Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Tràng An, trước ngày được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới

Ngày Chủ nhật đầu tháng, trời đẹp, lên đường đi Ninh Bình.
 
Vụt nhanh qua expressway với phí 70 ngàn... đã tới khu du lịch Tràng An.


Cái cổng ngay QL 1 rẽ vào




Con đường uốn lượn quanh những dãy núi đá


Quần thể danh thắng Tràng An nằm giữa các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và Thành phố Ninh Bình, trong đó có 4 điểm nổi bật:

- Khu du lịch sinh thái Tràng An;
- Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động;
- Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư;
- Khu du lịch văn hóa chùa Bái Đính.
 
Vì thời gian hạn hẹp, tôi chọn điểm 1 và 3 với lý do: 1 và 2 cùng thể loại, tuy cũng có nhiều điểm riêng biệt, nhưng điểm 1 phong phú và mới khai thác. Điểm 3 thì về tâm linh, không thể không đến. Điểm 4 hoàn toàn mới xây dựng, đang quá trình hoàn thiện... nên để dịp khác.


Quần thể danh thắng Tràng An hiện là đại diện của Việt Nam ứng cử di sản thế giới với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất. Nơi đây đang được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Ngày 30/9/2012 hồ sơ di sản quần thể danh thắng Tràng An đã được gửi tới UNESCO với kỳ vọng trở thành một di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam với cả 2 tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.


Điểm đầu tiên tới thăm là Khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm ở xã Trường Yên với nội dung cơ bản là thắp nén hương cho các Vua... báo cáo các cụ ấy là: con đã đến đây.

Vừa bước lên cây cầu Hội, được các em gái đeo bám chăm sóc ngay



Tuy thế cũng chụp được khung cổng hoành tráng này



Toàn cảnh khu vực Cố đô Hoa Lư xưa...


Đền thờ Vua Đinh được xây dựng từ thời nhà Lý và xây lại thời Hậu Lê


Quy mô đền thờ xây theo kiểu "nội công ngoại kích" và mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa


Đền thờ Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ...


Phía trước đền thờ chính có dựng một cái sập lớn bằng đá...


Trong đền còn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm như gạch xây cung điện có khắc chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên", cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký...


Có cây hoa đại hàng trăm tuổi...


Qua đền thờ vua Lê cách đền thờ vua Đinh chừng 300 mét có một khoảng đất trống...


Đó là dấu vết còn lại của Thành Ngoại cố đô Hoa Lư. Nhặt trên mạng thấy có đoạn nói về Cố đô Hoa Lư: "Hoa Lư là kinh đô của nước Ðại Cồ Việt (tên xa xưa của nước Việt Nam) có cách đây gần 10 thế kỷ thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam.

Cố đô Hoa Lư trước đây rộng khoảng 300 ha được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10 mét. Kinh đô Hoa Lư bao gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam.

Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận thôn Yên Thành xã Trường Yên. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê là Trung tâm và cũng chính là nơi vua Ðinh Tiên Hoàng cắm cờ nước. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh lấy núi làm án..."



Bây giờ có còn gì đâu???


Đền thờ vua Lê được xây từ thời nhà Lý, sau được xây dựng lại từ thời Hậu Lê cũng theo kiểu "nội công ngoại kích", mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa - nhưng quy mô thì nhỏ hơn đền thờ vua Đinh.


Cũng nét độc đáo là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ XVII...


Nơi đây có những bức tranh khắc gỗ mô tả truyền thuyết và đề tài ca ngợi Lê Hoàn


Bên cạnh lối vào đền có một cái cổng nhỏ, có vẻ cổ xưa...

 
Rời khu di tích Cố đô Hoa Lư, ra ngay bến thuyền của Khu du lịch sinh thái Tràng An...

Từ bãi đỗ xe đi vào khu vực nhà thuyền


Vào ngày vắng, chỉ vài phút đã rời xa bến thuyền...


Hành trình đi thuyền dài 13 km qua 9 hang động tự nhiên xuyên qua núi và viếng thăm 3 đền thờ.


Hang động Tràng An xưa chính là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư

 
Cả một vùng rộng lớn ngập nước, trên 10.000 ha, bao quanh những dãy núi đá vôi nhấp nhô


Hành trình chuyến đi bằng thuyền len lỏi qua các hang động thật là lý thú. 


Được biết "đội thuyền" ở đây hơn 2000 chiếc. Vào mùa này phải chia nhau mà chạy... Còn dịp lễ tết, không có đủ thuyền, nhiều người phải trả lại vé...


Càng vào sâu bên trong, cảnh cây, nước, núi... hòa quyện vào nhau.


Hành trình chuyến đi một vòng khép kín. Bắt đầu là bến vào đền Trình.


Nơi đây thờ hai vị giám quan mà dân gian cho rằng các ông đã canh gác tại khu vực này.


Hành trình khám phá hang động Tràng An hiện nay đi qua 9 hang và 3 đền.
Phía trước mặt là cửa hang đầu tiên: Hang Tối


Hang Tối có chiều dài 320 m - dài nhất trong 9 hang của hành trình


Hang Tối có lòng hang rộng hẹp thất thường với nhiều nhũ đá rủ xuống. Vì vậy, qua lại hang Tối chỉ đi một chiều. Người lái đò là những "tay lái lụa", chuẩn chỉnh sao cho thuyền lướt nhẹ êm ái, không va vào vách đá hai bên và tránh cho các nhũ đá rủ xuống không đụng đầu du khách...


Ra khỏi hang, thuyền tiến vào giữa các thung nước. Không khí ở đây trong mát lạ thường


Cửa hang Sáng, dài 100 m. Trong hang, trần hang phẳng hơn với các vách hang sáng long lanh với một số nhũ đá pha cát óng ánh lạ thường


Ra khỏi hang, màu xanh bất tận lại ùa đến...


Dọc hai bên bờ là những rừng hoa súng...



Lại xuất hiện một hang động lớn trước mặt. Hang Nấu Rượu. Hang dài 250 m


Lòng hang rộng, đây là hang động duy nhất có thể đi lại hai chiều.

Theo truyền thuyết thì hang Nấu Rượu (và hang Cơm gần đó) có một ông khổng lồ nấu rượu ở đây, hàng ngày mang cơm và rượu ra núi ngồi ăn.

Trong hang hiện nay có xếp đặt nhiều chum, hũ lớn... Không biết bên trong có đựng rượu hay không?


Qua hang Nấu Rượu, vào bến thuyền lên đền Thánh


Nơi đây thờ trung vương tướng Trần Quý Minh, viên tướng trấn ải Sơn Nam thời Hùng Vương thứ 18


Phong cảnh bến thuyền


Bến thuyền lúc đông vui...


Phần lớn dân chèo thuyền là nữ. Họ dẻo dai và nhẫn nại... Phần lớn người dân ở đây chân thật và mến khách...


Thuyền cập bến đền Phủ Khống


Nơi đây thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà.


Tại đây có cây thị ngàn năm tuổi...


Đặc sản của Ninh Bình là món dê núi. Xung quanh khu vực rất nhiều quán xá... Nhưng tìm hiểu kỹ thì dân địa phương cho biết chỉ có vài quán là chuẩn "dê núi" thôi.

Tìm đến địa chỉ này, các món ăn khá hấp dẫn và giá cả phải chăng...


Kết thúc câu chuyện, mời các bạn thưởng thức mấy món dê núi...


4 nhận xét:

  1. Cảm ơn Quang! Cảm ơn ông "Vua phóng sự của Hội" BĐ Trường

    Trả lờiXóa
  2. Q đã nột tả hết cái hay ,cái đẹp của chuyến tham quan Tràng An Ông bạn BĐT được thưởng thức chuyến du lịch "qua màn ảnh nhỏ "lại được "chén" món dê núi không mất tiền thì sao không khoái ? Tôi lại chỉ khóai đọc hồi ký ,thơ( của bạn bè)hay gặp các bạn xưa dù chỉ trên mạng chứ giờ " yếu" đi xa rét lắm mà có ăn ,uống được mấy đâu ? Mong được đọc HK ,THơ văn,phóng sự ,bình luận của các bạn nhất là tác giả BĐT,Q,Hi!Hi!,..của Hội K16ACTM
    Bạn ĐHBK

    Trả lờiXóa
  3. "Nước xanh cũng khiến hồn xanh biếc" - Thơ Ích Thông hay đọc.

    Trả lờiXóa
  4. Quang xem lại tổ chức cho lớp lên đàng một chuyến đi vậy. Tất nhiên vào thời gian nào hợp lý thôi. TM

    Trả lờiXóa