Một
trong số những bản nhạc cổ điển có ấn tượng đặc biệt là bản Boléro
của Maurice Ravel (1875 – 1937), một nhà soạn nhạc cổ điển người Pháp. Lần đầu tiên được nghe bản này, tôi rất chú ý
vì nhịp điệu như một khúc quân hành, tiếng trống dồn dập theo nhịp chân bước,
nghe rất sôi nổi. Nhưng trên nền nhịp điệu đó, giai điệu của bản nhạc chỉ nhắc
đi nhắc lại nhiều lần một đoạn với các loại nhạc cụ khác nhau và khi người nghe
bắt đầu sốt ruột thì âm thanh lại bùng lên với toàn bộ dàn nhạc để đến khi kết
thúc bản nhạc ta vẫn lắng nghe âm điệu chủ đạo vẫn còn ngân vang.
Sau
đây là mô tả bản Boléro của các nhà chuyên môn: Trên nền tiếng trống gõ theo
nhịp boléro và tiếng bật pizzicato của dàn dây, một sáo flute bắt đầu trình bày
giai điệu chủ đề trong toàn bộ tác phẩm. Một kèn clarinet lặp lại chủ đề rồi
một bassoon trình bày tiếp phần phát triển uể oải và ảm đạm. Rồi giọng dịu dàng
của kèn oboe d’amore nổi lên dẫn dắt giai điệu. Tiếp theo đó, một số nhạc cụ
đồng thời chơi giai điệu ở những giọng khác nhau. Dần dần, có nhiều nhạc cụ
tham gia hơn và kèn trombone gây ấn tượng với kĩ thuật glissando (vuốt âm) kiểu
nhạc jazz. Âm lượng của các nhạc cụ tiếp tục lớn hơn, huyên náo hơn. Đến gần
cuối tác phẩm, sự thay đổi đột ngột của điệu thức từ Đô trưởng sang Mi trưởng
phá vỡ tính ổn định của dòng nhạc. Tiếng chiêng và cymbal rền vang tạo cho tác
phẩm một kết thúc chói tai, kịch tính.
Trong
Boléro, Ravel đã xử lý dàn
nhạc như một cỗ máy. Tác phẩm hòa nhạc này như một mẫu hình tinh vi những bánh
răng và trục quay ăn khớp để cùng tạo ra một tổng thể. Boléro là một lời tiết lộ hùng hồn về sức mạnh của âm nhạc
vượt trên những giới hạn xúc cảm của chúng ta.
Mời thưởng thức:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét