Như đông đảo những người trên dưới 60 tuổi ở Hà Nội, tôi hâm mộ giọng hát và con người nghệ sĩ Trần Khánh từ những năm 70 của thế kỷ trước, một nghệ sĩ nổi tiếng, sở hữu giọng hát có một không hai ở Việt Nam.
Lúc còn là thanh niên tôi cũng có chút máu “nghệ sĩ”, tức là có tham gia “hát hò” chút ít. Đến khi trưởng thành được nghe giọng hát Trần Khánh qua bài “Người chiến sĩ ấy” trên đài Tiếng nói Việt Nam, thế là tôi mê luôn. Hễ nghe nói nghệ sĩ biểu diễn ở đâu là tôi tìm cách đến và chờ cho ông hát xong mới ra về. Hồi ấy, vào ngày Chủ Nhật hàng tuần, các buổi biểu diễn ca nhạc được tổ chức tại các vườn hoa, Trần Khánh hay biểu diễn ở vườn Bách Thảo trên phố Hoàng Hoa Thám. Với dáng người tầm thước, Trần Khánh thể hiện những bài hát vừa hùng tráng lại bay bổng và đằm thắm. Đó là “Bình Trị Thiên khói lửa” (Nguyễn Văn Thương) – hát với Trần Thụ, “Thành phố hoa phượng đỏ” (nhạc Lương Vĩnh – thơ Hải Như), “Tôi là người thợ lò” (Hoàng Vân), “Nhớ đàn xe nước” (Vân Đông),... Nhưng tôi nhớ mãi mỗi lần nghe Trần Khánh hát bài “Ta tự hào đi lên Ôi Việt Nam” (Chu Minh), một cảm giác rạo rực bốc lên từ trong tim và dội vào óc, toàn thân gai lên,... Ôi thật xúc động. Có thể khẳng định cho đến nay, chưa có nghệ sĩ nào hát những bài hát này thành công như Trần Khánh đã hát.
Gần đây, khi tìm lại những bài hát do Trần Khánh hát trên mạng internet thì rất may mắn gặp nhiều người còn mến mộ hơn tôi, đã đưa lên những bài hát do Trần Khánh hát. Mặc dù chất lượng chưa được cao (do khả năng công nghệ) nhưng người nghe vẫn giữ nguyên được cảm xúc như thời đó. Năm 2010, mới có khoảng hơn chục ca khúc. Mới đây đã có hơn 50 bài hát do Trần Khánh đơn ca, hát song ca,... với dàn hợp xướng. Có thể chưa thật đầy đủ, nhưng với chừng đó tác phẩm được biểu diễn đã đủ cho thấy tầm vóc lớn lao của nghệ sĩ Trần Khánh trong nền ca nhạc Việt Nam.
Cũng qua các bài báo trên mạng internet, có thể tóm tắt cuộc đời của ông:
Nghệ sĩ Trần Khánh sinh năm 1930 tại Hải Phòng. Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, làm liên lạc viên trong tổ công tác cách mạng của Văn Cao, được phân công nhiệm vụ mang sách báo tới các cơ sở cộng sản ở nội thành và biểu diễn tuyên truyền những bài ca cách mạng. Tháng 6/1945, ông tham gia quân đội tại chiến khu Đông Triều, Quảng Ninh. Tháng 8, ông trở về Hải Phòng hoạt động trong đội danh dự và tham gia giành chính quyền. Tháng 12/1945, ông cùng tiểu đoàn 51 Nam tiến, đi chiến đấu tại Đông Nam Bộ và vùng cực Nam Trung Bộ. Sau trận Đèo Cả, ông bị thương và được đưa về Hải Phòng. Từ tháng 6/1947, ông bắt đầu hoạt động biệt động tại Hải Phòng. Tháng 9/1948, Trần Khánh bị Pháp bắt ở Hà Nội nhưng sau đó được tổ chức thuê luật sư bảo vệ giúp ra khỏi tù. Tháng 01/1949, ông được điều về Ty điệp báo thuộc Nha công an Trung ương, sau đó được sáp nhập vào Ty Công an Hà Nội làm công tác phản gián. Ông đã tham gia trận đánh vào vũ trường Paramouth, định dùng mìn phá đài phát thanh của Pháp ở phố Quán Sứ nhưng không thành.
Năm 1951, khi mất liên lạc với cơ sở ở nội thành, ông một mình đi lên Bắc Giang, trong hành lý có tấm giấy của Phòng Nhì Pháp mà đội trưởng của ông đã trao cho ông để phòng khi bất trắc. Khi tiếp cận được với Ty Công an Bắc Giang thì chính tấm thẻ này đã khiến ông bị nghi ngờ là gián điệp và bị bắt giam mặc cho mọi lời giải thích. Tháng 11/1953, ông bị kết án 6 năm tù vì tội làm gián điệp. Đến cuối năm 1954, thực hiện điều khoản của Hiệp định Geneve, Trần Khánh ra khỏi tù và về sinh sống tại xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, Bắc Giang.
Hai năm sau, tháng 6/1957, nhờ sự giúp đỡ của nhiều bạn bè quen biết và nhất là nhờ giọng hát của mình, ông bắt đầu cộng tác rồi công tác tại Đoàn ca nhạc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam với danh nghĩa là một nghệ sĩ tự do. Những bài Trần Khánh đã hát khó có ca sĩ khác gây được ấn tượng, gần như cái bóng của ông quá lớn, che lấp hết mọi sáng tạo sau này. Ông có được một chất giọng trời phú: sáng, đẹp, ấm áp. Giọng của ông thuộc loại nam cao (tenor), đặc biệt có âm vực rất rộng, tới hơn hai quãng 8. Đó là điều rất hiếm ca sĩ nào có được. Ông có thể lên cao tới nốt “lá” và xuống thấp tới nốt “sòn” (dòng kẻ phụ) mà nghe vẫn rất nét, thoải mái, lên cao không bị gắt, chói; xuống thấp không bị xỉn, mờ. Ông còn đặc biệt có tài năng khi lĩnh xướng hợp xướng và song ca. Đồng nghiệp kể rằng, Trần Khánh gần như không để ý tới bất cứ điều gì ngoài ca hát, biểu diễn phục vụ. Phân công ông hát bài gì, phục vụ ở đâu, không bao giờ ông từ chối. Khi Đoàn Ca nhạc Đài có những năng lực trẻ có thể dần thay thế, ông nhường họ thu thanh những sáng tác mới. Ông tận tâm dìu dắt để có được những giọng hát mới phát triển. Ông là người chịu khó đến với các tầng lớp công chúng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất. Và từ đó Trần Khánh gắn bó và trở thành một giọng ca xuất sắc của Đài tiếng nói Việt Nam. Nhưng do vụ án trên mà Trần Khánh không được xét vào biên chế cho đến năm 1979 (sau hơn 20 năm công tác ở Đài).
Ngày 15/6/1981, Trần Khánh nhận trách nhiệm về Quảng Ninh thu xếp trước cho cuộc biểu diễn của một số anh chị em đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, ông bảo rằng sẽ đi lo liệu (tiền trạm) một lần cuối cùng cho cơ quan. Cũng bởi vì có uy tín lớn ở Quảng Ninh nên bao giờ ông về, tình hình cũng rất thuận lợi.
Ông đã lấy được vé ô tô khách để sáng hôm sau về Quảng Ninh sớm. Nhưng một cậu lái xe khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng nhận ra người ca sĩ mà cậu ta rất ngưỡng mộ ở bến Long Biên liền làm quen Trần Khánh và tha thiết mời ông lên xe cậu ta về Hải Phòng để được thết đãi và nói chuyện với ông. Cậu ta hứa ngay hôm sau sẽ chở ông ra Quảng Ninh. Thế là, vừa nể người lái xe, cũng vừa muốn qua Hải Phòng vì lâu không về, Trần Khánh đã nhận lời và lên luôn chiếc xe ca đó. Đến tối, xe mới lăn bánh, đường lại mưa trơn, đến đoạn Mỹ Hào (Hưng Yên), do tránh gấp một xe đi ngược chiều nên bị lật. Trần Khánh bị thương nặng. Ông được đưa ngay vào bệnh viện thị xã Hải Dương rồi chuyển lên bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tại đây, Trần Khánh vẫn còn rất tỉnh táo, nhận được ra người vào thăm, nói chuyện bình thường và kể lại được diễn biến vụ tai nạn. Nhưng một tuần sau, người ta mới thấy ông cần phải mổ và sau khi mổ, ông đã vĩnh viễn từ biệt cõi đời do chấn thương quá nặng, không được xử lý ngay sau khi bị tai nạn.
Ghi nhận những cống hiến cuộc đời hoạt động, chiến đấu và ca hát của nghệ sĩ Trần Khánh, nhất là hiệu quả và sự thuyết phục lớn lao của giọng hát, năm 2007, Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Nghe ông hát và mến mộ Trần Khánh từ lâu nhưng giờ được biết con người tài năng như ông mà mãi mới được "biên chế" và truy tặng danh hiệu NSND .Thôi thì muộn hơn không ?
Trả lờiXóaNgày lên mỏ Na Dương trên Lạng Sơn, nghe dân chúng kể rằng, Trần Khánh có lên đây hát. Nhưng trước khi hát, ông ngửa cổ tu hết bát rượu (tất nhiên rượu trên đó không quá nặng như Cuốc lủi dưới xuôi). Ông hát hết mình.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa