Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Một loáng thành Nam.



Có lời mời. Có tổ chức đoàn. Có tài trợ xe pháo. Thế là lên đường.
Sáng. Mưa rả rích. Cơn mưa mùa đông ướt át, se lạnh.


Chiếc xe của gia đình bạn Tứ do con trai bạn lái chở theo 5 ông bạn HoiK16ACTM vọt ra đường Quốc lộ 1A hướng về Nam. Chiếc xe quá chật hẹp với những cái mồm vĩ đại đua nhau phọt ra những âm thanh quá cỡ. Đó là những cái mồm đã từng : “nói ở hội trường không cần micro”, “thử tăng âm không cần bật công tắc điện”, “át giọng của cả khán đài sân vận động”, v.v… Tuy hơi nhức óc nhưng quãng đường gần 100 km dường như ngắn lại. Đúng 10g30’, cả đoàn ào vào hội trường đám cưới chưa một bóng khách. Gia chủ phấn khởi ra mặt, tay bắt mặt mừng, miệng chào hỏi ầm ỹ, … Có khách Hà Nội, đám cưới oai ra phết.
Đúng là “tự nhiên như người Hà Lội”. Chọn được vị trí thuận lợi, mặc dù hơi gần cái loa hội trường to như cái tủ đứng ba buồng đựng quần áo, nhưng được cái gần WC. Vả lại, cái loa đó cũng chỉ là “muỗi” so với những cái mồm to đã kể ở trên.
Đám cưới to phết
Xong mục tiêu chính, cả đoàn chuyển sang các hạng mục khác. Đó là chuyến đi tham quan chớp nhoáng Nam Định. Người hướng dẫn là dân gốc huyện Xuân Trường. Từ thành phố, đoàn ghé thăm chùa Cổ Lễ, nhà thờ Bùi Chu. Mặc dù là tham quan kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, song cũng phải lướt qua “tiểu sử” của các di tích văn hóa này một chút …
Chùa Cổ Lễ hiệu “Thần Quang Tự” là công trình văn hóa kiến trúc Phật giáo. Chùa nằm ở phía tây Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ XII, thời Lý Thần Tôn, thờ Phật và đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không sinh đầu thế kỷ XII, hương quán tại làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 29 tuổi, Ngài xuất gia đầu Phật. Là người tu hành, Ngài còn là một y sư nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm “Lý Triều Quốc sư”. Ngài cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em sang Tây vực (Bắc Ấn Độ) tầm học phép.
Chùa Cổ Lễ ban đầu chỉ là một ngôi chùa kiến trúc bằng gỗ. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Năm 1902, Đệ nhất sư tổ Phạm Quang Tuyên tuổi cao đức trọng về trụ trì. Thần Quang Tự được xây dựng từ năm 1914 trên nền chùa cổ do Đức sư tổ Phạm Quang Tuyên chủ trì với những nguyên vật liệu quanh vùng như : vôi, gạch, cát, mật, muối, … Ngài đã trùng tu tái thiết lại ngôi chùa này theo kiến trúc mới “Nhất Thốc lâu đài” quy mô rộng lớn. Từ đó, về kiến trúc, chùa Cổ Lễ là sự hòa nhập các yếu tố cổ truyền Việt Nam với các yếu tố gô-tích của châu Âu, là một ngôi chùa thờ Phật nhưng lại mang dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa giáo. Năm 1995, chùa được trùng tu với quy mô lớn.
Phía trước Chùa là ngôi tháp “Cửu Phẩm Liên Hoa” (chín tầng hoa sen) cao 32 m, có 8 mặt, xây dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng voi thật. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.
Đoàn tham quan tháp Cửu phẩm Liên hoa
Tiếp theo ngôi tháp là một chiếc cầu cong ba nhịp bắc qua hồ Chu Tích (còn gọi là hồ Núi), gọi là cầu Cuốn. Mặt cầu lát gạch.
Cầu Cuốn dẫn tới chùa Trình, còn gọi là Phật giáo Hội quán. Chùa Trình được xây vào năm 1936 và trùng tu vào năm 2001. Trong chùa có tượng Phật Quan Âm nghìn tay bằng gỗ. Trước sân chùa Trình có 2 lư đồng khổng lồ.
Bên trái chùa Trình là đền Linh Quang Từ, được xây vào năm 1937, thờ Trần Hưng Đạo và hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ là Bảng nhãn Đào Sư Mỗ và Tiến sĩ đệ tam giáp Đào Toàn Mỗ. Bên phải chùa Trình là Khánh Quang phủ, được xây vào năm 1937, là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.
Sau lưng chùa Trình là một cái hồ lớn. Giữa hồ có một quả chuông to gọi là chuông Đại Hồng Chung. Năm 1934, Hòa thượng Phạm Thế Long kế vị trụ trì, năm 1936, Hòa thượng cho đúc quả chuông này. Quả chuông cao 4,2 m, đường kính 2,03 m, thành dày 8 cm và nặng 9000 kg. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Quả chuông này chưa được đánh một lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của chiếc chuông Đại hồng chung này. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam. Nhân dân quanh vùng vì yêu mến chùa mà đúc tặng. Trong quá trình đúc chuông, nhiều người đã tháo cả nhẫn, vòng, vàng hòa tan trong đó. Khi quả chuông vừa đúc xong thì kháng chiến bùng nổ, nhân dân trong vùng đề phòng sự phá hoại của giặc nên đã đem ngâm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.
Có hai chiếc cầu giả như động núi, gọi là cầu Núi, bắc qua hồ dẫn tới kiến trúc chính của chùa Cổ Lễ. Tòa Chính điện được thiết kế theo kiến trúc hài hòa giữa phong cách truyền thống và hiện đại. Tòa Chính điện cao 29 m thờ Phật và Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không. Ở đây có tượng Phật sơn son thếp vàng bằng gỗ bạch đàn cao 4 m đặt ở trên tầng cao phải đi theo những cầu thang nhiều bậc ở hai bên mới lên đến chỗ đặt các tượng Phật. Sau lưng tượng Phật là bàn thờ với tượng Nguyễn Minh Không.
Tòa Chính điện
Từ điện Phật, có các hành lang quanh ra phía sau nối với nhà khách và nhà tổ. Vách hành lang gắn đầy những tấm bia hậu. Ở nhà tổ có tượng Hòa thượng Phạm Quang Tuyên.
Sau nhà thờ tổ là một gác chuông lớn có kiến trúc truyền thống gồm 3 tầng 4 mặt, gọi là Kim Chung Bảo Các. Gác chuông này cao 13,4 m, được xây dựng vào năm 1997. Tầng 2 của gác chuông này có treo một quả chuông đồng to, cao 4,2 m, đường kính 2,03 m, nặng 9.000 kg. Chuông được đúc vào năm 2003. Tầng ba có treo một quả chuông đồng nữa đúc từ thời Lê Cảnh Thịnh, nặng 300 kg.
Sau gác chuông là khu lăng mộ tổ của chùa.
Trong chùa còn có một chiếc trống bằng đồng và những chiếc thuyền dùng để thi bơi chải. Bốn bề của chùa là vườn tược, hồ nước và sông ngòi.
Từ năm 1947 đến năm 1981, vào các năm 1947, 1949, 1972, 1975, 1978, 1981, chùa Cổ Lễ liên tục làm lễ cởi áo cà sa cho trên 35 vị tăng ni khoác áo chiến bào xông ra trận diệt giặc cứu nước.
Chùa Cổ Lễ là công trình kiến trúc văn hóa Phật giáo và dân tộc, chùa được Bộ Văn hóa xếp hạng “Di tích lịch sử” Quốc gia, là trụ sở Phật giáo huyện Trực Ninh và cơ sở trường hạ Phật giáo tỉnh Nam Định.
Nhờ kết hợp tinh hoa kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố của phong cách kiến trúc phương Tây, chùa Cổ Lễ đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhà thờ Bùi Chu là một nhà thờ của đạo Kitô nằm trong địa phận xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Bùi Chu, là một trong những nhà thờ nổi tiếng và lâu năm nhất nhì tỉnh Nam Định. Hàng năm thường có rất nhiều du khách thập phương về thăm nhà thờ và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc tiêu biểu, đồng thời tìm hiểu lịch sử vùng giáo xứ Bùi Chu.
Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu được xây dựng từ thời Ðức cha Wenceslao Onate Thuận (1884), chiều dài 78 m, rộng 22 m, cao 15 m. Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn, thật xứng đáng là nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong giáo phận.
Nhà thờ Bùi Chu gắn với lịch sử phát triển của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam. Từ năm 1640 - 1954, Bùi Chu là vùng truyền giáo, sau đó vào năm 1960, giáo phận Bùi Chu được Tòa Thánh nâng lên bậc giáo phận chính tòa. Tuy có diện tích nhỏ nhất nhưng giáo phận Bùi Chu có số giáo hữu đông nhất trong Giáo hội Việt Nam.
Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu
Đầu nhà thờ là nhà xứ và có tháp chuông đồng hồ hiệu Farnier đã có từ năm 1848, đây là cổng Tòa Giám mục. Bên trái nhà thờ còn có cơ sở Dòng Nữ Đa Minh và Nhà Dục Anh (Cô Nhi Viện). Trong khu vực nhà thờ Bùi Chu còn có rất nhiều công trình khác như : Nguyện đường cao 35 m - ngọn tháp vươn cao với Thánh Giá được nâng lên bởi tòa tam cấp, có dáng dấp Đông Phương. Phần trên tòa nhà được dẫn vào bởi những bậc thang rộng. Bên tay phải cầu thang là tượng Thánh Giesu cõng Chúa Con trên vai mà không đâu có tượng này, ý nghĩa “Tình Cha”. Đối diện với tượng Thánh Giesu là tượng Đức Mẹ Sầu Bi ôm Con “Nghĩa Mẹ”. Cửa nhà nguyện 4 cánh, mỗi cánh là một công trình đầy ý nghĩa của các Bí Tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể và Hòa Giải. Vào trong Nhà Nguyện, như lạc vào động tiên không gian cao vút với tượng ảnh, bàn thờ, màu sắc... được sắp đặt một cách hài hòa. Tầng dưới Nhà Nguyện là Nhà hầm các Thánh tử vì Đạo. Bên cạnh còn có 6 mẫu nữ tu: Đa Minh, Mân Côi, Trinh Vương, Thăm Viếng và Mến Thánh Giá. Khi vào hay khi ra khỏi phòng các Thánh, du khách có thể điểm vài tiếng chiêng cồng, sản phẩm của Hội An, Đà Nẵng để ghi nhớ cuộc viếng thăm này.
Ngay tại gian giữa, nhiều người sửng sốt và cảm động, lần đầu tiên thấy tượng Đức Mẹ cho Con bú. Đức Mẹ bồng con ngồi trên võng tía; võng được móc vào hai cây trúc sơn son thếp vàng. Đây là một bức tượng có một không hai ở Việt Nam. Đức Mẹ Việt hóa với áo dài hồng nhung kim tuyến, quần trắng sa tanh, chân đi hài kiểu quý phái, mái tóc đen óng ánh. Cặp mắt mẹ âu yếm nhìn Đứa Con đang khát sữa. Trên đầu tượng Đức Mẹ có dòng chữ … “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú”. Nhiều người mẹ đã đến đây để cầu xin cho có sữa nuôi con và biết cách dạy con. Phía trần nhà trên đầu Đức Mẹ là một bức phù điêu tuyệt tác, tả khung cảnh vinh hiển của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam trước vị vua Vinh Hiển là Đức Kito Phục Sinh.
Mở cửa vườn, chúng ta sẽ gặp một Cỗ Tràng Hạt rất lớn, nặng 2,2 tấn. Mỗi hạt kinh nặng 25 kg. Trên cao có tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch nặng hơn 2 tấn, ngay sau lưng tượng Đức Mẹ là cây nến 7 ngọn cao 10 m. Bên phải là một bức tường cao, trên đó gắn sẵn những bản kinh Ave Maria, tức là bản kinh “Kính Mừng Maria” bằng các thứ tiếng trên khắp thế giới. Tổng số bản kinh là 150, làm bằng đá cẩm thạch, mỗi bản kinh có kích thước 2,20 m x 1,2 m. Trong vườn Ave Maria còn có một số tượng lớn: Thánh Francis với con chó sói. Ở phía giữa hành lang là pho tượng Đức Mẹ cao 5 m với những em nhỏ dâng hoa cho Đức Mẹ. Xa hơn ở cuối hành lang là tượng Thánh Don Bosco cao 3 m và Thánh Đa Minh Savio (St. Dominic Savio).
Trong vườn còn có tượng “Người mẹ Bùi Chu”, hình ảnh của một người mẹ tại Giáo phận Bùi Chu xưa kia, trên đường đi chợ, tay dắt đứa con nhỏ đến trường, đầu đội cái thúng có nải chuối và con gà, tay kia cầm tràng hạt, vừa đi vừa lần chuỗi.
Trong vườn còn có khu trưng bày các Nhạc khí tại Giáo phận: Những nhạc cụ được chế tác độc đáo công phu mang nhiều ý nghĩa: Trống cái, kèn đồng, đàn lira, chiêng cồng, ... Kèn đồng Trumpet lớn nhất Việt Nam dài hơn 5 m cao 1,6 m, nặng 300 kg, được ghi vào Sách Kỷ lục Việt Nam là sản phẩm của nghệ nhân Ngô Văn Hòa xóm 4, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường. Đàn Lira hay đàn Harpe (hay đàn Vua David, vì trong hình vua David hay chơi thứ đàn này). Đàn được đặt trong một tòa nhà tròn theo kiểu Bắc Kinh và được đặt trên một trống đồng đường kính 1,80 m, có một thiếu nữ duyên dáng đang gảy cung.
Người phụ nữ chuông “Nữ nhân chung”. Đây là một công trình độc đáo hầy như không tìm đâu có trên thế giới. Chuông nặng 9 tạ, có chân tay đàng hoàng. Chuông này mang sự tích về Đức Chúa Gieessu Phục Sinh, trao trách nhiệm cho bà Maria Madalena đi công bố Tin Mừng Phục Sinh cho khắp thế giới. Bà được ví như cái chuông vang lên cho mọi người biết.
Như hương trầm tỏa bay: Nổi bật nhất ở Vườn Kinh Ave Maria 2 là đỉnh hương rất lớn bằng đồng: nặng chừng 3500 kg, có tượng Đức Mẹ đứng trên.
Phục sinh đường. Phục sinh đường là tổ hợp công trình kiến trúc nhiều ý nghĩa biểu tượng: Nhà số 4 nói lên ý nghĩa của 4 sự: Chế, Phán xét, Thiên Đàng và Hỏa ngục.
Mặt trước nhà số 4 có tượng thiên thần thổi loa. Vào ngày tận thế các Thiên thần thổi loa báo động cho người chết sống lại. Dưới chân Thiên thần là một đồng hồ chạy ngược, bởi vì khi chết người ta hết thời giờ lập công, mà Thiên Chúa chỉ xét xử những gì xảy ra trong qua khứ.
Trên nóc nhà có 12 tượng các thánh Tông Đồ ngồi trên 12 ngai tòa mà xét xử 12 chi tộc Israel. Phía trên cao còn có 4 pho tượng các Thánh Sử là các tác giả 4 sách Phúc Âm: Matthew, Mark, Luke và John.
Tầng dưới tòa nhà cất giữ 23 bộ xương các anh hùng tử đạo của Bùi Chu. Tầng giữa là nơi cử hành nghi lễ. Giữa gian có tượng Chú Phục Sinh. Tầng trên giống như một phòng triển lãm các đồ thờ như: áo Lễ, chân nến, bình thánh, yên sách v.v. và một số pho tượng.
Đài xét xử: Bên tay trái tòa nhà số 4. Thiên Chúa công minh xét xử người ta theo như những gì họ đã làm và được đưa lên cân tội phúc.
Tháp Thăng Thiên: Nếu một người ăn ở tốt lành thì được đưa sang tháp Thăng Thiên để lên trời, tượng trưng bằng 11 cánh hạc đang bay lên. Còn kẻ dữ thì phải đẩy vào hỏa ngục.
Hai bàn tay:  Phía sau tháp Thăng Thiên, bàn tay Chúa đang kéo tay người ta lên Thiên Đàng.
Tòa Giám Mục Bùi Chu là một tổ hợp với nhiều công trình, hiện vật kỳ thú hấp dẫn không hề giống nơi nào. Hàng năm thường có rất nhiều du khách thập phương về thăm nhà thờ và chiêm ngưỡng những nét kiến trúc tiêu biểu, đồng thời tìm hiểu lịch sử vùng giáo xứ Bùi Chu. (Tài liệu Trung tâm TTXT Du lịch Nam Định).
* * * 
Sau khi tham quan các di tích, đoàn còn ghé thăm nhà ở quê của ông bạn. Nhà ông bạn thì tòa ngang, dãy dọc, tham thế không biết. Đã có mấy tòa nhà ở Hà Nội rồi, lại còn mấy sào đất thổ cư ở quê. Nếu đương chức, có lẽ đã bị tố cáo là quan tham to rồi đấy … 
Kết thúc chuyến đi, ông bạn còn tặng cho mỗi thành viên trong đoàn một dây bánh gai to hiệu “Thi”, nhưng không phải “bà Thi” mà là “ông Thi”. Có dấu hiệu chứng tỏ là hành động đút lót hối lộ vì lo sợ bị tố cáo chăng ?

4 nhận xét:

  1. Đúng là một chuyến đi thú vị ,biết đó biết đây chứ ở nhà với vợ làm sao mà "khôn được". Còn địa danh "Quất lâm" nổi tiếng ngang Đồ sơn chưa được đến chỉ được nghe kể khiến nhiều người trên xe "thèm" muốn đến nhưng thời gian không cho phép nên không thực hiện được . Chắc phải "bắt đền'ông bạn đã hướng dẫn viên phải đi cho hết để còn có cái mà tán chớ .Vừa được ăn ,được gói mang về còn gì vui hơn tuy có thiếu chơi .Lại đơi xem dịp tới có ông,bà bạn nào ở xa cưới con để tổ chức đi chớ .Hội viên đã tham gia

    Trả lờiXóa
  2. tớ xem bài viết trên biết ngay chỉ có tay Quang mới viết giỏi vậy. nếu nhầm thì xin lỗi ai đấy nhé. Sao Quang lại học BK nhỉ, cậu phải là nhà văn mới đúng chứ?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã nhòm tới ...
      Chỉ được cái nhận xét ... đúng.
      Tuy vậy, Nhà văn mà viết ra chữ thì thường quá. Trâu, bò làm được như vậy mới ... lạ chứ! Đúng không?

      Xóa
  3. Quang ơi! Cả Họ Tr không tham ô chút nào đâu. Đấy là một phần nhỏ của gia đình ông nội mình để lại đấy. Ruộng đất, thổ, ao bị ...tịch thu và phá lấy gạch chia nhau trong cải cách ruộng đất là chính. Sau này tự bọn mình thu lại sức lao động quá khứ đấy. Cũng may mà Quang không nằm trong đám "Ông Đội", "Ông Bà Ông Nông dân" thời đó chứ nếu không nhà mình chết cái chắc!!!

    Trả lờiXóa