Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Cố Cung triều Minh – Thanh

Cố Cung (cung điện cũ) là quần thể kiến trúc với quy mô lớn nhất, có giá trị nghệ thuật cao được bảo tồn hoàn chỉnh nhất ở Bắc Kinh. Cố Cung do 2 nhà thợ mộc nổi tiếng nhất thời Minh là Khoái Tường và Sái Tín thiết kế và được bắt đầu xây dựng từ thời Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) và hoàn thành vào năm 1424. Cố Cung đã trải qua nhiều lần tu sửa do bị cháy hoặc hư hỏng nhưng vẫn giữ được bố cục ban đầu.




Cố Cung xưa kia gọi là Tử Cấm Thành, nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước đây, là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh Trung Quốc. Chữ “Tử” có nghĩa là “màu tím”, lấy ý theo thần thoại: Tử Vi Viên ở trên trời là nơi ở của Trời, Vua là con Trời nên nơi ở của Vua cũng gọi là Tử, Cấm Thành là khu thành cấm dân thường ra vào. Đây là cung điện của 24 đời vua thuộc 2 triều đại Minh -  Thanh từ Minh Vĩnh Lạc (1421) 296 năm đến thời Thanh mạt (1911) 267 năm. Viện bảo tàng nằm trong Cố Cung được gọi là Viện bảo tàng Cố Cung (Cố cung bác vật viện).
Cố Cung được thiết kế bởi nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế. Các kiến trúc sư trưởng là Sái Tín, Trần Khuê, Ngô Trung và thái giám Nguyễn An, một người Việt Nam, còn các tổng công trình sư là Khoái Tường và Lục Tường. Các kiến trúc quan trọng của Cố Cung đều nằm trên 1 đường trục Nam - Bắc ở chính giữa. Hai bên là các kiến trúc phụ đối xứng nhau.
Bố cục của Cố Cung được xây dựng trên một khu đất rộng hình chữ nhật, diện tích khoảng 720.000m2. Cố Cung gồm có: 5 triều đình, 17 điện, trong đó có 8 dinh cơ và 8.886 phòng. Xung quanh có tường thành cao 10m bao bọc, ven ngoài tường có hào nước rộng 52m. Bốn góc thành có 4 tháp canh, 4 mặt thành có 4 cửa ra vào đối diện nhau: Ngọ Môn, Thần Vũ Môn, Đông Hoa Môn, Tây Hoa Môn.

Cửa Ngọ Môn 
Ngọ Môn là cửa chính để vào Cố Cung nằm ở phía Nam trên trục chính. Ngọ Môn được xây dựng theo kiểu hình chữ U, phía dưới là khối tường thành dày và cao, có trổ 5 cửa vòm. Bên trên xây 1 toà điện lớn 9 gian ngay mặt chính, 4 góc hình chữ U xây 4 điện vuông. Năm toà điện này đều 2 tầng, mái được nối với nhau bằng hành lang cửa sổ có mái che.
 Ngọ Môn còn có tên là Ngũ Phượng Lầu. Các kiến trúc trong Cố Cung chiếu theo tính chất sử dụng được phân thành 2 khu vực: ngoại triều và nội đình.
Ngoại triều: là nơi cử hành các đại lễ, chủ yếu bao gồm quần thể kiến trúc lớn: điện Thái Hoà, Trung Hoà, Bảo Hoà (gọi là Tiền Tam điện) trên trục chính và 4 nhóm kiến trúc giáp ngoài đối xứng với nhau.
Khi vào cửa Ngọ Môn, trước mặt là 1 quảng trường có con sông Kim Thuỷ chảy ngang qua hình dây cung. Chính giữa có 5 chiếc cầu bằng đá trắng lớn, hai bên cầu và hai bên sông đều có lan can bằng đá trắng. Đối diện với Ngọ Môn là Thái Hoà Môn thuộc quần thể kiến trúc Tiền Tam điện.
 Quần thể này được xây dựng trên đài cao 6m, gần giống như hình chữ Thổ (TQ). Đài chia làm 3 tầng, mỗi tầng đều có lan can bằng đá trắng bao quanh, 4 mặt đều xây bậc lên xuống, chính giữa mỗi bậc đều có 1 tảng đá lớn hình chữ nhật, bên trên khắc hình rồng mây rất tinh tế.
Cửa Thái Hoà
Đây là cửa lớn của 3 điện lớn ở Tử Cấm Thành, đằng trước có 7 gian dựng trên 1 nền đá cao. Ở 2 bên phía trước có con sư tử đồng ngồi ở bệ đá. Sư tử vốn ở Châu Phi, đến đời nhà Hán, quốc vương Sri Lanca dùng sư tử làm vật tiến cống Hoàng đế nhà Hán.
Từ đó, sư tử du nhập vào Trung Quốc. Sư tử là loài vật có sức mạnh, lại rất hung dữ, khiến nhiều loài thú rừng khác phải khiếp sợ, vẫn được mệnh danh là Chúa Sơn lâm. Cách bố trí để 2 con sư tử trước cửa nhằm làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của kiến trúc và sức mạnh của Thiên triều.
Trước Thiên An Môn và trước cửa các kiến trúc quan trọng khác của Tử Cấm Thành đều có đặt sư tử đá và cách bài trí theo 1 kiểu cách nhất định. Tức là bên trái cửa có con sư tử đực đạp chân lên quả cầu, phía phải là sư tử mẹ đang vui đùa với sư tử con. Vua Thuận Trị nhà Thanh lần đầu tiên vào quan nội, khi tiến vào Tử Cấm Thành đã cho cử hành nghi lễ ban chiếu chỉ đầu tiên của nhà vua tại cửa Thái Hoà.

Điện Thái Hoà 
Điện Thái Hoà là ngôi điện quan trọng nhất của Tử Cấm Thành, không chỉ vì vị trí của nó ở trung tâm Tử Cấm Thành mà về hình thể kiến trúc, về trang trí và các mặt khác đều đứng hàng đầu trong quần thể kiến trúc đó.
Các kiến trúc của Trung Quốc thời trước to hay nhỏ thường lấy số gian làm chuẩn mực. Điện Thái Hoà có 11 gian, cao 26,9m tính từ mặt đất lên nóc điện. Đây là công trình kiến trúc số 1 thời xưa còn giữ lại. Mái của các kiến trúc ngày xưa có nhiều loại và nhiều kiểu xây dựng khác nhau, 1  tầng hoặc 2 tầng. Tuỳ theo từng kiến trúc to hay nhỏ, mức quan trọng ra sao mà có cách xử lý mái khác nhau.
Điện Thái Hoà là công trình quan trọng bậc nhất nên toàn bộ mái lợp bằng ngói lưu ly màu vàng. Khi mặt trời rọi xuống, từ mái điện phản chiếu lên ánh hào quang sáng chói. Toàn bộ tường và cửa sổ màu đỏ dưới nền màu trắng trông thật rực rỡ. Trên nóc điện, ở 2 phía có đắp 2 đầu rồng cao 3m và dọc theo nóc điện có đắp 1 loạt những con vật nhỏ dáng vẻ như đang di động. Các cửa ra vào và cửa sổ đều có những mảng hoa văn.
 Trong điện Thái Hoà có 6 cây cột giữa sơn son thếp vàng với hình những con rồng vàng lượn khúc. Ở trần nhà, trên đầu 6 cây cột được thiết kế tạo dáng như hình 1 cái giếng hình vuông rồi dần dần thu nhỏ lại, từ hình vuông chuyển thành hình bát giác và trên cùng vẽ hình 1 con rồng lượn khúc mặt nhìn xuống dưới, phía trước là 1 khối thủy tinh hình tròn.
Bệ rồng của nhà vua là 1 ngai vàng đặt trên bục gỗ dưới cây cột vàng. Đằng sau ngai vàng là chiếc bình phong 7 cánh, phía trước bình phong có bày nhang án, lư hương, chim công…Nếu cho điện Thái Hoà là trung tâm của Tử Cấm Thành, thì bệ rồng phải là trung tâm của trung tâm.
Trang trí ở điện Thái Hoà phần lớn là hoa văn hình rồng. Người Hán coi rồng là tượng trưng cho dân tộc Trung Hoa. Trong giới học giả Trung Quốc, đối với rồng có nhiều giả thiết khác nhau. Người cho rồng là hình tượng tổng hợp của nhiều con vật, như: rắn, cá, trâu, bò, chim muôn…Người cho rồng là hình tượng của  mây mưa, sấm chớp. Cũng có người cho rồng là hình tượng của khủng long và cá sấu hợp lại…


Thực ra, cho đến nay, người ta chưa kết luận được rằng rồng là loài vật như thế nào nhưng rồng vẫn luôn được nhân dân Trung Quốc coi là con vật thiêng. Từ khi Hán Vũ Đế tự nhận mình là con rồng thì các hoàng đế Trung Hoa sau đó đều tự coi mình là rồng, là con trời, được Thượng Đế phái xuống trần gian để trông coi trăm họ.
 Do đó, cung điện vua ở gọi là Long cung, quần áo vua mặc gọi là Long bào, ghế vua ngồi gọi là Long kỷ, các đồ dùng của vua đều chạm trổ hoa văn hình rồng và các hoa văn trang trí trong cung điện nhà vua đâu đâu cũng mang hình rồng. Con đường chính nhà vua đi có lát 9 phiến đá lớn, trên mặt chạm trổ 9 con rồng, biểu tượng của Cửu trùng đài.
Ở điện Thái Hoà, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, người ta cộng lại tất cả có 12.654 hình con rồng uốn lượn trong mọi tư thế.

Điện Trung Hoà và điện Bảo Hoà
Điện Trung Hoà là nơi để vua chuẩn bị trước khi tới điện Thái Hoà ngự triều, diện tích hơi nhỏ, bài trí cũng đơn giản. Điện Bảo Hoà là nơi cử hành ngự thi, tức là các khoá sinh thi đậu Tiến sĩ ở các nơi được gọi đến Điện Bảo Hoà để vua đích thân khảo tra lại lần cuối cùng, nên nơi đây có diện tích rộng, được xây dựng và trang hoàng lộng lẫy.
Điện Bảo Hoà có 9 gian, còn điện Trung Hoà hình vuông, rộng 5 gian. Cả 3 ngôi điện: Thái Hoà, Trung Hoà và Bảo Hoà đều lợp bằng ngói lưu ly màu vàng, cửa sổ màu đỏ cùng trên nền màu trắng nhưng về khối hình thì 2 lớn 1 nhỏ, mái của 3 ngôi điện khác nhau họp thành 1 quần thể kiến trúc hài hoà, phong phú, đa dạng.

Cung Càn Thanh
Đây là cung lớn ở phía sau Tử Cấm Thành, nơi ở của Nhà vua và Hoàng Hậu. Ở đây còn là nơi vua tiếp kiến các đại thần và giải quyết công việc hàng ngày. Sau khi lên ngôi, vua Ung Chính (nhà Thanh) dời nơi ở đến điện Dưỡng Tâm nằm ở phía Tây, nên cung Càn Thanh được nhà vua dùng làm nơi giải quyết công việc triều chính, tiếp kiến đại thần, hội kiến với sứ thần ngoại quốc nên trang trí cũng đơn giản.
Phía trên nơi vua ngồi có treo bức đại tự với 4 chữ “Chính Đại Quang Minh”. Các hoàng đế Trung Quốc lên cầm quyền bằng chế độ truyền ngôi cho nhau, nên lúc vua còn sống phải công bố rõ ràng ai sẽ là người kế vị tiếp nối sau khi vua băng hà. Vì vậy, sự tranh chấp ngôi vua thường diễn ra rất quyết liệt, khi thầm lén, lúc công khai trong hoàng tộc và quần thần.
Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh có 35 con trai. Sau 1 thời gian dài tranh chấp, cuối cùng người con trai thứ 4 của ông được kế vị. Sau khi Ung Chính lên ngôi vua, ông rút kinh nghiệm nên đã đưa ra quyết định là lúc vua còn sống không công bố tên tuổi người kế vị, mà chỉ viết tên tuổi người đó vào 2 mảnh chiếu chỉ: 1 mảnh Nhà vua giữ bên mình, còn mảnh kia được để ở cung Càn Thanh, phía sau bức đại tự Chính Đại Quang Minh, chờ khi vua băng hà mới đem 2 mảnh có tên người đó gộp lại và công bố cho mọi người biết.

Điện Giao Thái, cung Khôn Ninh
Cung Khôn Ninh đời Minh và đầu đời Thanh là nơi ở của Hoàng hậu. Sau này bên trong chia làm 2 phần: phía Đông, Hoàng đế dùng làm nơi động phòng sau buổi kết hôn, phía Tây làm nơi cúng lễ. Ở vào khoảng giữa 2 cung Càn Thanh và Khôn Ninh có điện Giao Thái hình vuông, quy mô không lớn, là nơi để Hoàng hậu tiếp đón Hoàng thân Quốc thích đến chào mừng nhân ngày Lễ, Tết.
Nó được trang trí có hoa văn rồng và hoa văn phượng xen lẫn nhau. Rồng tượng trưng nhà vua, còn Phượng tượng trưng hoàng hậu. Lối kiến trúc của 3 ngôi điện lớn ở tiền triều phía trước, nhưng về quy mô to nhỏ, cao thấp, rộng hẹp thì kém nhiều.

Ngự hoa viên (vườn Thượng Uyển)
Phần phía sau cùng ở Tử Cấm Thành là Ngự hoa viên mà trong các sách Việt Nam thường gọi là Vườn Thượng Uyển. Đó là vườn hoa trong cung đình. Ngự hoa viên có diện tích rộng chừng 11.000m2, có đình, đài, lầu,  các.
Về thực vật, ngoài các cây vốn sinh trưởng ở miền Bắc Trung Quốc, ở đây còn tuỳ theo thời tiết từng mùa trồng xen vào những bồn hoa, cây cảnh phương Nam và từ khắp nơi trong nước gửi về tiến vua những mẫu hình đá quý, những hòn non bộ được trưng bày trong vườn làm cho Ngự hoa viên có 1 cảnh sắc hoà đồng với thiên nhiên, hoàn toàn khác biệt với cảnh nguy nga tráng lệ của quần thể các cung điện phía trước.


Điện Dưỡng Tâm
Điện Dưỡng Tâm không nằm ở trục chính giữa của Tử Cấm Thành mà là ở phía Tây, phần Hậu tẩm. Điện vốn là nơi ở của Hoàng Thái hậu, đến đời vua Ung Chính nhà Thanh thì dùng làm nơi ăn nghỉ của nhà vua, còn là nơi tiếp kiến các đại thần, giải quyết công việc thường nhật, nên ở giữa điện không có ngai vàng.
 Đông Noãn Các trong điện cũng là nơi nhà vua và đại thần nghị sự. Thời vua Đồng Trị nhà Thanh, do bà mẹ là Từ Hy Thái hậu chuyên quyền, nên mỗi lần Nhà vua nghị bàn giải quyết công việc quốc gia thì Hoàng đế ngồi trên ngự kỷ ở Đông Noãn Các, phía sau ghế vua ngồi có 1 tấm màn rủ là 2 bà Đông, Tây Thái hậu ngồi nhiếp chính (huấn dụ). Trên thực tế, Đồng Trị chỉ là ông vua bù nhìn, còn mọi việc triều chính điều hành đều do Từ Hy thái hậu định đoạt.
Do đó, UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới tại Trung Quốc vào năm 1987 với tên gọi là Cung điện triều Minh và triều Thanh tại Bắc Kinh và Thẩm Dương (tiếng Anh: Imperial Palace of the Ming and Qing Dynasties in Beijing and Shenyang).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét