Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Kỷ niệm mùa hè …


(tiếp theo và hết)
Thứ năm là bạn Phong, cao gầy, chưa kịp có ấn tượng (hình như chưa kịp đặt tên hiệu) thì bạn đã biến mất không sủi tăm. Không biết còn ai có biết hơn về bạn ấy thì bổ sung cho nó phong phú, vui vẻ.


Tiếp theo là bạn Bảo nhà ở Lý Quốc Sư. Bạn Bảo đàn guitar nổi tiếng vào cỡ nhất… lớp mình đấy. Hồi sơ tán ở chợ Bầu, tôi cũng học đàn của bạn Nguyễn Ngọc Thăng theo kiểu “bật bông” chứ chưa được đi theo xách dép bạn này.
Thứ bẩy là bạn Nguyễn Văn Dũng, nhà ở Cửa Nam. Tôi từng đến nhà bạn này vài lần vào năm thứ Nhất. Hồi đó, thanh niên Hà Nội có bài vè về tiêu chuẩn kén chồng của các cô gái:
Một yêu anh có Seiko,
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng,
Ba yêu anh có nhà sang,
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô.
Năm yêu không có bà bô,
Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp chầu.  
Theo bài này thì bạn Dũng của lớp ta có thừa: quần áo bộ đội màu Tô Châu, dép nhựa Tiền Phong, mũ cối, đeo đồng hồ Nhật, đi xe đẹp Phượng Hoàng nam,…
Thế rồi bạn Dũng vào Nam làm ăn, lấy cô vợ Hải Dương rồng vàng chính hiệu. Vừa rồi, gặp nhau tôi mới biết bạn Dũng quê ở Thái Bình nhà tôi, nhưng bạn ở bên Đồng Xâm, Kiến Xương – làng nghề chạm bạc nổi tiếng, lại có ông hàng xóm “đi dép lốp mà lên tầu vũ trụ” Phạm Tuân và ông trùm ma túy nổi tiếng Vũ Xuân Trường.
Thứ 8 là bạn Nguyễn Duy Cường, nhà ở phố Nam Ngư. Bạn này có thời kỳ vào ở nội trú trong trường (vì lý lịch như thế nên trúng cử chức Phó Chủ tịch Hội). Bạn có nhiều năng khiếu và tài lẻ: cờ quốc tế, thổi kèn trompet, kéo accodeon,... và mê bóng đá. Nhiều tài liệu về bạn này hiện chưa được phép công bố (vì công bố ra có thể làm mất uy tín lãnh đạo). Vì vậy, chúng ta cần chờ đợi và cố mà sống 10 năm sau mới được biết. 
Thứ 9 là bạn Minh, là người của 36 phường Hà Nội cổ. Bạn Minh cao to, đẹp giai. Có bạn cho biết sau biến cố 1979, bạn đi đâu không biết, không có tăm sủi.
Cuối cùng là bạn Tùng. Bạn này ở Gia Lâm, nhà ngay đầu cầu Long Biên. Bạn này to cao, da ngăm ngăm nhưng ông bố bạn Tùng thì lại nhỏ con, thấp bé. Đi bộ đội về, bạn Tùng lại học tiếp. Sau này, thời những năm 90 của thế kỷ XX, đất Gia Lâm có giá, tôi được nghe: bạn này là Ông Trùm đất Gia Lâm.
Sau thời điểm chụp tấm ảnh ở trước cửa Nhà hát Lớn thì chúng tôi vào nhà bạn Toàn ở đầu phố Tràng Tiền và có thêm các bạn Nguyễn Đình Đại “gà” và Ngô Đình Đạt “dê” đến góp mặt trong hai tấm ảnh chụp trước cửa nhà bạn Toàn.

Ảnh này có thêm bạn Toàn, bạn Đạt, bạn Đại.
Thế là trong mười ba bạn có mặt trên những tấm ảnh chụp cách đây tròn 40 năm chỉ còn có 5 người theo đuổi đèn sách đến cùng. Thế mới biết sự học là khó khăn lắm. Thế mới biết sức tàn phá ghê gớm của thời gian. Thế mới biết... bây giờ tha hồ bốc phét.

Tháng 4 năm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét