Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Tuổi già nên vào viện dưỡng lão?

Tôi ở nội thành Hà Nội, có nhà riêng, có xe, vẫn khỏe mạnh. Tôi và vợ vẫn còn đi làm và có thu nhập. Các con đã trưởng thành và ở riêng. Tôi bắt đầu nghĩ tới việc "quản trị tuổi già" thế nào cho hợp lý.


Không biết khi nào sẽ vào nhà dưỡng lão? Thú thực tôi không thích vào đó mà muốn làm một căn nhà nhỏ, có vườn ở ngoại thành, nuôi gà, trồng rau, đất đã có rồi. Nhưng lụi hụi ở một mình sẽ buồn chán, vợ tôi không thích cuộc sống như thế.
Tôi suy nghĩ hay là về quê, mua mảnh đất nhỏ dựng nhà ở cạnh anh em sống nốt tuổi già? Hoặc đi du lịch như người già Nhật Bản? Tôi chưa biết, nhưng cái tôi muốn nhất là sự gần gũi, quan tâm của con cháu.
Bây giờ thì không sao, nhưng khi đã 70-80 tuổi, sức yếu rồi, thì thế nào? Ôi cái kiếp người, sinh lão bệnh tử, bao nhiêu công danh phú quý rồi cũng chỉ là phù vân. Nên thương các cụ gần trăm tuổi ở quê, tháng nào tôi cũng về thăm.
Dưới đây là những chia sẻ:

- Hee hee, chào ông bạn già cùng tuổi với tui, ông may mắn hơn tui nhiều rồi vì tui mồ côi vợ đã 2 năm, con thì 4 đứa, 3 đứa sống nước ngoài, 1 đứa đang ở gần nhà tôi, tất cả đều thành đạt lập gia đình con cái đầy đủ, tui cũng đã nghỉ hưu rồi và niềm vui của tui bây giờ là vào chùa tụng kinh, học Phật Pháp, sinh hoạt cùng Tăng Ni đại chúng, rất vui rất ý nghĩa đó ông bạn!

- Theo tôi, không nên ở Viện dưỡng lão. Vì đã từng làm việc ở viện dưỡng lão nên tôi thấy một số thực trạng sau: Cơ sở vật chất-hạ tầng, nhân lực của các viện hầu như chưa đảm bảo cả về không gian, môi trường, các trang thiết bị sinh hoạt, trang thiết bị y tế, đội ngũ bác sỹ + điều dưỡng viên chưa đạt trình độ chuyên môn... So với Nhật Bản thì sự đầu tư của các viện dưỡng lão còn kém xa. Các cụ vào viện dưỡng lão cháu tạm phân ra thành 3 đối tượng: Người già ốm yếu, bệnh tật, lẩm cẩm - Người già không có con cái chăm sóc/không muốn chăm sóc - Người già không muốn làm khổ con cháu tự nguyện vào viện để có người tâm sự, giúp đỡ. Trong khi đó, các cụ gần như bệnh tật hoặc lẩm cẩm chiếm phần đông. Do đó, khả năng lây chéo bệnh tật khá nhiều vì nhiều viện không có phân khu riêng. Nhiều cụ vì nhớ con cháu đâm ra lẩn thẩn tinh thần. Thái độ, đạo đức cũng như nghiệp vụ chăm sóc của các điều dưỡng viên hiện nay còn rất kém. Nếu viện dưỡng lão nào thuộc nhóm những người già còn minh mẫn thì tốt nhưng ở Việt Nam khó có nơi nào như vậy. Chưa kể mức phí đóng cho viện cũng rất đắt đỏ. Viện có nhiều mức phí nhưng để có chế độ chăm sóc gọi là tốt thì ít nhất phải tầm 10 triệu đến 15 triệu/tháng. Ở Nhật thì mất ít nhất cho mọi đối tượng là 1000 USD/tháng.

- Già rồi chỉ mong có sức khỏe, con cháu đông vui thế là sướng.

- Cũng như tôi, đang phân vân lựa chọn các giải pháp: Giải pháp A: Mua căn hộ ngay bên cạnh các con để vừa tôn trọng sự riêng tư và cách sinh hoạt của chúng nhưng vừa tiện cho con cháu sang chăm sóc. Giải pháp B: Mua đất xây nhà dưới quê cho gần anh em, họ hàng để vừa có người tâm tình vừa sống trong môi trường có không khí trong lành, lại có mảnh vườn nho nhỏ để nuôi gà, trồng cây. Hàng ngày muốn tâm sự với con cháu thì mở Ipad lên. Cuối tuần hay cuối tháng con cháu về chơi. Giải pháp C: Mua đất xây nhà ngoại thành để sống tuổi già. Hai ông bà chăm sóc nhau, có vườn tược để nuôi gà, trồng rau. Cuối tuần các con các cháu về thăm. Nếu có ốm đau, con cháu xuống thăm nom cũng tiện...

- Tôi cũng muốn về quê trồng rau nuôi gà và tối đến nhâm nhi ấm trà cùng bạn bè hàng xóm...

- Cây mỗi hoa nhà mỗi cảnh. Quá khứ là nền tảng của hiện tại, khi xưa ta vun đắp, nuôi dạy con cái như thế nào thì bây giờ ta gặt hái như thế. Còn sức khoẻ vui với con, cháu. Yếu ốm đến bệnh viện, con cháu chăm sóc được bao nhiêu thì cũng tốt. Nên có một khoản để tự trang trải lúc ốm đau và hậu sự, giao phó cho một người tin cậy tổ chức thực hiện...


- Nhỏ cậy cha, già cậy con mà. Bây giờ còn thích gì thì làm, đừng để khi nằm xuống còn tiếc điều gì đó muốn mà không được. Khi đó phải nhờ đến con cháu thôi. Vậy nên từ giờ nên chăm sóc chúng cho vui vẻ, đừng cáu giận nữa...

Theo Vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét