Hồi ký Trương Văn Nhi
...
...
Mãi đến gần mười hai giờ đêm tôi mới yên tâm đặt lưng
xuống giường và thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh giấc nhìn đồng hồ: Vừa
đúng hai giờ sáng. Mặc dù còn hơn một tiếng nữa mới đến giờ tập trung, nhưng
tôi không thể ngủ thêm được nữa. Trước giờ phút tạm biệt mái trường thân yêu
này tôi sao có thể ngủ thêm được!
Tác giả đón bạn K16A đến thăm |
Sau khi vệ sinh cá nhân và chuẩn bị hành lý gọn gàng,
tôi đi ra sân, ngửa mặt lên trời, hít một hơi thật sâu và thở ra khoan khoái…
Bầu trời đêm nay đầy sao, trong như pha lê, phóng mãi
tầm mắt mà không cùng. Đêm tháng tư bầu trời thường như thế này đây. Ấy thế mà
cũng những đêm tháng tư này, máy bay B52 của giặc Mỹ đã làm vẩn đục bầu trời
cảng Hải Phòng thân yêu, gây lên những tội ác tầy trời. Chúng định hủy diệt
thành phố cảng Hải Phòng hòng làm lung lay ý chí tiến công của ta tại miền Nam. Rồi đây giặc Mỹ còn leo những nấc thang cao hơn.
Chúng có thể dùng máy bay B52 đánh vào Hà Nội của chúng ta. Ôi Hà Nội! Thủ đô
ngàn năm yêu dấu! Nơi đây có Bác Hồ đang yên giấc; nơi đây có Trung ương Đảng
đang ngày đêm lãnh đạo Cách mạng Việt Nam…; và nơi đây còn có Trường Đại học
Bách Khoa thân thương của chúng tôi nữa…
Nghĩ vậy, tôi bất giác nhìn về phía khu trường mới,
rồi quay sang phía khu trường cũ, và nhìn quanh khu khu nhà nội trú của sinh
viên: Kia khu nhà B8, B7, B6, B5, B13, B3… và đây là B14 – ngôi nhà mà lớp K16A
đang ở, trong đó các bạn của tôi đang ngủ say sưa mà đứng đây tôi dường như
đang nghe thấy những hơi thở đều đều, những nhịp đập vô tư của những trái tim…
Tôi ngắm nhìn ngôi nhà xinh xắn của chúng tôi. Kể ra,
nếu là người ngoài trường nghe nói nhà B14 thì tưởng rằng đó là ngôi nhà 4 tầng
đồ sộ như B13, B7, B8… kia. Nhưng thực ra B14 chỉ là ngôi nhà tranh vách đất
bốn gian nằm trên mảnh đất Bách Khoa mà thôi. Tôi còn nhớ hơn ba tháng trước
đây, khi tôi tình nguyện nhận để lớp K16A về ngôi nhà này ở thì nhiều anh em
không vui. Thật ra, cái không vui ấy là chính đáng. Bởi vì phải ở nhà tranh
vách đất ngay bên bờ sông Tô Lịch nước thối nồng nặc quanh năm và muỗi nhiều vô
kể, trong khi các lớp khác đều ở nhà xây bét nhất cũng là nhà một tầng lắp ghép
như ở phía cổng ra đường Đại Cồ Việt.
Phải ở một nhà như thế trong trường Đại học Bách Khoa nổi tiếng là hiện đại này
thì chẳng ai có thể vui được. Ấy thế mà cái không vui ấy chẳng tồn tại được lâu
bởi lẽ mọi người đã nhận ra được trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng
trường. Trong khi cả nước đang còn chiến tranh thì nhà trường không thể có điều
kiện xây dựng đủ nhà ở hiện đại ngay được. Cũng vì hiểu như thế nên anh em
chúng tôi đã bảo nhau sửa sang lại nhà cửa. Chúng tôi đã cùng nhau san nền cho
thật phẳng, quét vôi xung quanh, hun muỗi, làm sân, trồng cây v.v. Chỉ trong
hai ngày chúng tôi đã cải tạo thành chỗ ở đẹp đẽ, gọn gàng. Cả lớp có bốn tổ,
mỗi tổ ở một gian vừa vặn; và từng tổ thi đua nhau trang trí cho đẹp. Chúng tôi
kiếm được một đoạn thép chữ C treo ở đầu nhà làm kẻng báo thức. Sáng sáng tiếng
hô: “Một…hai…ba…bốn” của chúng tôi vọng vang đến tất cả các nhà bốn tầng của
khu nội trú. Tôi đã dự định trồng một ô hoa trước cửa cho đẹp mắt. Song kế
hoạch ấy không thực hiện được bởi vì giặc Mỹ! Chỗ dự định làm vườn hoa chúng
tôi đã đào một hầm chữ chi lớn và kiên cố để ứng phó với tình tình xấu nhất khi
bọn Mỹ ném bom Hà Nội. Cho đến hôm nay chúng tôi sắp lên đường phục vụ chiến
đấu và chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Và thế là chúng tôi sắp phải xa
ngôi nhà B14 đang gắn bó này…
- Anh Nhi đang nghĩ gì thế? Gần ba giờ rồi đấy!
Tôi quay lại về phía tiếng gọi của Đào Văn Thái, lớp
phó học tập, một cán bộ trung cấp kỷ thuật đi học, học tương đối tốt chỉ phải
cái tai nghễnh ngãng. Tôi nói khá to:
- Anh Thái đấy à? Anh đánh thức anh em dậy chuẩn bị
đi!
Nói đoạn, tôi quay vào gian nhà tổ hai ở, giúp Trương
Nguyên Trung, lớp phó đời sống, kiểm tra đồ đạc, thực phẩm của các tổ mang
theo. Chỉ trong mười năm phút mọi người đã gọn gàng. Số nữ trên nhà B3 cũng vừa
xuống tới nơi. Sau khi các tổ kiểm tra quân số, đồ đạc mang theo, tôi dẫn anh
em ra địa điểm tập trung. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện râm ran. Gần đến nơi
tôi đã nghe thấy tiếng thầy Đỗ Văn Bảo, Bí thư Liên chi ủy, phó Chủ nhiệm Khoa:
- Lớp K16A phải không? Anh Nhi đâu?
- Có!
Tôi có một tiếng rất “quân sự” và chạy đến chỗ thầy
Bảo đứng. Thầy Bảo bắt tay tôi:
- Thế nào lớp anh chuẩn bị tốt chứ?
- Báo cáo! Lớp em có thể xuất phát ngay được!
- Thế còn anh chị em ngoại trú?
- Theo như kế hoạch, anh chị em ngoại trú đã vào đây
từ tối qua không thiếu một ai.
- Lớp anh chấp hành như thế là rất tốt!
Vừa lúc đó, các lớp K16B, K16C, K15A, K12A…từ các nhà
xung quanh kéo ra. Thầy Bảo rời chỗ tôi đứng, đi đến đón các lớp…
Đúng ba giờ ba mươi phút. Một hồi còi vang lên. Tiếp
đó là tiếng dõng dạc của thầy Bảo:
- Tất cả chú ý!... Các lớp cho tập họp thứ tự từ trái
sang phải theo hướng tôi đứng, bắt đầu từ K12A, cuối cùng là K16C!
Chúng tôi chạy rầm rập đến vị trí tập họp như những
người lính thực sự. Chỉ trong vài phút đội ngũ đã chỉnh tề.
Đứng trước gần năm trăm sinh viên toàn Khoa, Thầy Đỗ
Văn Bảo xúc động nói:
- Các đồng chí, hôm nay thầy trò chúng ta tạm biệt mái
trường thân yêu lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu đến khi nào
chiến thắng ta mới trở lại trường. Tuy nhiệm vụ mới rất nặng nề, đầy gian khổ
và có thể hy sinh nhưng rất vinh quang. Đây là điều vinh quang thật hiếm có đối
với thế hệ sinh viên ngày nay. Chúng ta tự hào và có quyền tự hào rằng chúng ta
được đi đánh Mỹ và thắng Mỹ. Thầy và trò Khoa Chế tạo máy chúng ta quyết lên
đường cùng các khoa bạn lập chiến công trên mọi miền đất nước làm rạng rỡ
truyền thống của Khoa Chế tạo máy, của Trường Đại học Bách Khoa chúng ta…
Nghe thầy Bảo nói mà lòng lâng lâng; từng tiếng, từng
lời như được thấm vào trong tôi, làm tôi say sưa trong niềm tự hào. Tôi tin
rằng nhiều người đang đứng đây cũng có cảm giác như vậy.
Thầy Bảo nói xong, tất cả chúng tôi không ai bảo ai
đều nhìn về phía khu trường mới thân yêu. Dưới ánh điện mờ, chúng tôi khó phân
biệt được từng ngôi nhà, nhưng chúng tôi vẫn nhìn thấy tất cả, không những từng
ngôi nhà và cả vẻ đẹp của nó mà còn nhìn thấy từng song lan can sơn màu chạy
dài liên tục đến những cửa kinh sáng loáng, những phòng học xinh xắn và cả
nhưng nét phấn trên bảng đen….Tất cả những hình ảnh ấy, chúng tôi đã nhìn thấy
từ trái tim mình…
Giờ hành quân bắt đầu. Chúng tôi đi hàng ba theo đội
hình từng lớp về phía ga Hà Nội theo đường Nam Bộ. Chúng tôi đi bên nhau, nhìn
nhau sao mà thân thiết yêu thương. Sự biểu lộ tình cảm yêu thương cũng thật tự
nhiên. Những người khỏe tự tìm đến những người yếu để mang hộ ít hành lý. Hoặc
có những cặp, ngày thường chả thấy mấy khi họ gần gũi nhau, nhưng hôm nay họ đi
bên nhau chuyện trò to nhỏ, tâm đồng ý hợp…
Đi ngược chiều với chúng tôi, thỉnh thoảng lại có một
xe xích lô chở nồi, xoong và những bao bì căng tròn; một vài xe đạp đèo nặng
hối hả về phía nam. Tuy vội vã nhưng nhiều người vẫn quay nhìn chúng tôi. Một
chị vừa đạp xe vừa hỏi:
- Các chú sinh viên đi sơ tán ở đâu mà đông thế?
Ngay lúc đó có tiếng nói vui vẻ từ trong hàng ra:
- Không phải đi sơ tán đâu! Chúng tôi đi đánh Mỹ đấy
chị ạ!
- Thế thì chúc các chú hoàn thành nhiệm vụ nhé!
Giọng nói của chị xa dần về phía sau chúng tôi. Lời
nói chân thật của chị đi đường ấy như nhắc nhở chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt
nhiệm vụ trong thời gian tới.
Gần đến ga, tôi và nhiều người vẫn thỉnh thoảng nhìn
lại phía trường. Mới đó mà tôi đã thấy nhơ nhớ thế nào ấy, chẳng khác gì lần
đầu tiên xa nhà mình vậy. Đến khi lên tàu, tôi tìm chỗ ngồi giáp bên cửa phía
trái theo hướng tàu chạy để có dịp nhìn trường lần cuối trước khi tạm biệt.
Tiếng còi tàu ngập ngừng cất lên lần cuối rồi từ từ
chuyển bánh lưu luyến như không muốn rời nhà ga. Đoàn tàu đi nhanh dần về phía
nam…
- Trường đây rồi!
Nhiều tiếng reo lên sung sướng. Hầu như tất cả chúng
tôi đều dồn sang phía trái đoàn tàu. Các khung cửa nhìn ra phía trường đều bị
những cái đầu che kín cả. Khung cửa chỗ tôi ngồi cũng phải đến hơn chục cái đầu.
Lúc khung cửa lướt qua cổng parabon của trường, một giọng nói cảm động của bạn
nữ nào đó ở khung cửa bên cạnh vọng sang:
- Tạm biệt Bách Khoa thân yêu!
Năm giờ mười năm phút. Đoàn tàu đến ga Tía. Chúng tôi
được lệnh xuống tàu, chấn chỉnh đội ngũ và theo tiền trạm đi về phía xã Hoàng
Long thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Theo tiền trạm cho biết, từ ga Tía đến
Hoàng Long đường dài khoảng mười cây số. Tôi dự định đến nơi vào khoảng chín
giờ, chuẩn bị nấu cơm trưa là vừa. Tuy đoạn đường đi bộ chỉ có thế, nhưng vì
mang vác nặng, kồng kềnh, mặt khác số đông chưa hành quân kiểu này bao giờ, đêm
qua lại thiếu ngủ cho nên thời gian dự kiến của tôi rất khó đạt được. Đây quả
là thử thách đầu tiên của các bạn trẻ. Riêng lớp K16A và K16B có thuận lợi là
vừa được tập quân sự năm tuần nên cũng đã biết “mùi” hành quân. Tuy nhiên, việc
tổ chức và động viên mọi người trong lớp hành quân đến địa điểm đầy đủ, và
tuyệt đối an toàn thì thách thức còn ở phía trước.
Thầy Bảo trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân. Đội hình
hành quân vẫn như khi đêm. Ba lớp năm thứ nhất vẫn đi cuối cùng. Nhưng có một
điều khác là không đi thành hàng như khi đêm mà cứ ba hay bốn người cùng một tổ
đi với nhau để tiện giúp nhau. Khoảng ba cây số đầu tiên thì đội hình vẫn còn
tạm được, còn sau đó, việc duy trì đội hình trong từng lớp cũng trở lên khó
khăn chứ đừng nói đội hình toàn Khoa. Nhiều bạn nữ như Đặng Phan Liên Minh,
Hoàng Thị Thanh, Lê Thị Minh Chính, Dư Thị Dung… đầu tiên đi có vẻ hăng hái,
nhưng chỉ được vài cây số đã bỏ xa đội hình, thụt tít về phía sau. Một số bạn
nam đã tình nguyện mang đỡ hành lý để các bạn nữ đi cho kịp. Ấy thế mà cứ từng
đoạn từng đoạn tôi vẫn phải cử người đứng lại chờ kẻo các “tiểu thư” bị lạc. Có
bạn đi dép đau chân quá liền cầm dép lên tay để đi chân đất, nhưng vừa đi được
mấy bước thì không chịu nổi đành phải xỏ dép mà lê từng bước. Thấy vậy, có bạn
nam nói đùa rằng:
- Các tiểu thư Hà Nội ơi! Đường nông thôn không yêu
những đôi gót đỏ đâu nhé!
Chúng tôi hành quân được khoảng bẩy, tám cây số thì có
tin báo rằng: Có một số địa điểm của Khoa Chế tạo máy đã bị một số cơ quan nào
đó đến trước “phỗng tay trên” rồi! Thế là khí thế hành quân bị sẹp hẳn xuống.
Nhiều người tự động ngồi nghỉ dọc đường có vẻ chán nản. Tôi cùng một số anh em
cán bộ lớp phải đi động viên họ để họ an tâm hành quân thêm vài cây số nữa. Lúc
đó một chiếc xe “com-măng-ca” từ phía trước đi trở lại và dừng trước chỗ chúng
tôi. Tôi nhìn ra, thấy trong xe toàn là các thầy trong Ban Chủ nhiệm Khoa. Thầy
Tự, thầy Giảng, thầy Hoàng vui vẻ nói chuyện với chúng tôi về việc Ban Chủ
nhiệm Khoa đã tìm được chỗ ở mới. Các thầy động viên mọi người đi khẩn trương
đến nơi để chuẩn bị chỗ ở cho chu đáo. Thế là mọi người lại hồ hởi lên đường.
Đi khoảng ba cây số nữa nhiều người kêu mệt và đói. Tôi xem đồng hồ: Đã đúng
mười giờ. Lúc này đội hình hành quân đã đi theo từng lớp với tiền trạm của
mình. Tiền trạm của lớp tôi là anh Bùi Vũ Liêm, một công nhân rèn bậc ba được
nhà máy cử đi học. Bằng giọng Thanh Hóa, anh nói với tôi:
- Báo cáo với anh, địa điểm lớp ta ở còn ở cách đây
hơn năm cây số. Đó là nơi khá tốt. Bộ phận tiền trạm chúng tôi vất vả lắm mới
liên hệ được đấy…
- Thầy Chủ nhiệm Khoa cũng đã nói cho chúng tôi biết.
Bây giờ anh em đã mệt. Anh ở đây nghỉ để chờ anh em ăn trưa xong, khoảng một
giờ chiều ta đi tiếp.
Sau đó tôi cùng anh em đi vào sân kho hợp tác xã ở làng
cạnh đường. Khi kiểm tra quân số tôi thấy thiếu hẳn tổ ba và một số người ở tổ
hai. Theo anh em tổ hai báo cáo, anh Thái đi trước đã dẫn anh em vượt cầu sang
xóm bên kia sông nghỉ. Ở đó có tiền trạm của lớp K16B. Nghe vậy là tôi yên tâm,
vì tôi biết ba lớp K16 cùng ở một thôn.
Sau khi thấy tình hình nấu cơm khá gay go vì thiếu
nồi, bát, đũa,… và không có củi nên tôi quyết định để anh em ăn tạm bánh mì
mang theo rồi phân tán đi nghỉ trưa cho lại sức. Thế là từng nhóm từng nhóm
cùng ngồi ăn bánh mì với nhau vui vẻ quên cả mệt. Ăn uống xong, người thì vào
mấy nhà dân gần đấy, người thì trải ni-lông ngả lưng ngay trong nhà kho…. Còn
tôi và một số anh em khác ra ngay bờ sông ngả lưng trên bãi cỏ để tận hưởng cái
không khí mát mẻ ngát thơm hương đồng…
Đúng một giờ chiều, tôi cho gọi anh em dậy ra bờ sông
tập trung để tiếp tục hành quân. Vì ngày đầu chưa quen nên bây giờ nhiều người
mặc dù đã được nghỉ hai giờ liền nhưng vẫn không thể đi nhanh lên được. Có
người nói với tôi:
- Em đi mà chân nó không muốn bước! Chẳng khác gì đôi
chân đi mượn ấy anh ạ!
Mặc dù đoạn đường ước chừng năm cây số nhưng chúng tôi
đi quanh co thế nào mà mãi đến bốn giờ chiều mới đến nơi. Vừa đến đầu làng, mọi
người đã ngồi lăn ra với những tiếng thở phào nhẹ nhõm. Tôi hỏi anh Liêm:
- Xóm mình đến đây là xóm gì?
- Đây là thôn Thanh Xuyên thuộc xã Hoàng Long, huyện
Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây anh ạ.
Tôi liền giở sổ công tác ra xem. Theo kế hoạch đã
thống nhất thì địa điểm đến phải là thôn Chí Trung, xã Hòa Long kia. Như vậy ta
đã phải chuyển đi một đoạn khá xa. Tôi hỏi tình hình địa phương mà anh Liêm đã
nắm được, sau đó vào nhà ngay đầu xóm để nhờ bếp nấu cơm. Mấy bạn nữ: Tần Ngọc
Châu, Nguyễn Thị Tứ, Hoàng Thị Khích nhanh nhẹn nhận ngay việc nấu cơm. Còn tôi
và anh Liêm đi đến các gia đình đã liên hệ để đưa anh em đến ở. Khi trở lại,
tôi thấy có tiếng ai khóc trong nhà. Lê Thị Minh Chính chạy ra nói nhỏ với tôi:
- Anh Nhi ạ, Dung nó khóc đấy!
- Chính có biết tại sao không?
- Em đoán chắc là nó nhớ nhà thôi.
Tự nhiên tôi cũng rơm rớm nước mắt. Tôi thấy thương
Dung, thương các bạn nữ Hà Nội, tuổi đều mười tám, mười chín chưa bao giờ chịu
vất vả như ngày hôm nay…
Ăn cơm xong. Tôi và một số bạn ra đứng ngắm cảnh hoàng
hôn trên sông thì bỗng có tiếng gọi giật giọng:
- Anh Nhi ơi!
Tôi quay lại thấy Chính và Dung, tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Cái Liên Minh nó hỏi thăm đường bà chủ nhà rồi mượn
xe đạp về Hà Nội rồi. Chúng em ngăn cũng
không được!
- Thế cô ấy đi lâu chưa?
- Mới cách đây khoảng mười phút.
Tôi vội vàng mượn chiếc xe đạp phóng qua cầu đuổi
theo. Tôi biết dù có tài thánh cũng không đuổi kịp nếu không có gì cản trở cô
ấy. Tôi chỉ còn hy vọng là Minh vừa đi vừa hỏi đường mà thôi. Tôi đạp xe được
khoảng hơn một cây số, gặp mấy người đi xe đạp ngược chiều, tôi hỏi:
- Các anh chị có thấy một cô trẻ tuổi, mặc áo trắng,
đeo kính cận, đi xe đạp không?
- Từ Phú Xuyên về đây, chúng tôi không gặp ai như thế
cả!
Tôi lại đi một đoạn nữa rồi hỏi, người ta đều trả lời
la lá như thế. Biết Dung và Chính báo cho tôi quá muộn, tôi đành quay xe lại.
Tôi vừa qua cầu xi măng ở đầu làng. Mọi người ra đón khá đông. Chính hỏi:
- Anh có thấy nó không?
- Các cô báo chậm quá! Cô ấy đi từ đời nào rồi, đuổi
sao kịp.
Tôi quay lại nói với Nguyễn Cao Dương và Trần Vinh
Quang:
- Hai cậu có xe đạp phải không?
- Vâng!
- Thế thì ngay bây giờ, hai cậu đạp xe về Hà Nội, tìm
đến nhà Liên Minh xem cô ấy ra sao. Trong ngày mai, hai cậu phải đưa cô ấy về
đây!
Dương và Quang được dip về lại Hà Nội có vẻ phấn khởi
lắm nên đồng ý luôn. Cả hai về lấy xe rồi phóng như bay.
Còn tôi, bao cái lo cứ tràn dâng. Không hiểu Liên minh
người nhỏ bé, mắt cận nặng lại đi xe đạp một mình trên đoạn đường dài gần bốn
mươi cây số, mà lại đi ban đêm thế này…liệu có an toàn không? Còn Dương và
Quang nữa? Tôi lo nhất là đêm nay và ngày mai nếu máy bay Mỹ đánh vào Hà Nội
thì sao? Tôi mong sao đêm nay và ngày
mai Hà Nội vẫn bình yên…
Đó là ngày 22 tháng 4 năm 1972. Một ngày thật đáng nhớ!
(Còn nữa)
Ôi cái ngày xưa sao mà đáng nhớ thế .Thời mà người lính Trường sơn đảng viên ,lớp trưởng K16A mới viết được sâu sắc như vậy chớ như bọn thằng Q ,BĐT ,H/T ,Thêm ,Thắng sứt ,Trí điên (khác Trí mụn) Ninh lùn ,Châu ,Hý ...có gì mà kể ? Chẳng lẽ lại nói các kiểu nghịch ngợm ấu trĩ một thời yêu đương linh tinh làm mất lòng các lãnh đạo sao? Thôi để các câu truyện đó đến lúc gặp nhau "chém gió "cho ..thỏa trí (mà lúc gặp nhau thì tranh nhau nói mãi thêm dấm ớt nên nghe cũng thi vị lắm )kiểu như anh Nhi ,anh Thái ,anh Cơ các bậc lão làng khi đó yêu em ở đâu không ?Tôi phục nhất anh Lượng về đề tài đó đố ai bì kịp nghe anh kể bọn trẻ ranh như Tiến con ,Cường tẩm Thông ,Trung ,Tùy ..tròn mắt nghe
Trả lờiXóaBạn K16A CTM ĐHBK
Kính thưa anh Nhi yêu quí! Hình như anh nhớ nhầm:
Trả lờiXóa- nên hình tượng hóa thời sinh viên mình khổ quá đấy, làm gì có chuyện ở nhà tranh vách đất mà là tường xây một tầng trên lợp Pi b rô xi măng...
- Thầy Hoàng chỉ xuất hiện trong BCN khoa khi thày Bảo chuyển về công tác ở Thái lọ...
Em Trường chúc anh mạnh khỏe!
Trường không ở nội trú sao biết được! Cứ hoi Trương Nguyên Trung, Đào Văn Thái, ... khắc rõ!
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaHôm nay, mình nói thêm để đại tá Trường biết: Hồi ký là phải viết chân thật, không được hư cấu. Hồi ký này mình đã hoàn thành từ năm 1974. Trong thời gian 1974 - 1975, nhiều lần trong các buổi sinh hoạt lớp, mình còn yêu cầu các bạn ở lại để nghe mình trích đọc hồi ký đang còn nóng này. Có lần em Minh Chính còn nói kháy:"Anh Nhi chọn nhầm trường rồi!". Sau khi hoàn thành mình còn nhờ Trương Nguyên Trung chữ khá đẹp, chép lại từ bản viết tay của minh, đóng thành quyển, ngoài bìa tự tay mình vẽ đoàn sinh viên đang hành quân đi sơ tán và gửi lên Phòng Truyền thống Trường ĐHBK Hà Nội. Không hiểu cuốn hồi ký viết và đóng thủ công mất bao công sức đó có còn không? Nhưng bản viết tay của mình vẫn được giữ cẩn thận. Khi nào Trường và các bạn trong lớp qua thăm nhà mình chắc chắn mình không quên mang ra cho Trường và các bạn chứng kiến!
Trả lờiXóa