Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Phòng tránh bệnh tim

Cuộc sống càng hiện đại, cường độ làm việc càng cao, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch càng gia tăng. Không chỉ ở người trung niên và cao tuổi mà ngay cả các bạn trẻ cũng có khả năng gặp các vấn đề về tim mạch. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức thay đổi thói quen sinh hoạt, thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh để giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, song phần lớn tập trung vào chế độ ăn và lối sống. Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm hút thuốc lá, thừa cân và béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường và lối sống ít vận động. Các yếu tố nguy cơ có khuynh hướng xuất hiện cùng nhau và tác động cộng hưởng. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt, vận động và chế độ ăn luôn là nền tảng trong việc phòng và điều trị bệnh. Nghiên cứu cho thấy việc thay đổi số lượng cũng như thành phần các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn đều có ảnh hưởng đến tăng hay giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Ngay cả những người không có yếu tố nguy cơ và chưa mắc bệnh tim mạch cũng nên áp dụng những lời khuyên đơn giản sau để có một cuộc sống và trái tim khỏe mạnh. 

- Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim, ít mỡ bão hoà và cholesterol. Nên ăn nhiều rau, quả, cá... hơn là thịt.

- Luyện tập thể dục điều độ để duy trì sức khỏe tim mạch và giảm béo nếu bị thừa cân. Chọn một phương pháp tập luyện phù hợp với sở thích, thời gian và khả năng. Luyện tập đều đặn, mỗi ngày ít nhất 45 phút.

- Hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể. Đa số người Việt đều ăn nhiều muối hơn lượng cơ thể cần. Nhiều thức ăn tự nhiên đã chứa muối hoặc muối đã được thêm vào trong quá trình chế biến. Đơn giản nhất, hãy đặt cho mình một khẩu hiệu "Hạn chế cho muối vào thức ăn khi nấu nướng''.

- Không hút thuốc lá. Nếu uống rượu bia chỉ uống một lượng vừa phải.

- Tránh hoặc giảm cường độ làm việc với áp lực cao và tình huống gây nên stress.

- Thường xuyên kiểm tra huyết áp và kiểm soát bệnh đái tháo đường.

- Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và phát hiện kịp thời nguy cơ bệnh tim mạch và các bệnh lý khác.

Thi Trân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét