VẬN ĐỘNG VỪA SỨC là nền tảng cơ sở thứ hai
Ánh sáng mặt trời, không khí,
nước và vận động là khởi nguồn của sinh mệnh và sức khỏe.
Hình thức vận động nào là tốt nhất? Đi bộ là vận
động tốt nhất. Đi bộ có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch, có thể làm cho động
mạch từ xơ cứng sang mềm mại. Trong tập luyện thì đi bộ đối với bệnh huyết áp,
bệnh cholesteron, bệnh béo phì đều rất tốt.
Vận động quá sức rất nguy hại. Đi bộ phải đi cho vừa
sức. Đi như thế nào thì tốt? Nhớ kĩ 3 chữ: 3, 5, 7. “3” là một lần đi bộ 3 km
hết khoảng trên dưới 30 phút. “5” là tuần lễ vận động ít nhất 5 lần. “7” là vận
động cho vừa sức: tuổi của bạn + nhịp đập tim = 170.
Thái cực quyền là một môn vận động rất tốt. Đây là
một môn tập luyện có sự kết hợp giữa âm và dương, môn này có thể cải thiện được
hệ thống thần kinh và rất quan trọng là cải thiện sự cân bằng công năng. Ngưởi
Mỹ đã làm thí nghiệm đối chiếu giữa luyện tập thái cực quyền và luyện tập bằng
dụng cụ trong phòng. Kết quả so sánh: nhóm tập thái cực quyền cân bằng cộng
năng tốt hơn, đi không bị ngã, bệnh gãy xương giảm 50%. Qua thí nghiệm khoa học
trên, chúng ta rút ra: cần vận động với hai môn đi bộ và thái cực quyền.
BÀI THUỐC, TRỪ RƯỢU: Nền tảng cơ sở thứ ba
Hút thuốc lá là không tốt, chúng
ta không cần bàn tới nữa. Nếu bỏ được thuốc, các đồng chí nhất định nên bỏ
ngay. Còn nếu chưa bỏ ngay được thì một ngày không được hút quá 5 điếu. Hút
không quá 5 điếu 1 ngày thì mức nguy hại có hạn, nếu vượt quá 5 điếu thì mức
nguy hại tăng gấp bội.
Rượu có thể uống được chút ít không quá 50 -100 cc
mỗi ngày. Uống nhiều rượu thì bất lợi. Có một thống kê: 50% tội phạm trong nhà
lao, 40% sự cố giao thông, 25% người bệnh có liên quan đến rượu. Uống chút ít
rượu có thể là bạn của sức khỏe, còn uống nhiều sẽ là tội phạm.
CÂN BẰNG TÂM LÝ: nền tảng cơ sở thứ tư
Hôm nay tôi muốn giới thiệu với
các bạn vấn đề quan trọng nhất là cân bằng tâm lý, đó là biện pháp quan trọng,
là chiếc chìa khóa vàng để bảo vệ sức khỏe cho chúng ta. Tác dụng của cân bằng
tâm lý vượt hẳn mọi tác dụng tâm lý khác.
Ở Bắc Kinh có rất nhiều cụ già
sống khỏe mạnh trên 100 tuổi. Họ đã sống khỏe
mạnh như thế nào? Ăn ngon hay có nhiều tiền? Không phải. Những người già sống
khỏe mạnh rất lạ, có người đi ngủ sớm và dậy sớm, nhưng cũng có người ngủ muộn
và dậy muộn, có người nói họ không hay ăn thịt mỡ, có người nói người già sống
khỏe mạnh không hút thuốc, nhưng cũng có người vẫn hút, có người không uống
trà, có người hay uống trà. Cuộc sống quả là muôn màu muôn vẻ. Nhưng có điều mà
các cụ già khỏe mạnh đều giống nhau, đó là ai cũng sống thoải mái nhân hoà,
lương thiện.
Tại sao cân bằng tâm lý lại quan trọng đến như vậy?
Chúng ta nói xơ cứng động mạch phải mất mấy năm mới làm cho huyết quản tắc
nghẽn lại. Thường ở độ tuổi 40 - 50 trở lên, mỗi năm huyết quản hẹp lại khoảng
1 - 2%, nếu bạn hút thuốc hoặc bị cao huyết áp, máu nhiễm mỡ, v.v… thì tốc độ
ấy lên dến 3 - 4%, nhưng nếu bạn nổi giận thì có thể chỉ trong một phút, động
mạch thu hẹp đến 100%, lúc đó chỉ có chết. Tình cảm có tác động ghê gớm như
vậy.
Theo báo cáo của Mỹ, có người đàn ông 53 tuổi khi đi
làm về đẩy cửa vào nhà thấy vợ, con cãi nhau, chửi nhau thậm tệ, anh ta định
khuyên vài câu nhưng không kịp mở miệng, đứa con trong cơn thịnh nộ đã cầm dao
ăn hoa quả đâm một nhát vào tim bà mẹ từ trước ngực qua sau lưng, làm bà mẹ
chết ngay tại chỗ, người cha thấy vậy cũng ngã xỉu chết luôn. Đưa ra pháp y
giải phẫu, thấy người đàn ông bị xơ cứng động mạch, các mạch máu vẫn trơn tru
không bị tắc nghẽn. Nhưng tại sao lại chết? Đó là do động mạch co giật tắc
nghẽn, cả trái tim cũng ở trạng thái co lại, không giãn ra được.
Báo chí còn đăng ở Ai Cập có vụ một bác sĩ thiếu tinh
thần trách nhiệm, bệnh nhân hôn mê, đồng tử
giãn to, cho rằng bệnh nhân đã chết, đưa xuống nhà xác. Khi ở nhà xác, bệnh
nhân tỉnh lại, thấy mình nằm trong quan tài, sợ quá dùng hết sức đội nắp quan
tài bò ra. Đang trong lúc một chân bò ra ngoài, một chân còn ở trong quan tài
thì có một hộ lý đẩy cửa nhà xác bước vào. Vì không bao giờ nghĩ có chuyện như
vậy nên vừa nhìn thấy có người từ trong quan tài bước ra với dáng tiều tụy đau
khổ đến như vậy, người hộ lý chỉ kịp hét lên hai tiếng định chạy ra ngoài nhưng
không kịp, đã ngã xuống chết tại chỗ. Ngược lại bệnh nhân kia lại được cứu
sống. Tòa án xử phạt người bác sĩ 3 năm tù vì tội không làm tròn chức
vụ.
Có lúc chỉ một lời nói cũng có thể lấy đi một sinh
mạng của con người. Ở bệnh viện chúng tôi, thứ bảy mới được thăm bệnh nhân. Có
một bà vợ đến thăm chồng, tay xách nải chuối, dưa hấu, đủ thứ, rất phấn khởi,
song chỉ vì một câu nói của bà vợ mà ông chồng suýt mất mạng. Bà ấy kể lại tối
hôm qua đài truyền hình đưa tin trong sự biến ở Đông Âu năm 1989, ông
Chiôtxaixưkhôt đã bị bắn chết. Ông chồng cho
rằng như vậy là bừa bãi, bà vợ thì bảo: “Bắn chết là đáng”. Hai vợ chồng tranh
luận về cái chết của ông Chiôtxaixưkhôt, kết quả là chưa đầy 3 phút tranh luận,
ông chồng bỗng thấy ngực đau nhói, mặt tái nhợt, toát mồ hôi đầy người. Thấy
tình hình như vậy, bà vợ vội tìm bác sĩ đến đo điện tâm đồ thì toàn bộ cơ tim
đã cứng. Khẩn trương cấp cứu, đưa qua phòng giám hộ, nửa giờ sau được phục hồi
trở lại. Hôm ông chồng xuất viện, bà vợ tặng cho bệnh viện chúng tôi một lá cờ
cảm ơn cứu mạng và nói: “Tôi biết tác hại của cái giận đến mức nào rồi, tôi có
thể hứa với các anh là ông Chiôtxaixukhôt sau này có bị chết bắn hay như thế
nào vợ chồng tôi cũng không quan tâm đến nữa, ông ấy nói sao tôi nghe vậy, thế
là ổn”.
Sự thay đổi tình cảm quả là rất ghê gớm. Có một vị giáo
sư vì tức giận với một cậu sinh viên, đã nói: “Bây giờ giới trẻ tốt cũng nhiều
nhưng không nghe lời thầy giáo cũng lắm. Chưa tốt nghiệp mà anh đã ăn nói chả
ra sao, vô lễ đến thế!”. Vị giáo sư tức giận đập bàn, đứt mạch máu não, bán
thân bất toại, đi không được, ngồi cũng không xong, cố víu lấy cái bàn nhưng
cũng không kịp, đã ngã vật xuống. Cậu sinh viên đứng dậy, chỉ vào giáo sư và
nói: “Tôi nói cho ông biết: pháp luật đã quy định là làm cho người tức giận
mà chết không bị phạm pháp”. Nói xong rồi bỏ đi. Tôi không bàn đến đạo đức của
cậu sinh viên này, chỉ nói rằng người già mà tức giận là không nên. Cáu giận,
huyết áp sẽ tăng nhanh đột ngột.
Chúng tôi đã theo dõi một bệnh nhân chỉ vì một con
muỗi mà huyết áp tăng lên nghiêm trọng. Ông ta từ nước ngoài mới về nước, đi du
lịch ở Thẩm Quyến, đến 10 giờ tối chuẩn bị đi ngủ. Trong màn có một con muỗi.
Một ông già 60 tuổi đi đập muỗi đâu có dễ. Mãi cho đến 4 giờ sáng con muỗi mới
bị đập chết. Ông ấy nghĩ hãy nằm thêm nửa giờ nữa xem có còn con muỗi nào nữa
không. Sau nửa tiếng, thấy yên ổn, ông mới bắt đầu ngủ, nhưng vì đã quá giấc
nên nằm mãi không ngủ được. Ông uống thuốc hạ huyết áp. Bình thường huyết áp
của ông chỉ 120, nhưng đến hồi sáng đo lại lên đến 196. Bác sĩ bảo ông có thể
uống thêm thuốc. Ông uống tăng gấp đôi không hạ, tăng tiếp đến 8 lần mà vẫn
không hạ, phải đưa nhanh đến bệnh viện để xử lý. Lúc đó huyết áp mới từ từ hạ
xuống, tuy chưa xuất huyết não, nhưng mũi đã chảy máu.
Vấn đề tình cảm này quả đã gây ra nhiều chuyện bất
ngờ. Trạng thái tâm lý con người rất quan trọng, mắc bệnh và phục hồi sức khỏe
tùy theo từng người, không giống nhau. Có người dễ mắc bệnh nhưng có người
không dễ mắc bệnh chút nào, điều đó quan hệ mật thiết đến tâm lý. Bệnh tât
chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn của tâm lý. Ở Đông Bắc có một bệnh nhân 38
tuổi, bị đau ở vùng ngực, đi siêu âm, bác sĩ bảo: “không xong rồi, ở trong gan
anh có một khối u đã lớn 7 cm”. Vừa nghe thấy thế, anh ta mặt mày tái nhợt, ngã
vật xuống đất, đứng không nổi, chân run lẩy bẩy. Về nhà, ăn ngủ không được, con
mới 8 tuổi, mình chết ai nuôi nó đây? Càng nghĩ lại càng không ngủ được, lại
càng đau, lại phải đến phòng y tế để xin thuốc. Bác sĩ ở đây rất tốt, quan tâm
đến hoàn cảnh của anh, khuyên: “Ung thư gan giai đoạn cuối tôi cũng không có
cách nào để chữa, nhưng tôi có cách: anh muốn ăn gì thì cứ ăn, thích chơi gì
thì cứ chơi”. Tình trạng ấy kéo dài đến cuối tháng, anh ta chỉ còn da bọc
xương, không ngồi dậy được. Chủ tịch công đoàn mang các thứ đến thăm, động viên
an ủi anh ta và hỏi anh ta có nguyện vọng cuối cùng gì. Anh ta trả lời:
- Chẳng có gì nữa, đối với tôi, điều đáng tiếc nhất
là chưa được nhìn thấy Thiên An Môn. Tôi muốn được nhìn thấy nó, có chết cũng
yên tâm.
Chủ tịch công đoàn thấy anh cũng khá giác ngộ bèn nói:
- Được, để đưa anh đi xem Thiên An Môn.
- Tôi đi không nổi.
- Đừng lo, tôi có cách.
Chủ tịch công đoàn cử 4 anh thanh niên khiêng anh ta
lên xe lửa đi thăm Bắc Kinh, Thiên An Môn. Đã đến lúc phải trở về, có người nói: “Đã đến Bắc Kinh rồi thì xem có bác sĩ nào giỏi, có cách nào hãy đến khám
xem”. Kết quả là đến một bệnh viện ở Bắc Kinh, có một giáo sư là bạn của tôi
chuyên nghiên cứu viêm gan siêu vi B khám cho anh ấy. Khám xong anh ấy hỏi:
- Tôi bị bệnh gì?
- Anh không có bệnh gì cả.
- Đùa! Sao tôi lại không có bệnh? Tôi đau gan, sắp
chết đấy!
- Anh dọa tôi đấy à?
- Sao lại dọa?
- Trường hợp này rất nhiều. Có rất nhiều người túi
nang sưng phồng giống như anh vậy, bị chẩn đoán là ung thư, hoảng sợ cho là
mình mắc bệnh, kết quả tinh thần suy sụp, nhưng trên thực tế là chẳng có bệnh
gì cả.
Bác sĩ đã giải thích với anh ấy như vậy. Bốn thanh
niên khiêng anh ấy đi nghe nói vậy cũng rất phấn khởi, nói: “Anh không có bệnh
chúng tôi còn khiêng anh làm gì?” rồi vứt cán bỏ chạy. Bác sĩ bảo anh ta:
“Tình trạng anh như vậy, tôi chứng minh cho anh thấy, tôi sẽ chịu trách nhiệm,
anh yên tâm đi”. Điều đó làm cho anh ngày càng nhận thức ra. Trở về Đông Bắc,
anh ăn được, ngủ được và đi làm trở lại bình thường. May mà anh ấy muốn đi xem
Thiên An Môn, nếu không thì đã thành nắm xương tàn rồi.
Tác dụng ám thị cũng rất ghê gớm. Thế nào là tác dụng
ám thị? Ví dụ như bác sĩ chữa bệnh cao huyết áp, cấp cho bệnh nhân một loại
thuốc viên nang rất đẹp, một nửa màu vàng, một nửa màu xanh và nói: “Đây là
thuốc nhập từ Mỹ về, rất tốt. Anh uống đi, tuần sau đến kiểm tra lại”. Thực ra
viên thuốc ấy bên trong toàn là tinh bột, nhưng qua tuần sau rất nhiều bệnh
nhân đến kiểm tra huyết áp đều khôi phục ở trạng thái bình thường, ít đau và
ngủ rất tốt. Sau khi phẫu thuật cắt dạ dày thường rất đau không chịu nổi nên
phải tiêm cho bệnh nhân một mũi “moocphin”. Hễ tiêm là 40% thấy hết đau, thực
ra thuốc giảm đau đó là muối sinh lý. Tiêm thuốc moocphin thật thì chỉ có 95%
bệnh nhân không đau, còn 5% vẫn kêu đau.
Người Mỹ chữa bệnh ung thư chữa từng người một nên
bệnh nhân chết nhanh. Vậy chữa như thế nào thì tốt? Chữa theo từng nhóm tổ,
các bệnh nhân ung thư cứ 7 - 8 người mỗi tuần đến chữa một lượt. Họ ngồi lại
với nhau, trao đổi trò chuyện tán gẫu với nhau, trong tâm lý có gì khó chịu đều
nói ra hết để cùng nhau tương trợ động viên lẫn nhau. Điều trị từng tổ nhóm như
vậy, tình cảm của mọi người rất tốt, kết quả là tác dụng phụ do hoá trị rất ít,
tỉ lệ chết giảm thấp. Họ đã thành lập “câu lạc bộ chống ung thư”, sau đó đã
tổng kết kinh nghiệm tại sao bác sĩ nói chỉ sống thêm được nửa năm mà hai mươi
năm sau có người vẫn còn sống. Chưa một ai trong số họ nói đã dùng thuốc tốt
kéo dài tuổi thọ mà họ đều nói có cuộc sống tình cảm rất vui vẻ thoải mái, tràn
đầy niềm tin, hy vọng nào tương lai, chẳng sợ việc gì. Tâm lý tâm thái cân
bằng, gia đình hoà thuận đầm ấm, cơ quan đoàn thể mọi người quan tâm, đó là
điều quan trọng, còn thuốc là thứ yếu.
Thưa các bạn, trạng thái tâm lý phấn chấn là chống
ung thư tốt nhất. Trên thực tế, một con người có tâm lý cân bằng, bệnh gì cũng
không dễ mắc, nếu có bệnh cũng nhanh chóng khỏi. Bất cứ bệnh nào cũng đều như
thế, tác dụng tâm lý này vô cùng mạnh mẽ, có khi mạnh đến mức không tưởng tượng
được.
Gần đây, chúng tôi có một bệnh nhân bị tắc nghẽn động
mạch tim và nhiều vùng khác cũng bị tắc nghẽn, thành tâm thất có u, lại có cả
cục máu đông. Bác sĩ bảo với ông ta là hết cách rồi, chỉ còn một tia hy vọng là
lên Bắc Kinh đến bệnh viện An Trinh làm phẫu thuật nối cầu quán mạch, nong mạch
và cắt bỏ u đi. Tôi đã khám cho ông ta và nói: “Anh muốn làm cũng được, nhưng
phải làm một thí nghiệm xem cơ tim có còn sống hay không. Nếu cơ tim còn sống
thì việc bắt cầu có hiệu quả, còn cơ tim đã chết thì có bắt cầu cũng không có
hiệu quả”. Thí nghiệm cho thấy cơ tim đã chết. “Thế là hết”, ông ta nói như
vậy.
Thật là may mắn hôm đó chúng tôi có bài giảng về sức
khỏe (mỗi tháng giảng một lần). Ông ta đã nghe bài giảng này và nói: “nghe bài
giảng này hơn là đọc sách mười năm. Cả đời tôi làm giám đốc ngân hàng, chẳng
biết gì đến sức khoẻ. Bây giờ tôi mới biết 4 hòn đá tảng cho sức khỏe của chúng
ta quả là quá tốt”. Sau đó vị giám đốc ngân hàng này về nhà tự tổng kết thành 4
câu:
- Câu thứ nhất: quên quá khứ đi. Trước đây ăn trên
ngồi trước, cơm bưng nước rót, tiền hô hậu ủng,… bây giờ không làm việc nữa mà
vẫn còn nghĩ đến, tâm lý thấy khó chịu, nên quên quá khứ đi.
- Câu thứ hai: không nhìn hiện tại. Giám đốc ngân
hàng bây giờ so với mình trước đây còn oai phong lẫm liệt hơn, càng so sánh
càng thấy tức nên không nhìn hiện tại nữa.
- Câu thứ ba: hưởng thụ hôm nay. Hàng ngày dưỡng
lão, chăm sóc cây hoa, nghe đài,…
- Câu thứ tư: hướng tới ngày
mai. Trái tim tôi bảo dưỡng tốt, tôi có thể sống đến hơn 90 tuổi.
Nghĩ vậy, ông rất phấn chấn. Nhờ vậy, sau 2 năm, kiểm
tra lại bệnh, chụp phim thấy tim ông nhỏ lại khá nhiều. Đồng chí chủ nhiệm khoa
phóng xạ nói: “Nhầm rồi. Cầm nhầm phim rồi”. Tôi bảo: “Nhầm đâu, nếu cần thì
chụp lại”. Đây là một trường hợp hiếm có. Tim thường chỉ càng ngày càng to ra,
làm sao có thể nhỏ lại như thế được, quả là lần đầu tiên tôi gặp. Làm siêu âm,
thấy tim nhỏ lại rất rõ, chức năng tim được cải thiện tốt, huyết tan không còn
nữa, hiện nay ông ấy sống rất khỏe, ngày ngày đều leo núi.
Viện khoa học quốc gia có một viện sĩ nổi tiếng. Một
hôm có người báo ông tin một người bạn của ông đã chết. Người đó là thư ký của
ông trước đây, là người bạn thân thiết đã làm việc cùng ông mấy mươi năm, nay
đột ngột chết, ông vô cùng thương tiếc, xót xa. Đến tối nhà khoa học này cũng
chết luôn.
Mối quan hệ giữa trạng thái tâm lý đối với sự phát
sinh và phát triển bệnh rất lớn. Con người chỉ cần có một trạng thái tâm lý tốt
sẽ có một khả năng kháng bệnh rất lớn, sức đề kháng rất mạnh, nhưng nếu tinh
thần suy sụp thì coi như đã hết. Vì vậy, ổn định tâm thái rất quan trọng. Vậy
làm sao có thể giữ được ổn định tâm thái? Có 3 câu nói: “Đối xử với mình đúng
đắn. Đối xử với người khác đúng đắn. Đối xử với xã hội đúng đắn”.
Một con người muốn tâm thái ổn
định phải đối xử đúng đắn với bản thân mình, đem tọa độ nhân sinh của mình đặt
đúng vị trí, đúng tiêu chuẩn không nên vượt quá, cũng không nên tự ti. Ngoài
ra, đối xử với người khác, với xã hội cũng phải đúng đắn, phải luôn luôn có tấm
lòng cảm kích với xã hội. Có hai thái độ đối với xã hội: lạc quan, tích cực và
bi quan, tiêu cực. Chỉ cần lạc quan, tích cực nhìn xã hội thì thấy xã hội này
rất tốt đẹp. Còn nếu bạn dùng thái độ bi quan tiêu cực để đánh giá xã hội thì
xã hội này thật đáng sợ. Ngày nay đã mở cửa đổi mới, rất nhiều lợi ích đang
điều chỉnh, những sự việc chưa ổn định, chưa cân bằng đang còn nhiều. Nếu bi
quan thì hằng ngày có thể bị bực tức, cáu gắt từ sáng đến tối, mỗi việc đều có
thể làm cho bạn tức đến chết được. Còn ngược lại, nếu lạc quan thì, nói thực
với bạn, thời kỳ này là thời kỳ tốt nhất từ khi ĐCS được thành lập cho đến nay.
Nền kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, đời sống nhân dân từ trước đến nay
chưa bao giờ tốt hơn hiện tại. Nếu bạn muốn phấn chấn lạc quan nhìn xã hội thì
hãy xem tivi, nghe phát thanh, hằng ngày đều có những tin tức hay bạn tha hồ
vui vẻ từ sáng đến tối. Cho nên có nhà triết học đã nói: “Cuộc sống giống như
một cái gương. Bạn cười nó cũng cười, bạn khóc nó cũng khóc”.
Có một vị giáo sư nổi tiếng ở một trường đại học nổi
tiếng sống rất khổ sở. Hai người con của họ, sau khi đỗ thạc sĩ và tiến sĩ đều
ở lại Mỹ, như vậy thì tốt quá đi chứ? Một hôm ông giáo sư bước xuống cầu thang
đến bậc cuối cùng chẳng may bị trượt chân ngã. Vì dùng tay đỡ nên bị gãy xương
cánh tay. Bà vợ già yếu không thể giúp ông được, phải thuê một người giúp việc.
Người giúp việc lại không biết làm việc, bệnh tật lâu ngày, ông giáo sư lại
sinh thêm bệnh mới không đi tiểu được, phải cắm ống dẫn tiểu. Ở nhà chỉ cô
quạnh hai vợ chồng già, con cái đều ở Mỹ, tốt thì tốt thật nhưng không chịu về
nước, chỉ đến ngày lễ Noel gửi về tấm thiệp, thế là xong, thật là khổ, trạng
thái tinh thần không tốt.
Ngược lại, ai là người hạnh phúc, phấn khởi? Bác
xích lô ở cạnh nhà. Nhà của bác ấy chỉ là
nhà cấp 4, nhưng sáng sớm ngủ dậy, hai tay xách hai lồng chim đi ra công viên,
vừa đi vừa nghêu ngao mấy câu cải lương, lúc về nhà nhấm nháp một bát sữa đậu
nành và hai cái quẩy thật vui, thật thoải mái. Con trai của bác ấy không đậu
thạc sĩ tiến sĩ gì, chỉ tốt nghiệp phổ thông cơ sở, ngồi sửa xe đạp ở bên kia
đường, còn cô gái bán xì dầu cũng ở gần đó, cho nên chúng thường xuyên đến thăm
bố mẹ, có ấm đầu sổ mũi cả nhà đều quây quần thăm hỏi nhau, khi thì mua hoa
quả, khi thì mua kẹo bánh, cả nhà cha mẹ con cái chuyện trò vui vẻ. Người lớn
thì kể chuyện “ngày xưa cả đến bột ngô tôi cũng còn chưa được ăn, nhưng bây giờ
không những được ăn hoa quả mà còn được điểm tâm nữa,…” không khí gia đình
thật vui vẻ ấm cúng, chẳng có điều gì phàn nàn, con cũng có, cháu cũng có, thật
là hiếu thảo. Ông giáo sư của bạn, con đều học hành cao, đến ngày lễ gửi về tấm
thiệp, ngoài ra không có quan tâm gì đến bố mẹ, ông có khóc cũng không ai để ý
đến ông.
Hạnh phúc, vấn đề đó không có một tiêu chuẩn tuyệt
đối nào cả, vì vậy chúng ta phải làm cho tâm thái cân bằng. Những năm 70 tặng
quà cho nhau thì tặng quà gì? Quà điểm tâm. Những năm 80 tặng quà là tặng
thuốc bổ, thập niên 90 là hoa quả tươi. Ở các phòng bệnh nhân của tôi, họ đều
tặng hoa tươi, chẳng có ai tặng quà điểm tâm nữa. Vào thế kỷ 21, quà tặng là
sức khỏe. Làm sao có thể tặng sức khỏe được? Hãy tặng nhau “dưỡng tâm bát chân
thang” là thang thuốc tốt nhất cho sức khỏe. Thang này gồm có 8 vị:
- Vị thứ nhất là một tấm lòng nhân ái. Không giàu
lòng yêu mến xã hội, yêu mến con người thì không thể làm người được.
- Vị thứ hai là tấm lòng lương thiện. Có tấm lòng
lương thiện thì hay giúp đỡ người khác.
- Vị thứ ba là chính khí.
- Vị thứ tư là lòng khoan dung.
Khoan dung phải nhiều hơn chính khí, vì con người đều không phải là thánh hiền,
còn nhiều điều chưa đủ, nên bạn cần khoan dung, độ lượng đối với người khác.
- Vị thứ năm là lòng hiếu thảo.
Chúng tôi đã làm cuộc điều tra và thấy đối với người cao tuổi, yếu tố ảnh hưởng
mạnh nhất đến hạnh phúc không phải là tiền tài, địa vị mà là có con cái hiếu
thảo ở bên cạnh. Con cái không hiếu thảo thì có nhiều con cũng chẳng ích gì. Có
lần tôi gặp một ông giám đốc ở Hồng Kông, ông ta hỏi tôi: “Các anh chọn cán
bộ, chọn người như thế nào?”. Tôi trả lời: “Ở Hồng Kông là xã hội tư bản,
tiêu chuẩn chọn người phải là biết ngoại ngữ, giỏi vi tính,…”. “Không phải –
ông ta nói – tôi chọn người, tiêu chuẩn quan trọng nhất là xem họ có hiếu
không. Nếu người ấy cả đến cha mẹ mà họ không hiếu thảo thì làm sao họ có thể
tốt với mình? Phàm là người có hiếu thảo đều là người tốt, họ không làm điều
vi phạm đạo đức vì họ hiếu thảo với cha me, họ sẽ rất tốt.”
- Vị thứ sáu là sự thật thà đúng mực. Con người cũng
không thể quá thật thà, quá thật thà hoá ra đần cũng không nên. Nhưng không
thật thà cũng không được. Thật thà phải xem tình hình, đúng lúc, đúng mực.
- Vị thứ bảy là sự cống hiến không hạn chế, càng nhiều
càng tốt.
- Vị thứ tám là không cần bào đáp.
Đem 8 vị thuốc ấy cho vào “chảo khoang tâm” sao vàng
nhỏ lửa từ từ không bị cháy (tức là từ từ suy ngẫm), sau đó cho vào “cối công
bằng” nghiền kĩ, nghiền càng nhỏ càng tốt, “tam tư vi mạc, đạm bạc vi dẫn”, làm
việc cần phải “tam tư” và cần “đạm bạc” bình tĩnh, dùng nước “hoà khí” để uống.
Chọn ngày trăng thanh gió mát, sớm tối chia làm hai lần uống, có thể tịnh hoá
tâm linh, thăng hoa nhân cách, vật ngã hưởng vong, vinh nhục bất kinh.
Dưỡng tâm bát chân thanh có 6 công dụng: 1) làm
người trung thực; 2) làm việc chăm chỉ; 3) cống hiến xã hội; 4) hưởng thụ
cuộc sống; 5) kéo dài tuổi thọ; 6) tiêu diệt khứ họa. Tôi nghĩ rằng muốn cân
bằng tâm lý, con người phải biết cống hiến cho xã hội, vừa phải biết hưởng thụ
cuộc sống. Hưởng thụ ở đây chỉ là những sở thích nghiệp dư, tri thức hiểu biết
rộng hơn một chút, càng có nhiều sở thích nghiệp dư càng dễ cân bằng tâm lý.
Người thầy thuốc không chỉ “khám bệnh” mà còn “khám bệnh nhân”. Có hiểu biết
trạng thái tâm lý, tính cách khác nhau của từng bệnh nhân thì mới điều chỉnh
được tâm lý của họ, giải quyết được những vấn đề của họ.
Con người có tâm thái tốt thì
mọi vật trên đời đều trở nên rất tốt đẹp. Nếu đang buồn bực, tâm lý khó chịu
thì dù có non xanh nước biếc cũng không sao thưởng thức được, dù có cho ăn cao
lương mỹ vị cũng không sao nuốt nổi. Tâm trạng nôn nao, cả đêm trằn trọc không
ngủ được, chỉ thấy toàn ác mộng thì cho dù có giường đẹp cũng chẳng giá trị gì.
Cho nên cần phải giữ tâm thái của mình cho chính trực, vui cái người ta gọi là “ba cái khoái lạc:
trợ nhân vị lạc, tri túc thường lạc, tự đắc kỳ lạc”. Trong quá trình giúp đỡ
người, tịnh hoá linh hồn, thăng hoa nhân cách làm người là khoái lạc nhân sinh
lớn nhất. Các ông chủ có nhiều tiền không nên ăn chơi bừa bãi, dễ bị AIDS, chết
nhanh không có thuốc chữa, mà nên làm từ thiện, đóng góp cho các công trình
nhân đạo, tặng cho các người nghèo. Có người nói: “Tôi không có tiền, làm sao
giúp được ai?”.Tôi bảo rằng : “Đừng nghĩ như vậy, sẽ tức chết đi đấy. Người ta
có nhiều tiền hơn nhưng mà rủi ro lại lớn hơn, địa vị họ cao hơn nhưng áp lực
lại nặng hơn, một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt, vì vậy tri túc thường lạc”.
Còn “tự đắc kỳ lạc” là thế nào? Đó là lúc rủi ro cũng cần vui vẻ. Lúc rủi ro
thì còn vui nỗi gì? Vâng, nhân sinh là phong thủy luân lưu di chuyển, trên đời
này trăng có khi tròn khi khuyết, người có lúc hợp lúc tan, lúc thế này, lúc
thế khác, không ai luôn được may mắn, cũng không ai luôn bị rủi ro. Bây giờ gặp
rủi ro nghĩa là quang minh đang ở trước mặt, vì thế bạn nên tự đắc kỳ lạc. Vui
buồn tựa vào nhau cùng tồn tại, khổ nan là người thầy của cuộc sống, cho nên
mỗi người nên giữ được tình cảm vui mãi mãi.
Nói tóm lại, sức khỏe là cái quý giá nhất đối với
chúng ta. Sức khỏe không chỉ dựa vào kỷ thuật cao, thuốc tốt. Thầy thuốc tốt
nhất là bản thân, thuốc tốt nhất là thời gian, tình cảm tốt nhất là bình tĩnh,
tập luyện tốt nhất là đi bộ. Câu “thầy thuốc tốt nhất là bản thân” không phải
do tôi nói ra mà đó là lời của một danh y thời cổ Hy Lạp: “Bản năng của bệnh
nhân là thầy thuốc cuả bệnh nhân, thầy thuốc là người giúp đỡ bản năng”. Thuốc
tốt nhất là thời gian. Tại sao? Thời gian phát hiện càng sớm điều trị càng sớm
càng tốt. Phát hiện và chữa trị sớm thì vừa đỡ mất nhiều tiền vừa chóng khỏi bệnh,
phát hiện và chữa trị chậm thì nhiều khi còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Ăn
uống hợp lý, vận động thích hợp, không hút thuốc, hạn chế uống rượu, giữ tâm lý
cân bằng thì cơ thể béo cũng gầy, cholesteron nhiều cũng ít, đó là cách phòng
bệnh tốt nhất.
Có thể tổng kết về sức khỏe trong 4 câu như sau:
1. Một trung tâm: lấy sức khỏe
là trung tâm. Vì không có sức khỏe thì bạn chẳng làm được việc gì.
2. Hai điểm cơ bản: hơi hồ đồ một chút và hơi thoải
mái một chút. Mao Trạch Đông đã dùng hai câu thơ cổ để đánh giá rất cao Diệp
Kiếm Anh: “Gia Cát nhất sinh duy cẩn thận. Lỗ Đoan đại sự bất hồ đồ”. Có người
mách với Hoàng Đế rằng tể tướng Lỗ Đoan rất hồ đồ. Hoàng đế nói: “Ông ấy không
có hồ đồ chỉ có ngươi mới hồ đồ mà thôi. Tể tướng Lỗ Đoan việc nhỏ thì hồ đồ
nhưng việc lớn thì rất sáng suốt”. Đó là biểu hiện của người rất thông minh.
Việc nhỏ cứ tẩn mẩn cả ngày tính toán như lông gà vỏ tỏi, những người như thế
là người ngu đần. Cho nên hồ đồ một chút, độ lượng khoan dung, thoải mái một
chút, phong cách cao, nhìn xa thấy rộng, người như thế ở đâu làm việc gì cũng
tốt.
3. Ba đại tác phong: Đó là:
- Trợ nhân vị lạc,
- Tri túc thường lạc,
- Tự đắc kỳ lạc, luôn luôn giữ được vui vẻ.
4. Tám điều cần chú ý: Đó là 4 hòn đá nặng:
- Ăn uống hợp lý,
- Vận động thích hợp,
- Không hút thuốc, hạn chế uống rượu,
- Giữ tâm lý cân bằng.
và 4 cái nhất:
- Thầy thuốc tốt nhất là bản thân,
- Thuốc tốt nhất là thời gian,
- Tình cảm tốt nhất là bình tĩnh,
- Vận động tốt nhất là đi bộ.
Có những điều trên thì chẳng cần
phải uống thuốc gì, mỗi chúng ta đều có thể sống khỏe mạnh tám chín mươi, một
trăm tuổi. Điều ấy không phải chỉ là giấc mơ.
Cuối cùng, tôi xin rút ra 4 câu rất đơn giản:
Thiên thiên tam tiếu dung nhan tiêu
Thất bát phần bão nhân bất lão
Tương thích mạc vấn lưu xuân thuật
Đạm bạc ninh tịnh bỉ dược hảo
Tạm dịch như sau:
Ngày cười ba lần dung nhan đẹp
Bảy tám phần no người không già
Thoải mái vô tư làm xuân đẹp
Thanh đạm tịnh yên hơn thuốc a!
Chỉ cần làm theo phương thức
sống như vậy thì bệnh tật sẽ rất ít, chúng ta có thể sống mạnh khỏe đến 120
tuổi, cá nhân, gia đình và xã hội đều hạnh phúc. Hy vọng mọi người đều sống
khỏe mạnh đến tám chín mươi, một trăm tuổi hay hơn nữa để cống hiến cho sự phục
hưng của Tổ quốc.
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO SƯ HỒNG CHIÊU QUANG
- Giáo sư Hồng Chiêu Quang sinh năm 1939 ở Phúc Kiến.
- 1961: tốt nghiệp Học Viện Y khoa thứ nhất Thượng
Hải.
- 1970: phối hợp với giáo sư Hoa La Canh chế tạo
thuốc “Hạ huyết áp Bắc Kinh 0 số” và 3 lần nhận được bằng khen về thành quả
nghiên cứu khoa học.
- 1980: tham gia “kiểm định yếu tố nguy hại của bệnh
tim mạch ở Trung Quốc và xu thế phát triển cuả nó”.
- 1981 - 1983: được Cục cao giáo cử đi nghiên cứu 2
năm về y tế dự phòng và lâm sàng; Chủ nhiệm khoa nội tim – cao huyết áp – tim
mạch và bệnh người cao tuổi.
- 1984: tham gia “điều tra 50 vạn người Trung Quốc
hút thuốc lá”; “nghiên cứu cơ bản và tác dụng lâm sàng việc giảm mỡ cuả yến
mạch” và nhận được 8 bằng khen cuả Bộ Y tế và Sở Y tế Bắc Kinh.
- 1990 - 1991: tham gia “bệnh cao huyết áp toàn quốc”
và “xu hướng kiểm định động thái lưu hành cuả bệnh tim”, “nghiên cứu về chất
lượng đời sống và hạnh phúc của người cao tuổi”.
- 1978 - 1992: là Viện phó Viện An Trinh Bắc Kinh;
uỷ viên Hội Tim mạch và Hội Y học Trung Hoa nhiệm kì 2, 3, 4; uỷ viên Ban Biên
tập Tạp chí Tim mạch cuả hội Y học Trung Quốc nhiệm kì 3, 4.
- 1993: được chọn để ghi tên
vào Trung tâm Guiness tên các danh nhân Quốc tế cuả Anh và Mỹ.
- Nay là Phó chủ nhiệm, Uỷ viên tư vấn chuyên gia tim
mạch Bộ Y tế bảo vệ sức khoẻ cán bộ; nghiên cứu viên, Giáo sư, Chủ nhiệm khoa
nội người cao tuổi bệnh viện An Trinh Bắc Kinh.
- Giáo sư Chiêu Hồng Quang tham gia chủ biên “Thực
dụng cao huyết áp học”, “nghiên cứu yến mạch giảm mỡ”, “phòng trị bệnh cao
huyết áp”,… Đã công bố hơn 70 báo cáo khoa học. Gần đây, giáo sư viết rất
nhiều về chuyên đề phổ biến khoa học và hợp tác với hội Y học Trung Quốc, Sở Y
tế Bắc Kinh biên soạn 12 tập về điều trị bệnh về cao huyết áp trên truyền hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét