Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Hành trình qua các di sản thế giới của Việt Nam

Sau gần hai tháng chuẩn bị, chuyến xuyên Việt (lần thứ Nhất) được ấn định ngày khởi hành. Sáng ngày 27/12/2011, chúng tôi xuất phát từ Hà Nội có bốn thành viên: hai anh em Dũng – Hùng, tôi và ông bạn Việt kiều Thắng Vũ. 7g30’ từ Trần Hưng Đạo chạy lên cây xăng đổ đầy bình A95, quay về Lò Đúc ăn sáng, sau đó vọt ra Quốc lộ 1A, đi một mạch. 

        Qua thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa), qua cầu Cừ khoảng 6 km rẽ phải vào Quốc lộ 217 đi 28 km đến thị trấn Vĩnh Lộc theo Quốc lộ 45 một đoạn thì rẽ trái vào Khu di tích Thành nhà Hồ. Đây là điểm thăm quan đầu tiên trong chuyến đi, một di sản văn hóa thế giới mới được công nhận tháng 6/2011. Chúng tôi chạy xe thẳng từ cửa thành phía Nam – cổng Tiền tới cổng phía Bắc – cổng Hậu và bao quát toàn bộ khu vực thành nội. Khu di tích còn hoang sơ, chưa có đầu tư cho du lịch. Sau chừng 30’ ngắm nghía, chụp hình kỷ niệm và tán chuyện với mấy cháu hướng dẫn viên, chúng tôi theo Quốc lộ 45 về Thành phố Thanh Hóa. Từ đây vào Quốc lộ 1A chạy thẳng vào Nghệ An. 12g30’ đi cách thành phố Thanh hóa chừng 20 km, chúng tôi dừng tại một quán ăn rộng rãi ngay ven Quốc lộ. Quán này trông khang trang, sạch sẽ, đông khách đi đường ghé nghỉ ngơi ăn uống. Ở đây có món cá hấp dẫn. 14g00’ chúng tôi đi tiếp đến Nghệ An. Vào thành phố Vinh, Dũng đưa chúng tôi vào Khách sạn Green Nghệ An, nơi bạn hay nghỉ mỗi lần vào Nghệ An công tác. Tối đó, chúng tôi đặt bữa ăn trong khách sạn. Tôi chỉ mê món cháo gà, còn các bạn thì ăn cháo lươn. Ăn xong lượn phố một lúc về khách sạn nghỉ ngơi sau hành trình 360 km.
Sáng hôm sau, ăn sáng tại khách sạn. Tôi làm bát cháo lươn Nghệ An nổi tiếng. 7g30’ chúng tôi đi Nam Đàn theo nguyện vọng của chú Hùng. Thăm quan Khu di tích nhà Bác tại làng Sen, rồi ra viếng mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Đại Huệ. Các khu này đều được tôn tạo mới rất quy mô và hoành tráng. Chúng tôi mua và đeo huy hiệu Bác Hồ lên ve áo mong đi đường được Người phù hộ. Khoảng 10g00’ chúng tôi lại đi tiếp trên quốc lộ 1A. Đi qua cầu bến Thủy cố gắng tìm biển chỉ đường vào Tiên Điền ở Nghi Xuân nhưng không thấy nên lỡ dịp ghé thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du. Qua thị trấn Nghèn, rẽ phải vào tỉnh lộ 6, rồi rẽ trái vào Quốc lộ 15 đến Ngã ba Đồng Lộc. Thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc xong, chúng tôi tiếp tục theo tỉnh lộ 2 ra Hà Tĩnh. Nghỉ ngơi và ăn trưa ở đầu thành phố Hà Tĩnh, 13g30’ chúng tôi tiếp tục đi trên Quốc lộ 1A. Đoạn qua huyện Kỳ Anh, bạn Dũng cảnh báo có đoạn “phố đèn đỏ”, quả đúng vậy: rất nhiều em áo đỏ vẫy xe chúng tôi. Qua đoạn này một lúc, xe bạn Dũng lái được CSGT “hỏi han” vì đi quá tốc độ (?). Hai bạn ngồi băng ghế sau choàng tỉnh tưởng được dừng xe đi đái. Mọi thủ tục cũng nhanh chóng hoàn thành, xe lại tiếp tục lên đường. Qua cầu sông Gianh, chúng tôi rẽ phải vào tỉnh lộ 2B, rồi tỉnh lộ 561 và rẽ phải vào đường Hồ Chí Minh đông đến Khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng. Từ trên đường Hồ Chí Minh đông, chúng tôi đã nhìn thấy dòng chữ “Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng” trên đỉnh ngọn núi đá. Vào đến sân Trung tâm Du lịch Văn hóa và Sinh thái Phong Nha lúc 16g00, trời đã tối nên không đủ thời gian vào thăm quan động Phong Nha, chúng tôi ghé vào Khách sạn Sài Gòn Phong Nha đặt phòng nghỉ. Tại đây, chúng tôi đặt làm một bữa đặc sản cá sông Son. Một con cá trẽm hơn một kg được hấp và nấu cháo làm cho cả đoàn tỉnh táo hẳn lên sau một ngày làm việc căng thẳng. Bữa tối đó đã sang trọng lại càng sang trọng vì toàn bộ khách sạn chỉ có 4 khách chúng tôi ngồi trong gian sảnh rộng rãi thoáng mát. Bốn bề vắng lặng, chúng tôi nghe rõ tiếng sóng vỗ oàm oạp ngoài sông Son, tiếng chim vỗ cánh ăn đêm, … Đúng là một bữa ăn nhớ đời (dù có hơi nặng tiền một chút).
Sáng ngày thứ Năm, 29/12/2011, sau khi giải quyết xong bữa sáng tại khách sạn, chúng tôi xuống thuyền ngược dòng sông Son vào thăm quan động Phong Nha. Cũng chỉ có 4 chúng tôi trên chiếc thuyền du lịch nổ máy phành phạch trên sông mà bình thường phải đủ 15 khách mới đi. Phong cảnh buổi sáng mùa đông thật bình yên. Mây mù giăng ngang các sườn núi. Trên sông tỉnh thoảng có chiếc thuyền nhè nhẹ lướt qua lại. Cô gái hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi vào động và nói: hôm nay do nước dâng cao – mà nguồn nước thì ở bên Lào chảy sang – nên không thể đi thuyền vào cuối động được. Chúng tôi đi bộ vào động chừng vài trăm mét rồi quay ra. Động Tiên Sơn (còn gọi là động Khô) đang sửa nên chúng tôi không lên được. Thế là quay về, hẹn có dịp sẽ quay lại. Khi đang viết những dòng này, Hội lớp K16A lại lên kế hoạch đi Phong Nha, thế là tôi lại đăng ký làm một thành viên tích cực…
10g00 chúng tôi trả phòng khách sạn đi tiếp đường Hồ Chí Minh vào Quảng Trị. Gần đến Quốc lộ 9, chúng tôi rẽ vào thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ở đây, chúng tôi bắt gặp lại những liệt sĩ của Thái Bình (đồng hương bạn Dũng và tôi), Hà Nội, … Chừng 30’ sau, chúng tôi lên đường ra Quốc lộ 9 thì rẽ trái đi Đông Hà. Đến Đông Hà, chúng tôi ghé chợ Đông Hà, người mua đồ Thái Lan, kẻ mua dép tông “gan gà” Lào, … sau đó tìm chỗ ăn trưa. 13g30’ chúng tôi đi tiếp vào Quảng Trị, ghé thăm đài tưởng niệm 19 anh hùng của trung đội Mai Quốc Ca đầu cầu Thạch Hãn và thành cổ Quảng Trị, sau đó chúng tôi tiếp tục vào Huế. Lúc 16g30’ đến Huế, chúng tôi ghé thăm chùa Thiên Mụ khi trời còn sáng và về nghỉ tại khách sạn Sông Hương (79-86, Nguyễn Sinh Cung).
Thứ Sáu ngày 30/12/2011, chúng tôi đi tiếp vào Đà Nẵng. Qua Đà Nẵng chúng đi thẳng đến Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam. Đây là một trong bẩy Di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận. Lúc này trời mưa to, chương trình thăm quan khá vất vả, cô gái hướng dẫn viên mua giúp cho chúng tôi mỗi người cái áo mưa. Mặc cái áo mưa, cử động kém thoải mái nên mất hứng chụp hình, quay video. Phong cảnh cũng ảm đạm, không đi được toàn bộ khu di tích mặc dù hướng dẫn viên rất chu đáo, nhiệt tình. Ra khỏi Mỹ Sơn, chúng tôi quay về Hội An. Dọc đường Quốc lộ 1A, chúng tôi ghé một quán ăn nhỏ và gọi món bê thui cầu Mống. Ăn xong chúng tôi vào phố cổ Hội An, một di sản văn hóa thế giới nữa của Quảng Nam. Tìm đến khách sạn Công đoàn Hội An, chúng tôi thuê phòng nghỉ và bắt đầu thăm quan phố cổ. May mà lúc này trời đã tạnh mưa, nhưng vẫn u ám, nhiều mây. Vẫn những địa danh quen thuộc: chùa Cầu, hội quán Phước Kiến,… chúng tôi đi rạc cẳng. Rồi lại hỏi han, mua bán, mặc cả,… Tối tìm ăn bát mì Quảng chính hiệu bên cạnh khách sạn. Ở đây bạn Dũng cũng kịp tìm chỗ rửa xe và mua xăng để chuẩn bị chặng đường lên Tây Nguyên ngày mai.
Sáng thứ Bẩy, ngày 31/12/2011, sau khi ăn sáng xong, chúng tôi quay ra Đà Nẵng, ghé thăm khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Từ chân núi Non Nước, chúng tôi đi thang máy lên thẳng chùa Linh Ứng và vọng Hải đài ngắm cảnh bờ biển Non Nước. Sau khi qua chùa Tam Thai, chúng tôi đi xuống và tiếp tục ra đường Quốc lộ 14B đến khu vực thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đi tiếp Quốc lộ 14. Qua thị trấn Khâm Đức huyện Phước Sơn, một huyện miền núi của Quảng Nam, trời vẫn u ám và mưa. Vượt qua đèo Lò Xo sang đất Kon Tum cũng đến giờ trưa, chúng tôi nghỉ ngơi và ăn cơm trong một quán ăn dọc đường, tuy tuềnh toàng nhưng cũng đông khách, phải kê cả bàn ăn ra hiên. Mưa vẫn không ngớt. 14g00’ chúng tôi đi tiếp đến Plei Cần. Lúc này đã 15g30’, đến giữa thị trấn, nơi có ngã tư mà rẽ phải là ra cửa khẩu Pờ Y, ngã ba Đông Dương, chúng tôi nghỉ uống nước. Lúc này trời bỗng nắng chói chang, không gian thoáng đãng, gió thổi rất mạnh từ cao nguyên lên. Từ đây chúng tôi đi tiếp đến Kon Tum mặc dù biết dọc đường còn có địa danh nổi tiếng Đắc Tô – Tân Cảnh. Đến Thành phố Kon Tum mới 16g30’, chúng tôi nhận phòng Khách sạn Đakbla ngay đầu cầu Đakbla, sau đó rủ nhau đi thăm quan Thành phố: Nhà thờ Chính tòa (còn gọi là Nhà thờ gỗ), cầu treo Konklor, nhà Rông…
Tối đến, chúng tôi tổ chức bữa tất niên (năm dương lịch), vì thế sau khi hỏi kỹ đặc điểm, địa chỉ của quán ăn, chúng tôi quyết định đi bộ ra quán và kết hợp ngắm nghía phố phường Kon Tum. Đi qua đến 7 cái ngã ba, ngã tư mới tới quán Bảy Hồng (số 101, đường Hùng Vương). Đây là quán thịt thú rừng nổi tiếng nhất Kon Tum do tính bình dân của nó. Quán không lớn, kiểu một nhà ăn tập thể, phục vụ các món nướng thịt rừng, giá khá rẻ và rất đông khách. Thế là gọi đủ cả: lợn rừng, nhím, chim gáy… với gần hết một két bia Sài Gòn xanh. Lúc về do căng bụng nên gọi tắc xi, đi có 1,7 km.
Sáng hôm sau, ngày đầu năm 2012, nắng vàng rực rỡ từ sáng sớm. Lúc 7g00’ chúng tôi ngồi sát bờ sông Đakbla uống ly cà phê sau khi đã ăn sáng ở quán phở Hà Nội. Cà phê đậm đà thơm lừng và còn rất rẻ. Chúng tôi tiếp tục hành trình đến Buôn Ma Thuột. 9g00’ qua thành phố Plei Cu, chúng tôi ghé thăm Biển Hồ (hồ T’Nưng). Một hồ nước rộng bằng nửa diện tích hồ Tây nhưng vì ở Tây Nguyên, nguồn nước rất hiếm nên được gọi là Biển. Nước ở đây trong xanh, trong một không gian sạch sẽ giữa một khu rừng thông xanh bát ngát. Nơi đây là một công viên tự nhiên của Thành phố nên rất đông thanh thiếu niên đạp xe đến vui chơi, tụ tập. Nghỉ chừng 30’, chúng tôi tiếp tục đi đến Buôn Ma Thuột. Khi gần đến Thành phố, chúng tôi nghỉ ngơi ăn trưa tại một quán ven Quốc lộ 14 và đi vào thành phố. Qua ba thành phố ở Tây Nguyên, tôi thấy đây là khu đô thị có quy hoạch tốt nhất, xứng đáng là thủ phủ của núi rừng Tây Nguyên. Theo lộ trình, chúng tôi đi thẳng đến Khu du lịch buôn Đôn, cách trung tâm thành phố chừng 60 km. Tới Khu du lịch buôn Đôn, chúng tôi vào thăm nhà gỗ cổ buôn Đôn – nhà của vua săn voi Amakong huyền thoại, được bà chủ nhà, con gái Amakong tiếp chuyện. Sau đó ra thăm cầu treo ngắm dòng sông Sêrêpôk, ra tận bãi cưỡi voi phục vụ khách du lịch, chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Thăm quan xong, quay về Buôn Ma Thuột, chúng tôi vòng quanh ngã Sáu có tượng đài Chiến thắng ở trung tâm thành phố rồi thẳng đến Khách sạn Công đoàn Ban Mê (số 67, đường Nguyễn Chí Thanh) nhận phòng nghỉ. Tối dự định ăn tại khách sạn nhưng vì nhiều đám cưới thuê hội trường nhà ăn nên rủ nhau ra quán ngoài phố. Được giới thiệu, chúng tôi đến quán ăn Quyên Quyên. Đây là một quán ăn trên đường Nguyễn Chí Thanh, quán lịch sự, trên mức bình dân một chút. Vừa hết chầu bia chúc mừng năm mới, bất ngờ tôi nhận ra người ngồi đối diện ở bàn bên cạnh là Anh hùng Phạm Tuân. Ghé tai ông bạn, thế là bạn đứng dậy làm quen, giới thiệu ồn ào và thế là chạm cốc chúc nhau liên tục, hết ba chai rượu chuối hột của khách mang sang mời. Anh Phạm Tuân mới ở Đà Lạt về, cùng đi với vợ và một doanh nhân nổi tiếng. Tan cuộc, chúng tôi nhận được lời cảm ơn cùng thông báo đã được doanh nhân thanh toán bữa ăn. Sau đó, chúng tôi còn đi mua cà phê Buôn Ma Thuột về làm quà theo tư vấn của một người bạn là thổ dân Buôn Ma Thuột. Tôi làm luôn 10 kg.
Ngày thứ Hai, 02/01/2012, chúng tôi khởi hành từ 7g00’. Chặng này dự kiến đi hơn 200 km theo Quốc lộ 27 đến Đà Lạt. Hơn 8g00’ chúng tôi đến thị trấn Liên Sơn lên thăm quan Biệt điện Bảo Đại tọa lạc trên một ngọn đồi cao. Xe chạy vòng vèo lên đỉnh đồi là tòa biệt thự kiểu châu Âu. Từ trên vườn xung quanh nhà nhìn ra hồ Lăk mênh mông. Rất nhiều du khách cả ta, cả tây đi xe máy ghé thăm địa điểm này. Uống cốc nước, chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm rồi lại tiếp tục đi Đà Lạt. Đoạn đường này qua mấy cái đèo Đăk Nue, đèo Krông Nô, đèo Chuối, đèo Phú Sơn… Qua hai đoạn đang làm đường, mặt đường toàn đá hộc, xe chỉ đi tốc độ của người đi bộ, có đoạn mất 30’ mới qua. Khi đến Liên Khương vào đường cao tốc Liên Khương – Prenn dài gần 20 km chạy không hạn chế tốc độ. Đây là đoạn đường đẹp nhất Tây Nguyên cả về phong cảnh hai bên đường và chất lượng đường. Đến Thành phố Đà Lạt vào buổi trưa, bạn Dũng mời cả đoàn vào một nhà hàng ở trung tâm Thành phố chiêu đãi nhân ngày sinh nhật. Sau đó chúng tôi về nghỉ tại Khách sạn Anh Đào (số 50 – 52 khu Hòa Bình), đối diện chợ Đà Lạt, mà trước đó đã đặt qua điện thoại nên có phòng ngay mặc dù trong thời gian này Đà Lạt đang có Festival Hoa, khá đông khách du lịch. Chiều chúng tôi đi thăm quan nhà ga Đà Lạt, nhà ga cổ kính nhất Việt Nam và cả Đông Dương. Sau đó lững thững đi bộ từ Khách sạn xuống hồ Xuân Hương và đến tận đồi Cù, nơi trưng bày triển lãm hoa của Festival, rồi lại vào chợ Đà Lạt, … Tối ăn nghỉ tại khách sạn.
Ngày thứ Ba, 03/01/2012 theo chương trình dự kiến xuống Phan Thiết, nhưng do cả đoàn bắt đầu mệt mỏi, hơn nữa phàm cái gì nhiều quá (ăn nhiều, ăn mãi một món dù ngon) thì cũng chán, cái ham mê ban đầu cũng mòn mỏi theo thời gian… nên quyết định về Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc chuyến đi. Quãng đường dài 295 km từ Đà Lạt về Thành phố Hồ Chí Minh theo Quốc lộ 20 đến ngã ba Dầu Giây là 230 km, sau đó theo Quốc lộ 1A về Thành phố.
Khoảng 7g30’ khởi hành, đến thành phố Bảo Lộc có nghỉ tại một quán trà. Ở đây ngồi uống các loại trà, ăn bánh quy và… toilet miễn phí. Khi đến ngã ba Dầu Giây, rẽ phải vào Quốc lộ 1A, chúng tôi vào một quán ăn bên đường nghỉ ngơi và ăn trưa. 14g00’ chúng tôi tiếp tục về Thành phố. Đoạn đường này rất đông xe cộ nên di chuyển rất vất vả, chỉ có độ 60 km mà đi mất hai tiếng rưỡi. Khi vào thành phố, chúng tôi đi qua hầm vượt sông Sài Gòn mới hoàn thành. Đúng 16g30’ chúng tôi về đến nhà Dũng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), kết thúc chuyến đi.
            Tổng kết chuyến đi kéo dài 7 ngày và 6 đêm dài 2020,6 km, qua 17 tỉnh, thành phố và thăm quan được 4 (trong đó 1 di sản thiên nhiên và 3 di sản văn hóa) trên 7 di sản thế giới của Việt Nam. Chi phí cho chuyến đi là trên 15 triệu đồng VN (trong đó tiền xăng là 5,2 triệu). Tính ra bình quân mỗi người tiêu mất gần 4 triệu cho chuyến đi xuyên Việt (chưa kể tiền vé máy bay từ Thành phố ra Hà Nội).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét