai hoài,
chê đủ thứ. Ông nầy chỉ cười mà nói với bà vợ rằng, ông không ngờ bà xui xẻo
đến thế, lấy phải một thằng chồng tệ hại như vậy, tội nghiệp cho bà quá. Bà vợ
nghe mà chột dạ, và biết đã ăn nói quá trớn.
Khi nghe ai khoe khoang, ông cũng không bắt bẻ,
không lật mặt thật của họ ra, sợ làm cho họ xấu hổ, bẽ bàng. Ông cứ giả vờ tin,
để mà đãi họ vài phút vui sướng, cũng là làm được một việc thiện nho nhỏ. Ông
không mất gì, và chẳng thiệt hại cho ai mà cuộc đời này thêm vui, thêm tử tế.
Bởi nghĩ thế mà ông làm.
Ông quan niệm rằng, trong tuổi già, có mơ ước thì
cũng tốt, mà không có chi cả thì tốt hơn, và khôn ngoan hơn. Khi trẻ, nhiều thì
giờ, nhiều năng lực mà chưa có hoài bão nào làm xong thì khi già rồi, mong chi
đạt được. Tội chi đeo vào thân cái hoài bão cho khổ. Già rồi, đừng xem cái gì
là quan trọng cả. Từ danh vọng, tiền tài, tình yêu. Ngay cả cái mạng sống của
mình, cũng đừng xem là quá trọng. Có lần, ông đến thăm một nhà văn đang nằm
thoi thóp, miệng ngậm một cái que gỗ có thấm nước cho đỡ khát, sắp chết vì ung
thư. Ông nhà văn còn thao thức vì một tác phẩm để đời chưa khởi đầu được. Chết
chưa an lòng. Ông nói: “Thôi bác ơi, chuyện gì mình chưa làm được, thì thế nào
con cháu mình sau này cũng làm. Yên tâm mà dưỡng bệnh đi”.
Ông cho rằng, cứ năm ba ông bà bạn già gặp nhau,
uống vài ly trà, cà phê, mà nói chuyện nhảm cũng là một thứ hạnh phúc trong
đời. Ông nói, dù đến để nghe thằng bạn già nó chửi mình, cũng cứ dzui, được
người ta chửi, tức còn có người để ý đến mình, còn hơn là không ai khen, ai
chửi cả. Những dịp ra mắt thơ, ra mắt sách, ông thường tham gia cho cuộc họp
thêm xôm tụ. Cho tác giả sướng. Ông khoái các buổi ca nhạc cây nhà lá vườn, tài
tử. Nó cũng có những cái hay của nó.
Những buổi họp mặt anh em bạn cũ, ông không bao
giờ bỏ qua, ông nói là không tham dự thì uổng lắm. Ông cho rằng, tuổi già mà
còn gặp lại được bạn xưa, thì không còn gì quý báu hơn. Nằm nhà xem sách, xem
truyền hình, đá banh, đâu vui bằng gặp bạn cũ. Gặp dịp vui thì cứ vui kẻo uổng,
biết mình còn sống được bao lâu nữa mà mãi phí ngày giờ chạy theo lợi lộc. Mỗi
khi có ai mời đi đám cưới, tiệc tùng, ông đến đúng giờ, mà thiên hạ tà tà đến
trễ, ông cũng không bực mình. Bởi người ta quen giờ cao su rồi. Họ có cả trăm
ngàn lý do để biện minh. Ông có đến sớm, thì cũng có cái lợi khác, được nói
chuyện, gặp gỡ, tâm sự tào lao với những bạn bè mà từ lâu ít có dịp gặp nhau.
Cũng vui và quý. Dễ chi có cơ hội thuận tiện để gặp nhau. Ðến khi dọn thức ăn
ra, không còn cơ hội để nói chuyện nữa vì ai nấy lo gắp, lo nhai... không rảnh
mà nói chuyện. Khi ăn xong thì bạn bè vội vã ra về vì đường xa, vì đêm khuya,
vì mệt nhọc. Bởi vậy, ông cứ vui với cái bê bối của thiên hạ và bằng lòng với câu "Không ăn đậu là không phải Mễ, không
đi trễ là không phải Việt Nam". Ông Phiên
Phiến thường nói, tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự cho khoẻ, cho sướng cái
thân già của mình.
Hội ta đúng là toàn các ông bà "phiên phiến " cả ? Bây giờ đã ngoài 60 mới ngấm điều đó sao? Thằng HT,Q mõ làng nó nổi tiếng về" phiên phiến "từ hồi trẻ nên về già quen vậy nên bị vợ chê lắm (chả bù các bạn Ninh ,Trí ,Đạt,Hùng ..rất kỹ đến ăn và chơi cũng khác người) Cha mẹ sinh con còn trời sinh tính và phú quý sinh ra lễ nghĩa
Trả lờiXóaHội K16A CTM ĐHBK