Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Những kinh nghiệm khi ra khỏi nhà


Do sở thích lang thang, nay đây mai đó sau khi “hạ cánh an toàn”, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm cần thiết cho những chuyến đi ra khỏi nhà.

Có thể bạn chưa đi nhiều nhưng chỉ cần chú ý chuẩn bị thật tốt, chuyến đi sẽ thú vị hơn rất nhiều. Bạn cứ tưởng tượng ra nếu một ngày nào lên đường nhưng quên chiếc kính quen thuộc, nó sẽ cắn rứt bạn như thế nào. Nó có thể chỉ là việc vặt vãnh thôi nhưng sẽ làm bạn bứt rứt khó chịu, và như thế sự hấp dẫn của chuyến đi cũng giảm đi đôi phần…

Thông thường trước chuyến đi – kể cả đi theo tour, một chương trình đã được tổ chức chu đáo – nên có sự chuẩn bị về các thông tin liên quan cũng như đồ đạc cá nhân.

1. Đồ đạc cá nhân

a) Trang phục: Mang vừa đủ dùng cả đồ ngoài và đồ lót. Căn cứ vào số ngày của chuyến đi mà quyết định số lượng. Nếu đi dài ngày – 5 trở lên – nên thêm 1 đến 2 bộ dự phòng. Khi lựa chọn đồ cũng nên cụ thể ra: quần dài, quần ngắn, áo dài tay, áo ngắn tay, áo khoác, ... cho đến giày, tất, mũ mãng...

b) Đồ dùng cá nhân: đồ vệ sinh cá nhân thông thường: bàn chải, kem đánh răng; dầu gội, sữa tắm (hoặc xà phòng tắm); tăm và tăm bông các loại; giấy lau – nên có cả giấy khô, giấy ướt; đồ cạo râu – cho đàn ông; đồ trang điểm – cho phụ nữ; kính dâm, kính thuốc... Ngồi ô tô, máy bay dài ngày nên có thêm cái gối ôm cổ nữa.

c) Thuốc men: Mang đủ cơ số có dự phòng các loại thuốc thường dùng. Ngoài ra, nên mang thêm các loại thuốc khác như: cảm cúm, kháng sinh, tiêu hóa, nhỏ mắt, ... Khi cần có thể hỗ trợ cho các thành viên khác.

d) Một số thực phẩm dùng riêng cho người ăn kiêng. Ngoài ra, có thể mang theo bánh kẹo, kẹo cao su, trái cây, ... Những thứ này tuy lặt vặt nhưng rất có tác dụng khi xảy ra sự cố trên đường hoặc lỡ độ đường.

e) Các thiết bị, đồ chơi: máy ảnh (và sạc); điện thoại (và sạc). Những thứ này nên tìm hiểu sơ đồ chân phích cắm ở nơi đến để mang theo. Có thể mang laptop, ipad, ... sách văn học, máy nghe nhạc, tai nghe, v.v...

g) Tiền nong và các loại giấy tờ tùy thân. Những thứ này nếu có túi riêng  luôn đeo bên mình là chuẩn nhất.

h) Luôn có một cuốn sổ nhỏ và cái bút để ghi các điều cần nhớ khi đi hoặc ghi nhật ký hàng ngày.

2. Sắp xếp

Trước ngày xuất phát chừng một tuần nên lấy cuốn sổ nhỏ (h) lập danh sách các đồ đạc mang đi, kèm theo số lượng. Khi lập nên làm riêng của từng người. Sau đó, trước ngày đi 1 ngày bắt đầu sắp xếp đồ đạc. Các nhóm đồ đạc theo phân loại ở trên nên để riêng vào từng túi nilon: đồ mặc ngoài, đồ lót, túi đồ vệ sinh cá nhân, túi thuốc men, túi thực phẩm, túi đồ sạc các thiết bị... Khi xếp vào valy hoặc ba lô nên theo thứ tự: thứ ít dùng dọc đường (quần áo, đồ sạc, ...) để xuống dưới, thứ hay dùng (thuốc men, thực phẩm,...) để phía trên hoặc các túi nhỏ bên ngoài.

Ngoài ra, cần mang theo một số túi nilon dự phòng và để quần áo đã sử dụng. Kinh nghiệm đi dưới 10 ngày nên mang đủ cơ số quần áo sử dụng. Đồ thay ra bỏ vào túi nilon dự phòng, mang về nhà giặt.



3. Các thông tin liên quan chuyến đi

Nếu có thể nên tìm hiểu trước nơi đến: chỗ tham quan, phương tiện đi lại, điều kiện ăn ở, tỷ giá, … cho đến các phong tục tập quán, văn hóa dân tộc, vùng miền, … và những chú ý khác. Một trong những thông tin quan trọng, liên quan đến việc chuẩn bị đồ đạc mang theo, là thời tiết các nơi đến. Hiện nay, các trang mạng về dự báo thời tiết có thể dự báo trước 15 ngày.

4. Về việc ăn mặc

Nên ăn mặc gọn gàng, thoải mái để thuận lợi trong khi di chuyển – đặc biệt là đi trên ô tô hoặc máy bay dài ngày. Trang phục không nên cầu kỳ (mặc dù là đi ra nước ngoài).

Về ăn, cố gắng duy trì cách ăn uống bình thường như ở nhà thôi. Cả chuyến đi chỉ tập trung vào vài bữa ăn có tính chất “sự kiện” như: chào hỏi, đặc sản vùng miền, chia tay chia chân, … Riêng vụ này nếu tiết kiệm được sẽ giảm khá nhiều chi phí. Cố gắng tiêu thụ hết số các đồ ăn mang theo phụ vào bữa ăn hàng ngày…

5. Điểm đến của chuyến đi

Lào là đất nước khá quen thuộc với nhiều người. Có thể tương đương như vùng trung du, miền núi của ta cả về địa hình, thời tiết, dân cư đến ăn uống, sinh hoạt… Tuy vậy, do kinh tế còn thấp nên có phần thiếu thốn và đắt đỏ hơn.

Trong lĩnh vực du lịch, cơ sở hạ tầng cơ bản cũng tương tự như ta: khách sạn, nhà nghỉ ở các thành phố lớn cũng khá. Các khách sạn 2, 3 sao hoặc nhà nghỉ chỉ để khăn tắm và giấy vệ sinh.

Các điểm du lịch, đa số có thu phí, được quản lý tốt. Những điểm lựa chọn trong chuyến đi phần lớn nằm ngay đường ô tô nên khả năng đi bộ không phải là chủ yếu, chỉ những quãng ngắn từ vài trăm mét đến dưới 2 km.

Thời tiết mùa này là thời tiết khô (nhưng chưa hanh) nên khá dễ chịu. Nhiệt độ ở Vientian từ 23 – 250 C, Luang Prabang từ 18 – 210 C, không có mưa.

Một vài chia sẻ kinh nghiệm, mong được các bạn tham gia thêm cho việc chuẩn bị của các cá nhân tốt hơn.

3 nhận xét:

  1. Rất cảm ơn sự chia sẽ của bạn. Những công việc chuẩn bị tỉ mỉ, chu đáo cho một chuyến đi chơi, mọi người thực hiện đúng như bạn phổ biến thì mình tin chuyến đi này sẽ rất vui vẻ và sẽ có nhiều kỉ niệm nhớ đời. Chỉ tiếc cho một số bạn lớp mình không đi du lịch đợt này . . .

    Trả lờiXóa
  2. Đợt này đi có phu nhân Q đi rồi còn lo gì nữa ? Tập trung vào chuyên môn nhiếp ảnh gia đi và tung ngay ảnh ,phóng sự lên mạng cho bọn ở nhà nó ...thèm . Mọi chuẩn bị đã giao cho thằng trưởng đoàn cùng tay hòm chìa khóa Tứ rồi thì quá yên tâm ! Tìm chỗ nào phong cảnh đẹp mà đến mà chơi ( Tốn ýt tiền thôi vì các cụ ..hoàn cảnh lắm )
    Hi! HI!

    Trả lờiXóa