Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Tình bạn về già



Từ lúc được sinh ra cho tới lúc lớn lên chúng ta đã có nhiều đứa bạn... những loại bạn từ thuở đánh bi đánh đáo, ở truồng tắm mưa cho tới bạn học, bạn thân, bạn gái, bạn đời... và phải kể tới vài loại bạn đồng nghiệp, bạn đồng môn (trong nhóm này chia ra nhóm bạn đồng khoá và đồng chìa hoặc khác chìa...). 


Tất cả những loại bạn kể trên được người ta gọi chung bằng một danh từ kép là... BẠN BÈ. 

Mặc dầu hai chữ Bạn và Bè nếu đứng riêng rẽ thì chẳng có định nghĩa liên quan nhưng khi được ghép chung thành một thì lại mang một ý nghĩa rất là thân thiết. 

Tuy nhiên người ta cũng thường nghe vài kinh nghiệm về tình bạn như sau: Khi đắc thời đâu biết... AI là BẠN. Lúc thất thời mới biết... BẠN là AI và trong cuộc vui vẫn coi BÈ là BẠN. Nhưng khi hoạn nạn mới biết BẠN là BÈ. 

Đời là cõi tạm, vô thường, nên mấy ai biết được lúc nào mình theo Ông theo Bà từ giã dương trần, nhất là khi chúng ta về già đang sống trong giai đoạn cuối đời. Mặc dầu bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình hay chưa, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay nhau. Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón mỗi buổi sáng thức dậy, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt như thuỷ tinh và sẽ không còn nữa những ngày của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực… tất cả sẽ không theo với chúng ta đi vào thế giới khác, cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta đã tạo ra khi còn sống trong cõi đời này. Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại kỷ niệm của bạn trong ký ức những người còn lại?

Quan trọng không phải là những thứ bạn tạo ra cho bản thân mình từ vật chất đến tinh thần mà là những gì từ nơi bạn tạo và bạn đã chân thành đóng góp cho nhân quần xã hội.

Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho đi.

Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác.

Điều quan trọng không còn là tài năng của bạn, mà chính là đức độ, là những gì mà bạn đã đối xử với mọi người xung quanh.

Quan trọng là những cử chỉ, thái độ của bạn đã khắc ghi trong lòng người khác, biết cảm thông và chia sẻ những lo âu, phiền muộn tuy có thể chỉ bằng một ánh nhìn, hay một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã đối với mọi người dù thân hay không thân.

Quan trọng không chỉ là những ký ức của bạn, nhưng là ký ức của những người đã yêu thương bạn.

Quan trọng không chỉ là khoảng thời gian trong bao lâu mà bạn sẽ được mọi người nhớ đến, mà chính là những gì họ nhớ về bạn.

Quan trọng không phải chỉ là bạn quen biết thật nhiều người quyền cao chức trọng, mà là bao nhiêu người sẽ là bạn chân tình, sẵn sàng nâng đỡ khi bạn vấp ngã trên đường đời, hay những khi hậu sự đều cận kề đồng cam cộng khổ với bạn. Trong suốt cuộc đời, bạn bè thường cần có nhau trong lúc vui, buồn hay khi hoạn nạn... nên chúng ta cũng cần chọn người để kết bạn tâm giao.

Cổ nhân có câu “Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Như thế làm sao chúng ta biết được ai là người xấu? Ai là người tốt? để chúng ta kết bạn. Nhận định về con người tốt hay xấu cũng đã được người xưa nhắc nhở “Tâm sanh tướng, tâm sanh hành động”. Một người tâm bất nhân bất nghĩa, thì bao giờ cũng phát sanh tư tưởng, đưa đến hành động bất nghĩa, bất nhân. Kiếp nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày nên ai cũng trải qua bao thăng trầm, dâu bể. Càng lận đận lao đao với đường đời thì càng có nhiều kinh nghiệm để đánh giá tư cách con người qua cách đối nhân xử thế. Khi nhìn thấy một người hành xử trái với lương tâm, đạo lý làm người đối với kẻ khác thì chúng ta nên dè dặt, tìm cách tránh xa, không nên kết thân, mặc dù người đó vẫn cư xử tốt với ta. Nếu ta vẫn kết thân với họ, có hai lý do: một họ và ta đồng quan điểm đồng khóa đồng chìa, hai là ta quá cả nể bạn bè không muốn làm mích lòng bạn nên ta dung túng thói hư tật xấu của họ, điều này vô tình ta trở thành kẻ đồng lõa với họ, và đồng lõa với tội ác mà họ đã gây cho người khác. Vả lại, hôm nay ta không là nạn nhân với những hành động bất nhân bất nghĩa của họ, thì trước hay sau ta sẽ là nạn nhân kế tiếp. “Làm người thì khó, làm chó thì dễ” cái câu thông thường, bình dân học vụ ấy càng suy gẫm càng chí lý, bởi chốn dương gian chó đi 4 chân vốn ít hơn chó đi hai chân, đã vậy mà còn bị chó đi hai chân giết dần để làm món thịt cầy béo bở. Trong khi chó đi hai chân thì sống nhan nhản dưới ánh mắt mọi người mà không bị phát hiện chân tướng, bởi họ khéo ngụy trang. Họ luôn luôn được bao bọc với cái vỏ bề ngoài như nhà mô phạm, nhà trí thức, nhà đạo đức, nhà cách mạng, v.v... hoặc một lương dân hiền lành chất phác. Thượng thừa hơn! loài chó đi hai chân đó đã tận dụng cái đầu thông minh của con người với cái vỏ hào nhoáng bên ngoài để bước lên địa vị quan trọng trong xã hội, chẳng những họ được người người tôn trọng mà sinh mạng của họ còn được luật pháp quốc gia bảo vệ. 

Cuộc hành trình vào cõi thế sắp kết thúc, chẳng lẽ với bao nhiêu năm kinh nghiệm sống, chẳng lẽ gần đất xa trời rồi mà chúng ta vẫn còn mê muội không biết phận biệt chánh, tà, phải trái để chọn cho mình những người bạn tốt nếu không tri âm tri kỷ được như Bá Nha Tử Kỳ thì cũng đừng vì quá lạc lòng mà kết bạn kết bè thành Ngưu Tầm Ngưu, Mã Tầm Mã. Có câu “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Do đó truyền thống giáo dục gia đình cũng là nền tảng xây dựng nhân phẩm con người. Bên cạnh đó “Trai khôn tìm vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân”, đối với tình phu thê được ví như tấm áo, mà chúng ta còn kén chọn như vậy chẳng lẽ đối với tình bạn bè đã ví như thủ túc, chúng ta lại không lọc lừa, chọn bạn giao tế sao để về già chúng ta được những người bạn quý. Vậy thì, bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương, vị tha và hiểu biết... Khi tâm hồn của chúng ta đã hướng thượng thì mọi sự cảm dỗ nơi hạ giới chỉ là sự thử thách để chúng ta đào thoát vươn lên. Đời người không ai tránh khỏi những sai lầm. Chúng ta biết sai lầm và biết sửa chữa đó là cách Tu Thân thực tế nhất. Bởi vì, chỉ có tánh Phục Thiện mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống nhân sinh này mà thôi! Và một trong những điều kỳ diệu đó, ngoài mái ấm gia đình, con cháu danh phận rỡ ràng, chúng ta còn có những người bạn già thâm giao tri âm tri kỷ.

2 nhận xét:

  1. Văn và triết lí của ai mà hay vậy?

    Trả lờiXóa
  2. Hay tim duoc nguoi ban dung nghia co duoc bao nhieu nguoi

    Trả lờiXóa