Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Sáu giờ đồng hồ trên Vịnh Hạ Long

Nhận lời mời của một tiến sĩ trẻ người Mỹ rủ đi chơi là một dịp quay lại một trong những địa danh nổi tiếng nhất thế giới: Vịnh Hạ Long. 

Gần 11 giờ trưa, chiếc xe cua một vòng rộng qua đón tại cửa Khách sạn Mélia. Sau khi chạy qua cây cầu Vĩnh Tuy, xe vào đường Quốc lộ 1 rồi chẳng bao lâu rẽ đi Phả Lại và thẳng tiến vào Thành phố Hạ Long. Những con đường mới mở tuy lạ lẫm nhưng cũng rất nhanh chóng giúp người lái xe định hướng bến cảng ra Vịnh. Sau ba tiếng rưỡi chạy xe, trong đó có nửa tiếng nghỉ ngơi và giải quyết bữa trưa gọn nhẹ ở thị trấn Sao Đỏ, chúng tôi được dẫn dắt lên ngay một con tàu du lịch khá sang trọng có sức chứa gần 50 người. Trên tàu đã có sẵn 6 người khách: 4 tây và một đôi uyên ương. Thêm chúng tôi nữa vỏn vẹn chín mống. Chủ tàu, một phụ nữ trẻ tuổi, đi ra đi vào, vẻ sốt ruột lộ ra trên khuôn mặt sáng sủa và chất phác. Sau ít phút tiến lùi, con tàu bắt đầu rời bến mà không có thêm người khách nào vì đã gần ba giờ chiều. Trời mây vần vũ, nắng đã tắt hẳn do có một đợt không khí mát đang tràn về trên cao. Chàng tiến sĩ Mỹ bắt đầu suýt xoa, chụp ảnh không ngừng. Lúc chụp tàu bè, lúc chụp những hòn đảo ở xa, ở gần rồi cảnh mây nước…


Tấp nập Hạ Long

Tàu ghé vào bến cho du khách lên tham quan động Thiên Cung. Những con đường lên xuống cửa động đã được xây dựng chắc chắn và khá hợp lý với những điểm dừng chân ngắm phong cảnh cho du khách chụp ảnh kỷ niệm.


Cửa động Thiên Cung

Sau chừng 35 phút đi hết chiều dài hang động và chờ cho chàng tiến sĩ xuống bến tàu, con tàu lại rời bến chạy theo hành trình tham quan vịnh. Đến gần một làng cá trên vịnh, thấp thoáng trong rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ là những đảo nhỏ có tên gọi như Hòn Chó đá, Hòn Đỉnh Hương, Đảo Chân Voi,… Điểm tham quan cuối hành trình mà người lái tầu khéo léo cho du khách ngắm nghía lâu hơn với mọi góc cạnh, xa gần là Hòn Trống Mái hay còn gọi là Hòn Gà Chọi. Đây chính là biểu tượng của Vịnh Hạ Long.



Hòn Gà Chọi

Con tàu đi một vòng chạy quanh hòn đảo để cho du khách ngắm kỹ từ hình ảnh ban đầu là đôi gà Trống Mái chạm mỏ vào nhau, cho đến khi chúng lồng khít vào nhau rồi dần dần tách ra làm ba hòn đảo nhỏ thì ở vị trí này người ta đặt tên cho chúng là Đầu Cá Song… Chàng tiến sĩ Mỹ à ồ tán chuyện với mấy du khách Tây ra chiều rất thú vị. Trong khi chúng tôi quá dửng dưng vì nó chả khác mấy so với những hòn đá được bày đầy ven Quốc lộ 21 từ Phủ Lý đi Nam Định hay bên Ninh Bình. Đúng năm giờ rưỡi chiều, tàu chúng tôi cặp bến và kết thúc chuyến đi. Chàng tiến sĩ Mỹ tỏ ra tiếc rẻ thật sự, cứ hỏi thăm mãi về lịch trình của một chuyến đi dài ngày, có cả những đêm dài ngủ trên vịnh mà cô chủ tầu mô tả. Rời bến tàu, chúng tôi đi thẳng qua cầu Bãi Cháy sang chợ Hạ Long. Nhanh chóng tìm đến gian hàng cô Thoan trong chợ, mua chút đặc sản Hạ Long về nhâm nhi và làm quà: chả mực giã tay. Trở lại Hạ Long sau gần một giờ đồng hồ thăm chợ, chúng tôi nghỉ ngơi ăn tối tại một nhà hàng hải sản. Đúng tám giờ tối, xe chở chúng tôi quay trở về Hà Nội. Dọc đường xe còn ghé qua Hải Dương để chàng tiến sĩ Mỹ ôm hai xách nặng thứ quà bình dân: bột sắn dây, bánh gai, bánh đậu xanh,… Đúng 23 giờ, chúng tôi về đến nhà trong khi chàng tiến sĩ Mỹ vẫn còn chưa hết quyến luyến: Nhất định đầu tháng Tư sẽ đưa cả công ty ra ngủ ở Vịnh Hạ Long vài ngày…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét