Một ngày đẹp trời – không nắng
gắt mà cũng không mưa to, ông bạn vàng alo đến rủ gặp gỡ. OK, chuyện vặt, có
ngay. Sang nhà một ông bạn khác, lập tức được chiêu đãi món quà quê. Một mớ thực
phẩm hổ lốn: món xôi đậu đen, mấy quả mận cơm, ly cà phê đen rồi nước gạo lức rang,
…
Người ta thống kê ở Việt Nam có đến hơn 20 kiểu xôi chủ yếu, trong đó xôi đậu đen là món ăn
dân dã của người dân Việt Nam nói chung và của những người nghiện món “quà vặt” nói
riêng. Xôi dẻo, đậu đen nở bung ăn bùi bùi, lại thêm mấy hạt ngô bung thơm dẻo,
chấm muối vừng làm cho món ăn đậm đà hương vị đồng quê sông Hồng.
Sau khi ngâm nga lưng bát
xôi, chúng tôi lại làm ly cà phê và đương nhiên đó là cà phê quê (chứ chả lẽ người
ta lại trồng cà phê ở Hà Nội ?).
Rồi
nhấm nháp mấy quả mận cơm. Mận cơm được
trồng chủ yếu ở vùng Trung Du miền núi phía Bắc, đây là thứ quả nổi tiếng, đặc
sản của người Cao Bằng, mỗi năm chỉ có một mùa nên mọi người rất háo hức với
loại quả này. Ngoài tên thường gọi là mận cơm người ta còn gọi là mận thóc, quả
mận có nhiều màu : xanh, đỏ, vàng. Ban đầu khi ăn mận có vị chua rôn rốt, ngòn
ngọt đầu lưỡi, giòn tan như trái táo. Khi ăn mận chấm với gia vị thì mới cảm
nhận hết cái đậm đà, ngon thơm của thức quả này.
Ngoài
giá trị ăn uống thì mận cơm còn là một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Trong các
sách thuốc cổ, quả mận có tên là “lý tử” vị chua, tính bình có tác dụng thanh
nhiệt, giải khát, sinh tân dịch, giảm ho, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, tiêu
thũng … được dùng chữa nhiều bệnh.
Bạn
mời mỗi người một ly nước gạo lức rang và không ngớt lời tuyên truyền cho tác dụng
“tuyệt vời” của thứ nước bình dân.
Theo
Thạc sĩ Thanh Tâm thì nước gạo lức rang
không những có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, mà còn có nhiều tác dụng không
ngờ. Phân tích máu của một số người uống nước gạo lức cho thấy máu rất sạch, hồng
huyết cầu tròn và huyết thanh trong. Đó là nhờ tác dụng thanh lọc gan của nước
gạo lức. Mà không chỉ có vậy, uống đều nước gạo lức rang còn giúp cho nước da hồng
hào, sáng, đẹp, nhờ làm cho máu sạch, không chứa độc tố. Bớt hoặc không còn nhức
mỏi mỗi khi thời tiết thay đổi. Chữa dứt chứng táo bón kinh niên. Uống trường kỳ
sẽ hết được bệnh gút, chứng phong thấp của người già. Cơ thể tăng sinh lực,
không còn thấy uể oải hay mỏi mệt. Người lớn tuổi không còn bị đi tiểu đêm nhiều
lần.
Nước gạo lức rang giúp chống
mất nước trong trường hợp bị tiêu chảy và cầm tiêu chảy rất tốt. Nhanh chóng phục
hồi sức khoẻ.
Tưởng thế đã là đầy đủ,
không ngờ một ông bạn lại “thỏ thẻ” đề nghị mời các bạn món đặc sản Tây Bắc mới
tha về đêm hôm qua. Thế là đang cơn hứng khởi của chủ đề ẩm thực quà quê, chúng
tôi liền hào hứng nhận lời như khi còn tuổi thanh niên.
Món quà này có tên là “Thịt trâu gác bếp”. Đây là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Các kỹ thuật chế biến đều là bí quyết gia truyền, song sản phẩm khá thuần nhất. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Các gia vị này thậm chí còn thấy nguyên trên từng thanh thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt.
Khi ăn người ta xé nhỏ
dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu
ngô. Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn
để dự trữ được khoảng 1 tháng. Ngày nay, khi mức độ giao lưu văn hoá giữa các
dân tộc ngày một phát triển, thịt trâu gác bếp không chỉ bó hẹp trong bữa ăn
của người Thái mà theo chân những vị khách đến khắp mọi miền. Cũng vì thế, cách
thưởng thức nó mỗi nơi một khác. Nếu người Thái thưởng thức đặc sản của mình
thay cho thức ăn mặn, đặc biệt vào những dịp mưa, lũ hoặc những ngày giáp hạt,
thiếu ăn… thì nay, món ăn này có thể trở thành món nướng hoặc ăn với lẩu. Tuy
nhiên, những hương vị đặc sắc của thịt trâu nướng chỉ nguyên vẹn khi lấy trực
tiếp từ gác bếp, vẫn còn mùi khói, vị cay của ớt, vị nồng nồng của mắc khén.
Nhâm nhi miếng thịt
trâu gác bếp, chúng tôi còn được gia chủ cho thưởng thức món su su Sa Pa xào êm
mềm, man mát đầu lưỡi vị thanh thanh, …
Cuối cùng, không thể
quên được món bia chai Hà Nội mà mỗi người chúng ta khi đi xa đi gần đều nhớ
đến trong các cuộc đánh chén.
Bia Hà Nội xuất phát
từ Nhà máy bia Hommel, hiện nay có trụ sở chính tại 183 Hoàng Hoa Thám, Ba
Đình, Hà Nội được thành lập từ năm 1890 với mục đích phục vụ quân viễn chinh
Pháp. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, quân Pháp rút lui, tháo dỡ toàn
bộ máy móc để lại nhà máy bia Hommel ở trong tình trạng hoang phế. Năm 1957,
nhà máy bia Hommel được khôi phục theo chính sách phục hồi kinh tế của Chính
phủ và đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội.
Ngày 01 tháng 5 năm
1958, mẻ bia thử đầu tiên được thực hiện thành công do ông Vũ Văn Bộc - một
công nhân lành nghề của nhà máy bia Hommel cũ kết hợp với sự giúp đỡ từ các
chuyên gia bia của Tiệp Khắc. Ngày 15 tháng 8 năm 1958, chai bia đầu tiên của
Việt Nam mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong
ngành công nghiệp sản xuất bia tại Việt Nam. Hiện tại, Tổng công ty Habeco có
25 công ty thành viên, với các sản phẩm chủ lực là Bia hơi Hà Nội, Bia chai Hà
Nội 450ml nhãn đỏ, HANOI BEER Premium, Bia Hà Nội 450ml nhãn xanh, Bia Hà Nội
lon, Bia Trúc Bạch, ...
Vậy, đích thị bia Hà
Nội là “quà quê” của người Hà Nội rồi còn gì. Nó vừa là món uống lâu đời quen
thuộc của nhiều thế hệ, nó mang hương vị nguồn nước của vùng quê Hà Nội lâu đời.
Thôi, nghỉ nuốt nước miếng đã ...
Thôi, nghỉ nuốt nước miếng đã ...
Trả lờiXóaQuả thật đọc đoạn văn này tôi thấy bạn rất có khiếu viết về cách ẩm thực "nhà quê " . Đợi sau này về hưu tôi sẽ mở nhà hàng chuyên bán các sản phẩm dạng như trên và đối tượng phục vụ là các bác Việt kiều,bạn bè chắc "hốt bạc". Khi tôi làm việc đó mong cùng cộng tác với bạn
Bạn của bạn (Hội viên K16actm)