Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Cảm xúc nơi chân thác Bản Giốc


            Những địa danh như sông Bằng, hạt dẻ Trùng Khánh, núi Các Mác, suối Lê Nin, dòng nước Quây Sơn,… thôi thúc nhiều năm để có ngày chúng tôi lên thăm Cao Bằng. Đoàn 4 người trên chiếc xe Ford dòng SUV lao đi trong một buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời. 
...
Di chuyển trên quãng đường 25 km từ Trùng Khánh đến thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) làm chúng tôi mất thêm 1 tiếng đồng hồ nữa. Vượt qua gần 200 m cuối cùng thật vất vả trên những tảng đá hộc vừa mới lèn xuống nền đường bị sạt lở. Chúng tôi là những người đầu tiên của ngày mới. Cô bán vé du lịch tươi cười khi chúng tôi xuất hiện. Mấy anh bộ đội đồn biên phòng gần đó cũng ra chào hỏi chúng tôi. Thác Bản Giốc hiện ra trước mắt đúng như những bức ảnh chúng tôi được thấy, thân thuộc như đã quen biết từ lâu.

 Đường xuống chân thác qua mấy thửa ruộng lúa chín vàng lập tức trở thành tiền cảnh của những bức ảnh, làm nền cho thác nước nổi bật. Gần một tiếng đồng hồ lăn lộn với cái máy ảnh, chúng tôi tìm mọi góc độ, tư thế, khung cảnh,… để có thể mang về tất cả cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. Đứng nơi chân thác nước Cao (hay còn gọi là thác phụ), trong làn sương bay của những hạt nước bắn lên từ vách đá, ta cảm nhận cuộc sống thiên nhiên thật nhiều cảm xúc dễ chịu. 


 Khi tìm vị trí chụp một tấm hình toàn cảnh thác chính (hay còn gọi là thác Thấp), chúng tôi không khỏi băn khoăn so sánh vì một bên là Trung Quốc, một bên là Việt Nam. Bên bờ Trung Quốc có một con đường chạy dọc bờ sông Quây Sơn. Có ít nhất hai bến thuyền, bè treo đèn lồng đỏ, xếp hàng ngay ngắn chờ phục vụ khách tham quan. Phía trên đỉnh thác, có một lan can để khách tham quan đứng ngắm cảnh và chụp ảnh. Xa xa về phía cuối con sông, có một dãy nhà xây theo kiểu khách sạn mới xây rất đẹp, mà trên đó, một dãy hành lang phục vụ nhu cầu ngắm cảnh màu xanh biếc nổi bật lên và ẩn hiện trên nền xanh ngắt của cây rừng. Nhìn sang bên bờ đối diện, ai cũng có cảm giác đó là một khu du lịch đúng nghĩa. Trong khi đó bên ta, lèo tèo mấy gian hàng quán dựng tạm bằng tre nứa, mái phủ bạt dứa,… mà trên phản bày hàng cũng toàn hàng của Trung Quốc. Mấy cây cầu dẫn từ chỗ bán vé ra chân thác bằng tre, gỗ,… đơn sơ, chắc cũng do dân tự làm. Có một chi tiết hài hước là: thứ duy nhất có vẻ là do Nhà nước đầu tư là một cái toilet kiểu thùng sắt được đặt sát vào bờ đất nhưng bị khóa chặt và xung quanh cây cỏ mọc che lấp không có đường… ra.


Gạt bỏ những chi tiết nhếch nhác đời thường ra khỏi khuôn hình, chúng ta có rất nhiều phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở thác Bản Giốc và nghĩ: không khéo vài năm sau, khu vực này phát triển sẽ khó có được những tấm hình chụp ngày hôm nay. Điều đó chắc chắn xảy ra vì nếu như con đường giao thông ngon lành, du khách kéo đến đông hơn, nhu cầu dịch vụ tăng lên thì đương nhiên các nhà kinh doanh sẽ đầu tư vào đây rất lớn. Thôi cứ hy vọng là thế để hôm nay khỏi… chạnh lòng.

(Kỷ niệm lần đầu đến thác Bản Giốc, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét