Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Chuyến đi Đồng Hới của đoàn Hội lớp K16A


Chiều 10/6, đoàn tầu SE...VIP từ Tp. Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã dừng lại ở ga Đồng Hới và nối thêm toa K16A mà đoàn Hội K16A Chế tạo máy đã thuê vận chuyển ra Hà Nội. 
Đúng 5 giờ 30, tức là hơn 45 phút so với lịch trình, đoàn Hội K16A đã về đến ga Hàng Cỏ trong vòng tay đón tiếp nồng nhiệt của hàng trăm nhân viên các hãng xe ôm, tắc xi,…
Sau 3 ngày 4 đêm theo chương trình, chúng tôi đã đi thăm quan các di tích thắng cảnh nổi tiếng của Thành phố Đồng Hới, Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bãi biển Nhật Lệ,… Các diễn biến chuyến đi, chúng tôi sẽ tuần tự trình bày trong các bài viết tiếp theo. Mời các bạn đón đọc.

Trước giờ G

Chuyến đi lịch sử của đoàn Hội lớp K16A CTM khởi hành vào lúc 20g00 ngày 07/06/2012. Các thành viên tham gia đoàn đang sôi sục khí thế lên đường.

Từ sáng sớm, tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Thế là phở Hà Nội, cà phê Ban Mê, vài chai bia Leffe mở đầu cho những cuộc tranh luận có cường độ âm thanh cực đại.



Nhớ lại trước đó 24 tiếng, tại La Pho có cuộc gặp gỡ của các bạn này (thiếu bạn Dũng thôi). Bạn Đạt thông báo có tin vui lên cấp ông nội. Cô cháu nội có cái tên rất ... Hà Nội: Ngô Minh Hà, sinh ngày 01/6/2012 (nặng 3kg). Chúc mừng bạn Đạt đã lên đẳng cấp mới. Cuộc vui gặp gỡ tập trung lên tàu vẫn còn tiếp diễn. Tiếc là không thể tường thuật trực tiếp được vì mắc bận chuẩn bị một việc trước lúc đi chơi xa.

 

Dưới đây là dự báo thời tiết Đồng Hới 3 ngày của Hải quân Mỹ cung cấp: 


Đường sắt Việt Nam

Ngay khi lên chương trình du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng của Hội K16A, chúng tôi đã chú ý đến việc di chuyển từ Hà Nội vào Quảng Bình. 

Có nhiều phương tiện và dạng thức vận chuyển: ô tô (chạy ngày và chạy đêm), tầu hỏa (tầu Thống Nhất, tầu Đà Nẵng, tầu Huế và tầu Đồng Hới – mới mở từ 01/5/2012), và cả hàng không.

Sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn cách đi bằng tầu hỏa vì đây là phương tiện an toàn hơn cả, nhất là đối với người có tuổi và trẻ em.

Vì vậy, ta cũng nên tìm hiểu một chút về Đường sắt Việt Nam. "Đường sắt Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp lâu đời của Việt Nam. Ngành đường sắt ra đời từ năm 1881 bằng việc khởi công xây dựng tuyến..." Quên, hơi sa đà vào chuyện không đâu. Quay lại chủ đề chính là chuyến du lịch.


Đúng 19g30 ngày 07/6/2012, các thành viên đã tập kết đông đủ tại phòng chờ cửa số 6 ga Hà Nội. Tôi thì đi bộ, vợ chồng Duy Cường đi xe máy, còn lại các bạn đi tắc xi. Cháu Hướng dẫn viên của ETOCO đã chờ sẵn và làm quen với đoàn. Cả đoàn bắt đầu di chuyển lên tầu: toa 13 - đoàn tầu QB1 xuất phát từ Hà Nội đi Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 20g05. Cả đoàn ở gọn trong hai khoang. Tầu khởi hành, lúc đầu do chưa quen hay vì toa xe ở cuối đoàn tầu nên khá lắc làm mọi người hơi khó chịu. Chừng tiếng đồng hồ sau, chúng tôi quen dần, chuyện trò như khướu, bạn Dũng và Tiến còn đi tham quan suốt đoàn tầu từ toa 13 lên toa số 1.


Thế rồi cũng ngủ được vài tiếng đồng hồ. Trời sáng dần, tầu vào đến địa phận Quảng Bình sau khi chui qua hầm đèo Mụ Giạ. 7g30 tầu vào ga Đồng Hới, sớm hơn dự kiến chừng 30 phút. Cả đoàn được đưa ngay về Nhà nghỉ Hoa Hồng, nằm ngay trên bãi tắm Nhật Lệ, một bãi tắm đẹp của Đồng Hới. May mắn cho cả đoàn, chúng tôi nhận được phòng nghỉ và nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở. Nhiều thành viên làm một giấc ngủ bù sau chuyến đi tầu hỏa vào Đồng Hới.



Ngày 10/6/2012, khi chúng tôi lên tầu trở về Hà Nội thì có trở ngại hơn. Số là đoàn tầu SE6 chạy từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, dừng ở ga Đồng Hới thì phải nối thêm toa chở khách có ký hiệu số 1A (tôi phỏng đoán là nhà tầu ký hiệu viết tắt K16A của chúng tôi). Ông bạn Duy Cường lơ tơ mơ như ở lưng trời, phán: hay quá, được nằm toa mới sướng lắm đây và lại còn hùng hồn tán thêm cái “mới” ấy nữa. Thời gian tầu dừng có 12 phút. Đoàn tầu đến ga Đồng Hới đúng 17g02 như dự kiến. Tuy vậy do việc nối toa nên 17g30 tầu mới khởi hành được. Nhưng từ phút này, chúng tôi bắt đầu bị tra tấn. Các bạn có thể tưởng tượng là một cái hòm bằng sắt được phơi nắng và tích cái nóng mùa hè miền Trung cả ngày và chúng tôi bị nhốt kín ở trong, hấp thụ cái nóng tỏa ra từ nó. Nóng kinh khủng, cái nóng phả ra từ sắt thép, từ cái kín như bưng của toa tầu, của đống chăn, nệm vốn nổi tiếng ấm cúng về mùa đông. 

Toa tầu màu xanh - toa thuê riêng của đoàn

Máy điều hòa chạy vù vù nhưng nó chỉ thổi ra thứ không khí nóng hơn nhiệt độ 350 C trong toa. Mấy nhân viên nhà tầu đi đi lại lại, rồi cả ông trưởng tầu đến xem xem, nói nói, chỉ chỉ trỏ trỏ. Vẫn nóng quá. Không thể chịu được, chúng tôi phải sơ tán sang toa ăn ngay bên cạnh. Toa này mát mẻ hơn và chúng tôi phải gọi vài thức uống chứ không thể chỉ ngồi ké… Gần một tiếng sau, nhà tầu mới sửa được máy điều hòa. Đứng dưới cửa điều hòa có vẻ dịu dịu một chút. Thôi thế là đỡ lắm rồi. Thế là may lắm rồi. Vô phúc mà nhà tầu xin lỗi vì sự cố hỏng điều hòa như năm nào tôi theo cơ quan vợ đi Nha Trang thì khốn nạn. Chúng tôi mở mấy hộp xôi được cô Thủy nhà anh bạn Duy Cường chuẩn bị từ chiều ra làm bữa tối. Ăn xong, phốc lên gường để nghiền ngẫm thêm cái nóng tỏa ra từ cả khoang tầu. Bạn Đình Trường loay hoay hết mặc quần áo vào lại nóng quá, cởi ra. Cứ như vậy, chịu đựng đến hơn 6 tiếng đồng hồ, đến khoảng 23g00 tôi mới cảm thấy dễ chịu và từ đó ngủ được một giấc đến khi ông bạn Dũng đánh thức vì… không biết làm gì. Lúc này mới thấy cần đến cái chăn và khi thấy thoải mái trong hoàn cảnh mới này thì tầu đã về đến Hà Nội. Thu xếp đồ đạc rồi chờ tầu vào ga, dừng hẳn. Chúng tôi ra khỏi cửa ga, tạm biệt nhau sau một chuyến đi thú vị. Hẹn gặp lại hè sang năm, hẹn cùng nhau đi một chuyến đi chơi sảng khoái, hẹn gặp lại Đường sắt Việt Nam.

Phong cảnh Đồng Hới

Ngay sau khi tới Thành phố Đồng Hới, chúng tôi rủ nhau làm chuyến lướt qua những điểm thăm quan của thành phố.
 
Vì đã tìm hiểu trước nên tôi đưa các bạn đi từ Quảng Bình quan, thành Đồng Hới, cửa sông Nhật Lệ, tượng mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ, chợ Đồng Hới, cầu Nhật Lệ, sang Bảo Ninh thăm quan khuôn viên Sun Spa Resort, tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, Hải đăng Nhật Lệ,...

Nơi nghỉ mà đoàn chiếu cố ngả lưng

Quảng Bình quan là một công trình kiến trúc lịch sử, là biểu tượng của Quảng Bình, của Thành phố Đồng Hới. Quảng Bình quan còn có nhiều tên gọi khác: cửa vào dinh Quảng Bình, cổng Bình quan,...


Quảng Bình quan nguyên là một cổng thành của thành Đồng Hới, hệ thống thành lũy cổ được chúa Nguyễn xây dựng từ năm 1630 để bảo vệ kinh đô Phú Xuân. Phía trước có đường hào chạy ngoài thành, có cầu gạch bắc qua hào,... Năm 1954, quân đội Pháp phá hủy hoàn toàn Quảng Bình quan khi rút khỏi Đồng Hới. Sau hòa bình lập lại, Nhà nước đã cho xây dựng lại gần giống như cũ. Năm 1965, chiến tranh phá hoại, bị máy bay Mỹ ném bom phá tan. Hiện nay, Quảng Bình quan đã được phục chế lại gần đúng như cũ.

Cửa sông Nhật Lệ

Bên bờ sông Nhật Lệ, có tượng Mẹ Suốt. Mẹ Nguyễn Thị Suốt sinh ra ở xóm Vạn chài làng Phú Mỹ (nay thuộc thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới). Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ xảy ra, Mẹ Suốt vẫn chèo đò ngang qua sông Nhật Lệ làm nhiệm vụ cấp cứu, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại cho dân quân và bộ đội. Với thành tích kiên cường bám trụ từ năm 1964 đến 1966, Mẹ Suốt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 11/10/1968 Mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trong một trận chiến đấu.


Dưới chân tượng Mẹ Suốt là bốn câu thơ được nhà thơ Tố Hữu viết:
"Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng Mỹ này mình chẳng thua”.

Nhà thờ Tam Toà được Giáo hội công giáo xây dựng vào năm 1886 nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn Đồng Hới.


Năm 1954, hầu hết giáo dân Đồng Hới và các vùng phụ cận đã di cư vào Nam, chỉ còn lại rất ít một số giáo dân sinh hoạt tại gia. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ Tam Tòa bị trận bom ngày 11/02/1965 đánh sập, phần còn lại chỉ là tháp chuông với chi chít vết đạn. Ngày 26/2/1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định công nhận tháp chuông nhà thờ Tam Tòa là di tích lịch sử - văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh.

Gặp gỡ Hoàng Ngọc Lự


Chuyến đi được thiết kế rất hợp lý cho những người có tuổi, phụ nữ và trẻ nhỏ, ở mấy điểm sau: đi bằng tầu hỏa, nghỉ ngơi thoải mái bên bờ biển, kết hợp thăm quan và tắm biển, thăm quan Phong Nha theo trình tự có khám phá kết hợp tâm linh, đi xa trước - gần sau, khó trước - dễ sau,… Và trong chương trình, chúng tôi còn tổ chức gặp gỡ bạn bè Hội K16A tại Đồng Hới.

Khi đến khách sạn, Duy Cường đã liên lạc ngay với Hoàng Ngọc Lự và chỉ vài phút sau, Lự đã xuất hiện.


Gặp Hoàng Ngọc Lự, chúng tôi thấy hắn thật trẻ (so với tuổi), phong độ. Hắn vận bộ đồ lụa kiểu như những đàn ông thành đạt ngày nay khi đã hoàn toàn thanh thản nghỉ ngơi hoặc chỉ ngồi nhà mà phán thôi.


Hắn để hàng ria mép thật đậm nhưng với khuôn mặt đầy đặn, trơn nhẵn không một nếp nhăn, tóc râu đen nhánh thì không thể nói hắn đã ngoài 60 tuổi. Sau mấy giây bỡ ngỡ, hắn nhận ra hầu hết các bạn học thời trẻ, cách đây mới… hơn 40 năm. Chuyện trò thăm hỏi cuộc sống, công việc, gia đình. Sau đó hắn còn đưa vợ và con hắn đến giới thiệu với chúng tôi. Nghe hắn kể thì hắn đã làm đến chức Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí tỉnh, Trưởng Phòng gì đó trên Sở và cơ cấu đến Thành ủy viên rồi đấy.


Nhưng nay hắn đã nghỉ hưu, chỉ giữ lại những mối quan hệ giải quyết công việc cho đàn con cháu của hắn mà thôi. Thế là trong Hội này, hắn là con người thành đạt nhất nhì rồi còn gì.

Phong Nha - Kẻ Bàng


Sáng ngày 09/6/2012, theo chương trình, chúng tôi bắt đầu chuyến thăm quan Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng theo lịch trình đã được ETOCO thực hiện:

Đầu tiên là ghé thăm hang Tám Cô. Hang Tám Cô thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cách thành phố Đồng Hới 55 km về hướng Tây Bắc, hang đá nhỏ bé này ghi dấu sự hy sinh to lớn của lực lượng TNXP trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cửa hàng Tám Cô

Ngày 14/11/1972, trên cung đường 20 – một phần của đường Trường Sơn huyền thoại có một tốp nữ TNXP đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào một cái hang đá để tránh bom. Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi, họ chỉ nghe văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội từ sau tảng đá. Đồng đội tìm mọi cách cứu giúp không kết quả, sau 8 ngày đêm, các TNXP trong hang đã hy sinh. Lúc đầu mọi người cho rằng có 8 cô nữ TNXP hy sinh nên đặt tên là hang Tám Cô. Sau này phát hiện thêm còn 5 chiến sỹ pháo binh nữa đã hy sinh trong hang.

Trước cửa đền thờ các nữ TNXP 

Ngày 16/5/2009, trong Lễ kỷ niệm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, Chủ tịch nước ký quyết định công nhận Tập thể Anh hùng cho các TNXP hy sinh tại hang Tám Cô. Ngày hôm ấy, con số tám lại một lần nữa xuất hiện như một sự chứng giám linh thiêng, khi cây chuối trước cửa hang đột ngột nở ra đúng tám nải…

Tiếp theo, chúng tôi vào thăm quan động Thiên Đường. Động Thiên Đường được phát hiện năm 2005, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khám phá từ năm 2005-2010 và năm 2010 họ công bố động này có tổng chiều dài là 31 km, động dài nhất châu Á. Do vẻ đẹp của nhũ đá và măng đá trong động, họ đã đặt tên động này là Thiên Đường.

Chọn đường nào?

Động Thiên Đường được Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư đường nối vào cửa động, bậc thang và đường bên trong động, chính thức đón khách tham quan từ ngày 03/9/2010. Từ bãi đỗ xe ô tô du khách có thể đi bộ hoặc đi xe golf thêm 1,6 km đường bê tông dưới tán rừng thì đến chân núi để lựa chọn leo 524 bậc thang đá hoặc đi đường dốc 570 m lên cửa động.

Leo dễ đi hơn trèo

Đến cửa động Thiên Đường, dưới một vách núi đá dựng đứng cao chừng 120 m là một cửa hang. Lối ra vào chỉ đủ hai người đi tránh nhau, nhưng qua vài bậc thang, khung cảnh bao la của động Thiên Đường hiện ra làm du khách choáng ngợp. Thăm quan động Thiên Đường, du khách đi hoàn toàn trên cầu thang làm bằng gỗ với chiều dài 1,1 km và thoải mái ngắm nhìn phong cảnh trong động.


Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thế giới thứ 5 của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2003. Trong đó, động Phong Nha được giới chuyên môn cho điểm cao với 7 cái nhất: sông ngầm đẹp nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát - đá ngầm đẹp nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, hang nước dài nhất. Chính vì vậy, cả buổi chiều chúng tôi vào thăm quan động Phong Nha.

Bến đò Xuân Sơn

Động Phong Nha dài 7.729 m. Cửa động rộng 20-25 m, cao khoảng 10 m. Vào sâu trong động Phong Nha hơn 700 m là hang Bi Ký với những thạch nhũ tuyệt đẹp màu cẩm thạch, vòm hang rộng, không gian trong hang huyền ảo.

Cửa động Phong Nha

Trong động Phong Nha còn có hang Tiên và hang Cung Đình cùng những cột nhũ đá cao trên 20 m. Hang Tiên có vách đá mang hình dáng những nàng tiên với mái tóc dài, màu vàng óng ả. Hang Cung Đình có nhũ đá giống ngai vàng, được “chạm trổ” cực kỳ tinh xảo... Nhưng thú vị nhất là chúng tôi được ngồi trên thuyền đi trên dòng sông Son xanh mát.

Phong cảnh sông Son

Tổng kết chuyến đi, chúng tôi đã thu được rất nhiều: tham quan, khám phá (thiên nhiên, ẩm thực, hương vị của biển,...), tình bạn,... Tuy vậy thiệt hại cũng đáng kể, ngoài chi phí ra, có đến nửa đoàn bị... ốm. Ác cái toàn ốm chủ lực quân, mấy ông bà làng nhàng thì miễn dịch. Nhưng rồi "đi đến nơi, về đến chốn", "vui vẻ cả". Về đến Hà Nội lại hẹn nhau tiếp tục những chuyến đi sau hoành tráng hơn, để Hội K16A thêm gắn bó, thêm chuyện mà blogger còn tán với các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét