Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

Những ngày xanh (2)


Con đường vào Đại học (tiếp theo và hết)
Đội kỹ thuật của chúng tôi với nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật mới, phun thuốc trừ sâu, dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, nhân dân trong xã Xuân Hùng.      

Năm ấy, mùa đông đến sớm và trời rét vô cùng. Theo cảnh báo của cấp trên: thóc sẽ không nảy mầm được, phải làm lò thúc mầm chung cho toàn HTX. Cụ thể: đội chúng tôi sau khi được anh đội trưởng huấn luyện về kỹ thuật và cho chén một bữa no xôi gà, lập tức tiến hành những công việc sau:

- Xây lò và bắc giáo để bỏ từng sọt thóc giống lên. Lò thúc mầm được người kỹ sư nông nghiệp nào đó vẽ trước có kích thước và kết cấu quy định,

- Ngâm thóc giống dưới thuyền để thóc được ngậm đủ nước, dễ nảy mầm.

Chiếc thuyền ngâm thóc giống để ở dưới sông bị thủng, nước vào đầy khoang. Trời rét như cắt thịt mà mấy thằng thanh niên chúng tôi phải thường xuyên uống nước mắm để lội xuống sông đưa thuyền thóc nổi lên.

- Nhồi thóc vào sọt và gác lên giáo,

- Đóng bít cửa lò và đun chảo nước sôi. Nước sôi, hơi nước bốc lên làm nóng toàn lò, phải theo dõi nhiệt kế thường xuyên để giữ lò ở nhiệt độ nhất định, với khoảng thời gian tính sẵn. Đến khi thóc nảy mầm thì lấy ra, chia cho các đội.

Ngoài việc trên, chúng tôi còn được huấn luyện phun thuốc trừ sâu cho lúa. Trước khi phun thuốc, phải biết phân biệt được đâu là do sâu, đâu là bệnh của lúa để sử dụng thuốc cho thích hợp. Sâu lúa gồm: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm, sâu đục thân ba chấm… Bệnh của lúa gồm: bệnh vàng lụi, bệnh đạo ôn… Đến mùa nào, thời gian nào thì hay có sâu, có bệnh loại tương ứng để thường xuyên đi thăm đồng, kiểm tra. Sau đó còn hướng dẫn nông dân phun thuốc. HTX có một máy phun thuốc của CHDC Đức và một số bình bơm tay, tôi được giao nhiệm vụ chữa máy và bình bơm là chính, nên tôi ít phải trực tiếp phun thuốc trên đồng.

Bên cạnh những việc đồng áng, tôi còn tham gia dạy bổ túc văn hóa cho dân làng. Ý thức được mình là người có kiến thức và được Bố dạy là phải đầu hàng giai cấp: “phải phụng sự công nông như người chủ của mình”. Rồi đọc các tiểu thuyết của Trung Quốc, tôi cũng hiểu được điều này, thí dụ: Hàn Tín là nguyên soái của Hán Cao Tổ – lúc nghèo khó cũng phải chui qua háng anh hàng thịt hoặc câu nói: Rồng vàng ở trong ao tù thì cũng không khác gì giống lươn chạch… Thực ra đấy là tôi suy luận thêm ra chứ hầu hết bà con nông dân tốt lắm. Tôi thương yêu, quý mến và trân trọng đức tính cần cù, chịu khó,… và đặc biệt là tinh thần yêu nước, đức sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của họ. Tôi mang hết hiểu biết của mình để truyền lại kiến thức của tôi cho họ. Tôi đến từng nhà vận động mọi người đi học. Thường thì lớp 3-4 được tổ chức tại nhà các xã viên hoặc kho của đội sản xuất. Những lớp học chính quy hơn, lớp 6-7, được tổ chức dạy tại trụ sở của HTX Xuân Bảng hoặc ở  trụ sở xã Xuân Hùng mà hầu hết học sinh là cán bộ từ đội sản xuất trở lên.

Tôi còn nhớ sau đợt tham gia dạy bổ túc văn hóa ở địa phương, anh phụ trách công tác bổ túc văn hóa của Huyện đã thuyết phục xã trích ngân sách để  đầu tư cho việc dạy và học BTVH, tôi được bồi dưỡng 20 đồng. Đây là lần đầu tiên tôi được nhận một khoản tiền lớn do công sức lao động của mình bỏ ra vì từ trước đến giờ tôi chỉ làm ra thóc chứ chưa làm ra tiền. Nhận được số tiền trên, tôi đem cả về đưa cho Mẹ. Mẹ tôi xuống chợ Cầu Cụ mua 5 đồng cả bún và cá về liên hoan…

Với suy đoán nguyên nhân tôi không được đi học Đại học là do xã phê xấu lý lịch của tôi, đầu năm 1971, Bố tôi đã chủ động làm bộ hồ sơ của tôi đưa Bác Bân – là Phó Chủ tịch phụ trách công an xã Xuân Hùng xác nhận và tự tay Bố gửi thẳng lên ban tuyển sinh của tỉnh.  

Lúc này, Ty Giáo dục Nam Hà mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho các giáo viên văn hóa không chuyên, tôi lại được cử tham gia. Tại đây tôi gặp lại người bạn gái đã học cùng với tôi từ lớp 6 ở Xuân Phương. Biết chuyện của tôi, bạn an ủi bằng ánh mắt buồn bã và đầy thông cảm.

Đến đầu tháng 5/1971, tôi được xã cho gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Những tưởng sẽ đi bộ đội đợt này, gia đình và bạn bè thay nhau mời tôi ăn  cơm có cá và trứng rán… để tiễn chân. Tôi xác định tư tưởng sẵn sàng lên đường nhưng không hiểu thế nào, trên xã lại xác định tôi chưa đủ tuổi nên lại được hoãn đợt ấy.

Rồi việc gì đến cũng phải đến. Một ngày đầu tháng 7 năm 1971, ông bác tôi mang giấy gọi đi thi đại học về cho tôi. Thật là vui mừng hết sức. Ước mơ tuổi trẻ của tôi đã thành hiện thực, cầm tờ giấy trên tay mà tôi vẫn tưởng là đang mơ… Tôi lập tức lao vào học ôn lại kiến thức, nhưng cũng không được mấy ngày. Nhưng do sẵn có kiến thức cơ bản và trí nhớ tốt, một năm nghỉ học đối với tôi chả nghĩa lý gì. Kỳ thi Đại học năm đó, tôi dễ dàng vượt qua một cách ngon lành.

Năm ấy bão to, xã tôi phải tu bổ đê biển. Trong khi chờ đợi kết quả công bố, tôi lại tiếp tục tham gia đắp đê – chịu thêm một lần lao động nặng nhọc gian khổ nữa. Vậy mà, nhiều bạn bè, anh em cứ hỏi như móc máy: Không được đi học đại học à? Tôi chả biết trả lời sao! Cổ họng đắng ngắt, tâm trạng pha lẫn lo lắng và sự buồn tủi, đau khổ!!!

Rồi tôi cũng chả phải chờ đợi lâu. Chiều 20/10/1971, đang ngồi ở quán nước bác Ngợi, dưới một cây bàng lá xanh um thì người đưa thư của làng gọi tôi và đưa một cái phong bì nhỏ. Đập ngay vào mắt tôi là dòng chữ trên mép phong bì: Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Tôi vội vàng bóc ra thì ra đó là cái giấy gọi nhập trường. Trong giấy ghi rõ ràng: Anh/Chị… phải có mặt trước ngày 20/10. Tôi liền ba chân bốn cẳng chạy ngay về nhà báo với Bố, trong lòng mừng vui, tự hào… Sáng hôm sau, hai bố con tôi vay tiền họ hàng, mượn chị tôi cái xe đạp. Bố tôi đèo tôi phăng phăng lên thành phố Nam Định. Sau khi gửi xe ở nhà dì tôi, đêm hôm ấy hai bố con ra bến tàu ngược về Hà Nội.

Trong lúc ngồi chờ tàu, tôi nhìn thấy nhiều phụ nữ tiễn quân nhân lên đường. Những đôi tình nhân quấn lấy nhau, trao cho nhau tình cảm trong chiếc áo mưa của bộ đội. Đằng xa cũng lác đác có những bà mẹ tiễn con… Bất giác tôi nhớ tới mấy câu thơ của Nguyễn Bính trong bài Những bóng người trên sân ga:

…Có lần tôi thấy một bà già

Đưa tiễn con đi trấn ải xa

Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng

Lưng còng đổ bóng xuống sân ga…

Hai bố con xuống ga Hà Nội vào lúc mờ sáng và đi bộ dọc con đường Nam Bộ đến trường Đại học Bách khoa ngay. Bố nói với các cán bộ tuyển sinh ở Khoa Chế tạo máy tỉ mỉ là vừa nhận được giấy báo chưa kịp làm các thủ tục như cắt lương thực, chuyển khẩu… và xin cho tôi về làm nốt. Nhà trường đồng ý gia hạn thêm cho tôi ba ngày nữa. Làm các thủ tục trên cũng rất nhanh chóng do đích thân bố tôi chỉ đạo. Đồng thời, các cuộc ăn uống chia tay với mọi người trong gia đình, với bạn bè. Sau hơn một năm lao động sản xuất, không khỏi bịn rịn, nhớ thương, dù tôi đã xác định phải vững vàng trên con đường phía trước.

Đội kĩ thuật do anh Hoàng Thọ Tôn phụ trách tổ chức liên hoan tiễn tôi đi học và mãi sau này tiêu chuẩn bồi dưỡng của tôi, anh Tôn vẫn cử người đến nhà giao cho Mẹ. Anh phụ trách công tác bổ túc văn hóa của Huyện Cẩm rất quí mến tôi, anh tặng tôi một quyển sổ trong đó có ghi: Em nhớ! Đã là hoa phải là hoa hướng dương, đã là chim phải là chim bồ câu trắng… Nhân danh là Phó Bí thư xã Đoàn, anh phê vào lí lịch tôi nhiều mỹ từ mà không mấy người có được.

Nhớ lại thời gian qua, tôi thấy mình đã trưởng thành nhiều trong gian khó. Bản thân t tích lũy được nhiều tri thức và kinh nghiệm sống phù hợp với cuộc sống sau này. Tôi thầm cảm ơn bố mẹ đã sinh thành, nuôi nấng, dạy dỗ tôi. Bố Mẹ đã cho tôi trí thông minh và sức khỏe để vượt qua nhiều khó khăn, vấp váp trên đường đời…

Từ đây, tôi bắt đầu xa vòng tay của người cha hiền lành nhẫn nhịn, của người Mẹ tần tảo sớm hôm; bứt ra khỏi xóm làng nơi có cây bàng, cây gạo, nơi có cánh đồng bát ngát mênh mông, có bà con xã viên cần cù, chất phác… bắt đầu cuộc đời lênh đênh nơi đất khách, quê người!!! Từ đây, cuộc đời tôi bước sang một trang mới. Đi bộ ra Lạc Quần, leo lên chiếc ô tô sang Nam Định, qua nhà bà dì đưa mấy ống gạo của Bố Mẹ gửi biếu. Dì lại cho tôi cái vỏ áo bông cũ của Chú vì Chú đã mất, mà các em còn quá nhỏ chưa dùng đến. Sau đó, tôi đi tàu hỏa lên Hà Nội. Tôi đĩnh đạc bước qua cánh cổng Parabol, chính thức nhập trường vào một ngày mùa thu mát dịu.

(Kỳ sau: Nhấp nhổm bộ đội)

9 nhận xét:

  1. Đọc bài này tôi lại bùi ngùi nhớ lại hoàn cảnh vào đại học của thời bọn mình những năm 1971 đó .Thế mới biết bọn ngoại trú (Hà nội)thời đó ranh mãnh thế nào .Bọn tôi hồi đó khôn lắm ,đâu có cần nhờ đến phụ huynh để nhập trường .Đến buổi tập trung đầu tiên tại sân trường bách khoa C2 bọn này còn trêu bố con bạn Vũ đó khi chỉ Giang cận trông như thầy giáo ấy để hướng dẫn nhập học.Bọn đỗ BK toàn những người tài như LMinh thủ khoa TNPT ,Đạt dê chuyên Chu văn An .. Làng nhàng như Tiến con ,Ninh Lùn ,Trí mụn ,Đại gà ,Dũng ..đều đỗ điểm cao chót vót còn Toàn, Thêm ,Hùng Quang,Cường tẩm hồi đó chưa được xếp hạng .Khi tập trung là dịp để quen nhau hỏi về bạn của nhau và không hiểu sao mọi người lại thích vào ...bộ đội Lứa thanh niên bọn mình cảm thấy được vào bộ đội mới ..oách và nhiều người còn viết đơn bằng máu để đạt nguyện vọng đó .Bạn BDT mất 1 năm rèn luyện ở nông thôn rồi năm sau mới được thi DH chứ bọn tôi mang tiếng là dân Hà nội mà lúc đó cơ bản đều sơ tán về quê được nông dân,TTS dạy bảo đủ thứ và lâu năm nên có lẽ vì thế trưởng thành sớm .Nay bọn này gần hết nghỉ hưu mà cấm có thấy ai viết hồi ký ,thơ văn .Bọn này chỉ mải kiếm ,tiêu tiền thôi Đứa về rồi còn mải làm ăn tận ..Trung quốc có việc gì cần cấm có gọi được .Kẻ hầu vợ làm xe ôm ,vệ sỹ để có tiền đi chơi Anh ,chị nào khá lắm thì lại bận hoàn cảnh gia đình nên nhiều lúc bạn bè tổ chức đi chơi là dịp tiêu tiền thì ..xin lỗi .Thương cho thằng hội trưởng nó máu muốn tiêu tiền nhiều lắm mà đâu có được .Đành mạnh anh nào anh ấy lo thôi .Thích thì rủ nhau sang Mỹ .ít tiền thì cơm bụi ,bia cọp ,tá lả gần nhà và hứng lên đi chơi xuống miền biển ..miễn là có giao lưu?
    Bao giờ được tiêu tiền?

    Trả lờiXóa
  2. B Đ T; Bây giờ 60 tuổi rồi cậu đã là hoa gì? và đã là chim gì rồi?

    Trả lờiXóa
  3. Nếu là hoa tôi sẽ là ..đóa hướng dương .Là chim ..bồ câu trắng .đó là ước vọng của một thời và nếu BDT có hỏi ai trong số bạn của Hội K16 nhất là bọn ngoại trú nó sẽ bảo cái thằng nào hỏi nó có ..thần kinh ? bây giờ 60 mùa lá bàng rơi rồi mà còn muốn là hoa hay chim à .Hãy là người bạn tốt thôi .Còn thế nào là bạn tốt thì phải giao lưu với nhau mới biết được
    Hội K16 CTM BK

    Trả lờiXóa
  4. Các em yêu quí ơi! Đọc không kĩ rồi, đấy là lời của người khác tặng anh, anh "Nhớ và viết lại" thế thôi... Nếu đó là của anh thì anh cũng bộc bạch tâm sự vậy!!! Còn ối chuyện ấu trĩ nữa của một "Thời xa vắng" các em ạ!!! Hi Hi. Chào TĐQT

    Trả lờiXóa
  5. Ai mà thèm làm em với cái thằng BDT (Thích chào TĐQT )đúng như bạn nào đó nhận xét thằng này là bò đái tốtvà toàn mượn thơ văn của người khác gắn mác mình .Kể cũng lạ nó muốn nổi tiếng hay sao ấy nên hay tạo scanda và viết hồi ký linh tinh vậy mà cũng có người đọc mới tài chứ Đúng là bọn K16,bọn CTM BK bao nhiêu hồi ký haycủangười đáng kính như lớp trưởng NHi, lớp phóThái bí thư Dũng..mà cấm có thấy bình luận gì .Kiểu này chắc tôi đến nó xin bản quyền để in sách bán cũng được khối tiền đóng góp vào quỹ ...đây
    Hi!Hi!

    Trả lờiXóa
  6. Không phải dấu tên như thế! Anh T đây. Em ơi! dẫu viết văn làm thơ hát hò cũng phải gắn mình vào với sự vật, sự việc... Em nói thế là oan cho anh lắm đó!!! Hi Hi

    Trả lờiXóa
  7. Đọc lại HK của Trường mình rất thích và càng thú vị hơn khi đọc các bài bình luận của các bạn cách đây đã 3 năm Cám ơn

    Trả lờiXóa
  8. Nhớ lại ngày 17/2/1979( chiến tranh biên giới với Tàu) khi đó tôi đang ở Quảng ninh (Hòn gai)mà khó khăn lắm mới ra được Tiên yên trên đội tàu cá có vũ trang .Các tàu cá của ta được trang bị như một tiểu đội chiến đấu có đủ cả các loại súng mà thật ra lúc đó Tàu chỉ dám đánh trên bộ chứ nếu trên biển thì tôi đã có dịp đụng độ và kể nhiều chuyện rồi .Sau này khi về Hà nội bọn tôi lại ra phòng tuyến sông Cầu đào hào đắp lũy như dân công hỏa tuyến mất mấy tháng rồi vào bộ đội dự nhiệm như lính bộ binh rèn quân 4 tháng nữa tại Đan phượng Hà tây (Tiến con có xe máy nên rủ rê tuần nào cũng chốn về chơi Hà nội)Một thời hoa đỏ để hồi tưởng .Lúc đó các bạn K16 CTM ở đâu?
    Hội K16A CTM ĐHBK

    Trả lờiXóa