Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Những bức tranh đắt nhất thế giới (2)

 (Tiếp theo)

Nafea faa ipoipo? (When will you marry?) xếp thứ tư với giá 210 triệu USD. Theo New York Times, trước đó, năm 2015, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin bức tranh được Rudolf Staechelin - cựu giám đốc điều hành của Sotheby's - bán cho một người mua Qatar giá gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, phiên tòa tranh chấp hồi tháng 7/2017 cho thấy tác phẩm được bán giá 210 triệu USD vào năm 2014, thấp hơn 90 triệu USD với báo cáo ban đầu.



Năm 1891, họa sĩ người Pháp Eugène Henri Paul Gauguin (1848-1903) đến Tahiti để tìm kiếm cảm hứng sáng tác. Ông dành hai năm du lịch khắp đất nước và vẽ phong cảnh, phụ nữ bản địa. Bức Nafea faa ipoipo? được vẽ năm 1892, chất liệu sơn dầu, mô tả hai phụ nữ trẻ ngồi trên đồng cỏ. Cô gái phía trước mặc trang phục truyền thống của Tahiti, cài hoa trên tai biểu thị cho việc đang tìm kiếm chồng. Người ngồi phía sau mặc váy kiểu phương Tây, kín đáo.

 

* * *


Xếp thứ năm là bức Number 17A của họa sĩ người Mỹ Jackson Pollock với giá 200 triệu USD. Tranh được nhà sưu tập, ông trùm quỹ đầu cơ Ken Griffin mua cùng lúc với tác phẩm Interchange.



Number 17A ra đời năm 1948, kích thước 112 x 86,5 cm, là tranh sơn dầu trên ván sợi, sử dụng kỹ thuật drift painting (vảy sơn). Tác phẩm là hỗn hợp màu vàng, xanh lam, cam, trắng trộn vào nhau gợi liên tưởng đến chiếc tổ chim. Kỹ thuật vẽ giúp tạo ra dòng xoáy màu phức tạp, không thể phân biệt được lớp trên và lớp dưới. Tác phẩm cũng được cho mượn để trưng bày tại Viện Nghệ thuật Chicago.


Paul Jackson Pollock (1912-1956), nghệ sĩ nổi bật của trường phái Biểu hiện trừu tượng. Ông xếp thứ bảy trong "Mười họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ XX" do tạp chí The Times công bố năm 2009. Pollock qua đời ở tuổi 44 do tai nạn giao thông.


* * *

 

Vị trí thứ sáu thuộc về Violet, Green và Red của Mark Rothko (1903-1970) với giá 186 triệu USD (bao gồm thuế phí). Tranh được tỷ phú người Nga Rybolovlev mua lại từ vợ chồng ông chủ sản xuất rượu vang người Pháp Christian Moueix năm 2014, thông qua người môi giới Bouvier.



Tranh vẽ năm 1951, gồm ba vệt màu tím, xanh lục và đỏ không đồng đều, xếp chồng lên nhau với phần mép mềm mại. Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật trừu tượng của Mark Rothko. Theo Arthive, kỹ thuật vẽ đặc biệt của danh họa giúp tác phẩm đạt hiệu ứng về chiều sâu và phát ra ánh sáng từ bên trong. Phần mép mềm mại, mờ dần tạo cảm giác bức tranh không có ranh giới. Họa sĩ dùng các mảng màu, chiều sâu không gian để thu hút người xem đối thoại với tác phẩm.


(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét