Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Xe đạp

Buổi chiều, trời đẹp hẳn lên. Không nắng, không mưa, gió lạnh thổi nhè nhẹ. Thời tiết y như Sa Pa, Đà Lạt,… vậy. Thật lý tưởng cho một chuyến vi hành. Tuyến đường đã được định trước: một vòng đường men hồ Tây.




Du ngoạn vòng quanh hồ Tây chỉ là cái cớ để có một cuộc tổng “kiểm tra sức khỏe”. Nói vậy thôi, chứ mới cách đây chừng một tháng, vẫn đôi chân này – đôi chân gần 60 năm chinh chiến “vào Nam ra Bắc”, “lên rừng xuống biển”, thậm chí có cả những khi “lên bờ xuống ruộng” nữa – đã thử sức ở cung đường này rồi. Và cái chính là phương tiện lựa chọn: Xe đạp.

Khi giã từ tuổi thiếu niên, tôi đã từng đạp xe từ thị trấn Hưng Hóa (tỉnh Phú Thọ) để về Hà Nội. Khi đó, chiếc xe tôi mượn một ông anh họ là một chiếc xe đạp khung gióng ngang (xe nam). Phía trước có gắn một lá cờ đuôi nheo màu đỏ, có tua rua màu vàng. Trên đỉnh cây cờ có con sư tử nhôm gật gù theo từng vòng quay của bánh xe. Cái yên xe cũng bọc một cái “áo” vải xanh đỏ gì đấy… Tóm lại chiếc xe lúc đó có hình thức như những con xế hộp có nhiều “đồ chơi” của các “đại gia” ngày nay. Cả một ngày đạp xe, chỉ dừng lại uống nước ở Thị xã Sơn Tây chừng 15 – 20 phút thôi. Đến chừng 3 giờ chiều mới về đến Hà Nội, vừa đói vừa khát vừa mệt và… tê dại cả hai quả mông đít. Quãng đường chừng hơn 70 km, nhưng hồi đó đi lại rất khó khăn. Đường xấu đã đành, lại còn phải qua phà ở Trung Hà, rồi máy bay Mỹ xẹt qua… Nhưng đó là kỷ niệm không thể nào quên được, lần đầu tiên thực hiện một chuyến đi dài như thế.

Xuất phát thong dong, vừa đi vừa trông chừng để tránh lũ xe máy, ô tô,… nên cũng chả thấy sung sướng gì. Thoát ra khỏi phố phường để bắt đầu vào con đường sát mép hồ mới tĩnh tâm lại. Từ đây, đầu óc cảm thấy vô cùng thoải mái. Gió lộng từ mặt hồ lướt qua các rặng liễu rủ thướt tha dọc theo bờ hồ. Phong cảnh nơi đây không khác những khu du lịch nổi tiếng trên thế giới. Chỉ khi thoang thoảng mùi thum thủm bốc lên từ các bến nước mới đánh thức ta trở lại với… hồ Tây. Chân đạp xe, mắt nhìn ra mặt hồ xa xa, cảm giác thật khỏe khoắn, tưởng như mình mới hai mươi. Bắt đầu là đoạn Tình Yêu, rồi đến Ven Hồ, Trích Sài, Võng Thị,… chả mấy chốc đã lên đường Lạc Long Quân. Vượt qua cái dốc nhỏ mới bắt đầu thấy hơi đau ở cái đầu gối. Nhưng do dốc ngắn nên cái đau không lâu, hai chân vẫn đều đều khoan khoái.

Lúc này chợt nghĩ đến thời kỳ sơ tán ở chợ Bầu (Hiệp Hòa, Bắc Giang). Vẫn cái xe đạp cũ, của “cha truyền con nối”, tôi “tung hoành” khắp nẻo đường Bắc Giang, Bắc Ninh,… Không những thế, thỉnh thoảng lại còn đèo cả ông “bạn vàng” Duy Cường về Hà Nội. Hồi ấy, tôi chỉ gần 47 kg mà phải đèo một thằng tẩm ngót nghét tạ hơi. Không phải là vì nó không biết đi xe đạp. Mà vì tôi không muốn cho nó phá xe của tôi. Thằng này khi đi xe, nó chả để ý gì trên đường cả. Mắt nheo nheo, tay vung lên theo cái mồm luôn luyên thuyên chuyện "trên giời dưới bể". Gặp ổ gà, đống cứt trâu, hòn đá to… nó vẫn phi. Hơn nữa, tôi cũng không muốn bị thằng này nó “tra tấn” bằng những cái "nhếch" mông... thối hoăng, mà vụ này khi phải luôn gồng mình đạp xe hay vãi ra.


Đi hết chiều dài con đường Nhật Chiêu bắt đầu đến Quảng Bá, tôi mới cảm thấy hai bắp chân bắt đầu đau nhức. Khi xuống con dốc dài, đôi chân có cảm giác như đeo đá, nhất là khi hết dốc và guồng lại theo tốc độ. Vòng vèo theo con đường Bến Nhật Bản rồi sang Quảng An, tự nhiên cơn đau nhức, ê mỏi biến mất. Chân lại đạp xe bình thường như chưa từng chạy hết một quãng đường dài như vậy. Thật lạ! Phải công nhận đoạn đường này đẹp nhất trên con đường ven hồ Tây. Chả thế mà nó còn có những địa danh nghe rất lãng mạn: Bến Hàn Quốc, Bến Nhật Bản,... Con đường đi giữa một bên là hồ rộng bát ngát, bên trong là các hồ sen như đầm Đông, đầm Trị, ao Thủy Sứ,… Đến mùa sen nở chắc nơi này sẽ đông đầy “trai thanh gái lịch”, không còn chỗ mà đạp xe nữa cũng nên.
Nhớ những năm tháng gian khó, đi công tác cũng phải đi đạp xe. Khắp vùng Sơn Tây, sang Hòa Bình,… chúng tôi cứ rong ruổi ngày này qua ngày khác bằng xe đạp mà không biết mệt. Mang tiếng là cán bộ cấp trên đến làm việc tại đơn vị, khi được hỏi: “Xe các anh để đâu?” chỉ vào mấy chiếc xe tòng tọc mà… phán: “Kia!”. Chủ và khách cùng cười ngượng nghịu… Thế rồi, thời làm ăn. Chỉ có mặc cả giá mà phải đi đi lại lại chục lần mới xong. Và đương nhiên là phải lọc cọc chiếc xe đạp từ nhà đến Cầu Diễn hay khu Cao Xà Lá,… mà nếu như ngày nay chỉ cần một cú “phôn” là xong. Thế đấy!


Hết đoạn Quảng An đi ven hồ một khúc nữa vào bán đảo có khách sạn Sheraton Hà Nội. Cố vòng thêm ra phía sau khách sạn – đường ven hồ - rồi bắt đầu leo lên một con dốc dài tới ngã ba Nghi Tàm (nay là ngã ba Âu Cơ – Xuân Diệu). Đến đây buộc phải xuống dắt xe vì cũng muốn cho đôi mông nghỉ ngơi một chút. Cái ngã ba này trước kia có một cái đồn công an và trước cửa thường có mấy bông hoa hướng dương vàng rực. Nay chả còn dấu tích. Hết con dốc, tôi lại thả dốc đường Yên Phụ rồi nhập vào phố phường Hà Nội ồn ào chen chúc, như chợt tỉnh sau một cơn mê dài…



Sơ đồ hành trình (màu đỏ)

Dọc con đường ven hồ, tôi bắt gặp rất nhiều người đạp xe. Trai có, gái có. Trẻ có mà già cũng nhiều. Trông họ, người ta có thể nhận ra ngay đó là các “cua rơ” chính hiệu. Đầu đội mũ bảo hiểm, khoác lên người bộ quần áo bó sát, có nhiều chữ nước ngoài. Chân đi giầy thể thao đủ các nhãn hiệu “Adidas”, “Nike”, “Reebok”,… Rồi găng tay, kính mát, bình nước... Và đương nhiên, xe đạp của họ là xe thể thao các loại.

Có anh bạn khi biết tôi đi vòng quanh hồ bằng xe đạp… thường thì rất ngạc nhiên. Anh khuyên tôi nên chọn lấy một cái xe đạp ngoại (có giá 1000 đến 3000 tiền Mỹ) chứ đừng đi xe Tàu (cỡ 5 triệu trở lại). Thế mà tôi vẫn đi, mà không phải một lần để biết. Ba lần rồi. Mà chắc sẽ còn đi nữa, cho đến khi… không đi được nữa thì thôi. Anh ta còn khẳng định nhiều lần: Không đi được đâu! 

Cái xe đạp của tôi nguyên là xe tôi mua cho con tôi khi cháu vào cấp III. Qua lớp 10, 11 rồi lớp 12 và hàng trăm km đi học thêm nữa, chiếc xe đáng ra đã hết “khấu hao” và phải về… hưu rồi. Giờ trông nó khó mà phân biệt được với xe đạp của mấy em đồng nát.

Thực ra tôi cũng đã từng đi những chiếc xe đạp thể thao đắt tiền này rồi. Phải công nhận là nó chắc chắn, nhẹ nhàng, êm ru và cái chính là có bộ số như xe máy để thay đổi tốc độ. Khi chạy đường bằng có thể chỉnh để một cái đạp nhẹ nhàng, xe chạy vun vút. Khi lên dốc thì về số để... khỏi phải cong đít lên. Nhưng tôi vẫn quyết định dùng cái xe đạp cũ của tôi để “rèn luyện sức khỏe” là chính chứ chẳng cần "khoe mẽ" hoặc chứng tỏ "ta đây".


Đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Quán Thánh – Nguyễn Biểu thì “rầm” một cái phía sau. Thôi chết! Khéo toi con xe. Quay lại. Một khuôn mặt kiều diễm bị nón, khăn quàng… che khuất với đôi quang gánh hiện ra cùng với tiếng oanh vàng thỏ thẻ: “Iemiem xin bác. Iem tránh cái anh lày” và nhanh chóng chạy lên vỉa hè. Những tưởng bị một con “xế hộp” của đại gia nhà giàu tông vào thì chắc chắn ông phải ăn vạ cho đến khi mày phải “lòi ra” một con xe đạp thể thao cỡ 1000 tiền Mỹ mới chịu thì lại gặp “iem lày”. May mà không sao. Của đi thay người.

Về đến nhà sau gần hai tiếng đồng hồ rong ruổi với quãng đường đo trên bản đồ của Google là 19.433 m. Tính vận tốc trung bình đạt 11,105 km/h. 

Thế mới biết mình vẫn còn khỏe lắm.

Khỏe thanh liên... 

2 nhận xét:

  1. Đọc bài viết của bạn lại thấy mình có tên trong đó quả là "sướng" Chỉ tiếc nhất bạn không lưu được ảnh chiếc xe STECLinh thời đó mà bọn ta đúng dịp Nô en năm 1972 từ nơi sơ tán chợ Bầu tút về Hà nội trong cảnh dọc đường còn khét mùi khói bom và Hà nội dịp đó là thành phố trong chiến tranh.Tôi ngày đó là con nhà nghèo đi học đâu có được xe đạp để đi lên chủ yếu bám càng các bạn .Lúc bám bạn Tiến con ,Dũng Cửa nam có xe Phượng hoàng "oách" lắm khỏi phải nhẩy tàu điện vào trường Bách khoa .Khi ra trường về công tác tại Bộ to tiết kiệm mãi mới sắm được xe đạp khung Sài gòn và có biển số xe đàng hoàng ngang với bạn trẻ đi làm giừ được bố mẹ sắm cho con xe máy xịn .Xe đạp giờ rẻ lắm .Mỗi khi nâng cấp từ xe đạp lên xe máy tôi đều đem cho xe cũ mình đi cho người quen mà mình cũng dùng đủ loại Thống nhất,Tàu,Tiệp ,Nga giờ không nhớ hết .Ông anh tôi thời đó sắm được chiếc xe Pơ giô "oai" lắm .Nó là cả một gia tài trị giá lúc đó cả cây vàng và lúc cần bán nó đổi được một mảnh đất và nhà ven hồ Ba mẫu cho tôi mượn ởvà nhờ nó tôi mới ..lấy được vợ (Khi đó mót cưới may mà có nhà).Giờ thì trong nhà lúc nào cũng có 2 xe đạp để đạp đi chơi quanh Hồ Tây .Những chiếc xe này là của ông bạn "Việt kiều " bên Pháp gởi vô thời hạn mỗi khi về Việt nam lấy dùng .Các con tôi các chủ nhật chúng đều đạp xe như bạn kể đó .Chúng rủ vợ chồng tôi nhưng bọn tôi đi bộ quen rồi" hứng chí "thì đi xe máy lên điểm hẹn ven hồ uống cà phê với bọn nó Tôi ngày nghỉ hay được mấy ông bạn nhà ven hồ rủ thi đấu cầu lông vào chủ nhật mình hay đi nên năm được vài bận và những lúc đó vui phải biết vì bao giờ thi đấu xong cũng giao lưu .Đợi đến khi về Hưu mới có dịp cùng bạn bè vui cùng xe đạp còn giờ ta chỉ gặp nhau những dịp Hội tổ chức du lịch thôi
    Bạn của các bạn(không nêu tên nhưng ai đọc cũng biết đó là ai)

    Trả lờiXóa
  2. Tao hôm nay mới giở xem đoạn này, hóa ra thằng Q viết văn được. Chào thi đua quyết thắng!

    Trả lờiXóa