Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Đi Điện Biên Phủ

Từ lâu tôi đã mong ước một lần đến Điện Biên Phủ, vì là nơi nổi tiếng khắp thế giới về trận đánh quyết định giải phóng miền Bắc khỏi ách đế quốc Pháp. Hơn nữa lại là nơi mà Cha tôi đã từng chỉ huy chiến đấu, trong nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh lưu lại. Thế là tổ chức đi. Có mấy người bạn hăng lắm, muốn đi chơi mà chưa được đi. Dự kiến đi 4 người, gần ngày đi còn 3. Ba cũng đi. Trước định tự lái xe đi. Nhưng ông có xe lại ốm, vậy thì thuê xe – vẫn bốn người.



         Ngày 04/10/2011, 7g00 xe xuất phát theo Quốc lộ 6 qua Hà Đông, Xuân Mai đến Lương Sơn nghỉ ăn sáng. Sau đó, tiếp tục qua Hòa Bình, leo dốc Cun đến ngã ba Mường Khến, rẽ phải đi tiếp Quốc lộ 6. Trước đây, khi còn đang công tác cũng từng qua lại khu vực này nhiều lần, nhưng từ đoạn này đi lên thì đây là lần đầu tiên. Đường bắt đầu đi lên, có nhiều đèo dốc quanh co. Phong cảnh ở đoạn này thật đẹp với những đồi núi trập trùng, một bên là vách núi cao dựng đứng, bên thì vực sâu thăm thẳm, phía dưới cũng một màu xanh ngăn ngắt. Chả mấy chốc đã đến ngã ba rẽ vào quốc lộ 15, chúng tôi ghé vào Mai Châu và thăm quan bản Lác, một bản của dân tộc Mường đã được quy hoạch phục vụ du lịch. Địa điểm này cách trung tâm Hà Nội 138 km. Không đi vào trung tâm bản, chúng tôi rẽ men theo rìa bên ngoài và dừng xe ghé vào thăm mấy cái nhà sàn có bày bán các sản vật thủ công như vải, khăn, váy áo và mấy con dao, mấy đồ mỹ nghệ,… Hỏi chuyện dân bản về cách sản xuất các sản vật, giá cả,… một cách phất phơ thế thôi, rồi chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm và tiếp tục lên đường. Nếu đi theo tour du lịch thì phải mất 2 đến 3 ngày ở bản Lác để nghe giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán rồi ẩm thực, xem hát múa, uống rượu cần và… ngủ nhà sàn. Nhưng những cái đó dành cho những người ham mê hoặc chuyên nghiên cứu văn hóa hoặc giới trẻ. Chúng tôi thăm quan chừng 30 phút, thế là đã đủ tư liệu cho những câu chuyện tán tào lao với bạn bè.


       Từ Mai Châu đến thị trấn Mộc Châu đường đi rất đẹp, phong cảnh thảo nguyên mênh mông xanh mát một màu. Lúc 12g00 trưa, gần đến thị trấn Mộc Châu, chúng tôi vào quán 70 trên Quốc lộ 6 theo như chỉ dẫn. Đây là một quán ăn rộng rãi, phục vụ ăn uống kết hợp với mua bán các loại nông sản Mộc Châu: gạo, mật ong, sữa bò chế biến, các loại lá thuốc, các loại trái cây, các loại hạt gia vị của núi rừng Tây Bắc,… Bạn Dũng mua một bó miến dong Mộc Châu, nghe nói nổi tiếng cả nước, làm quà cho bạn bè và gia đình. Gọi món ăn không thể quên được các món: cá suối rán, bê chao – thịt bê chao dầu mỡ, cải Mèo luộc,… Rau cải Mèo ăn mát, ngọt và có vị rất đặc biệt. Có người nói thứ cải này do được trồng xen với cây thuốc phiện nên mới ngon và có vị như vậy. Ăn nhiều và thường xuyên chắc bị nghiện như nghiện thuốc phiện mất. Và thế là những ngày đi đường ở Tây Bắc, trong bữa ăn không thể thiếu món rau cải Mèo luộc.

Ở đoạn này, chúng tôi cũng được lưu ý về nạn buôn thuốc phiện từ Lào (qua cửa khẩu Tén Tằn, Na Mèo – Thanh Hóa), nên cũng luôn cảnh giác.
Ăn xong, nghỉ ngơi một lát, chúng tôi tiếp tục lên đường. Từ đây lên Sơn La là con đường “Tây Tiến” thời kháng chiến chống Pháp của trung đoàn 52 Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến từ Hòa Bình lên giải phóng Tây Bắc đầu năm 1947. Tôi nhớ chuyện vui cha tôi kể: Lúc đó ta rút đến đâu Pháp tiến theo đến đấy nên gọi Tây Tiến là đúng. Chúng tôi ngắm cảnh núi rừng Tây Bắc với các bản làng người Thái dựng dọc ven sông Đà. Đoạn đường này cũng là nơi tác nghiệp của các paparazzi với chủ đề phụ nữ tắm sông.

Vượt qua hơn 320 km, khoảng 16g00 chúng tôi đến Sơn La. Tìm ngay vào nhà khách UBND tỉnh trên đường Điện Biên Phủ, chúng tôi chọn phòng xong lập tức đi thăm Di tích Nhà tù Sơn La. Khu di tích nằm trên ngọn đồi cao ở trung tâm Thành phố Sơn La, từ đây có thể bao quát toàn bộ khu vực, là nơi đặt trụ sở làm việc của UBND tỉnh. Bên cạnh khu di tích là nhà Bảo tàng. Chúng tôi vào thăm quan khu di tích Nhà tù, cảnh hoang tàn hiện ra mà theo giới thiệu là do thực dân Pháp phá năm 1952, nhưng những vị trí có sự kiện, con người gắn với lịch sử được ghi chú đầy đủ. Cây đào Tô Hiệu trồng ở chính giữa khu hoang tàn như một cảnh tượng đối nghịch: Sự sống vươn lên giữa ngục tù và cảnh tàn phá. Cây đào này có gốc quá nhỏ so với lịch sử viết về nó, e không phải là cây trồng từ nhưng năm 40 của thế kỷ trước. Nhưng dù sao, cái biển đồng ghi chú rõ ràng đặt dưới gốc cây không thể cãi được.


           Tôi cố gắng đi hết các gian phòng, lên gác, xuống tầng hầm, nhưng không tìm thấy cái cần tìm: cái danh sách ghi tên các tù nhân chính trị bị giam giữ tại đây. Hóa ra có một căn phòng bị khóa cửa, hỏi nhân viên được biết là đang sửa chữa gì đó. Trong danh sách này có tên cha tôi, số thứ tự 28 ghi: Trần Độ: UVTƯ - Phó Chủ tịch Quốc hội. Sau đó, tôi lại sang cả Bảo tàng lịch sử Sơn La, nơi trưng bày văn hóa 12 dân tộc của tỉnh nhưng quả là nghèo nàn và sơ sài như cái tỉnh Sơn La. Tuy vậy, cái chính là qua các cửa sổ trên tầng hai, tôi ghi lại được một góc nhìn vào Khu di tích Nhà tù Sơn La. Ra cửa, tôi trách đùa cháu bán vé là đòi trả lại nửa tiền vé vì có phòng đóng cửa không vào thăm quan được. Có lẽ cũng là cách mà người ta buộc tôi có dịp phải quay trở lại thăm Khu di tích Nhà tù Sơn La lần nữa.

Sáng hôm sau, ngày 05/10, chúng tôi trả phòng, ra phố ăn sáng. Quà sáng ở Sơn La đủ cả, như Hà Nội: nào phở, miến, bánh cuốn, xôi,… Tôi tìm người bán xôi và mua xôi của một người phụ nữ dân tộc. Xôi trắng muối vừng và kèm theo ba quả trám muối. Xôi dẻo ăn với trám muối chan chát bùi bùi, có vị lạ cũng là đặc sản của Tây Bắc. Khi hỏi mua xôi, tôi bị các bạn tôi cười cợt, tôi đoán các bạn cho đó là món ăn sáng quá tầm thường chăng. Thế mà đến lúc tôi kéo gói xôi ra ăn thì chỉ còn một miếng, vì các bạn đã nhanh... mồm, ăn mất rồi.

Từ Sơn La, chúng tôi đi tiếp trên Quốc lộ 6. Khoảng 9g00, lên đến đèo Pha Đin, chúng tôi nghỉ ngơi uống nước trên đỉnh đèo. Đường xá ngon lành và phong cảnh bên đường thật đẹp với núi non, rừng cây xanh bát ngát. Vừa uống nước, chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm, chuyện trò với chủ quán. Hóa ra mấy thanh niên này cũng từ Hà Nội lên đây làm ăn. Có bạn cảnh giác: khéo là mấy ông bị truy nã, trốn lên đây. Khiếp cảnh giác như công an. Vừa ngó nghiêng và hỏi mua ít thức lặt vặt. Ông bạn sống ở Thành phố Hồ Chí Minh mua ngay một cái thớt được chào là gỗ nghiến. Cái thớt đường kính gần 50 phân được đặt chễm chệ lên cốp xe. Chúng tôi còn được mời chào mua thịt rừng. Một cái bàn nhỏ đặt ngay ven đường có bày một khúc thịt lợn rừng và hai con cầy đã thui sẵn. Miếng thịt lợn rừng trông tươi ngon, mỗi chân lông có đến 3 cái lông đâm ra cứng như cây kim khâu. Chúng tôi quyết định mua một cái đùi sau nặng chừng 2 kg, xách bỏ lên xe để giải quyết bữa trưa. Cách Điện Biên Phủ chừng 15 km trên Quốc lộ 279, chúng tôi rẽ vào Khu Di tích Mường Phăng theo biển chỉ dẫn. Mường Phăng là đại bản doanh của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch. Quãng đường 25 km rất khó đi vì đường xấu, nhiều ổ gà và quanh co đèo dốc, trong khu rừng rậm rạp vắng người xe qua lại. Có lúc tưởng chừng như đi lạc đường thì bất ngờ hiện ra một ngã ba, có biển chỉ dẫn. Chúng tôi vào khu vực tượng đài, chụp vài kiểu ảnh thì đói mềm. Phải đi chén thôi. Thế là quay ra đến ngã ba. Có một quán ăn nhỏ vắng khách. Chúng tôi liền dừng xe và vào quán gọi món. Ngoài ra, còn nhờ làm cái chân giò lợn rừng. Chờ mãi rồi cũng được ăn, thế nhưng đám này không biết làm thịt lợn rừng: cứ làm như thịt lợn nhà, nghĩa là lọc bì ra bì, thịt ra thịt và xương ra xương. Món thịt xào thì chán kinh, ăn như trâu bò nhai rơm rạ. Hỏi bì tao đâu? Nó lại bảo bỏ đi vì nhiều lông quá… Chả biết nó nói thật hay định “biển thủ” cái bì lợn rừng quý giá. Lợn rừng quý nhất cái bì. Tôi nhớ năm 1996, đi công tác ở khu vực đường số 9, Quảng Trị vào thăm một đơn vị đóng quân tại đây. Đúng lúc đó, đám lính gác bắt được một con lợn rừng lạc vào rẫy của đơn vị. Lập tức, nó được vào nồi để đãi các “thủ trưởng” và món bì lợn rừng hấp được dành riêng cho khách quý. Chờ mãi không thấy thịt đâu, hóa ra sếp mới được ăn bì còn thịt thì dành cho… lính tráng. Thế mà ở đây nó lại không cho mình ăn bì. Sau khi bảo nó cách làm thì nó lại cho mình ăn thứ bì dai ngoanh ngoách, chán quá, cố mà ăn kẻo phí của. Nhưng còn may chán vì “chỉ đạo” mới cho làm có một nửa cái đùi.




        Chặng đường hơn 150 km từ Sơn La đến Thành phố Điện Biên Phủ đi ngon lành vì đường tốt, ít xe và không có trạm thu phí nào, CSGT cũng không “phục kích”. 15g00 chúng tôi vào Thành phố Điện Biên Phủ. Như lệ thường, chúng tôi vào Khách sạn Mường Thanh nhận phòng, rồi mới đi thăm quan. Đầu tiên, chúng tôi leo lên đồi A1 xem các dấu tích năm xưa: cái hố bộc phá 1000 kg, vài cái xác xe tăng của Pháp, chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm,… Tranh thủ lúc các bạn mải mê mua sắm đồ lưu niệm, tôi vọt sang Phòng Trưng bày Chiến thắng Điện Biên Phủ với ý định rất rõ ràng: tìm đến bức ảnh lịch sử chụp Chính ủy Đại đoàn 312 trao cờ “Quyết chiến Quyết thắng” cho đơn vị chủ công của Đại đoàn mở đầu Chiến dịch. Tôi đã tìm thấy, chụp vài tấm ảnh, quay vài đoạn video ở vị trí tấm ảnh này, rồi đi ra trước cửa chụp ảnh sang bên cửa Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Đúng lúc đó mọi người mới gọi cho tôi, tôi liền chỉ dẫn chỗ tôi đứng để các bạn qua đón. Tiếp tục hành trình, chúng tôi ghé thăm hầm Đờ Cát, cầu Mường Thanh và tượng đài Chiến thắng, ngắm toàn cảnh cánh đồng Mường Thanh và Thành phố Điện Biên Phủ từ đỉnh đồi Độc Lập.



        Sáng ngày 6/10, chúng tôi ăn sáng trong Khách sạn. Đúng 7g30’ khởi hành đi Lai Châu trên Quốc lộ 12. Đoạn đường dài 176 km vừa hẹp, vừa xấu. Con đường chạy dọc theo dòng sông Nậm Na, nơi có ít nhất là ba dự án thủy điện đang thi công. Phong cảnh núi rừng nơi đây đang bị con người tàn phá, dòng sông đục ngầu, cảnh những ngọn đồi trọc nham nhở khắp nơi. Dọc sông còn xuất hiện nhiều dãy nhà ở của các khu định cư mới cho bà con các dân tộc do làm thủy điện. Qua thị xã Mường Lay, chúng tôi gặp một đoạn hơn 400 mét đường bị sạt lở. Đất đá vùi lấp toàn bộ mặt đường. Nhiều công nhân, bộ đội và máy móc đang mở tạm một con đường trên đống sạt lở để thông đường cho đoàn xe chờ hai đầu đường. Một chiếc xe tải nhỏ cố vượt qua đoạn đường mới trải đá hộc còn lem nhem bùn đất. Sau vài lần luồn lách để vượt một con dốc nhỏ trên đỉnh đống sạt lở không thành công, đã lùi lại để nhường đường cho xe chúng tôi đi lên. Lái xe của chúng tôi cũng có kinh nghiệm lâu năm nên đã vượt qua được chỉ sau một cú lấy đà điệu nghệ. Hú vía, đã tưởng phải quay lại mấy trăm km. Chúng tôi đến thị trấn Phong Thổ đúng 12g00. Tìm chỗ ăn nghỉ ngay trên Quốc lộ 4D trong một quán ăn nghỉ có tên như một cô gái đẹp: Lan Anh. Nghe kể nơi này gần biên giới với Trung Quốc trước đây là con đường buôn thuốc phiện có tiếng. Nay hỏi mấy nhân viên của quán về rượu ngâm quả anh túc thì nhận được cái lắc đầu và nụ cười bí hiểm. 14g00 chúng tôi tiếp tục đi đến thị xã Lai Châu. Thị xã Lai Châu mới được xây dựng trên một thung lũng rất rộng, bằng phẳng. Những con đường tưởng như vô tận chạy đến chân trời. Đi qua thị trấn Tam Đường, chúng tôi bắt đầu lên dốc và vượt đèo Ô Quy Hồ. Ô Quy Hồ hay còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn dài 50 km nên được gọi là “vua đèo Tây Bắc” vì độ dài và độ cao của đỉnh đèo. Theo truyền thuyết thì tiếng kêu tuyệt vọng tình yêu của cô gái khi biến thành con chim được đặt tên cho đèo này. Trời về chiều, nắng ấm, ánh sáng bừng lên trên các vạt núi làm phong cảnh vừa rực rỡ hùng vĩ, vừa âm u ghê rợn. Chúng tôi vừa đi vừa ngắm những đỉnh núi mây phủ, những ngọn thác lưng chừng núi, những cánh rừng bạt ngàn ven các triền núi, nghe tiếng gió thổi ào ào và mát rượi từ những khe núi tối đen. Núi như cao hơn, rừng xanh hơn, cỏ cây bát ngát hơn,… Chúng tôi cố gắng theo dõi để được một lần ngắm đỉnh Phan Xi Păng từ trên đèo vậy mà không có cơ hội vì mây mù đã che khuất gần như hầu hết các đỉnh núi. Cũng như cuộc sống, ở điểm tột cùng thường có những nút thắt bất ngờ. Đúng lúc chúng tôi đang mê mải ngắm cảnh mây núi trong ánh nắng chiều vàng rực thì chiếc xe ngoặt 1800 qua đèo sang phía Lào Cai. Thì ra đã tới đỉnh Ô Quy Hồ. Ánh nắng tắt phụt, một biển mây tràn tới mù mịt, nước bám dầy trên kính chắn gió mịt mờ. Trong xe đang ấm áp đột ngột hạ nhiệt độ làm hơi nước bám vào mờ mịt mặt kính phía bên trong. Nhiệt độ ngoài trời giảm xuống còn 110C. Thì ra bên Lào Cai đang có gió mùa về, còn bên Lai Châu thì vẫn nắng ấm do được ngăn cách bởi dãy núi cao. Lò dò hơn 20 km mới tới được thị trấn Sa Pa. Lúc này mới 17g00 mà trời như tối sụp xuống, nhá nhem. Dự định vào khách sạn Hoàng Liên nhưng khi mới rẽ vào khu vực trung tâm thì một khoảng trống hiện ra. Khách sạn đã bị phá dỡ tự lúc nào. Chúng tôi nhanh chóng tìm thấy một nơi nghỉ dự phòng: Nhà khách số 2 của UBND tỉnh Lao Cai. Thế là trải qua chặng đường khó khăn nhất: 279 km đường đầy thử thách. Ngoài trời lúc này ẩm ướt và khá lạnh. Hai ông bạn có vẻ ngấm lạnh, người cứ co ro suýt xoa. Đến giờ ăn, chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Chúng tôi ra Khu ẩm thực Sa Pa và vào quán Tâm Thư nằm ở giữa khu. Theo gợi ý của chủ quán, chúng tôi làm một nồi lẩu với món chủ đạo là nửa cái chân giò lợn rừng còn lại. Chủ quán ở đây có tay nghề khá, món thịt lợn rừng đâu ra đấy. Hơn 1 kg thịt và một nồi lẩu lớn thế mà chúng tôi chén bay. Ăn xong, có vẻ lại sức, mọi người tươi tỉnh còn định rủ nhau đi tắm lá thuốc của người Dao đỏ nhưng vì trời đã khuya, lạnh và buồn ngủ nên đã quay về Nhà khách.


         Sáng hôm sau, ngày 07/10 theo dự kiến sẽ đi chơi Sa Pa buổi sáng, chiều xuống Lào Cai nhưng vì thời tiết xấu, mây mù mịt, mưa lạnh sụt sùi và hơn nữa bữa thịt lợn rừng tối qua không vực ông bạn Dũng lên được. Chúng tôi đi một vòng quanh trung tâm thị trấn và rẽ vào chợ Sa Pa tìm chỗ ăn phở sáng trong một quán nằm sâu cuối chợ. Sau đó, đi chơi trong chợ, mua bán mấy thứ đồ dùng, làm quà cho bạn bè gia đình. Tiện có ông bạn thợ bạc gia truyền đi cùng, tôi mua hai đồng bạc trắng hoa xòe về dùng. Ông bạn Trí mua mấy bó củ niễng, món quà mùa đông của đồng quê Bắc bộ. Đến 9g00, tôi quyết định xuống Lào Cai. Hơi bất ngờ nhưng mọi người cũng ý thức được là cần bảo đảm sức khỏe của mọi thành viên. Đến Lào Cai, chúng tôi ghé thăm quan đền Mẫu. Lúc này là 11g00, cảm nhận mọi háo hức của chuyến đi đã đủ đầy, chúng tôi khởi hành về Hà Nội. Ra đến Quốc lộ 70, chúng tôi đi đến thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) thì nghỉ ngơi và ăn trưa. Lúc này trời đã đỡ mưa hơn, nhiệt độ mát mẻ nên chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Buổi chiều, chúng tôi đi đến Đoan Hùng thì nghỉ ngơi, mua mấy chục bưởi. Tuy bưởi bán ở Đoan Hùng nhưng chắc đem từ nơi khác đến cho nên không được như tiếng tăm tên tuổi. Lúc này khoảng 17g30’, chúng tôi tiếp tục lên đường. Từ đây đường đông xe hơn, mưa lại nặng hạt hơn nên cuối chuyến đi này chúng tôi lại gặp khó khăn hơn. Do đường đông xe đi lại nên chúng tôi rẽ vào thị xã Phú Thọ. Khi đi ngang qua thị xã, trời nhá nhem tối. Từ đó đi ra tỉnh lộ 320 men theo đê sông Hồng, đường hẹp mặc dù có ít xe hơn nhưng cũng không thể đi nhanh được. Gần tới đầu cầu Phong Châu, có một con bò đột ngột băng qua đường. Lái xe phản xạ kịp thời, nhưng lại bị cú đâm từ phía sau của một chiếc xe máy. Người phụ nữ đi chiếc xe máy này văng lên ngang với cửa lái xe. Gã chăn bò vội lủi mất trong màn đêm mù mịt. Thế là phải dừng lại giải quyết hậu quả. May mắn là người phụ nữ chỉ bị xây xát nhẹ, xe máy cũng không hỏng hóc gì. Xe ô tô bị vỡ cụm đèn hậu bên trái, chả biết bắt đền ai. Trao đổi giải quyết sự cố một lúc, đường ai nấy đi. Khi vào đường Quốc lộ 32 thì trời tối mịt, mưa vẫn dày hạt. Về đến nhà hơn 20g00, ai nấy đều mệt mỏi nhưng vui vẻ vì trong ngày vượt qua 352 km an toàn, đi đến nơi về đến chốn.

        Tổng kết chuyến đi qua 7 tỉnh miền Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lao Cai, Yên Bái, Phú Thọ) với chặng đường 1156 km với hầu hết các điểm thăm quan chủ yếu. Chi phí mất có gần 5 triệu đồng mỗi người. Thế là thành công mỹ mãn chuyến đi tự túc ở phía Bắc. Đây là cơ sở để chúng tôi tiến hành các chuyến đi dài ngày sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét