Đã có vài ba phim truyền hình kể về thời bao
cấp rồi nhưng chưa có phim nào ghi lại thật đúng thời ấy cả. Mình rất muốn làm
một phim về thời bao cấp, làm thật chuẩn để mọi người nhớ lại cái thời đã qua.
Nhiều chuyện bây giờ kể lại cho trẻ con chúng nó không tin, chỉ có phim kể lại
may ra chúng nó mới tin.
Cái thời bao cấp cái gì cũng ngược đời, giá cả không đi kèm với giá trị. Một
bát phở 5 hào trong khi một ngọn thuốc lá có lúc lên đến 1 đồng. Một chỉ vàng
là 80 đồng, nếu biết kinh doanh thì chỉ cần một vườn thuốc cũng đã có vài chục
cây vàng như chơi. Nhưng hồi đó không ai tính chuyện kinh doanh, kinh doanh là
buôn bán, con người mới ai lại đi buôn bán. Ai nghĩ đến kinh doanh thì tự mình
cũng thấy xấu hổ, chưa cần đến người khác chê cười.
Cái thời ấu trĩ kinh khủng khiếp. Nhà cửa chật chội bê tha nhưng ai cũng bám
lấy cái nhà Nhà nước phân cho, ít ai nghĩ chuyện mua bán đổi chác nhà đất. Hồi
ở Huế, mình mới về Sở Văn hoá, được phân một cái gọi là “căn hộ” 12 mét vuông,
vợ chồng con cái cứ yên tâm ở vậy cho đến khi chia tỉnh. Trong khi đó, một căn
hộ 28 mét vuông chỉ 1,4 cây, một cái nhà vườn cách trung tâm 3, 4 km cũng chỉ
giá ấy. Đồ hàng vợ mình đi Nga về nếu bán cũng được 2 cây nhưng cả vợ lẫn chồng
không hề nghĩ bán đi để mua nhà, cứ ở vậy chờ Nhà nước phân nhà mới, thế thôi.
Giải phóng miền Nam, ông bác
mình xin được suất di cư sang Pháp ở. Ông bác gọi ba mình vào cho cái nhà bốn
lầu ở Q.1 (tp HCM). Ba mình chẳng những không lấy lại còn trách ông bác, nói
cho gì lại cho nhà, ai vô đó mà ở. Ba mình là một cán bộ cách mạng, không đời
nào ông nghĩ đến lấy cái nhà đó rồi bán đi. Mua bán nhà là một cái gì rất xa lạ
với ông. Đến khi ông bác bàn giao cái nhà cho Chính quyền, cho ba mình lấy đồ
đạc trong nhà thì ông lại mừng húm, hí hửng khiêng khiêng dọn dọn mấy ngày mới
xong, mừng như cha chết sống lại.
Mình cũng thế thôi, ngày ở lính, cả tiểu đội phát hiện một cái hang chứa đầy đồ
quân trang lính Mỹ. Áo quần vải vóc hồi đó khan hiếm vô cùng, nếu khôn ngoan
như bây giờ thì cái kho ấy đem bán hết cũng kiếm được cả trăm cây vàng chứ
không ít. Nhưng chẳng ai nghĩ thu gom áo quần Mỹ làm gì, chỉ tranh nhau cắt dây
dù đem về buộc võng. Xe hon đa 67 lính cộng hoà bỏ chạy vứt đầy sân trung đoàn,
ai biết đi thì lấy đi, đi xong rồi vứt đấy, chẳng ai thèm ngó ngàng, trong khi
tiền để mua một chiếc xe đạp thì nằm mơ cũng không có.
Thời này kẻ giàu có thường bị khinh rẻ,
coi thường. Mình nhớ hồi học lớp 5 mình ngồi gần con B., mẹ nó là mậu
dịch viên (mậu dịch viên là hot girl thời bao cấp, số sau mình sẽ kể). Con B.
ăn trắng mặc trơn, rõ là đồ tiểu tư sản, trong lớp đứa nào cũng ghét. Mới
tí tuổi đầu mà đi học lúc nào cũng xức nước hoa thơm lừng. Sau này mình mới
biết nó thích mình, ăn cắp nước hoa cuả mẹ nó để xức. Mình đã ngồi dịch ra, nó
cứ lấn tới, điên tiết mình vùng đứng dậy, nói thưa cô cho em ngồi chỗ khác. Cô
hỏi sao, mình nói thưa cô bạn B. xức nước hoa khai mù em chịu không nổi. Vì
chuyện đó mà từ đó cho đến lớp 10 con B. nhìn mình bằng nửa con mắt, hi hi.
Chuyện đó không ngờ đến tai thầy hiệu trưởng.
Hồi đó mình tương đối nổi tiếng trong trường, không phải phải vì học giỏi mà vì
“con thầy Đạng”, ba mình là thầy của rất nhiều lãnh đạo to nhỏ trong tỉnh, cũng
là thầy của thầy hiệu trưởng. Chào cờ sáng thứ hai hàng tuần, thầy hiệu trưởng
nói có một số học sinh còn nhỏ tuổi đã mang tư tưởng tiểu tư sản, áo quần là
lượt, chải chuốt xức nước hoa rất kinh. Nước hoa là gì các em có biết không, đó
là thứ của bọn ăn trên ngồi tróc chuyên đem ra để lừa bịp giai cấp công nông.
Mình liếc sang con B., mặt nó cúi gằm, vô cùng sợ hãi.
Thầy hiệu trưởng còn đến nhà mình khoe
với ba mình, nói thưa thầy em đã chuyển thằng Lập sang bàn khác. Ba mình hỏi
sao. Thầy nói nó ngồi gần con bé hôm nào cũng xức nước hoa khai mù. Ba mình
trợn mắt há mồm, nói thế à? Chà chà… nguy hiểm quá! Anh chuyển đi là phải. Năm
lớp 7 mình đạt giải cả văn lẫn toán học sinh giỏi tỉnh, ba mình mừng lắm,
ôm lấy thầy hiệu trưởng, nói công anh lớn quá, gia đình tôi ơn anh lắm lắm.
Thầy hiệu trưởng mới khiêm tốn nói thưa thầy, nhờ thầy rèn cặp em Lập đó. Ba
mình lắc đầu xua tay, nói không không, nếu anh không chuyển thằng Lập tránh xa
con bé tiểu tư sản kia thì làm sao nó có thành tích như thế được. Hi hi chết
cười.
Cái thời gíàu có là xấu xa nhiều chuyện
cười ra nước mắt. Ai cũng thích giàu nhưng hết thảy đều ra vẻ coi khinh lũ giàu
có. Nhà nào kha khá một chút đều chẳng dám phô ra ngoài, đặc biệt nhà cán bộ có
chức có quyền một chút thì phải hết sức giữ gìn, làm con gà ăn cũng phải lén
lút, giấu tiếng bịt hơi, sợ nhỡ may hàng xóm biết được thì bỏ mẹ. Người nghèo
nếu có mổ heo cũng chả việc gì nhưng nếu là cán bộ có chức có quyền thì chỉ một
bữa cá rán cũng đã thành vấn đề. Mình nhớ hồi mình học lớp 2, ba mình có khách
trong tỉnh ra chơi, ông mổ gà đãi bạn. Ông sai mình ra ngoài ngõ đứng canh, rồi
nhét con gà vào bao tải nhúng nước cho đến chết, không dám cắt tiết, sợ nó kêu.
Khi ông luộc hay rán gà, mình phải chạy quanh vườn ngửi xem mùi có bay ra ngoài
không. Khi ngửi thấy mùi thơm thì lật đật chạy vào, nói ba ơi thơm rồi thơm
rồi. Ba mình lập tức lấy cái chăn trùm kín nồi. Đến khổ.
Cán bộ đi làm chủ yếu dựa vào đồng lương, ai muốn kiếm thêm cũng phải giấu
diếm, nếu lộ ra nhất định sẽ bị kiểm điểm lập trường không vững vàng, tư
tưởng không ổn định, chân trong chân ngoài. Ít ai sống đủ bằng lương, thường
thì đến nửa tháng là sạch bách. Khi đó phải tính chuyện bán cái gì đó để sống
tiếp nửa tháng còn lại, đa phần chẳng biết bán gì ngoài việc đem tem phiếu tiêu
chuẩn đi bán. Phiếu vải đem bán đầu tiên, sau đến phiếu thực phẩm. Chỉ cần có
đủ gạo ngày hai bữa là xong, ăn gì chẳng được, mặc gì chả xong. Thời đó nhiều
người chỉ có một bộ áo quần tươm tất, gọi là áo quần đi làm, ngày mặc đi làm,
tối về giặt là phơi khô ngày mai lại mặc đi làm tiếp.
Mình ở khu chung cư 24 Lê Lợi - Huế, cạnh nhà thằng Thịnh (Nguyễn Thế Thịnh) và
anh T. Anh T. làm cùng sở với mình, anh hiền lành nhu mì, suốt ngay có khi
không nói được một tiếng. Anh ở với thằng con trai trong cái phòng nhỏ hẹp như
phòng mình. Cứ mỗi kì lĩnh lương, anh chia lương ra 30 phần bằng nhau, lấy dây
chun cột thành 30 “bó” nhỏ, cất kín vào tủ. Mỗi ngày anh đem một “bó” tiền ra
tiêu, chỉ tiêu đúng “bó” ấy thôi, thiếu thì nhịn, kiên quyết không chi lạm
sang “bó” khác. Ngày nào có khách, anh buộc phải chi thêm “bó” khác thì ngày
sau hoặc anh xách xe đi “thăm” nhà bà con, bạn bè kiếm bữa cơm, họăc anh nằm
co nghiến răng nhịn đói.
Năm 1988, Đảng phát động công cuộc Đổi mới, anh em họp chi bộ phê phán cơ chế
bao cấp rất hăng, anh T. vẫn ngồi yên không nói gì. Đến khi anh em tranh nhau
phê phán hăng quá, anh dơ tay, nói tui có ý kiến. Anh đứng dậy mếu máo, nói các
đồng chí nói chi thì nói, không được nói xấu chế độ. Nói xong, anh đứng khóc oà
như trẻ nhỏ. He he!
Một thời không quên .Ông bạn Lập là tay ngang đã chuyển sang viết văn rồi còn nhảy sang điện ảnh làm phim về thời đó sao ?Các nhà làm phim về thời đó đã để lại các tác phẩm hay như "Tướng về hưu","Hà nội trong mắt ai","chuyện tử tế' v. v bọn trẻ xem lại là hiểu ngay .Bọn trẻ giờ không phải nó không tin mà do nó có nhiều việc phải làm ,mà các tấm gương để nó noi theo sao hiếm gặp quá nên" hết ngày dài lại đêm thau chúng ta đi trên đất Phi châu ".Bọn ta giờ bước vào giai đoạn "hồi tưởng 'phải đặt niềm tin vào lớp trẻ đừng có nghĩ nó không biết gì đâu nhé (Nó khôn gấp mấy mình ấy chứ)
Trả lờiXóa
Trả lờiXóa"... anh dơ? tay,..."
Ai dỗi hơi mà nhớ thời ăn bo bo đó ?Cứ nhìn con cái mấy ông là biết ngay .Toàn là đi Tây về cả còn làm chính trị thì bét cũng nối nghiệp cha .Có nhiều việc cứ gì phải thời bao cấp thời bây giờ bọn trẻ có hỏi mình cũng không trả lời được tỷ như sao lương nhà nước trả thì thấp mà cỡ vụ ,TGĐ thôi chứ chưa nói to hơn đã có khối tài sản đáng kể ,con cái toàn đi Anh ,Mỹ ..học rồi về nắm các doanh nghiệp ,địa vị tại các cơ quan thiết yếu cả ?Nếu họ năng lực thì không nói làm gì !Đằng này ...Tại sao làm cho nhà nước lương thấp mà được một chân' thi cử vất vả "lắm mới được mà khối kẻ theo? Tại sao cứ phải có bằng Đại học mới tạm gọi là vào đời?Tại sao ..nhiều trẻ em hư hơn hồi bao cấp ?Tại sao..
Trả lờiXóaHi!Hi!Hi!