Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

Xếp hàng cả buổi, về tay không



Chúng tôi đã có dịp ôn lại kỷ niệm với rất nhiều người từng sống trong thời kỳ bao cấp.

Ông Nguyễn Văn Long (60 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) có lẽ là người nhớ tỉ mỉ nhất những câu chuyện một thời tem phiếu.

Ông Long kể: Nói đến thời bao cấp là nhắc đến thời kỳ tem phiếu và phân phối. Thời bao cấp bắt đầu ở miền Bắc từ những năm kháng chiến chống Mỹ (1965). Nhưng sau giải phóng miền Nam (1975), chế độ tem phiếu được áp dụng toàn quốc, từ thành phố tới nông thôn. Tuy nhiên, nông thôn có cái khác là phân chia theo công điểm ở hợp tác xã.

Đối với cán bộ, công nhân viên chức, những loại hàng hóa nhu yếu phẩm gồm lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá... đều phải mua bằng sổ và tem phiếu theo định mức. Mỗi gia đình được cấp cho một sổ gạo mỗi năm 12 tháng ghi khẩu phần của tất cả thành viên trong nhà.

Bố mẹ là cán bộ, viên chức mỗi tháng được mua 13,5 kg, nếu là công nhân lao động trực tiếp có thể nhiều hơn vài ba kg. Trẻ con tùy độ tuổi có thể được 4 hoặc 6 kg...

Còn tem phiếu mua thực phẩm, người lớn được 0,5 kg thịt/tháng, trẻ em là 0,3 kg. Một số nhu yếu phẩm khác như chất đốt, xà phòng, mỳ chính... đều có tem phiếu quy định riêng nhưng rất ít ỏi.

Chuyện cơ cực nhất của những người sống trong thời kỳ tem phiếu là phải xếp hàng mua lương thực, thực phẩm tại các cửa hàng mậu dịch. Người thì đông, các cửa hàng mậu dịch lại ít. Bởi vậy mà trước cửa hàng, lúc nào người cần mua lương thực cũng xếp hàng nối đuôi nhau dài dằng dặc như chơi trò rồng rắn. Có những người nhà lỡ hết gạo hoặc có công buổi giỗ chạp, muốn mua được sớm phải đến đứng từ 3-4 gi sáng, thậm chí nửa đêm. Gặp hôm nhiều người cùng "tư tưởng lớn", khi trời còn tối thui, đã đến xếp hàng đứng, ngồi vật vờ trước cửa hàng mậu dịch như những bóng ma.

Đứng xếp hàng lâu thế nhưng chắc gì đã mua được. Chờ mãi mới đến lượt mình thì cô nhân viên mậu dịch dõng dạc tuyên bố hết hàng rồi đóng sập cửa xuống. Tất cả những người còn lại đành lủi thủi quay lưng ra về trong sự mệt mỏi rã rời. 
Ngày mai, họ lại ra xếp hàng...

1 nhận xét:

  1. Hội viên của chúng ta đã sống qua thời bao cấp nên có lẽ cảm nhận ,tỷ mỷ chả kém gì ông Long mà bạn kể trên .Tôi nhiều lần kể cho con,cháu tôi nghe về thời tem phiếu ,về chế độ phân phối ..mà không sao làm bọn chúng hiểu được .May mà có Bảo tàng dân tộc học cách đây mươi năm có dựng lại thời đó và tôi rủ bọn chúng đến xem nghe giới thiệu và trực tiếp như sống lại thời đó .Thời bao cấp mọi cái đều cào bằng ,có công bằng trong khốn khổ vì đâu có hàng hóa mà bán .Khi tôi cưới vợ được cơ quan phân phối cho mua vải mét vải ,vài bao thuốc lá ,cái chiếu ,cái giường,tý bánh kẹo ..v.v mà "sướng âm ỷ' cả tuần .May mà lúc đó anh tôi cho mượn ở tạm mái nhà tranh ven hồ 3 mẫu trong 1 năm mới" dám cưới 'chứ không chắc ế vì không biết đưa nàng về đâu .Vậy nên tôi là thằng lấy vợ muộn nhất Hội và nói như mẹ bạn Quang là thằng ít "dâm dê "nhất vì toàn những thằng ,"con" vừa ra trường đã cưới vợ ,lấy chồng rồi và bọn họ giờ đã nên Ông ,Bà nội ngoại đủ cả .Kể về thời đó cả ngày không hết truyện và nếu các bạn muốn trớ về nó tý ti kỷ niệm hãy đến nhà hàng Mạc đĩnh Chi có treo chiếc xe đạp bên ngoài gọi vài món thời đó để ..nhớ lại và chắc các bạn cũng chỉ ghé qua nó cho biêt thôi chứ ai lại "thần kinh" muốn trở về thời ..bao cấp đâu?
    Hội K16A CTM

    Trả lờiXóa