Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Những kỷ niệm... xe máy

Dân thành phố thường có nhiều kỷ niệm gắn với... xe máy. Có những khi mạnh tay ga, mát mặt vù vù lướt gió, cả những khi lê lết dắt chiếc xe... chết máy, rồi cả những khi bị xe quật ngã ê ẩm...


Khoảng cuối năm 1975 hay đầu năm 1976, tôi được chuyến đi chơi Sài Gòn. Lúc này ông anh tôi, vốn là lính thông tin của Quân Giải phóng có đưa đi chơi vòng quanh phố phường bằng xe máy. Đó là một chiếc Honda cup 50 màu xanh lá đặc trưng. Đường phố Sài Gòn lúc này khá vắng vẻ - hình như ban đêm còn duy trì “thiết quân luật” – phố xá cũng thưa thớt người và xe cộ. Sau một vòng quanh thành phố - khu vực quận 1 và quận 3 bây giờ - ông anh nhường tay lái cho tôi khi đã hướng dẫn qua qua... Vốn quần xe đạp đã lâu nên tôi mạnh dạn vào số, vù ga... Cảm giác lúc đó lâng lâng như thể đang... bay vào vũ trụ. Nhưng ông anh chỉ dám cho tôi chạy xe một đoạn ngắn thôi vì tôi cũng chưa biết đường xá, luật lệ ra sao.

Thực ra, trước đó, vào năm 1974 tôi đã được một người bạn đưa đi Bắc Ninh trên chiếc xe Peugeot 102 (mượn của một ông bạn khác) tiễn chú em đi học công nhân kỹ thuật ở Bungari. Lúc từ Bắc Ninh trở về Hà Nội, ông bạn có cho tôi lái một đoạn: có lẽ đoạn xuống cầu Long Biên về Đường Thành. Xe máy lúc đó chỉ có vặn ga thôi nên đi cũng khá dễ, tôi phi vù vù. Đến ngã ba từ Hàng Mã ra Phùng Hưng, tôi “chém cua” kinh quá, làm bàn chân ông bạn đập cái “bốp” vào vỉa hè, chắc là đau lắm, hắn kêu ầm lên. May hắn có đôi dép nhựa Tiền Phong, chứ không thì... tan xương!
Năm 1976 ông anh tôi chuyển công tác ra Bắc, được mang theo hai cái xe Honda: một cái Honda 67 và cái cup 50 kể trên. Tất nhiên là tôi được “cấp phát” cái cup 50. Hai anh em còn đi thi lấy bằng lái xe nữa chứ. Hồi ấy thi lấy bằng lái cũng đơn giản. Địa điểm thi là khu quảng trường bên phải Nhà hát Lớn. Bài thi chỉ có các bước như sau: xuất phát, vào số 1 chạy đến đoạn đường cua hẹp – giới hạn bởi hai vạch kẻ vôi trắng thì vào số 2. Ra khỏi khúc cua thì lên số 3 và chạy đến vạch dừng. Tại đây, xe phải dừng trước vạch. Đưa xe về số 0 và tắt máy là xong!
Chúng tôi hoàn thành dễ dàng bài thi vì đã sử dụng trước đó một thời gian dài và cơ bản là tình trạng kỹ thuật của xe rất tốt.
Hôm ấy, tôi chứng kiến một anh lớn tuổi – gần 40 – là lính ở chiến trường ra đêm theo chiếc xe máy hiệu Sachs của Đức. Xe này gần giống như loại Peugeot “cá xanh” thời ấy. Lúc khởi động thì phải dựng chân chống giữa của xe lên rồi đạp pê đan, như xe đạp, mấy vòng. Anh phải cong mông đạp mãi xe mới nổ máy, khói xanh mù mịt. Sau đó, vừa phải giữ tay ga, vừa phải bóp phanh và từ từ hạ xe xuống, ngồi yên vị ngay ngắn trên yên. Anh nhả phanh, chiếc xe đang ga to chồm lên một khúc rồi chết lịm. Lại làm lại từ đầu, xe chạy ầm ầm vì anh đã kinh nghiệm vừa giữ cả tay ga, cả tay phanh. Khi xe bắt đầu vào đoạn cua, do hai tay đều lên gân để giữ nên anh phi ra ngoài vạch. Lúc này, anh lúng túng đưa xe trở lại con đường giữa hai vạch thì xe lại... chết máy. Anh lại xin... thi lại. Nhưng không may cho anh, máy chả chịu nổ dù anh đã tháo tung cả ra, thay tất cả các bugi mang theo... Cuối cùng thì anh phải dắt xe về. Sau này, anh có được bằng lái hay không thì tôi cũng... chịu.
Lúc này tôi bắt đầu đi nhận công tác trên Sơn Tây. Với chiếc Honda này, từ nhà lên đơn vị chỉ tiếng đồng hồ. Hàng tuần tôi vẫn đều đặn hai lần một tuần về nhà. Chiều thứ Bảy, làm theo châm ngôn: “cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết...” và sáng thứ Hai đi sớm. Lúc này, tôi theo học một lớp ngoại ngữ buổi tối: tối Chủ Nhật và tối thứ Tư. Vì vậy, trong tuần, tôi còn về nhà vào chiều thứ Tư để theo học lớp buổi tối và sáng sớm hôm sau lại lên đơn vị. Chiếc xe vẫn bền bỉ cùng tôi đi về đều đặn mà không hề hư hỏng. Tuy vậy, về sau này, cũng có lần bị sự cố. Đó là vào một lần có đèo thêm anh bạn cùng đơn vị. Chạy xe đến khúc dốc ven đê xã Tam Hiệp thì đột nhiên dừng lại trong khi tiếng máy vẫn đều đều. Tốc ga lên, xe vẫn ì ra. Ra vào số, xe chẳng di chuyển. Chả hiểu vì sao, dắt xe đi gần cây số thì may mắn gặp được chỗ sửa xe. Thì ra xe bị đứt xích tải. Thợ phán: may đấy! Thường thì khi đứt xích, theo quán tính nó văng mạnh và đập vỡ cả máy. Thợ chỉ nối xích lại và tiếp tục hành trình ngon lành cho đến ngày tôi được chuyển công tác về gần nhà.
Với cái xe này tôi lại phải kể thêm câu chuyện tai nạn với nó. Đấy là vào mùa hè năm 1978, một sáng Chủ Nhật có tham gia lao động thêm giờ của đơn vị. Đến gần trưa tôi mới phóng xe từ đơn vị về nhà. Lúc này vừa dứt một cơn mưa rào. Xe đang bon bon chuẩn bị xuống dốc, tôi thấy tay lái lắc mạnh. Thì ra mặt đường vừa trải nhựa vẫn còn chưa khô, gặp mưa càng trơn trượt. Theo phản xạ tự nhiên, tôi vội vàng dừng xe. Chiếc xe không dừng mà xoay mạnh gần như 180 độ. May mà tôi chống hai chân xuống đường nên không bị ngã. Rón rén xuống xe rồi dắt qua đoạn đường trơn, rồi lên xe chạy tiếp như thường. Gần đến thị trấn Phúc Thọ, tôi dừng xe bước xuống mương thủy lợi cạnh đường để rửa chân. Lấy hai tay vợt nước hất vào chân, chợt đau rát nơi cổ chân phải. Nhìn xuống thấy một mảng trắng hếu – thì ra bị bỏng vì chân chạm vào cổ ống bô, lớp da bị dính vào ống bô... Tối hôm đó cái đau rát bắt đầu tăng lên mà chả biết bôi thuốc gì. Cho đến lúc đi lại khó khăn mới lên bệnh xá đơn vị khám thì vết thương đã nhiễm trùng, mưng mủ. Phải mất gần một tháng trời điều trị, vết thương mới khỏi, để lại một vết sẹo lớn mà sau này, mỗi lần tán chuyện về... xe máy, tôi thường đem khoe “chiến tích” – chứng tỏ sự “từng trải”, “có thâm niên trong ngành”, v.v...
Rồi đến thời kỳ cực kỳ khó khăn: xăng bán phân phối, phụ tùng khan hiếm... nên  chạy xe máy ra đường là cực kỳ... sa sỉ. Nhiều xe phải nằm đắp chiếu chỉ vì không có phụ tùng và xăng, dầu. Lúc này, đối với người đi xe máy, dứt khoát phải biết sửa xe, khắc phục những hư hỏng nhỏ. Bugi tháo ra vệ sinh kỹ càng, thậm chí còn hơ nóng trên bếp dầu... mới lắp vào xe. Săm lốp vá víu chằng chịt, vừa đi vừa xót xa khi xe chồm chồm trên các ổ gà. Máy không nổ được mặc dù đã đạp cần khởi động rã cả chân thì phải tháo bugi ra vệ sinh hoặc thay cái bugi khác đã được vệ sinh trước dự phòng. Rồi tháo chế hòa khí ra lau chùi, rửa sạch nước lã và cặn bùn đất... thổi khô bằng bơm tay, thông các gic lơ... Xe đi đường xa phải có thêm bộ đồ vá săm, lốp và bơm tay. Cánh có xe máy còn phổ biến kinh nghiệm vá chín săm lốp dọc đường, bằng cách: sau khi dán miếng vá, ốp chặt (bằng dây vải dù) vào phần đầu ống xả và nổ máy chừng 5-10 phút. Thế là đã được một miếng “vá chín”.
Có lần, do quá tự tin với “tay nghề” của mình, tôi còn dám tháo tung máy ra để thay xéc măng. Kết quả của lần ấy có vẻ như xe chạy bốc hơn nên về sau, khi nghe trong máy có tiếng gõ của thanh truyền, tôi quyết định “bổ máy”. Việc này, tôi cũng làm giấu mọi người vì sợ nếu làm hỏng thì bị chê trách. Kết quả sẽ rất tốt nếu như tôi không phạm sai lầm. Đó là khi tháo tung ra thì lắp lại như cũ, tôi không xiết chặt đai ốc đầu trục khuỷu. Chạy thử một đoạn, tiếng gõ bắt đầu to dần. Tôi vội vàng tắt máy, âm thầm dắt về nhà. Hôm sau, đem ra thợ sửa mà giấu biệt vụ trên. Do trục khuỷu bị cong – theo lời thợ nói – nên mất thời gian khắc phục. Sau đó, tôi cũng ngại không dám chạy xe này nữa. Với lại lúc đó là thời kỳ cực kỳ khó khăn, gần như không có xăng dành cho xe máy. Thế là cả tôi và ông anh có ý định... bán xe. May thay có ý định thì có người hỏi mua. Lúc đó bán được 1000 đồng – người mua bớt 50 đồng – đã mừng hú. Vì khi mua có 400 đồng, lại vừa đi vừa phá 4 – 5 năm.
Nếu như dạo đó, cưỡi xe máy là “lên voi” thì sau đó đến thời kỳ “xuống” xe đạp. Vì là đi làm gần nhà nên túc tắc xe đạp cũng chả vấn đề gì. Cần đi xa, lại mượn ông anh con xe Honda 67, côn số vào ầm ầm. Rồi thì ông anh lấy vợ, làm nhà... cũng bán con Honda 67 và mua một cái xe hiệu Star hay Spat gì đó.
Đến thời dân “hợp tác lao động” ở các nước Đông Âu gửi xe máy về, chú em rước về chiếc Babeta. Xe này đi cũng hay phết. Dáng như cào cào, vù ga lên bốc phải biết. Nhưng loại xe này, tôi chưa dám đi xa, chỉ loanh quanh chừng 10 – 15 phút.
Rồi đến thời của xe bãi Nhật Bản đánh về. Nhà tôi trở thành một trong những bãi tập kết xe máy bãi lớn ở Hà Nội, có lúc đến vài trăm chiếc các kiểu, từ “thiên thần bãi rác” cho đến “long lanh”, “kim vàng giọt lệ”,... Chả biết tại sao, tôi chả “kết” con nào mặc dù cũng “môi giới” cho bạn bè, anh em ở cơ quan được khá nhiều con xe đẹp, chất lượng tốt. Đến mức như là quảng cáo của thợ xe: “đánh rơi chân” là nổ máy ngay được.
Đến đầu năm 1992, theo phong trào chung và được chú em khuyến khích, tôi mua một chiếc DD đỏ như ớt. Xe gần như mới nên tôi giữ gìn cẩn thận, hơn nữa đó còn gần như là tài sản lớn nhất trong đời nên tôi tự tay lau rửa, thay dầu, tra mỡ...
Chỉ một thời gian ngay sau đó, có nhiều xe cup 82 có đề được nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam. Nên mặc dù chiếc xe DD mới mua nhưng toàn bị chê là “bệnh to một chân” – ý nói vẫn phải đạp cần khởi động. Thời cơ đến khi cái xe DD lại có người hỏi mua và trả giá có lời chút ít nên đầu năm 1993, tôi bán cái DD và mượn thêm chút tiền để tậu về một chiếc cup 82 loại 70 phân khối mới nguyên thùng. Chiếc xe này được sử dụng khá lâu – gần 10 năm. Đến năm 1999, tôi lại mua thêm một chiếc xe cup 82 nữa. Thế là hai vợ chồng có hai chiếc xe cùng loại với quan điểm sử dụng: có thể thay thế xe mà không lo lạ xe, phụ tùng dùng chung... mà trông lại còn... đẹp đôi nữa chứ!
Tháng Năm, 2016

1 nhận xét:

  1. Thời mới giải phóng mà Q đã có xe máy đi là oách lắm rồi (cả một gia tài lớn )Tôi hồi đó đi làm mới sắm được xe đạp (khung sài gòn)để đi và sắm xe máy cũ cỡ năm 1990 .Còn biết và đi ké xe máy thì từ 1970 (xe ga Pháp)vì quen mấy thằng bạn bố nó mua cho (con đại gia ,Việt kiều gởi về)và vì là xe tốt nên hay lấy đi chơi với nhau để.. "cưa" và sĩ lắm? Tiến con ,Dũng ,Ninh có lẽ là những người biết về xe máy này nhất chứ Q giỏi về máy ảnh ,loa đài hồi đó thôi nhưng mấy thằng này dốt văn nên chả kể gì?Ông anh tôi thời đó đổi ngôi nhà mà vợ chồng tôi ở dưới hồ 3 mẫu để lấy cái xe DD đỏ đủ biết giá trị xe thế nào Mình dốt về xe cộ nên đến giờ vẫn đi con xe máy cũ chứ bạn bè nên ô tô cả rồi Thời đó có cái xe máy oách hơn giờ có ô tô ấy chớ và đi nó khó hơn lấy bằng ô tô bây giờ Thời xe máy,ô tô đã qua? Bây giờ chở lại xe đạp ,đi bộhay máy bay? Hay giờ là thời FB ?Năm bạn bè gặp thật nhau được mấy lần?

    Trả lờiXóa