Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Truyền thuyết biệt danh

Bạn bè nhắc đến nhau, đầu tiên là cái biệt danh. Gặp nhau xưng tên thì chưa chắc đã nhớ ra, nhưng nói thêm cái biệt danh thì đến 99% là nhận ra bạn. Có lẽ ấn tượng nhất vẫn là những biệt danh thời sinh viên đại học và cái biệt danh ấy có sức sống mãnh liệt nhất vì tới cái tuổi đã ngoài hoa giáp, lên đến chức ông bà nội, ông bà ngoại rồi mà vẫn giữ biệt danh, không chịu bỏ.

Chắc chả có ai ghi chép được biệt danh của bạn xuất hiện vào tháng năm nào. Vì nhiều biệt danh chỉ bật ra khi có những hành động cụ thể. Một số biệt danh lại được đặt ghép sau tên của bạn ngay cái nhìn đầu tiên. Tác giả của những biệt danh này chắc chắn là bọn bạn hay ghen ghét đố kỵ, vì chả có biệt danh nào... hay ho đẹp đẽ cả

          Có lẽ cái biệt danh gợi cảm nhất lại gắn vào cái tên một bạn Hà Nội phố cổ. Người thanh lịch bậc nhất này... lỡ lời than thở với bọn bạn những nỗi phiền toái vì bị gái đẹp ngày đêm quấy rối cuộc sống thanh cao êm đềm. Sự quấy rối được bạn mô tả rất tỉ mỉ, để cho bọn bạn phải nuốt nước bọt suông. Cái cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” thì sẽ dẫn đến hậu quả là sự ganh tỵ, đặt biệt danh cho bạn này là "dê". Mở ngoặc "dê" ở đây là dê cụ - chuyên trấn cửa chuồng mỗi buổi sáng. Nhưng cũng chính vì sau khi có cái biệt danh này mà các bạn nữ trong lớp mến yêu bạn này hơn. Thậm chí có bạn nữ xinh ơi là xinh hễ hát bài Hàng chuối tiêu là rủ bằng được “dê” song ca.

           Một bạn sống ở khu vực nồng nặc hoa sữa nhất Hà Nội, luôn luôn ăn mặc sang trọng và lịch lãm, nhiều khi còn khá chau chuốt nhan sắc theo lối những trí thức nổi tiếng của nước nhà. Khó khăn, gian khổ như hồi sơ tán ở Hiệp Hòa, Bắc Giang mà trước khi ra khỏi nhà để lên lớp, bạn không quên động tác ghé qua bể nước nhà chủ vuốt vuốt thêm cho mái tóc... bồng bềnh. Thế mà ác thay, bọn bạn ghen tị, tung tin là bạn ấy có khiếm khuyết cơ thể và gán cho cái biệt danh là “mụn”! Những năm sau đó, mặc dù cố gắng học tập, gương mẫu phấn đấu không ngừng, lên đến chức tổ trưởng rồi mà vẫn không xóa được biệt danh kém thẩm mỹ kia.

        Bạn này từ lúc vào trường đã có dáng đi oai vệ, mặc dù chả chức tước gì. Mặc dù chịu khó luyện tập thể hình, a-e-dô-bích... đều đặn nhưng không cải thiện được chiều cao. Khi chụp ảnh hay gặp gỡ bạn bè thì cứ hay chen vào đám cao trên 1,6 mét thành ra có cái biệt danh là “lùn”. Bạn này nổi tiếng với những lần sinh viên làm thực tập hay làm cửu vạn được bồi dưỡng thêm tem phiếu – mỗi ngày được những... 100 gr. Tập trung số tem phiếu lại và đưa cho “lùn”. Bọn bạn đứng nấp ở góc phố, đẩy “lùn” về phía mấy em “phe”. Sau mấy cái đập đập tay vào tập tem phiếu, các em “phe” mũm mĩm vây lấy “lùn”. Xong việc, “lùn” quay lại chỗ đồng bọn, ngoắc tay kiểu tài tA-long Đờ-lanh, ý bảo: Đi thôi! Rồi sau đó, y như là ở quán nào đó có một trận đánh chén kinh hồn.

        Trong lớp có bạn ra đời chậm hơn các bạn có mấy tháng, thế mà bọn bạn cho ngay cái biệt danh là “con”. Tuy “con” nhưng tia gái hơi bị... sớm. "Con" nhưng vừa vào lớp đưa ngay người đẹp có đôi khuyên tai bằng vàng vào tầm ngắm. Bạn này ham học hơn chơi nên số học kỳ lên lớp dài hơn bình thường. Do sớm được cưỡi những chiếc xe máy xịn nhất Hà Nội nên thường bị bạn lợi dụng rủ đi cưa gái. Mà bạn “con” thì hiền quá, hay bị bắt nạt. Ví như có thằng bạn đểu nhờ đèo xe máy Bơ giô đi cưa gái trong ngõ hẹp, không dắt được xe vào, quay ra mắng: Khóa vào cột điện í, sợ mất à? Mất thì... mua cái khác!

Một bạn khác có nhà chiếm mấy héc ta quanh cái gò đất ngàn năm văn vật. Năm 1972, sinh viên có mấy đợt khám nghĩa vụ quân sự. Một lần ở chợ Bầu, bạn được mời đi khám. Khi được yêu cầu giơ hai tay về phía trước, bạn cứ để cánh tay trái cao hơn cánh tay phải. Bác sĩ bắt làm lại vài lần, kết quả vẫn vậy, đã phát cáu: Anh định đùa với tôi, phỏng? Có lẽ từ chuyện này mà bọn bạn suy diễn ra cái hình tượng con gà khỏa thân nằm trên bàn thờ. Thời sinh viên, bạn "gà" giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành nghề cơ khí. Vì thế mà bọn bạn - mặc dù vẫn gọi là “gà” - nhưng hay nhờ vả làm bài hộ, nhờ vào dây chạy điểm thi lại hoặc quăng xe đạp nhờ sửa. Sau này bạn “gà” làm quan to, nhưng mỗi lần gặp nhau vẫn thường được các bạn gái yêu quý... đòi n.

            Hồi mới vào trường, đám bạn sinh viên Hà Nội rủ nhau đi thưởng lãm phong cảnh Hồ Tây, ngã vào hàng bánh tôm. Mỗi người một xuất, đánh chén vèo một cái là xong. Một bạn – lúc đó chưa có biệt danh – có hành động kỳ quặc. Nghe kể lại là bạn ấy mang bát đĩa xuống mép hồ Trúc Bạch. Thấy lạ, cả lũ nhìn theo và hỏi: Mang đi đâu? Bạn ấy ngơ ngác như đang "đạp trên lá vàng khô", trả lời: Đi... rửa! Bọn bạn cười ầm lên và đặt ngay cho bạn ấy biệt danh: “Ngơ”. Những năm học trong trường, bạn ấy chuyên trêu chọc bạn ngồi cạnh. Có lần “ngơ” trộm dép của bạn đẹp giai, nhét vào cặp của bạn xinh gái. Kết quả: bạn đẹp giai phải vừa khóc vừa đi chân trần về nhà. Mỗi lần tụ họp ăn nhậu, “ngơ” xui bạn bốc trộm mấy nắm lạc của bà già nhịn ăn dành dụm, để làm mồi nhậu cho cả bọn. “Ngơ” có biệt tài trốn học suốt năm năm học mà chả ai biết! Nhiều môn học, giáo viên biết mặt “ngơ” lần đầu tiên khi hỏi thi.

        Chuyện những biệt danh thời sinh viên còn nhiều lắm, không thể ghi chép hết được. Có thể sau này, các bạn tham gia bổ sung thêm về đề tài này. Có một số bạn học cùng năm đầu, sau đó đi bộ đội hoặc chuyển sang lớp khác, nhưng biệt danh vẫn đeo đuổi cho đến ngày hôm nay. Có hai bạn nhà cùng ở phố Huế: Bạn “điên” và Bạn “sứt”. Bạn “điên” vì... học cực giỏi nhưng nghịch ngợm vào loại số một. Sau này làm chức vụ cao, còn mua thêm chân nghị gật nữa... nhưng mỗi lần nhắc đến bạn ấy thì chỉ  nhớ dáng điệu, những câu nói hơi... điên điên. Còn bạn “sứt” thì cũng là bạn học giỏi, nhưng nổi tiếng nghịch dại. Biệt danh có được cũng rất đơn giản, chẳng qua là cái răng cửa của bạn ấy bị... sứt một miếng nhỏ như hạt vừng đen. Còn nhiều bạn khác nữa, có thể vì sợ biệt danh mà trốn học đi theo bộ đội đánh Mỹ hoặc bí mật chuyển sang lớp khác, thậm chí chạy về ở hẳn nhà không đi học nữa.

        Trong khi phần lớn bạn vào lớp mới được đặt biệt danh thì có một bạn mang biệt danh ra khoe trước. Bạn này kể: Hồi học phổ thông được ông anh họ, công tác tận rừng xanh núi đỏ rủ đi ăn ở Hàng Buồm. Do trúng quả buôn... nước mưa nên mạnh tay đãi ông em họ món mì vằn thắn nổi tiếng. Lần đầu tiên trong đời được vào ăn hiệu, ôm trong tay bát mì nóng hổi mà nước miếng chảy vòng quanh. Chợt thấy lẫn trong đám rau hẹ, thịt xá xíu và miếng trứng luộc cắt tư có mấy cục... mì lổn nhổn. Không biết đó là vằn thắn mà tưởng là cục mì vón nên lựa gắp bỏ ra bàn. Ông anh họ mải nói chuyện với chủ hiệu mì nên không để ý. Khi ra ngoài đường, bạn ghé tai ông anh chê bai: mì vằn thắn gì mà cho ăn cục mì vón, cán không kỹ... Ông anh ngửa mặt nhìn thẳng vào mặt trời giữa trưa hè mà hét to: “Tẩm thế!” và giải thích cho bạn cái ngon lành tinh túy, cái làm nên tên tuổi của món mì. Không chỉ có thế mà về đến nhà, ông anh họ lại toang toác kể cho mọi người nghe chuyện, cả làng ôm bụng cười ngặt ngẽo. Bà chị gái nổi tiếng là ít nói, nhìn bạn từ đầu đến chân, rồi cũng phải ca lên: “Tẩm ơi là tẩm!” Thế là bạn ấy có cái biệt danh “Tẩm” từ đó.

        Có lẽ vì ngưỡng mộ tài năng làm thất bại âm mưu của bọn bạn trong việc áp đặt biệt danh bằng cách... nhận biệt danh trước nên bạn “Tẩm” được Hội cựu sinh viên ban cho cái chức Chủ tịch Hội chăng?

Hà Nội, trong một lúc buồn không thể tả được, tháng 10 năm 2016

2 nhận xét:

  1. Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì Ai ?Q buồn nên "rặn" ra tùy bút đọc vui ra phết Tôi kể ra từng biệt danh trên vì mình có quá nhiều mà và "tẩm " chỉ là 1 trong số đó thôi Chàng trai có biệt danh "dê"là Đạt và chàng sống phố Ng Du nồng nàn hoa sữa còn là ai nưa bạn Trí "mụn" Người dáng oai vệ lại bị cho là "lùn" là Ninh còn kemas bạn mấy tháng tuy cùng tuổi Ngọ mà sinh năm 1955 nên 'trẻ con"là Tiến Rồi Đại gà ,Quang ngơ và thêm tẩm thêm Tùng đen và bạn nữ nữa có biệt dang trên tôi không tiện nhắc tên rồi Thanh bột ,và bạn Thanh nữa có biệt danh hay hay nữa ..nhiều lắm kể không xiết những giai thoại của một thời sinh viên và đến ngày 15/10 tới đây tha hồ mà nghe các bạn tôi ."chém gió" Hẹn ngày đó còn nhiều chuyện để Kể ?
    H/T Cường "tẩm"

    Trả lờiXóa
  2. Những chuyện này các ông kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần trong suốt 45 năm qua... Ký ức ghi lại có thêm thắt gia vị nên đỡ... nhàm chán!

    Trả lờiXóa