Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Những ngày không thể nào quên (3)

            (tiếp theo và hết)
Ba giờ chiều, ngày mười một tháng năm. Các tổ đã nhận đầy đủ lương thực, tiền, tem phiếu mang theo. Bữa chiều hôm ấy, chúng tôi ăn từ ba giờ rưỡi và mỗi người mang theo một nắm cơm ăn bữa đêm. Đây là lệnh của H Bộ bởi vì xe của đơn vị bộ đội đi suốt đêm nay. Riêng ở bếp Tổ Một, anh em có món canh cua tuyệt vời. Nguyên là tôi và Hoàng Minh Tiến, Dương Quốc Vừng ra cánh đồng cạnh chùa móc được đến hai trăm con cua to. Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu và cũng không phải chỉ có Tổ Một. Mấy hôm trước, tôi thấy Nguyễn Duy Cường, Lê Ninh, Vinh Quang ở Tổ Hai đi lặn ở sông Nhuệ được đầy thùng trai mà toàn nhưng con trai béo mập!...

Đến bốn giờ chiều, chúng tôi ra địa điểm tập trung. Đây là một sân gạch lớn nằm trên bờ sông Nhuệ cách Thanh Xuyên hơn nửa cây số. Nhiều anh chị em ở lại đi đợt sau cũng đi ra tận nơi tiễn chân đoàn quân đi trước của lớp, trong số đó có cả Thanh và Châu mắt đang còn đỏ hoe. Ngoài ra, tôi còn thấy cả một số em thiếu nhi đi theo các anh các chị mà nước mắt lưng tròng. Không những thế, tôi còn thấy có mấy chị, mấy bác bác lấy xe đạp đèo anh chị em ở nhà mình ra chỗ tập trung, đứng đó chờ chúng tôi đi thật xa rồi mới quay về.
Đoàn Khoa Chế tạo máy đi hôm nay có khoảng một trăm hai mươi người. Chúng tôi đi theo hàng đôi dọc theo con sông Nhuệ quen thuộc. Bóng chúng tôi với những cành lá ngụy trang, cùng bầu trời xanh ngắt điểm những thảm mây trắng như bông in lung linh trên mặt nước trong veo. Cái nắng xuyên khoai gay gắt chả mấy chốc đã làm chúng tôi ướt đẫm mồ hôi. Một đống cỏ ai đốt nổ lép bép bên sông, khói lên cuồn cuộn thẳng đứng. Trời rất nóng. Nhưng cái nóng nào bằng cái nóng trong lòng chúng tôi mong chóng đến nơi phục vụ chiến đấu. Đoàn chúng tôi đi hôm nay là một trong hàng chục đoàn của Bách Khoa đã và đang đến khắp mọi nơi của hậu phương lớn miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Rồi mai ngày chiến thắng, chúng ta tự hào rằng, trong chiến công vĩ đại của cả dân tộc cũng có phần nhỏ của Bách Khoa. Tôi vừa đi vừa nghĩ như vậy, mải mê đến quên cả mệt. Liếc nhìn về phía Đặng Phan Liên Minh, tôi thấy hôm nay cô ấy đã đi kịp đoàn, bước đi vững vàng hơn…
Bẩy giờ tối, đoàn hành quân đến gần ga Phú Xuyên. Tiền trạm cho biết, tàu hôm nay có thể đến chậm tới hai tiếng. Đoàn chúng tôi đành tập kết cách ga Phú Xuyên một cây số. Lúc đó Tổ phó Tổ Ba là Nguyễn Ích Thông đến chỗ tôi:
- Báo cáo lớp trưởng, anh Khôi bị đau vết thương cũ ở chân, có khả năng không đi được nữa!
Tôi liền đi tìm thầy Bảo báo cáo rồi quay lại bảo Thông:
- Cậu thanh toán cho anh Khôi để anh Khôi trở lại Thanh Xuyên đi với đoàn sau.
Tôi gặp anh Khôi, động viên:
- Anh cố gắng ở lại đi sau vậy. Bây giờ, tôi cho anh em Tổ Ba đưa anh vào xóm đây nghỉ nhờ rồi sáng mai về Thanh Xuyên…
- Tôi không phiền anh em đâu! Tôi tự vào trong xóm một mình được. Chúc các anh lên đường mạnh khỏe!...


Sau khi anh Khôi vào trong xóm được gần một tiếng, đoàn tiếp tục hành quân đến ga và lên tàu. Đến chín giờ tối, tàu đến ga Hà Nội. Thế là, gần một tháng xa Hà Nội, xa trường, hôm nay lại có dịp về đây. Hà Nội và Bách Khoa đã đi vào nỗi nhớ của lòng tôi. Về Hà Nội mà tôi cứ ngỡ mình được về nhà. Nó ấm cúng đến kỳ lạ…
Xuống tàu, đoàn về tập trung tại phố Yết Kiêu để chờ đoàn xe của bộ đội đến đón. Trong số anh em ở Hà Nội có Phạm Phúc Trí, Tổ trưởng Tổ Hai, Nguyễn Thắng, Cao Dương, nhà chỉ cách đây hơn hai, ba trăm mét nhưng tôi cũng không dám cho các cậu ấy về qua nhà ít phút vì sợ xe đơn vị bộ đội đến thì chẳng bõ…
Mãi đến gần mười một giờ đêm, sáu chiếc xe Star của đơn vị mới đến. Đoàn xe chuyển bánh. Chúng tôi ngồi trên xe lưu luyến vẫy chào Hà Nội một lần nữa.. Lần này chúng tôi xa bao lâu cũng chẳng ai biết. Chỉ biết rằng ngày chúng tôi trở về Hà Nội phải là ngày chiến thắng. Ngày ấy chẳng còn xa nữa. Tôi tin như vậy…
Đoàn xe chúng tôi ra đến gần phà Chèm thì bị tắc phà. Đồng chí lái xe cho biết từ đây xuống đến phà, xe nối đuôi nhau tới gần hai cây số. Chúng tôi ngồi trên xe ngủ một giấc đến sáng. Rồi cả buổi sáng ngày mười hai tháng năm, chúng tôi vẫn chưa qua được phà. Trưa hôm ấy, chúng tôi được lệnh qua phà trước để chờ xe. Qua phà, tôi cho mọi người vào mấy nhà kho bỏ trống gần đó  ngủ cho đỡ mệt. Đến gần bốn giờ chiều, hai chiếc xe cuối cùng mới qua được phà. Bốn xe sang trước đã chuyển bánh cách đây gần một giờ rồi…
Hai xe chở chúng tôi chạy dọc theo đường đê sông Hồng. Cát bụi cuồn cuộn mịt mù phía sau. Đường đất, ổ gà nhiều vô kể, xe cứ nhẩy lên chồm chồm. Chiếc đàn măng – đô – lin mà tôi mang theo cũng cứ nhẩy lên kêu tưng tưng. Nhìn cây đàn sao mà thương nó thế. Nó đã bị nứt ra một vệt dài trên mặt vì bị đầy nắng suốt bẩy, tám giờ liền, bây giờ lại chịu xóc!
Xe chúng tôi chạy được hơn một cây số thì bỗng xung quanh tên lửa của ta nổ ầm ầm và rít lên át cả tiếng xe.
- Tên lửa của ta đang bắn máy bay địch đấy!
Tôi nói như reo và nhìn lên trời. Một tên lửa của ta bay ngay phía trên đầu chúng tôi đang đuổi một chiêc máy bay địch. Chiếc máy địch chạy lắt léo, cuống cuồng. Nhưng không kịp rồi. Tên lửa của ta đã nổ. Một đám lửa màu da cam bùng lên. Chiếc máy bay Mỹ phải đền tội. Xác nó rơi lả tả trên cánh đồng bên trái theo hướng xe chạy. Xe đi đầu dừng lại. Xe chúng tôi cũng dừng lại. Thầy Bảo đứng xe trên nói lớn:
- Tất cả các đồng chí xuống xe vào xóm bên phải đường tìm nơi trú ẩn ngay!
Chúng tôi bình tĩnh nhẩy xuống xe rồi chạy vào trong xóm. Máy bay địch vẫn ngoan cố lao vào Hà Nội. Tên lửa của ta bay lên càng nhiều. Tiếng tên lửa rít hòa với tiếng pháo cao xạ các cỡ nổ như sấm. Nhìn những đốm khói trắng tròn xoe chụm với nhau thành những tam giác  trên bầu trời. Một đồng chí lái xe reo lên:
- Tuyệt quá! Pháo của ta bắn rất chụm! Máy bay địch hoảng rồi!
Từ bên kia sông về phía Gia Lâm, những cột khói dựng lên như những cây nấm đen xì và tiếp đến là những tiếng nổ rung mặt đất. Tất cả chúng tôi đều nhìn về phía đó. Nhiều người mím môi, mắt nhìn không chớp. Những cột khói đen hình nấm cùng với những tiếng nổ rung mặt đất vừa rồi nó lại gây thêm những mất mát cho Hà Nội. Giặc Mỹ nợ máu phải trả bằng máu. Hà Nội, Hải Phòng,…, miền Nam, cả nước ta bắt chúng phải trả món nợ này. Tôi cũng như các bạn tôi đứng đây sẽ làm những gì trong thời gian tới để cùng cả nước bắt đế quốc Mỹ phải trả món nợ này? Các mạch máu trong người tôi lúc đó như căng ra; hai thái dương cứ giần giật, giần giật…
Bên kia sông, các cỡ đạn pháo giăng thành một lưới lửa dầy đặc. Máy bay địch bay tít lên cao rồi chuồn thẳng. Khói bom đạn tan dần. Bầu trời lại trong xanh. Tất cả chúng tôi lại lên xe. Và xe lại lăn bánh.
Khoảng bẩy giờ tối hôm ấy xe chúng tôi đến Nhã Nam. Tại đây các xe trước đang chờ chúng tôi. Mọi người đến hỏi thăm tíu tít. Trương Nguyên Trung cầm tay tôi:
- Các anh có việc gì không? Chúng em lo cho các anh quá!
- Không sao! Bọn mình qua phà hơn một cây số, máy bay nó mới đến. Hơn nữa, nó không đánh bến phà.
- Thế Hà Nội có sao không?
- Chắc là có bị đôi chỗ ở phía Gia Lâm  thôi. Nhưng chúng đã phải đền tội. Chính mắt mình thấy một chiếc máy bay Mỹ tan xác!
- Thích quá nhỉ! Chúng em cũng vừa nghe đài công bố chiều nay Hà Nội bắn rơi năm máy bay Mỹ.
Nghe vậy, số anh em mới đến reo lên:
- Hay quá! Trừng trị đích đáng quá!
- Thế mới đáng đời quân cướp!
Chúng tôi nghỉ ở đây khoảng một giờ rồi lên xe đi tiếp. Cả đoàn xe sáu chiếc bật đèn pha sáng trưng, nối đuôi nhau đi trông thật đẹp mắt. Khoảng nửa giờ sau đoàn xe qua một cánh rừng. Hoàng Thị Thanh ngồi bên tôi reo lên:
- A! Rừng đây có phải không anh?
- Ừ, rừng đấy! Đây là địa phận của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám năm xưa…
- Thích quá nhỉ! Đến chủ nhật này chúng em rủ nhau vào rừng chơi mới được.
Thanh tỏ ra rất thích thú; mắt cứ nhìn theo ánh đèn pha ô tô quan sát những cây chen chúc nhau bên đường. Quả là rừng rất hấp dẫn đối với những người chưa thấy rừng bao giờ…
Đoàn xe chỉ sáu chiếc thôi mà đã nghe vang động núi rừng. Những cặp đèn pha cứ loang loáng trong đêm tối; lúc thì chiếu thẳng lên trời như những cánh tay giơ lên đùa vui với các vì sao;  lúc thì chiếu thẳng xuống nòng suối nước trong veo đánh thức nhứng chú đá cuội đang ngủ say dưới đáy nước. Thế rồi, ánh đèn pha bỗng ngoặt về bên phải soi rõ hai ngôi nhà lợp nứa, và xa một chút là bốn, năm ngôi nhà lợp nứa nữa bao quanh một sân cỏ lớn. Đoàn xe dừng lại. Nhiều người reo lên:
- A! đơn vị bộ đội của ta đây rồi!
 Thế là đã đến nơi hằng mong đợi để được phục vụ chiến đấu trong một đơn vị bộ đội quan trọng với những “bí mật quân sự” mà ngày mai mới bắt đầu được khám phá…
Để đến được nơi đây, tôi lại một lần nữa trở lại quân đội, nhưng lần này tôi và các bạn sinh viên Bách Khoa của tôi làm nhiệm vụ bảo dưỡng vũ khí, khí tài chuẩn bị cho giải phóng hoàn toàn miền Nam…
Đối với tôi, những ngày qua mà tôi đã ghi lại trên đây mãi mãi không thể nào quên!
Hết
 Ngày 20 tháng 10 năm 1976
 TRƯƠNG VĂN NHI

7 nhận xét:

  1. Anh Nhi ơi anh nhớ sai rồi! Nếu đoàn các anh lên tàu thì phải là ga chợ Tía chứ không phải Phú Xuyên vì từ chỗ ta xuống tàu lúc sơ tán (chợ Tía) cách ga Phú Xuyên không dưới 10km nữa đấy. Tuy nhiên nhớ như vậy cũng là giỏi rồi! Hi Hi!

    Trả lờiXóa
  2. Có thể vài chi tiết nhỏ anh Nhi nhớ chưa được chính xác nhưng quả thực đến hôm nay đọc lại bút ký anh viết từ 1976 sao mà thấy xúc động thế .Nhất là thấy tên mình với tài "mò cua ,bắt ốc" thủa nào .Hoàng Minh Tiến, Dương Quốc Vừng Nguyễn Thắng Thầy Bảo Đặng Phan Liên Minh,anh Khôi ..có người từ hồi ra trường đến giờ không được gặp hay ít gặp nhưng các kỷ niệm về họ thời s/v mãi còn ghi trong tôi .Cám ơn anh Nhi ,Quang đã cho tôi nhớ lại một thời tuổi trẻ vào đúng dịp như ngày hôm nay

    Trả lờiXóa
  3. Bọn mình giờ đã nghỉ hưu cả đều là các "tỷ phú" của thời gian nên rất cần gặp gỡ nhau để chia sẻ (trên mạng, hay ngoài đời ) Thế mới biết vai trò của Hội ,của cá nhân các bạn như Q,H/T...cần thiết như thế nào ? Và cần nhất các bạn phải tham gia chứ nếu có dịp gặp nhau lại ..Bận thì chán lắm
    Bạn K16A CTM ĐHBK

    Trả lờiXóa
  4. Dịp vừa qua đám cưới con Dư Dung bạn bè lâu mới gặp lại ngồi cũng đủ 2 mâm Lâu rồi mới gặp Thanh (hàng Than) ,Tùng đen (Gia Lâm), Tứ .. Lại được các lời mời đến chơi với nhau dịp 2/9 tới .Thế mới biết "cuộc đời vẫ đẹp sao"
    Hi!Hi!Hi!

    Trả lờiXóa
  5. Ông bạn Hi nói toàn điều xưa như trái đất ? Cuộc đời lúc nào mà chả (vẫn) đẹp? Thời đẹp nhất của cuộc đời là thời s/v đó ! Bao giờ được trở lại thời đó nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sớm thôi! Nhắm mắt lại là... xong! Mơ ước gì!

      Xóa
  6. Cuộc sống mà không ước mơ thì ...? Xưa giấc mơ nước Nga bây giờ mơ nước Mỹ và giấc mơ nước nào nữa đây? Hay nhất vẫn là phải thực hiện được nó!
    Bạn ĐHBK

    Trả lờiXóa