Matxcơva là thủ đô của Liên bang Nga. Nằm ở phía tây đất
nước, với diện tích khoảng 878,7 km, đây là một trong những thành phố lớn và
đẹp nhất thế giới.
Dòng sông Matxcơva đẹp như một dải lụa, uốn lượn từ phương
Bắc chảy đến, sau khi vòng theo hình móng ngựa, nó chảy vào dòng sông mẹ của
nước Nga là sông Volga.
Khu vực thành phố Matxcơva phân bố trên bảy khu đồi núi bên
kia bờ sông, ngoại vi của thành phố là những công viên và cánh rừng rộng lớn.
Mạng lưới quốc lộ như mạng nhện đã kết nối trung tâm thành phố và các khu ngoại
ô thành một thể thống nhất. Khi vào cửa ngõ Matxcơva, những cảnh đẹp như tranh
của thành phố hiện ra trước mắt du khách. Đó là Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ,
Đại Kịch Viện, Đại học Matxcơva, những bức tượng đặt trong thành phố. Tất cả
đều chứng minh sức hấp dẫn thời hiện đại, đồng thời biểu hiện nền văn minh cổ
xưa của thành phố này.
Điện Kremlin nằm ở trung tâm của Matxcơva và là biểu tượng
của thành phố. Trong tiếng Nga, “Kremlin” có nghĩa là “Nội thành”. Điện này
được xây năm 1156, khởi đầu chỉ là một kiến trúc bằng gỗ, theo hình dáng một
thành phố nhỏ. Sau vài lần mở rộng, nó mới có quy mô như ngày nay. Trên thực
tế, điện Kremlin là một quần thể kiến trúc lấy giáo đường là kiến trúc chính.
Vừa bước vào cửa, ta sẽ thấy ngay quảng trường của giáo đường trung ương. Giáo
đường này được xây bằng đá đỏ. Trên quảng trường là đại giáo đường có đỉnh mái
vàng đứng sừng sững.
Điện Kremlin có cấu trúc hình tam giác, diện tích 275.000 m2,
các bức tường ở ngoại vi điện có những công sự được lát bằng gạch đỏ xen kẽ
nhau, cái cao cái thấp, những tháp hình lầu kỳ dị, trên đỉnh của 5 tháp lầu cao
nhất được trang trí bằng ngôi sao 5 cánh được làm bằng thạch anh đỏ, có đường
kính 6 m. Dù là ngày hay đêm, những ngôi sao này luôn lấp lánh trên bầu trời
thành phố Matxcơva.
Điện Kremlin là cung điện hoàn toàn theo kiến trúc truyền
thống của Nga. Nó được gọi là “Cung Đa giác” bởi bức tường ngoài của đại sảnh
nằm trên tầng thứ hai được lát bằng những viên đá trắng đa giác. Đây từng là
nơi cử hành hôn lễ của hoàng gia, tổ chức các ngày lễ lớn và là nơi Sa hoàng
tiếp kiến các sứ thần ngoại quốc. Kiến trúc cao nhất của cung điện này là lầu
chuông Ivan Đại đế. Lầu chuông màu trắng, có đỉnh vàng, cao 81 m, bên trong có
50 cái chuông đồng. Chuông lớn nhất có chiều cao 6,14 m, đường kính 6,6 m,
trọng lượng hơn 200 tấn, âm thanh có thể truyền xa hơn 50 km. Trong điện này
còn có khẩu đại pháo dài 5,34 m, đường kính miệng là 0,89 m, nặng 40 tấn. Cùng
một lúc 3 người có thể chui vào khẩu đại pháo được đúc bằng đồng từ năm 1540
này. Tuy nhiên, khẩu pháo chưa một lần nhả đạn mà chỉ được đặt trong cung điện
để mọi người thưởng ngoạn.
Phía sau điện Kremlin là Đại giáo đường Thánh mẫu thăng
thiên, một kiến trúc nguy nga hùng vĩ. Các Sa hoàng cử hành lễ đăng quang tại
đây. Đại giáo đường thiên sứ nằm ở phía nam điện Kremlin, là nơi chôn cất các
vua chúa trước thời Pie Đại đế. Trong điện còn có một công viên lớn.
Phía trước là Quảng trường Đỏ nổi tiếng. Tương truyền rằng,
trong suốt thời gian chấp chính, Sa hoàng Ivan đã ra lệnh duy trì một khoảng
sân lớn để đề phòng hoả hoạn hoặc khi bị quân địch tập kích. Ông đã cho xây
dựng sân này thành quảng trường hẹp về phía đông - tây, dài về phía nam - bắc,
diện tích khoảng 90.000 m2. Đây là quảng trường cổ xưa nhất của
Matxcơva, từng là nơi tổ chức chợ phiên, có lúc là nơi xử án tử tù thời còn Sa
hoàng cai trị. Sau Cách mạng tháng Mười, quảng trường này trở thành nơi duyệt
binh và tổ chức các cuộc mitting của nhân dân. Phía tây quảng trường là lăng
Lenin, hai bên lăng mộ là lễ đài. Sau lễ đài là phần mộ các nhà lãnh đạo quốc
gia Liên Xô trước đây.
Quần thể kiến trúc quang Quảng trường Đỏ rất trang nghiêm
và mang đậm sắc thái cổ xưa. Trong đó, Đại giáo đường Vasili Boasni được kết
hợp từ 9 giáo đường nhỏ, hoàn toàn theo phong cách Nga. Đỉnh tròn của các giáo
đường này có độ lớn nhỏ không đồng đều, màu sắc và hình dạng không giống nhau.
Có hình giống củ hành tây, có hình lăng giác, hình con cóc, tạo ra một cấu tứ
kỳ diệu và đầy cảm hứng. Quần thể kiến trúc này và điện Kremlin luôn tôn vẻ đẹp
của nhau, tạo ra một cảnh quan diễm tuyệt.
Matxcơva cũng là một thủ đô lớn được hiện đại hoá, là trung
tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn nhất nước Nga. Tuy nhân khẩu của thành phố
đã lên tới 9 triệu nhưng Matxcơva ít khi xảy ra tắc nghẽn giao thông như thường
thấy ở các thành phố khác trên thế giới. Đó là vì Matxcơva có hệ thống xe điện
ngầm hàng đầu thế giới. Vào tháng 5/1935, tuyến xe điện ngầm đầu tiên chính
thức hoạt động nhưng mới chỉ dài 11 km. Ngày nay, nó phát triển thành một mạng
lưới dài khoảng 200 km, 123 trạm và 9 chi tuyến. Mỗi ngày, xe điện ngầm ở
Matxcơva bắt đầu hoạt động từ 6h sáng đến 1h sáng hôm sau. Vào giờ cao điểm,
bình quân cứ 50 giây lại có một chuyến xe đón khách. Các trạm xe điện ngầm
chính là những điểm nổi bật nằm trong kiến trúc tập thể, mỗi trạm xe đều có một
phong cách và nét đặc sắc khác nhau, trông giống như một cung điện trang hoàng
mỹ lệ được xây dưới lòng đất. Không khí và nhiệt độ trong xe điện tự động điều
hoà.
Matxcơva là một thành phố nổi tiếng về văn hoá, với hơn 75
trường đại học và cao đẳng, hơn 60 viện bảo tàng và hơn 4.000 thư viện. Đại học
Matxcơva nổi tiếng được xây vào năm 1755, có hơn 20 hệ đào tạo và hơn 30.000
sinh viên, trong đó có nhiều lưu học sinh. Mỗi góc đường ở Matxcơva đều có các
bức tượng bằng đá cẩm thạch hoặc bằng đồng xanh, các bia kỷ niệm, như tượng của
Puski, Gagarin… Mỗi bức tượng giống như một cuốn sách giáo khoa lịch sử sinh
động.
Đời sống văn hoá của người dân Matxcơva rất cao, nhất là về
âm nhạc và nghệ thuật. Toàn thành phố có gần 30 viện ca kịch. Đại kịch viện
Matxcơva nằm ở trung tâm thành phố là một kịch viện vũ balett nổi tiếng, xây dựng
năm 1780. Kịch viện này mang đậm sắc thái của kiến trúc Nga cổ điển, dáng vẻ
diễm lệ với 5 tầng, mỗi tầng đều có hàng ghế lô và nhiều ghế thường, tổng cộng
hơn 2.000 chỗ ngồi.
Matxcơva còn là thành phố tràn ngập cây cảnh. Trong thành
phố có hơn 80 công viên, hơn 800 hoa viên. Ngoại ô thành phố có 11 khu rừng tự
nhiên, toàn thành phố có 340 km2 được phủ xanh, chiếm 40%
diện tích thành phố. Nhìn từ trên cao, Matxcơva thấp thoáng trong một biển màu
xanh bát ngát.
(Theo sách Những
nền văn minh thế giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét