Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

Những ngày không thể nào quên (2)


“H Bộ” Khoa Chế tạo máy ở cách chúng tôi một xóm và chỉ cách chỗ tôi ở năm trăm mét. Tôi thường đến “H Bộ” để nhận kế hoạch và họp bàn công việc. Tôi cũng như anh em trong lớp rất nóng lòng chờ đợi ngày lên đường. Cứ mỗi khi tôi ở “H Bộ” về, anh em lại xúm xít hỏi:

- Anh Nhi ơi! Thế nào, đã gần đi chưa?
- Lớp trưởng đề nghị Khoa cho chúng tôi đi ngay đi thôi! Ở đây mãi chúng tôi nóng ruột lắm!
Đúng là như thế! Ngay bản thân tôi cũng thấy nóng ruột và muốn đi ngay.. Còn về tổ chức, chúng tôi đã chuẩn bị xong, chỉ còn chờ ngày lên đường nhận nhiệm vụ. Chi ủy K16 đã họp ra Nghị quyết: Trước tình hình mới, các Tổ Đảng độc lập lãnh đạo trên cơ sở Nghị quyết của Chi bộ và Liên chi trong giai đoạn phục vụ chiến đấu và chiến đấu này. Chi ủy gồm ba người: Tôi, Chu Tấn và Phạm Khẩn. Tôi chịu trách nhiệm cùng Tổ Đảng K16A lãnh đạo lớp K16A, đồng chí Chu Tấn lãnh đạo lớp K16B, đồng chí Phạm Khẩn lãnh đạo lớp K16C. Tôi đã cho họp Tổ Đảng mở rộng (có mời thêm cán bộ lớp và Chi đoàn). Các đảng viên trong lớp được phân đều về các tổ. Đồng chí Võ Thành Bang là đảng viên ở Tổ Ba, tạm thời về về làm tổ trưởng Tổ Một thay Nguyễn Trọng Dũng (đã đi bộ đội). Các tổ chuẩn bị sẵn sàng có lệnh là đi được ngay. Về đời sống, Lớp phó Trương Nguyên Trung và các Tổ phó phải luôn luôn nhận đủ số gạo và thực phẩm cần thiết. Phần cuối cùng là xét kỷ luật cô Đặng Phan Liên Minh bỏ về Hà Nội chiều tối ngày 22 tháng 4. Mức kỷ luật đề nghị là : Cảnh cáo, thông báo toàn lớp, cách chức ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn.
Mấy hôm sau “H Bộ” đã liên hệ với địa phương xin làm một con đường lớn từ trong thôn ra nghĩa địa. Đây là một việc làm có ý nghĩa dân vận lớn lao, mặt khác nó còn đáp ứng phần nào đòi hỏi đi phục vụ của các sinh viên.
Công việc đắp đường khá vất vả. Hằng ngày chúng tôi vật lộn với đất bùn và nắng lửa. Một số anh chị em Hà Nội lần đầu tiên trông thấy con đỉa nó ngo ngoe dưới nước đã thấy ghê cả người, nhưng làm một  vài ngày cũng quen dần. Cả ba lớp K16 chúng tôi làm việc rất vui vẻ, hăng say. Không khí thi đua : “Bảo đảm kỹ thuật, xong trước thời hạn” giữa các lớp ngày càng sôi nổi…
Trong những ngày này, chúng tôi lại được nghe những tin chiến thắng dồn dập từ tiền tuyến lớn bay về. Trong đó ta đã đánh đều khắp các mặt trận, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Đặc biệt ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và đang tiến vào Huế. Ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long… quân thù cũng đang chờ ngày tận số. Tin ở hậu phương lớn đánh trả máy bay Mỹ cũng dồn dập từng giờ. Ngay trên bầu trời Hà Tây này, chính mắt tôi đã thấy máy bay giặc Mỹ bốc cháy. Ôi, sao mà hồi hộp thế! Tôi chỉ mong được điều đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngay thôi! Nhiều bạn trẻ chỉ sợ rằng mình không được đi ngay thì rất có thể không còn dịp nào mà đánh Mỹ nữa…
Những nghĩ suy ấy làm cho chúng tôi làm việc quên cả mệt; chỉ mong sao chóng xong để chuẩn bị đi làm nhiệm vụ. Và cuối cùng công trình đã hoàn thành vượt kế hoạch trước một ngày!
…Những ngày cuối cùng ở Thanh Xuyên đối với tôi sao mà bận rộn thế. Ngày nào tôi cũng phải lên “H Bộ” ít nhất là một lần để nhận kế hoạch và nắm tin tức. Một sự kiện lớn đã đến với tôi: Lớp K16A chuẩn bị tiễn 12 sinh viên lên đường nhập ngũ! Đây là lần xuất quân thứ hai của lớp. Lần trước vào cuối năm 1971 chỉ có một mình Dương Quốc Thao, Bí thư chi đoàn của lớp ra đi; lần này lại có lớp phó Đào Văn Thái, tổ trưởng Nguyễn Trọng Dũng và mười người nữa, hầu hết đều là những sinh viên học tốt của lớp. Trước tình hình này, Ban lãnh đạo lớp và Ban chấp hành chi đoàn, được sự nhất trí của Tổ Đảng, họp bàn kế hoạch chuẩn bị cho việc tiễn tân binh. Đây là công tác có tầm quan trọng đặc biệt trong thời gian hiện nay. Nếu làm tốt công tác này, không những có tác dụng động viên các bạn lên đường phấn khởi cầm súng chiến đấu mà còn có tác dụng lớn lao đối với người ở lại mang hết năng lực phục vụ chiến đấu trong những ngày sắp tới. Cuộc họp này tôi triệu tập vào buổi sáng trong đình làng Thanh Xuyên mà ở đây người ta đã mượn để làm chỗ học cho học sinh lớp một.
Theo Nghị quyết của cuộc họp, tôi cử Dung và Chính về Hà Nội mua tặng phẩm để chuẩn bị cho hôm tiễn tân binh lên đường. Mặc dù quỹ lớp mới xây dựng được 20 đồng, chúng tôi vẫn quyết định trích ra 12 đồng mua 12 quyển sổ tay. Tối ngày 09 tháng 5, tôi cho họp lớp chia tay với các bạn chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Lẽ ra cuộc họp phải tiến hành trước hôm nhập ngũ một ngày, nhưng tôi phải cho họp sớm vì nhà trường cho anh em về nghỉ phép mười ngày, còn lớp thì có thể lên đường phục vụ chiến đấu nay mai.
Tối ấy, trên sân đình làng Thanh Xuyên, chúng tôi họp mặt đông đủ, người ở, người đi nghẹn ngào khó nói lên lời. Tuy chúng tôi mới sống và học tập với nhau được có hơn một học kỳ, vẻn vẹn mới có bẩy tháng trời; thế mà trước lúc chia tay này mọi người thấy quyến luyến làm sao! Những người tạm biệt mái trường ra đi cầm súng thì lúc này càng thấy yêu thiết tha cuộc sống sinh viên, nơi tích lũy kiến thức để sáng tạo, xây dựng lên những hoài bão lớn lao của tuổi trẻ. Nhưng vì sao các bạn phải tạm rời xa nó? Đó chính là nhiệm vụ đánh Mỹ, diệt ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam mà Đảng và nhân dân giao phó…
Tôi nhẩm tính: Lớp K16A có hơn mười sinh viên, toàn Khoa Chế tạo máy khoảng hơn một trăm sinh viên, toàn Trường Đại học Bách Khoa có khoảng gần một ngàn sinh viên nhập ngũ trong đợt này. Như vậy, cả miền Bắc ước tính cũng phải tới hàng vạn  học sinh, sinh viên bổ sung vào chiến trường trong Thu-Đông năm 1972! Một con số không hề nhỏ! Bản thân tôi cũng là học sinh cấp ba nhập ngũ rồi bị thương sau gần  sáu năm chiến đấu mà bây giờ trở thành sinh viên Bách Khoa. Nếu Đảng yêu cầu tái ngũ tôi vẫn sẵn sàng. Giờ đây, tôi và các bạn tôi đang nóng lòng chờ đợi được vào phục vụ chiến đấu cho một đơn vị bộ đội nào đó…
Điều mong mỏi đó đã đến. Sáng ngày 10 tháng 5, “H Bộ” triệu tập họp khẩn cấp. Thầy Bảo thay mặt lãnh đạo Khoa thông báo đánh giá của nhà trường trong những ngày hành quân và thực hiện nhiệm vụ vừa qua. Nhà trường đã biểu dương Khoa Chế tạo máy tổ chức chuyển quân gọn, ổn định và triển khai công tác tốt nhất trường. Tiếp đó Thầy Bảo phổ biến kế hoạch hành quân ngày 11 tháng 5. Về tổ chức, lớp K16A, K16B và K15B thành một đoàn đi làm nhiệm vụ tại một đơn vị bộ đội thuộc Cục Quân khí, đây là một đơn vị đặc biệt quan trọng có liên quan đến vũ khí, khí tài. Thầy Bảo là người dẫn chúng tôi đến đơn vị này. Tôi tập trung cao độ và ghi chép không để xót điều gì. Cuộc họp kết thúc sau một giờ làm việc khẩn trương. Tôi ra về mà lòng nhẹ tênh. Vừa về đến xóm tôi ở đã thấy mấy anh chị em đứng đón ở đường. Mọi người vồn vã hỏi:
- Thế nào, bao giờ đi ở anh?
- Đoàn ta gồm có mấy lớp? Ai đưa đi?
- Chúng em có được đi cả không?
- …
Tôi giơ tay như muốn ngăn lại những câu hỏi tiếp sau, rồi vui vẻ nói:
- Các bạn yên tâm! Chiều mai chúng ta sẽ xuất phát! Còn đi như thế nào tối nay họp lớp mình sẽ phổ biến cụ thể!
Nghe đến đó, nhiều người nhẩy quýnh lên. Họ chạy biến vào trong xóm báo tin nóng bỏng này.
Tôi đi đến bếp của Tổ Hai gặp Trung. Sau khi trao đổi tình hình nhiệm vụ mới và kế hoạch hành quân, tôi bàn với Trung việc giải quyết ăn ở và thanh toán trong ngày hôm nay cho xong. Khuôn mặt đầy đặn của tuổi mười chín rạng rỡ hẳn lên, Trung nói như reo:
- Em mong mãi ngày lên đường đến hôm nay mới được toại nguyện. Dù khó khăn vất vả thế nào, trong ngày hôm nay em và các tổ phó sẽ lo chuẩn bị đầy đủ. Anh cho biết địa chỉ các Phòng, Ban của nhà trường để em đến làm việc…

Hầu hết các Phòng, Ban của nhà trường đều đóng ở thôn Phương Nhị, xã Hồng Dương: Phòng Tài vụ ở nhà ông Thục; Ban quản lý nhà ăn ở Chùa; Phòng Tổ chức ở nhà ông Kẹ; Phòng Quản trị ở nhà ông Cạnh; Phòng Tuyên giáo ở nhà cụ Ca;….Tôi nói chậm để Trung kịp ghi. Tôi nhìn vào cuốn sổ Trung ghi: Chữ đẹp và không sai sót gì. Tôi nẩy ra ý định nhờ Trung chép lại tập hồi ký mà tôi viết về những ngày này để gửi về phòng truyền thống của nhà trường. Nghĩ vậy thôi, viết được hay không còn phụ thuộc vào chất lượng học tập và quỹ thời gian của tôi khi ấy…
Không có đêm sinh hoạt nào mà đầy đủ và hồ hởi như đêm nay. Hai bài hát tập thể trước khi vào buổi sinh hoạt nghe đều và mạnh mẽ làm sao. Các em thiếu nhi đến nghe cũng khá đông. Có em cũng bắt trước hát theo chúng tôi…
Trong cuộc họp này, tôi thay mặt lãnh đạo lớp, sau khi nhận xét những ưu, khuyết điểm trong thời gian đóng quân ở đây và rút ra những bài học bổ ích trong thời gian tới, tôi đọc danh sách những người đi phục vụ ngày mai. Cả lớp im phăng phắc khi tôi bắt đầu đọc. Nhiều người nín thở theo dõi. Sau khi đọc xong, một số không có tên giơ tay xin phát biểu ý kiến. Đặng Văn Thanh, một cây gây cười ở lớp, đứng lên đầu tiên:
- Báo cáo với lãnh đạo lớp, tôi tuy đau dạ dầy nhưng không đồng ý ở lại đi đợt sau. Các đồng chí đi được, làm được thì tôi cũng đi được, làm được!
Giọng Thanh nói có vẻ bực dọc. Tuy họp dưới ánh sao nhưng tôi cũng nhận ra mặt Đặng Thanh đỏ phừng. Lúc đó một giọng khôi hài cuối hàng Tổ Ba vọng lên:
- Mấy tháng nay, đồng chí Đặng Thanh đều dùng “phép thuật” xoa bóp vùng dạ dầy thôi đấy! Đề nghị lãnh đạo cho đồng chí ấy đi theo lớp để cho chúng tôi học với chứ!
Cả lớp cười ồ lên.
Đặng Thanh cùng quê Hải Dương và ở nội trú cùng phòng với tôi. Với hy vọng chữa được bệnh đau dạ dày cho mình bằng xoa bóp, đồng thời để chăm sóc sức khỏe nên Thanh rất chăm xoa bóp. Tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, thanh cửi trần trùng trục, vác cái ghế đẩu ra ngồi trước cửa phòng thực hiện các bài xoa bóp từ đầu mặt, ngực bụng, chân tay và cuối cùng tập trung vào vùng dạ dầy với thời gian không dưới ba mươi phút. Chính vì vậy, Thanh người có gầy nhưng đỏ đắn, khỏe mạnh. Vì bị bệnh đau dạ dầy nên Thanh phải chuyển sang phục vụ ở khu vực sản xuất.
Tiếp theo là Nguyễn Thị Thanh đứng lên phát biểu như muốn khóc:
- Đối với tôi thì vì lý do gì mà lớp để tôi lại? Hay là các đồng chí sợ tôi đi không biết làm gì?
Nguyễn Thị Thanh phát biểu và nhìn tôi như có vẻ trách móc. Bắt gặp cặp mắt ấy, tôi nói:
- Riêng đồng chí Nguyễn Thị Thanh và đồng chí Tần Ngọc Châu, lãnh đạo Khoa cho biết là đơn vị bộ đội nhận quân quyết định để lại. Còn tại sao họ không nhận hai đồng chí thì tôi cũng không rõ…
Chưa nói dứt lời, tôi thấy Thanh xụt xịt khóc.
Thanh là cô gái trẻ nhất lớp có nước da trắng, đầy đặn nên mọi người trong lớp đặt cho cái biệt danh “Thanh Bột” để phân biệt với Hoàng Thị Thanh và Đặng Văn Thanh. Mới ở tuổi mười bẩy nhưng Thanh nói đâu ra đấy. Ngày vào nhập học, Thanh  vào chậm mấy ngày do có sự “trục trặc” giấy tờ ở địa phương. Hôm Thanh đến, tôi đã trực tiếp dẫn tận phòng tại khu tập thể giành cho nữ nên bị một số bạn bè ở lớp khác phòng bên nói kháy rằng: “Lớp trưởng sao nhiệt tình thế!”. Việc Thanh không được nhận vào phục vụ tại đơn vị quân giới hẳn là liên quan đến hoàn cảnh gia đình. Còn Tần Ngọc Châu không thấy đứng lên thắc mắc, nhưng tôi thấy Châu cúi xuống, đôi vai rung lên. Châu đang khóc. Cuộc họp vừa tan, Châu nói:
- Anh Nhi ở lại cho em gặp một lúc!
Mọi người ra về. Trên sân đình, ngoài Châu ra, tôi còn thấy Thanh Bột và Trần Văn Đức là người yêu của Châu. Cả hai cô tha thiết đề nghị tôi ngày mai lên Khoa xin cho hai cô cùng đi với lớp. Riêng tôi, quả thật rất muốn hai cô mà tôi rất mến này cùng đi. Nhưng tiếc rằng Châu là người gốc Hoa nên cũng không thể đi được. Tôi giữ kín điều này. Tôi động viên hai cô:
- Châu và Thanh về nghỉ đi. Ngày mai tôi lên Khoa cố gắng xin cho cả hai cùng đi với lớp.
Chờ cho Đức, Châu và Thanh đi khuất sau bụi tre ven đường, tôi theo đường lát gạch khoan thai bước, vừa đi vừa nhẩm tinh công việc ngày mai. Đêm đã khuya. Gió Nam từng đợt, từng đợt làm cho những vòm tre đung đưa nghe lao xao cùng những tiếng lộp bộp của những hạt xương đêm trên lá tre rơi xuống mặt đường. Chốc chốc phía cuối thôn lại rộ lên từng hồi chó sủa…
Mờ sáng ngày mười một tháng năm. Tôi vừa ngủ dậy thì đã thấy Thanh Bột đi đến, tay cầm một tờ giấy đưa cho tôi:
- Đây là đơn đề nghị của em. Anh mang giúp lên Khoa giúp em. Suốt đêm qua em không sao ngủ được. Càng nghĩ, em càng tủi anh ạ!
- Thanh cứ yên tâm, anh nhất định lên Khoa để phản ánh nguyện vọng của em và Châu. Tình hình như thế nào anh sẽ báo cho hai em biết.
Tôi đưa Thanh ra cổng. Vừa đi vừa động viên Thanh bằng tất cả sự quý mến của lòng mình. Tôi cảm thấy rất vui và hãnh diện với những thành viên như thế ở trong lớp. Sau đó tôi đi đến tận từng tổ kiểm tra việc chuẩn bị của mọi người và lấy ý kiến phản ảnh của nhân dân. Tôi đi hết một vòng tất cả các nhà dân mà anh chị em ở nhờ trong những ngày qua rồi đi lên H Bộ. Trên đường đi, tôi vui mừng nhẩm một câu báo cáo ngắn gọn, đầy đủ: “Báo cáo, lớp K16A dân vận tốt, hiện đã chuẩn bị sẵn sàng xuất phát”!
(Còn nữa)

7 nhận xét:

  1. Bai viết đúng sự thật không anh Nhi ơi. Em muốn xem một chút văn học ở trong đó kia chứ không muốn thấy nghị quyết và mệnh lệnh đâu.

    Trả lờiXóa

  2. Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng, chìm sâu dưới đáy những gì đã qua...Đời ngọt ngào yêu thương.

    Trả lờiXóa
  3. Anh Nhi viết đúng sự thật cái thời s/v khi đó đấy !.Đọc lại (vì đăng từ 2012) thấy nhớ anh Bang , anh Tấn ,Khẩn ,Tần ngọcChâu ,Liên Minh ,Trung ..quá nhất là mình có nhiều kỷ niệm với đảng viên Bang (được sự dèn dũa của anh mà không tiến bộ được) và nhất là từ hồi ra trường đến nay không có dịp gặp,hay lâu quá không gặp các anh chị có tên trên .Cách đây 12 năm Hội K16 A CTM được thành lập và luôn duy trì hoạt động đến nay và các lần tụ tập cũng được khoảng trên dưới 20 ng Bạn nào trong Hội biết địa chỉ các bạn mình gửi về cho Hội nhé mà cần nhất năm 1 lần cố gắng thu xếp để HỌP HỘI (theo quy ước ) Năm nay dự tính chọn Hải Dương mùa Thu tới để HỌP đấy .Bao giờ cho đến tháng Mười ?

    Trả lờiXóa
  4. TASS được quyền công bố sau hơn 40 năm (Hồi ký của lớp trưởng .bí thư chi bộ khóa )về thời "hoa lửa".Hồi đó kỷ niệm trong tôi nhiều nhất lại là Thắng sứt ,Trí điên (không phải Trí mụn tổ trưởng 2 giờ ta hay gặp đâu )Toàn ,Tùng,Thêm ,Dũng (Cửa Nam),Minh ,Lộc ,Hùng râu ,,Giờ nhìn lại chỉ còn gặp được mấy người? Trí điên nghịch ngợm nổi tiếng hồi đó cùng Thắng sứt (cùng hộ khẩu phố Huế) bị cảnh cáo toàn trường vậy mà qua chiến tranh dược dèn luyện lên người sau về làm Viện trưởng (cùng Đại gà) làm đến nghị sỹ (thấy mặt trên ti vi) nhưng gặp gỡ bọn K16 luôn kêu ..bận mà chỉ thích gặp bọn đàn em K20,21 còn có cái để "chém gió ".Bọn con trai ĐHBK thường chỉ thích cưa các em sư phạm ,ngoại ngữ và chê bạn gái cùng lớp cũng là lẽ thường tình (cái này các anh cán bộ đi học ,bạn nữ hiểu hơn nhưng chắc chả dại gì mà khai báo )nên hồi ký anh Nhi nó khô chứ đâu được như BĐT (rất tiếc không thấy đăng tiếp )Thỉnh thoảng Q có kể vài mẩu chuyện về thời đó như móc cống được em để ý mà giờ sao không thấy đăng ?Tôi háo hức thích đọc về thời đi phục vụ ở Yên thế lắm xem có ai viết về mình không ?Nhờ chuyến đi đó tôi mới lên người chứ không thì ...
    Bạn ĐHBK

    Trả lờiXóa
  5. Rất mong có nhiều "hồi ký" như thế này... Nếu có chừng mười cái chất lượng kể về những ngày tháng sinh viên, tôi liều... xuất bản cuốn Kỷ yếu cho Hội lớp K16A Chế tạo máy ngay! Mong được các bạn quan tâm!!!

    Trả lờiXóa
  6. Mong ước hay giấc mơ ai mà chẳng có .Cơ bản nhất thực hiện nó ra sao Q à? Mình là dân kỹ thuật lại nổi tiếng s/v nên để người khác kể về thời đó cho nó vô tư (nhất là cái đận cưa gái nghe mới vui)
    Hi!Hi!Hi!

    Trả lờiXóa
  7. Bạn nào có chuyện gì hay có tài viết kể cho nhau nghe cho ..VUI Giờ là lúc về hưu ôn lại kỷ niệm thời đó chắc là mấy ông ,bà xã cũng thông cảm thôi .Tôi thấy BĐT,Q,Tứ ,Chính TMinh Thông ,anh Nhi ,Thái ,Bang,Cơ .. nhất là Trí ,Đại ,Ninh ,Ngô Tiến ,Dung nhiều chuyện lắm chứ Tiến con ,tôi Thanh bột dạng trẻ con hồi dó biết gì? Mong nhận được hồi âm của các bạn

    Trả lờiXóa