Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Chuyện áo, chuyện quần

Phần lớn thời gian trong đời, tôi luôn luôn khoác áo lính. Kể ra thì cũng chả có chuyện gì phải kể. Sinh ra và lớn lên ở cái thời đạn bom, cái sống còn chưa chắc chắn nữa là ăn với mặc. Nghĩ đi thì vậy, nghĩ lại với cái lẽ ở đời: còn sống thì vẫn còn phải ăn, vẫn còn phải mặc. Chuyện đời luôn gắn với chuyện ăn, chuyện mặc.

Lúc còn nhỏ thì cha mẹ cho ăn gì, mặc gì cũng được hết, miễn là có. Trời rét căm căm mà không đủ áo quần thì cũng cắn răng mà chịu, biết kêu ai? Thỉnh thoảng thấy bạn bè, hàng xóm có áo mới thì… nhìn. Thế thôi! Với lại, là thằng con trai, quần áo chưa phải thứ quan trọng hàng đầu.
Năm 10 tuổi, vào học tập ở Trường Văn hóa Quân đội thì vận đồ lính cho đến lúc ra khỏi trường vào năm 1970. Những món đồ ấy mau chóng trở nên chật chội hoặc ngắn cũn cỡn vì lúc trưởng thành, tôi đã là một thanh niên cao… mét sáu. Những năm chiến tranh, cả nước một màu xanh lá, xanh công nhân… Nông dân thì nâu sồng, dân thành thị thì màu xám xịt, đồ trắng hoặc sáng màu phải nhanh nhanh mà nhuộm thành màu… phòng không như màu nước dưa hoặc xanh sĩ lâm nếu không muốn bị người đời lên án.
Vào đại học chúng tôi đương nhiên được hưởng chế độ tem phiếu như cán bộ nhà nước, có nghĩa là mỗi tháng được hơn chục kg gạo mậu dịch và 5 mét vải. Đưa cái phiếu vải cho mẹ là hết trách nhiệm, còn quần gì áo gì, thậm chí vải gì, may ở đâu... mẹ tôi lo hết. Mùa đông tôi có cái áo bông màu xanh tím than mặc suốt những năm sinh viên Đại học. Cái áo có hai phần: vỏ áo là vải ka ki dày với phần ruột bông may chần lồng tay vào nhau, sau đó cài hàng khuy chạy suốt từ cổ áo xuống hai tà. Sau năm 1975, thằng bạn chí cốt của tôi “mượn” cái vỏ, nó mặc cho đến khi rách tan.
Thời sau chiến tranh, thanh niên thành phố có cái mốt đồ bộ đội: quần áo vải Tô Châu, chân dép đúc – một loại dép cao su do Trung Quốc viện trợ mà đế được đúc bằng cao su, chứ không phải cắt từ mảnh lốp ô tô. Trọn bộ, ấy là trên đầu có cái mũ cối cũng của Trung Quốc. Sang hơn thì cái núm trên mũ được bỏ lớp vải bọc và thay vào đó là một lớp mạ… màu vàng. Tôi cũng được cha tôi và ông anh cả trước khi vào chiến trường miền Nam để lại cho ít quần áo bộ đội, nhưng tôi rất ít dùng vì cơ bản là tôi không thích cái mốt đó. Ước mơ của tôi lúc ấy là có được cái quần simili màu xanh xám và cái áo pô pô lin màu xanh trứng sáo trưng diện với bạn bè… hoặc nếu có điều kiện thì đi cưa gái cũng tốt.
Từ sau năm 1975, xã hội dần dần thay đổi về ăn mặc, có nhiều quần áo hơn, kiểu cách cũng phong phú hơn. Miền Bắc vẫn chủ yếu hai màu xanh – trắng. Ấn tượng của thời này của tôi là nhiều em gái mặc áo màu đỏ hoặc hồng tươi... bên trong cái áo sơ mi trắng. Một cách điệu đà khoe khoang nhưng kín đáo.  
Tôi tốt nghiệp Đại học rồi vào bộ đội suốt hơn 30 năm mặc đồ lính. Các thời kỳ thay đổi kiểu quần áo từ những thứ sau chiến tranh của Trung Quốc, Triều Tiên đến quân phục K82 kiểu Liên Xô, v.v… Áo thì t kiểu “áo bay”, rồi áo thụng cho trong quần, rồi lại bu dông chít gấu… Cái thời: cấp tá - ốt pho, cấp úy - sơ vi ốt cũng thấy sướng. Quần áo toàn sợi nilon nên nhẹ mát, giặt tốn ít xà phòng mà nhanh khô... Sau một thời gian mới lòi ra nhiều cái dở: mùa hè thì nóng bí, mùa đông thì không đủ ấm. Đồ không được là lượt, các góc cạnh cứ xoăn tít. Hai ống quần nhàu nát trông như cái đèn xếp... Còn dưới chân – thời kỳ đầu toàn đi dép: dép cao su, dép dọ màu nâu. Dép cao su thì phải loại dép đúc của Trung Quốc, nhưng khan hiếm dần, rồi cũng chả mấy người đi nữa. Còn dép dọ làm bằng nhựa nên nhẹ nhàng hơn và cũng đẹp hơn. Tuy vậy, dép dọ  cũng chóng hỏng. Hết vá ngang, đắp dọc, cắt đế dán lên quai, v.v... rồi cắt hết gót làm dép lê loẹt quẹt... Sau thì cứ vớ được dép gì, xỏ dép ấy. Miền Bắc thì dép nhựa trắng Tiền Phong, miền Nam cứ dép da các loại. Các thứ dép đi chơi hoặc ngồi văn phòng thì ổn chứ làm các công việc khác thì coi chừng. Ai đã từng đi dép cao su qua những đoạn đường trơn, lầy lội. Cái dép trơn nhãy, hễ trượt chân thì thôi rồi, cầm cái dép mà tưởng bắt được con bạch tuộc. Dép nhựa mà bước ngoài sân cỏ, hay vào xưởng cơ khí... không chừng ăn mảnh chai, đinh gỉ hoặc phoi tiện kim loại.

Một thời quân ngũ
Rồi đến thời của giày da. Thôi thì đủ loại: giày buộc dây, giày cao cổ, giày lười, giày đen, giày nâu, giày trắng... Cơ quan tôi có mấy bác du học ở Tây về dận giày cô sư ghin quanh năm. Cứ lộp cộp là biết ngay các bác ấy sắp có mặt. Thế mới tài. Lúc đầu bắt buộc phải đi giày, nhiều ông nhiều bà cứ kêu ca. Họ nghĩ ra nhiều cách phản ứng: đi giày nhưng không xỏ tất, dẫm bẹp gót làm giày lê... Nhưng rồi đâu vào đấy, sau này đi giày quen, các ông các bà lại tự đi mua của Quân trang những giày cấp tướng, giầy đóng bằng da mềm...
Quân phục lúc công tác là một điều bắt buộc, lẽ đương nhiên phải nghiêm chỉnh. Ấy thế mà ngoài đời, quần áo quân phục rất nhiều công năng. Khoác cái áo đại cán dự tiệc nào cũng hợp, kể cả đám ma, đám cưới. Bộ quần áo lễ phục màu trắng có khuy mạ vàng được dùng trong những nghi thức trang trọng trong công tác được các bác trong “đội kèn” ở làng quê chọn làm đồng phục. Mỗi lần ai đó yêu cầu sử dụng lễ phục, tôi cứ băn khoăn sao lại mặc bộ đồ “đưa ma”.  
Với tôi thì quân phục là quần áo công tác, một thứ trang phục “bảo hộ lao động” của lính. Vậy nên, tôi không mất thời gian mua sắm, sửa chữa thay đổi gì, thậm chí chả mất công là lượt, cứ cấp phát thế nào sử dụng thế ấy.
Rời quân ngũ ngày hôm trước thì ngay ngày hôm sau tôi cho “giải tán” toàn bộ quần áo, giầy da, mũ mão với hàng chục đôi bi tất, v.v… Thậm chí, cơ quan cho tôi may một bộ quân trang kiểu mới nhưng tôi từ chối, tất nhiên sau đó cơ quan có trả tiền bán bộ quần áo đó. Lúc trở về đời thường tôi rất ngại khi có ai đó yêu cầu tôi mặc quân phục. Cơ quan tôi từng công tác trước đây có mời đi thăm lại các đơn vị, tôi cũng ngại tham gia vì đôi lúc lại phải sắm vai trong các lễ nghi như khi còn công tác.
Trở về với đời thường, tôi thích cách ăn mặc sao cho giản tiện và nhẹ nhàng. Quần áo chủ yếu là áo phông quần lửng, thêm vài cái sơ mi. Giày thể thao sắm vài đôi, cả cao cổ, cả thấp cổ. Mùa hè làm đôi dép biti’s có quai hậu. Trên đầu, mua vài cái mũ vải lưỡi trai tránh nắng chói, che bớt cái đầu tóc xơ xác của tuổi già. Vậy thôi mà cũng đầy một ngăn tủ. Với những bộ quần áo như vậy, giúp cho tôi vận động một cách thoải mái, phù hợp với những cuộc dạo chơi phóng khoáng và phần nào thể hiện cái tâm hồn thanh thản của người đã làm tròn bổn phận với xã hội, với đất nước.

Viết lần đầu: Tháng 9 năm 2016   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét