Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Lên đỉnh mái nhà Việt Nam


(trích từ tập Những chuyến đi là cuộc đời)
Đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt lần thứ Nhất thì bạn Dũng gọi điện thông báo là sẽ lái xe đưa vợ ra Hà Nội sớm hơn dự định. Thầm nghĩ: hóa ra ông bạn cẩn thận quá, ra sớm để có thời gian chuẩn bị kỹ càng chuyến đi dài ngày đây. Hóa ra tôi nhầm. 


Bạn yêu cầu tôi tổ chức một chuyến đi ngắn khoảng 2 đến 3 ngày để bù lấp vào thời gian trống. Với tư tưởng luôn luôn thường trực các chuyến đi đến những vùng miền của đất nước, tôi tung ra một series các điểm đến. Có lẽ do địa danh hấp dẫn, có những điểm thăm quan nổi tiếng và tất nhiên cả tài… pi-a-rờ của tôi nữa chứ nên chúng tôi chọn Lũng Cú, Hà Giang là tiêu điểm của chuyến đi.
Trong khoảng 24 giờ, chúng tôi lên kế hoạch chi tiết của chuyến đi: bản đồ hành trình, chương trình thăm quan, chỉ dẫn đường xá, cách đi, điểm thăm quan, nơi ăn, chỗ nghỉ và cả những điểm CSGT chú ý tốc độ xe.
Ngày khởi hành, 7g30’ ghé qua bác sĩ Thìn (Lò Đúc) làm liều tăng lực, sau đó ghé cây xăng Trần Hưng Đạo nạp đầy A95. Từ đây chúng tôi đi thẳng lên cầu Thăng Long, đi lên phía Nội Bài. Rẽ trái vào quốc lộ 2, khi đang chạy trên đường tránh thành phố Vĩnh Yên, bất ngờ CSGT dừng xe và thông báo chạy quá tốc độ. Đoạn này cho phép chạy tối đa, nhưng đến một điểm giao cắt với đường ngang thì lại có biển hạn chế 40 km/h và chính cái đoạn từ 80 km/h giảm xuống này rất dễ bị bắt lỗi. Thế là mất chút thời gian, chút tiền phạt rồi lại tiếp tục lên đường. Qua Tuyên Quang cũng vào giờ ăn trưa, chúng tôi ghé vào một quán thịt dê. Nghỉ ngơi một lát, 14g00 chạy tiếp đi Hà Giang. Khi qua thị trấn Tân Yên (huyện Hàm Yên), lại lần nữa bị bắt tốc độ, quá trình có vẻ lâu hơn do phải nghe giải thích nhiều… Vùng này đã bắt đầu có nhiều hàng quán bán trái cây, nông sản bày bán bên đường, chúng tôi có ghé lại mua ít cam nhưng ăn không có ấn tượng gì.

Phong cảnh sông Lô
 17g00 vào đến Thành phố Hà Giang sau chặng đường 282,3 km. Thành phố sáng rực trong ánh nắng chiều mùa đông vì xung quanh là rừng núi bao bọc. Chạy dọc giữa thành phố là dòng nước con sông Lô xanh mát len lỏi giữa những tảng đá. Sông Lô đoạn này vào mùa đông trông chả khác gì một con suối nhỏ. Những ngọn núi bao quanh Thành phố bắt đầu mờ mịt làn sương khói lững lờ. Đây đó, thành phố đã lên đèn. Sau khi mua đầy xăng, chả mấy khó khăn, chúng tôi tìm đến Khách sạn Cao nguyên (số 279, đường Nguyễn Thái Học, phường Trần Phú) đặt phòng nghỉ và hỏi tìm chỗ ăn. Thành phố Hà Giang có nguyên một khu vực gọi là phố ẩm thực, chúng tôi lững thững đi bộ qua cầu Yên Biên 1 rồi ngang qua khu vực trung tâm hành chính của Thành phố mới đến phố ẩm thực. Nơi đây thực chất là một dãy quán ăn bày biện ngăn nắp, sạch sẽ. Có những nhà hàng bày biện hấp dẫn, trước cửa treo rất nhiều đèn lồng. Tuy vậy không khí vắng lặng, trừ một hai quán đang có cỗ cưới hoặc cơ quan, doanh nghiệp tổ chức liên hoan. Theo kinh nghiệm đi đường, chúng tôi vào một quán có đông người ăn uống. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn có một bàn riêng, nhân viên lúng túng không biết xếp chỗ cho chúng tôi ngồi đâu, dù chúng tôi chỉ có 4 người. Hết lên gác, lại xuống nhà, rồi đi sâu vào trong, rồi lại ra ngoài,… Đến khi có chỗ gọi món thì nhà hàng thưa là chỉ có những món… các mâm bên cạnh đang ăn. Chán quá, phải từ biệt cái chỗ ngồi mà mãi mới sắp xếp được. Rút kinh nghiệm, chúng tôi vào một quán tĩnh lặng hơn, đang có vài khách ngồi ăn. Không khí thoáng mát, yên tĩnh một cách dễ thương. Gọi xong món ăn, do quá bữa nên ai cũng nhằm vào đĩa xôi trắng mà oanh tạc. Chao ôi xôi trắng dẻo và thơm đến thế, ăn với thịt gà nướng thì tuyệt. Chả mấy chốc hai đĩa xôi trắng hết bay, định gọi đĩa nữa. Bữa ăn rất ngon và giá cả thì cũng hợp lý làm chúng tôi gần như hết mệt mỏi của ngày đầu đi đường nhiều trắc trở.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, chạy xe ra ngay đầu cầu Yên Biên 1 – chỗ ăn sáng đã ngắm nghía từ chiều qua, làm mấy đĩa bánh cuốn chả theo kiểu bánh cuốn Thanh Trì. Mặc dù đã chuẩn bị bản đồ, nhưng cẩn thận chúng tôi vẫn hỏi đường xá đi tiếp lên Đồng Văn. Người đàn ông đang luôn chân luôn tay nướng bánh mì, mồm chỉ đường. May sao, con đường đó lại trùng với hành trình trên bản đồ của chúng tôi, thế là yên tâm lên đường. Thế rồi cứ phóng xe đi mà lòng vui phơi phới. Ra khỏi thành phố khoảng 10 km thì đường còn khá, rồi đường hẹp dần, nhiều cua gấp liên tục, lại chạy trong nhưng khu vực có dân cư ở hai bên đường, cây cối rậm rạp. Chạy được chừng 25 km, đến bản Nà Sài (xã Minh Ngọc), chúng tôi nghỉ ngơi một chút vì thấy có một cái chợ con con bên đường. Chợ lèo tèo mấy mặt hàng nông sản, gà qué,… lại hỏi đường thì phần lớn ngơ ngác, có một thanh niên chỉ cứ đi thẳng. Nếu cứ đi thẳng thì đến Bắc Mê chứ, sao là Đồng Văn được. Lại tiếp tục theo bản đồ đi tiếp. Đi thêm chừng 2 km có một ngã ba, theo bản đồ thì rẽ trái là vào tỉnh lộ 176 và đi 90 km thì đến Đồng Văn. Thế là tôi hăng hái chỉ đường đi tiếp. Nhưng được chừng hơn 1 km thì một công trường hiện ra: những đống đá hộc chắn giữa đường, xe lu, xe tải chạy tới chạy lui. Hỏi một đám công nhân đang ngồi bên vệ đường thì một thanh niên dáng vẻ “cán bộ” nói: “Đường này đến Đồng Văn, nhưng xe của các bác không đi được đâu, phải xe tải thì mới đi được vì đường xấu lắm, đang sửa. Sao các bác không đi đường Quyết Tiến?”. Chúng tôi ngớ ra vì lần đầu nghe nói đến tên của con đường. Hỏi một chập mới hay phải quay trở lại Thành phố Hà Giang, đi đường Quốc lộ 4C. Lại quay lại hơn 30 km đường vòng vèo, mất đứt hai tiếng đồng hồ, ghé vào quán ăn ban sáng ở đầu cầu Yên Biên 1. Lúc này có một hàng cà phê dọn ra, chúng tôi ngồi uống cà phê nói chuyện với bà chủ quán. Các anh đi đâu? Nghe nói đang tìm đường đi Lũng Cú, chị ta sởi lởi: Thế nhà em sắp đi Yên Minh đấy, các anh có đi thì nhà em chỉ đường cho. Vừa lúc đó, một chiếc xe con 4 chỗ mới coong trờ đến, một người đàn ông phong độ, dáng vẻ quan chức bước ra và đi về phía chúng tôi ngồi. Sau lời giới thiệu của chủ quán là cái bắt tay thân mật và việc gì đến phải đến. Đúng 10g00, chúng tôi chạy theo chiếc xe con biển số 23… (Hà Giang). Từ Hà Giang theo Quốc lộ 4C đi hơn 20 km dọc theo con sông, đường còn dễ đi. Khi chuẩn bị vượt đèo Pắc Sum thì xuất hiện tấm biển hiệu “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn” trên sườn núi đá tai mèo sừng sững trước mặt. Đây chính là điểm đầu tiên dẫn vào công viên địa chất toàn cầu bao gồm 4 huyện có nhiều núi đá và hiểm trở nhất Hà Giang là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Các cua ngoặt gấp liên tục tiếp nối nhau. Đoạn khó đi nhất là đèo qua cổng trời Quản Bạ. Ông bà chủ quán cà phê rất mến khách, qua cổng trời, chủ động dừng xe để giới thiệu phong cảnh và sự tích khu vực lịch sử này như một tour guide thực thụ. Sau này tìm hiểu kỹ qua “Cuộc trường chinh vào trong lòng đá” (một ký sự dài kỳ của Đỗ Doãn Hoàng) tôi mới hiểu kỹ thêm. Cổng trời Quản Bạ được xây dựng năm 1939, có bức tường dày và các lỗ châu mai, hai cánh cổng bằng gỗ nghiến dày 150 cm (đúng ra là 15 cm) ngăn cách thế giới riêng của các ông vua thuốc phiện với bên ngoài. Ngay quân Pháp để vào được Đồng Văn cũng phải tập hậu từ Cao Bằng đánh sang. Năm 1959, Chính phủ quyết định mở con đường từ Hà Giang đi qua Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc đặt tên là con đường Hạnh Phúc. Con đường do hàng ngàn thanh niên của 16 dân tộc 6 tỉnh phía bắc và Nam Định, Hải Dương tham gia làm hơn 160 km đường vượt qua những dãy núi đá hiểm trở nhất sau 6 năm ròng rã…

Thung lũng Quản Bạ
 Từ trên Cổng trời nhìn xuống thung lũng Quản Bạ nổi bật lên hai ngọn đồi nhỏ giống như khuôn ngực phụ nữ nên được đặt tên là núi Cô Tiên. Nghỉ ở đầu thị trấn Tam Sơn, lại mua mật ong, rượu ngô,… Tiếp tục đi đến Yên Minh đường xá cũng tương tự. 12g30’ đến thị trấn Yên Minh, ông bà chủ quán lại ra hiệu dừng xe trước một quán ăn lớn ven đường và mời chúng tôi cùng ăn trưa. Chúng tôi một phần ngại phiền nhiễu, phần vì muốn đi cho được đoạn đường đã định nên từ chối quyết liệt và hẹn khi về Hà Giang gặp lại. Vượt lên chừng hơn 1000 m, chúng tôi cũng tìm một quán ăn nhỏ. Cô chủ quán chừng ngoài 20 tuổi rất nhanh nhẹn, tháo vát, ăn nói duyên dáng, tuy món ăn cũng bình thường, nhưng chúng tôi vẫn quyết định khi quay trở lại sẽ dùng bữa tại đây lần nữa. 14g00, chúng tôi đi tiếp lên Đồng Văn. Cũng từ đây xe chúng tôi bắt đầu phải… bò lên những con dốc dựng đứng, cao chất ngất. Ngồi trong xe chúng tôi mặc dù đã bám chặt vào thành ghế vẫn không tránh khỏi những cú đổ rạp người lúc bên phải, lúc bên trái không phải chỉ vì đường xấu mà bởi gặp phải những đoạn cua gấp khúc liên tục, những khúc cua tay áo dài miên man. Hai bên đường toàn vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu. Bất chợt đang đi, chúng tôi thấy phía trước chỉ có một màu trắng xóa, lái xe bật hết các loại đèn vẫn không nhìn thấy gì, dừng xe giữa đường, mồ hôi túa ra như tắm. Lúc này nhích lên hoặc va vào đá hoặc lăn xuống vực sâu. Sau chừng 10 phút, mây loãng dần, con đường lại lờ mờ hiện ra, từ biển mây phóng tầm mắt nhìn xuống thấy con đường vừa qua hệt như dải lụa mềm buộc quanh lưng những ngọn núi đá tai mèo hùng vĩ, hoảng đấy nhưng thực tình chúng tôi đã bị cảnh sắc thiên nhiên mê hoặc. Đến 16g00, chúng tôi rẽ vào thăm quan Khu di tích nhà họ Vương (Vua Mèo) nằm trong thung lũng Sà Phìn. Dinh thự nhà họ Vương, được Vương Chính Đức xây dựng trong 8 năm. Vị trí đất được thầy địa lý Trung Quốc tìm cho để làm nhà : giữa thung lũng có một gò đất nổi lên hình mai rùa, phía trước là ngọn núi có hình mâm xôi, phía sau là dãy núi như bức tường thành. Thợ xây chủ yếu từ Quảng Châu, Tứ Xuyên (Trung Quốc), vật liệu chủ yếu phần nền và tường là đá, mái kết hợp giữa ngói âm dương của người Mông và ngói ống mua từ Trung Quốc. Kiến trúc Nhà Vương theo kiểu kiến trúc cổ Trung Hoa, toàn bộ tòa nhà hình thành theo kiểu chữ Mục, có 3 lớp cao dần vào phía trong. Toàn bộ tòa nhà có 64 buồng, có chỗ dành cho làm việc (chính sự), sinh hoạt gia đình, nghỉ ngơi, canh gác, kho tàng, bếp,… Mùa này vắng khách, khu chợ Sà Phìn chẳng có một mống. Vào thăm ngôi nhà hoang, tìm hiểu lịch sử thời oanh liệt của Vua Mèo...  thấy lòng trống rỗng. Ra bãi để xe gặp những cháu chắt Vua Mèo, mặt mũi cứ ngơ ngơ ngác ngác. Các cụ nói cấm có sai: Ai giàu ba họ?… 17g30’ đến thị trấn Đồng Văn qua 118,5 km từ thành phố Hà Giang. Thấy cái chợ đang ồn ào, chúng tôi lại nhào vào ngắm nghía, mặc cả và mua bán. Tôi lang thang vào phố chụp ảnh kẻo trời tối sập. Nửa tiếng sau, hai cái chăn len Trung Quốc đã được chất vào cốp xe. Chúng tôi ghé vào Khách sạn Cao nguyên đá xem phòng và quyết định hạ trại. 

Cửa nhà họ Vương
 Tối đến, chúng tôi ra phố cổ của Đồng Văn ăn cơm. Trời vùng cao sụp xuống rất nhanh đem theo cái lạnh thấu xương. Xem dự báo thời tiết thấy nhiệt độ đêm tại Đồng Văn có 70 C và thấy đôi tai, đôi bàn tay lạnh buốt. Ăn xong rồi, cả đoàn lừng khừng chưa muốn về, ngồi lại trong cái quán nhỏ ấm cúng và nhấm nháp hương vị cổ xưa toát lên từ mọi đồ vật xung quanh. Đến hơn 20g00 mới nhổm đít đứng lên ra về. Bên ngoài trời đã lạnh lắm, phố xá cũng vắng tanh, các nhà ven đường đều đã đóng cửa kín mít. Khi về đến phòng nghỉ, tôi đã sử dụng hết các kinh nghiệm chống rét của những năm sơ tán : lấy cái màn quấn chặt hai bàn chân sau khi đã ngâm nước nóng chừng 20’. Lấy tất cả quần áo mang theo đắp, quấn thêm vào người. Đêm đó tôi ngủ rất say. Trong khi đó, bạn Dũng có phần chủ quan và cái lạnh cứ ngấm dần ngấm dần mà không biết…
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy ra phố ăn sáng. Lại phở gà và thêm nửa con gà luộc chân đen với cút rượu ngô để chống lại cái rét. Một con lốp sau bị xuống hơi, lại xúm nhau thay lốp. Chạy xe ra đầu thị trấn tạt vào cây xăng, cây xăng chưa làm việc. Chờ 10’ nhân viên bán xăng mới ra, đổ đầy bình xăng. Hỏi chỗ làm lốp và chạy lên chân dốc tìm ga ra ngay đầu dốc. Ga ra Đồng Văn mà đầu tư hơi oách: có pa lăng, có bơm hơi, máy ra vào lốp,… Nhưng thợ thuyền thì ất ơ quá, sử dụng máy móc chưa quen nên làm có cái lốp mà mất gần tiếng đồng hồ. Trong lúc chờ đợi, tôi chạy ra sau ga ra chụp mấy tấm hình toàn cảnh thị trấn và mấy dãy núi lô nhô đá là đá – phong cảnh đặc trưng của cao nguyên Đồng Văn.
Đến hơn 8g00 chúng tôi xuất phát đi lên Lũng Cú. Quãng đường hơn 30 km dễ đi và cơ bản là rất vắng xe, chỉ toàn người đi bộ, từng tốp gùi trên lưng khi thì thân cây ngô, khi thì ngọn cây đót,… làm lũi. Qua xã Ma Lé có đông người, thì ra đang có phiên chợ. Quanh co gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi thấy cột cờ Lũng Cú hiện ra trong một thung lũng kín đáo. Lập tức ai cũng muốn chụp một bức ảnh toàn cảnh cột cờ, bạn Dũng còn cố ý đưa cả cái xe vào khuôn hình và phải rõ cả biển số nữa để có kỷ niệm riêng với chiếc xe của mình. Xe chạy sát đến chân núi Rồng thì gặp một cái barie. Tôi xuống xe và chui qua barie thì thấy cổng đồn biên phòng, vào hỏi anh lính trẻ đường lên thì được hướng dẫn ra khu nhà của du lịch mua vé. Có vé anh lính mở barie, xe chạy lên lưng chừng núi. Đến đây có một bãi rộng để xe và nhà đón tiếp, hướng dẫn thăm quan. Từ đây chúng tôi đi bộ lên vài chục bậc thang để đến chân cột cờ. Nhìn thấy dáng vẻ uể oải của các bạn tôi nói: “Ai nói mình khỏe, cứ leo lên đây thì biết có khỏe thực hay không”. Chụp xong mấy tấm ảnh kỷ niệm ở cột cờ Lũng Cú, chúng tôi đi xuống. Dọc đường thấy nhiều đám trẻ con giơ tay vẫy chào, cứ nghĩ sao chúng ngoan thế hay có người dạy bảo, xếp đặt. Ở vùng cao và nhất là Lũng Cú thì chắc chắn có khách đi ô tô đến là điều hiếm hoi rồi nên các cháu nó lạ, nó quý là tất nhiên. Nhưng về sau tôi mới biết ngoài những lý do nêu trên thì có một thực tế là các đoàn khách đến được đây đều mang quà, dù ít hay nhiều, tặng cho các cháu. Có thể chúng tôi là một ngoại lệ, nhưng lần sau thế nào cũng không được quên mang quà cho trẻ em vùng cao.

Chân cột cờ Lũng Cú
 Dọc đường về, chúng tôi ghé vào chợ Ma Lé để thăm thú, để biết một chợ vùng cao Hà Giang thế nào. Đầu chợ có một quán ăn bày món “thắng cố” và vài người ngồi uống rượu ngô. Trong chợ bày bán đủ các đồ dùng, quần áo, khăn, váy,… Giữa chợ có một cậu thanh niên bày bán các loại điện thoại di động, mở nhạc ầm ầm. Phía ngoài chợ, có mấy con bò, con trâu, con lợn,… được mang đến bán. Lượn đủ một vòng, chúng tôi tiếp tục lên đường về Hà Giang. Đến Yên Minh, như hẹn chúng tôi ghé vào cái quán nhỏ giải quyết bữa trưa và nghỉ ngơi. 13g30 chúng tôi xuôi về Hà Giang. Dọc đường ghé thăm một trại nuôi ong, có ý định mua nhưng không có đồ đựng thành ra bỏ đi. 17g00 đến Hà Giang, ghé vào cây xăng mua đầy bình và quyết định đón Noen ở Hà Nội. Lúc này, bạn Dũng bắt đầu cảm thấy khó chịu, có lẽ do đã ngấm cái lạnh tối qua. Chúng tôi đi đến Tuyên Quang khi trời đã tối. Ghé vào một quán nhỏ ven đường ăn tối và để xem tình trạng sức khỏe bạn Dũng thế nào. Chủ quán cũng đoán là Dũng cảm lạnh sau khi nghe kể, lấy cho mấy trái thảo quả khô bảo ăn vào sẽ đỡ.

Một bản người H'mông ở Hà Giang
 Lên xe Dũng bắt đầu cảm thấy càng khó chịu và muốn ghé vào Tuyên Quang nghỉ lại. Hai chú em của Dũng quyết định “bóc tem” cái chăn len Trung Quốc mua ở Đồng Văn quấn chặt ông anh. Được chừng 15 phút thấy có vẻ êm êm, không thấy Dũng rên la gì và còn ngáy nữa. Có vẻ ổn rồi. Chúng tôi quyết định về Hà Nội ngay trong đêm. 23g30’ vượt qua 451,5 km từ Lũng Cú về đến Hà Nội an toàn. Phố xá Hà Nội lúc này nhộn nhịp, nam thanh nữ tú nườm nượp, dập dìu. Những người từ Lũng Cú trở về thở phào nhẹ nhõm, bạn Dũng lại được trả về... cho vợ chăm sóc.
Tổng kết chuyến đi 915,3 km (trong đó có 63 km đi Bắc Mê và quay lại Hà Giang), chi phí trung bình có 1,8 triệu đồng/người.

1 nhận xét:

  1. Thật tuyệt vời khi được trải qua các cảm giác như vậy .Đọc bài viết của bạn tôi rất muốn cùng tham gia nhưng chắc phải năm sau mới thực hiện được .Mong bạn có sức khỏe ,nhiệt huyết để năm tới Hội ta tổ chức được những chuyến đi
    Hội viên K16a CTM

    Trả lờiXóa