Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Những di tích quốc gia đặc biệt (5)

13. Tân Trào là khu di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ) của cách mạng Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám. 

Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm 1945 (trước đây còn gọi là Kim Long và Kim Châu). Khu di tích lịch sử Tân Trào nằm trong một thung lũng nhỏ thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cách Thành phố Tuyên Quang khoảng 41 km, cách Hà Nội khoảng 150 km, với diện tích khoảng 6.633 ha. Đây là vùng đồi núi thấp, có độ cao trong khoảng từ 95 đến 814 m. Khu vực này nằm trong lưu vực sông Đáy, sông này đổ vào sông Hồng tại Việt Trì.

Chiến khu Tân trào ghi đậm dấu ấn của cách mạng Việt Nam và ngày nay đây là một địa chỉ du lịch thu hút nhiều du khách. Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng, nơi Ðảng Cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị toàn quốc ngày 13/8/1945 để quyết định tổng khởi nghĩa. Ðại hội quốc dân đã họp tại đây ngày 16/8/1945, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Quân giải phóng Việt Nam làm lễ ra quân.


Khu di tích là quần thể của nhiều di tích nổi tiếng: Đình Tân Trào, nơi họp Quốc dân Đại hội ngày 16/8/1945, Đình Hồng Thái là trạm giao liên và là nơi huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến, lán Nà Lừa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6/1945 đến cuối tháng 8/1945, Cây đa Tân Trào, nơi Việt Nam Giải phóng quân làm lễ xuất quân, Hang Bòng – nơi làm việc của Trung ương Đảng CSVN, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt thời kỳ chống Pháp. Ngoài ra, còn có những di tích có giá trị lịch sử và du lịch khác như: Bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, Vực Thia, làng Tân Lập, lán Cảnh Vệ - Điện Đài, lán Đồng Minh, sân bay Lũng Cò, đèo Chắn, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lẩu - Vực Hồ, Ban Tuyên huấn Trung ương, hang Thia, hang Bòng, thôn Lập Binh, xã Trung Yên, hầm An toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ và Bảo tàng Tân Trào.

14. An toàn khu Định Hóa (ATK Định Hóa) là một khu di tích lịch sử rộng lớn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ) nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, nơi có địa thế hiểm trở “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà, đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não kháng chiến. Khu căn cứ này đặt tại huyện Định Hóa nằm ở cực bắc tỉnh Thái Nguyên. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã sống và làm việc từ 1947 - 1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

ATK là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử: Ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị BCH TW đã họp thông qua kế hoạch tác chiến - tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953- 1954 để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Nơi đây, nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành, trong đó có luật về nghĩa vụ quân sự, sắc lệnh tổng động viên... về giảm tô và cải cách ruộng đất... Thủ đô ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại giao của nước ta thời ấy.

Hiện nay, ATK còn nhiều di tích về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như nền nhà, hầm làm việc, cây râm bụt Chủ tịch trồng, phiến đá Chủ tịch thường nằm nghỉ trưa, ...

15. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ), là nơi cơ quan đại diện cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ 1951-1954 và 1961-1975, (từ 1964 thuộc địa bàn B2). 


Thời kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục chỉ đạo Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam trực tiếp địa bàn B2, trực tiếp chỉ đạo chính sách Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời trên cơ sở chủ trương Trung ương Đảng, nhận chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thông qua Ban Thống nhất TW. Trung ương Cục miền Nam nằm ở tỉnh Tây Ninh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét