Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

The Blue Danube Waltz

Johann Strauss II (1825-1899) được giới âm nhạc cổ điển phong cho danh hiệu “Hoàng đế của những vũ điệu valse”, một nhà soạn nhạc tài ba, một nhạc trưởng huyền thoại đã có công lao lớn khi đưa những thể loại âm nhạc giải trí lên tầm cao mới của nghệ thuật âm nhạc. Trong đó, valse đã được ông lãng mạn hóa trở thành những tác phẩm âm nhạc lôi cuốn, đầy chất thi ca đem lại niềm vui, sự hứng khởi, sự gần gũi tới với quảng đại quần chúng.


Johann Strauss sáng tác tác phẩm này vào năm 1867, với phần lời ca của Josef Weyl. Tại thời điểm đó tác phẩm ít được công chúng biết đến. Trong năm đó, tại Hội chợ Quốc tế Paris ông đã chuyển soạn tác phẩm này với một phiên bản dành cho dàn nhạc giao hưởng và đã thành công rực rỡ ngay từ buổi trình diễn đầu tiên, trở thành một trong những tác phẩm âm nhạc được yêu thích nhất. 

Khởi nguồn cho cảm xúc sáng tác “The Blue Danube Waltz” là câu chuyện tình cảm động đầy ý nghĩa nhân văn được truyền lại như sau:

“Có một cô gái xinh đẹp và trẻ trung bỗng xuất hiện gần nơi gia đình nhà Strauss sống khiến ông rung động. Cảm nhận thấy sự thay đổi đó, vợ ông - một người phụ nữ với tình yêu chân thành và đằm thắm đã tìm gặp cô tình nhân của chồng vào một buổi sáng.

Thay vì đợi chờ một cơn cuồng ghen, không một lời trách móc, lịch sự và ôn tồn bà cảm ơn cô gái đã làm cho chồng mình hạnh phúc và không quên dặn dò: “Cô hãy chú ý đến bệnh phổi của ông, hãy mặc thêm áo ấm cho ông mỗi khi tối trời”.

Với gánh nặng của nỗi đau trần thế đè nơi trái tim, bà lảo đảo ngã khuỵu sau khi rời khỏi nhà cô gái. Johann Strauss đến gặp người yêu đúng lúc gặp vợ ngất xỉu, ông liền đưa bà tới gặp bác sĩ.

Khi vừa hồi sức trở lại, lời đầu tiên, bà xin lỗi ông về việc mình đã tìm gặp cô gái kia. Johann Strauss vội vã quay lại… nhưng nàng đã ra đi…

 Trong tâm trạng đau khổ đến tột cùng Strauss chợt nhận thấy mình thật hạnh phúc, ông đã nhận được tình yêu của hai người phụ nữ cao thượng, hy sinh và vị kỷ... Trên bến cảng nơi dòng sông Danube xinh đẹp, hiền hòa đang lững lờ trôi, một giai điệu ngây ngất, dạt dào yêu thương tuôn trào”.

Xin mời lắng nghe.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét