Nhớ lại những ngày cuối tháng 12
năm 1972, khi đó chúng tôi đang là sinh viên Đại học Bách khoa sơ tán ở huyện
Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Khoảng bẩy giờ tối, ngày 18/12/1972, Phúc Trí, Lê
Ninh và tôi đang sửa soạn bữa ăn tối như thường lệ, với một cái mâm bày ra trên
sân nhà một gia đình nông dân mà trường bố trí cho chúng tôi ở nhờ. Lúc này,
bọn chúng tôi thường ra bếp tập thể, bố trí ở cuối làng, sát bờ ruộng bát ngát,
lấy cơm về nhà ăn cho thoải mái. Trên mâm cơm, có chút đậu phụ kho với nước
muối, rau muống nấu canh xuông (không có thịt) và… một cây đèn dầu. Vừa và
được mấy miếng cơm,
tiếng ù ù lớn dần.
Máy bay, máy bay, máy bay. Thói quen thời chiến đã giúp chúng tôi nhanh nhẹn
tắt ngay cái đèn dầu mặc dù biết rằng ở độ cao vài nghìn mét, phi công Mỹ cũng
không thể nhìn thấy ánh đèn hoặc không hề quan tâm đến vì chúng đang hướng về
phía Hà Nội. Sau khi trấn tĩnh trở lại, chúng tôi tập trung trên sân nhà, căng mắt
quan sát. Trời mùa đông, bầu trời sáng. Chỉ có thưa thớt vài mảng mây mong
manh, trải dài một vệt theo chiều Nam Bắc. Ẩn hiện sau vệt mây là một đàn máy
bay – phải nói là đàn vì không thể đếm được bao nhiêu chiếc – bay từ hướng tây
bắc tiến về Hà Nội. Tiếng động ù ù như tiếng quay cối xay lúa cho thấy đó là
B52. Những chiếc máy bay B52 bay không nhanh như các loại F105, F4H, … chúng lừ
lừ bay và đặc biệt bật sáng những ngọn đèn trên cánh và dưới thân như để đe dọa
kẻ thù dưới đất. Nhưng chúng tôi, nhân dân, bộ đội Việt Nam đâu có sợ. Và kết quả cuối cùng là
Mỹ phải chịu thất bại nhục nhã của kẻ thua trận. Mấy đêm tiếp theo của cuộc
chiến tranh, chúng tôi còn lên mặt đê sông Cầu ngóng nhìn về phía Hà Nội, reo
hò sung sướng mỗi khi nhìn thấy máy bay B52 bốc cháy rơi xuống cánh đồng.
Đó là ký ức thời sinh viên, còn
nhắc lại kỷ niệm 40 năm chiến thắng B52 chúng ta – những người làm khoa học kỹ
thuật – điểm qua các con số.
Trận tập kích đường không vào Hà
Nội bằng B52 cuối năm 1972 được Mỹ đặt tên là “Chiến dịch Linebacker II”. Đây là chiến
dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong
Chiến tranh Việt Nam, từ 18/12 đến 30/12 năm 1972, sau khi Hội nghị Paris bế
tắc và đổ vỡ. Trọng tâm của chiến dịch này là các cuộc tấn công dồn dập bằng
máy bay ném bom chiến lược B-52, ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải
Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong nhiều ngày đêm thay vì
các máy bay ném bom chiến thuật và mục đích là dùng sức mạnh và biện pháp không
hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Đây
là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là
một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến
tranh. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom
đã ném trong toàn bộ thời kỳ từ 1969 đến 1971.
Trong
chiến dịch này, Mỹ đã huy động:
- 197 máy
bay B-52 (trên tổng số 400 chiếc), thực tế xuất kích 741 lần chiếc;
- 1.077 máy
bay chiến thuật (trên tổng số 3.041 chiếc), thực tế xuất kích 3920 lần chiếc.
- 6 tàu
sân bay (trên tổng số 24 chiếc), gồm: USS America; USS Enterprise; USS
Midway; USS Oriskany; USS Ranger; USS Saratoga, cùng nhiều tàu chỉ huy - dẫn
đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu radar, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu, ...
Theo
thống kê của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong toàn chiến dịch ta phóng 334 đạn
tên lửa SAM-2, bằng 60% dự trữ số đạn tốt của Hà Nội, Hải Phòng, đồng thời phục
hồi được hơn 300 tên lửa cũ để tái sử dụng. Cùng với đó là 2.036 viên đạn pháo
100 mm, 15.669 viên đạn 57 mm, 19.454 viên đạn 37 mm, 1.147 viên đạn 14.5mm,
chiếm 66% lượng dự trữ của Hà Nội và Hải Phòng. Chưa kể 2 hệ thống tên lửa SAM-3
mới có uy lực cao cùng 100 tên lửa được chuẩn bị đưa vào chiến đấu từ ngày 31/12
năm 1972.
Sau 12
ngày đêm, quân và dân ta đã chiến thắng oanh liệt : bắn rơi 81 máy bay, trong
đó có 34 chiếc B-52 (có 16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-111 (có 2 chiếc rơi
tại chỗ), ... Sáng ngày 30/12/1972, Mỹ phải tuyên bố chấm dứt chiến dịch do
những thiệt hại vô cùng nặng nề về quân sự và chính trị, …
B-52 phơi xác tại Ngọc Hà, Hà Nội năm 2012 |
Trong 12
ngày đêm lịch sử ấy, phải kể đến trận chiến đấu rất vang dội, đó ngày 20/12,
ngày mà các B-52 của Mỹ phải chịu tổn thất cao nhất trong toàn chiến dịch. Trong
đêm đó, lực lượng phòng không của ta đã phóng 36 tên lửa SAM trong suốt 3 đợt
tấn công của B-52. Lưới lửa được tổ chức và điều khiển rất tài tình. Trong một
tình huống có tới cả 3 tiểu đoàn tên lửa cùng phóng đạn vào một chiếc B-52 vừa
mở khoang bom khiến nó nổ tung. Chớp lửa từ vụ nổ của 30 tấn bom mạnh đến nỗi
một máy bay trinh sát Mỹ bay trên Vịnh Bắc bộ cách đó tới 80 dặm vẫn còn nhìn
thấy. Chỉ 2
trong số 6 thành viên kíp lái trên chiếc máy bay này sống sót. Tư lệnh Quân
chủng phòng không Lê Văn Tri điện xuống Sư đoàn 361 thông báo: “Đội hình
tấn công của đối phương đã rối loạn. Chúng đang hoảng loạn réo gọi nhau và kêu
gào lực lượng tìm cứu phi công…”. Vào nửa đêm hôm đó, Không quân chiến lược
Hoa Kỳ đã chuyển sang các mục tiêu khác ở Thái Nguyên. Tên lửa phòng không Việt
Nam đã làm đội hình máy bay Mỹ đang trên đường tới tấn công mục tiêu đã phải tháo
chạy khi vấp phải hệ thống phòng không quá mãnh liệt. Đây được cho là cái điều
mà người Nhật, Đức, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không thể làm được trong các
cuộc chiến tranh trước đây. Đợt tấn công thứ 3 vào Hà Nội lúc 4 giờ sáng ngày
21/12, có thêm 3 chiếc B-52 bị hạ. Tổng cộng trong đêm đó, 7 máy bay B-52 bị
tiêu diệt (trong đó có 4 máy bay B-52G và 2 máy bay B-52B bị bắn rơi, một máy
bay B-52D bị bắn hỏng).
Đây chắc là Quang viết bài này vì "sặc mùi bộ đội" ngoài ra còn có số liệu cụ thể nữa chứ. Mình cũng có hồi kí ngắn về việc này. Hẹn gặp lại trong thời gian tới.
Trả lờiXóaMình văn dốt ,võ kém nên chỉ được cái "ăn theo" các bạn thôi .Ngày này của 40 năm về trước quả là có bao nhiêu kỷ niệm .Tôi cũng ở trong nhóm với tác giả bài viết đó và do "tư tưởng ,lập trường" không vững vàng nên có cơ hội là tối tối ra xem đánh nhau trên trời la hét om xòm bình luận lung tung .Sau nhiều mưu mô và bám càng cùng tác giả trên chiếc xe đạp cũ của Pháp vù về Hà nội đúng vào dịp ác liệt nhất .May mà "được chơi "và an toàn trở về không ai biết chứ không thì chắc chắn anh Nhi kỷ luật nặng vì tội to quá .Giá như tác giả có cái máy ảnh chụp chúng mình khi đó giờ tung lên mạng có phải hay không để"chứng minh" mình nói đúng .Tới đây ta lại gặp nhau ôn lại kỷ niệm của ngày này 40 năm về trước và hôm nay 21/12 là ngày "Tận thế "của tôn giáo nào đó mà
Trả lờiXóaHôi viên
HÀ NỘI, THÁNG 12
Trả lờiXóaTháng 12 năm 1972 chúng tôi sơ tán về Hà Bắc tiếp tục học. Đêm đêm nhìn về Hà Nội rực trời lửa khói mà sục sôi trong lòng. Ngày ấy có thơ rằng:
Bọn giặc Mỹ đảo điên lật lọng
Lại đánh vào Hà Nội thân yêu
B52 tưởng chừng nhanh chóng
San phẳng thủ đô trong một buổi chiều
Chúng rú chúng gầm lên kinh khủng
Tưởng chừng rách toạc cả trời mây
Xung quang chúng cả bầy hộ tống
Bởi chúng là “siêu pháo đài bay”
Hãy xem thủ đô ta ra trận
Đây Thăng Long hùng khí ngàn năm
Đây Đông Đô đất bằng nổi giận
Đây Hà Thành ngút lửa hờn căm!
Súng Hà Nội gầm vang giận dữ
“Rồng lửa”vút lên sáng đất trời
Như thần kiếm chém thù tan nát
Hà Nội ta yêu đánh tuyệt vời.
Từng chùm đuốc lửa “pháo đài bay”
Chúi đầu xuống đất vỡ tan thây
Ôi “sức mạnh không sao tưởng được”
Của Huê kỳ không lực là đây
Giặc Mỹ say đòn càng liều lĩnh
B52 liên tiếp bay vào
Hà Nội vẫn vững vàng điềm tĩnh
B52 liên tiếp quật nhào
Hiên ngang Hà Nội anh hùng
Điện Biên một trận lẫy lừng trên không
Thủ đô lũy thép thành đồng
Thủ đô ta ngọn cờ hồng vẫn bay!
Hà Bắc 12 - 1972