Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Những di tích quốc gia đặc biệt (1)



Đến tháng 10 năm 2012, Việt Nam có 34 địa điểm được xếp loại di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài 7 di tích : Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ, đã được công nhận là di sản thế giới của Việt Nam, các di tích còn lại lần lượt được xác định qua ba đợt. Sau đây, tuần tự giới thiệu thêm 27 di tích quốc gia đặc biệt còn lại.

1. Đền Hùng là di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ) với tên gọi khái quát quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ 15) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện tại.


Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10 km. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này.
2. Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, là di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ) về nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ 19/12/1954 đến 02/9/1969). Khu đất này nguyên là phần đất phía tây bắc của Hoàng thành thuộc Kinh thành Thăng Long xưa. Sau khi Pháp xâm lược Việt Nam và chiếm miền Bắc đã chọn Hà Nội làm trung tâm đầu não cho toàn bộ Đông Dương và Phủ toàn quyền Đông Dương được xây dựng trên mảnh đất này. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, nơi này được chọn là nơi làm việc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, đồng thời là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng là nơi Hồ Chí Minh đã qua đời.


Tổng thể khu di tích rộng hơn 14 héc-ta, trong đó diện tích được xếp hạng là 22.000 m², bao gồm 16 công trình, công trình đã tồn tại lâu nhất là hơn 100 năm và gần nhất là hơn 40 năm.
3. Chiến trường Điện Biên Phủ là di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ) với một quần thể các di tích lịch sử ghi lại chiến công của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Ca-tri.
Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. Sáng ngày 7/5/1954 quân ta đã chiếm được đồi A1. Trên đỉnh đồi có một di tích quan trọng, đó là cái hố hình phễu rất lớn. Đó là dấu tích của khối bộc phá nghìn cân của quân ta cho nổ để phá cả hầm ngầm và lô cốt cố thủ của giặc.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong một khu rừng nguyên sinh tại địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía đông. Đây là nơi làm việc của các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái… Gần với Sở chỉ huy có đài quan sát trên đỉnh núi độ cao trên 1.000m, từ đài quan sát này có thể bao quát hoạt động và diễn biến ở thung lũng Mường Thanh.

Bảo tàng Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Bảo tàng Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vào cuối năm 2003, bảo tàng Điện Biên Phủ đã tiến hành nâng cấp và chỉnh lý lại khu trưng bày. Đến nay bảo tàng có 5 khu trưng bày với 274 hiện vật và 122 bức tranh, ảnh theo từng chủ đề.
(Còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Tôi cũng đã có nhiều kỷ niệm với 3 di tích trên kể ra cho vui .Lần đầu tôi được đi đền Hùng vào khoảng năm 67-68 gì đó .Khỏi phải nói tâm trạng của tôi lúc đó một cậu học sinh mới lớn háo hức đến với đền Hùng .Khi đó đền Hùng còn đơn sơ lắm ít có tác động của con người và tôi được đặt chân và nghe kể của người biết về nó .Sau này tôi nhiều dịp đến với đền Hùng với nhiều đoàn khác nhau và gần đây nhất đi cùng tác giả bài viết này .Đền Hùng giờ to ,đẹp hơn xưa nhiều xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt nhưng với tôi có lẽ cảm giác của ngày xưa đến với đền Hùng vẫn thích hơn .Khu lưu niệm Bác Hồ tại Chủ tịch phủ hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng đã đến ít nhất một lần phải không .Tôi nhớ lại thời học sinh lớp 2 lần đầu được đi cắm trại tại Bách Thảo và sau đó đi thăm khu này ,hồi đó toàn kỷ niệm đẹp sao quên được .Khi ra công tác trong phong trào thanh niên hàng năm tôi có dịp vào lại Khu này lao động ở Ao cá Bác Hồ .Nơi đây là nơi giữ được nguyên vẹn ,ít thay đổi nhất với ký ức của tôi .Chiến trường Điện Biên Phủ tôi đã đọc nhiều về nó nhưng dù sao phải đặt chân tới đó mới thích .Năm 2004 nhân kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên trên đó tổ chức đón to lắm .Mọi công tác chuẩn bị làm ở trên ấy đều nhờ Trung ương cử cán bộ lên giúp .Người quen tôi là cố vấn và đang ở đó công tác có mời vợ chồng tôilên chơi .Tất nhiên mình lo tiền tàu xe còn đến đó là thượng khách .Bố trí mãi mới xin nghỉ để đi được 3 ngày và để chắc ăn không đi xe ô tô của cơ quan bạn mà đi máy bay "cho oai" Hôm ra sân bay đúng ngày sương mù tưởng phải hoãn nhưng ngồi trên máy bay mấy lần phi công thông báo vì thời tiết lên bay chậm .Rồi cuối cùng máy bay cũng cất cánh và tôi nhìn qua cửa sổ lúc đầu thấy bàu trời đoạn bay cũng đẹp .Ước đoán sau nửa giờ bay là đến vậy mà sau hơn tiếng sau khi hạ cánh tôi lại được thông báo máy bay hạ cánh an toàn tại ..Nội Bài Quý khách nào có nhu cầu lên Điện Biên thì về khách sạn nghỉ đợi tan sương mù chắc cũng phải ngày mai mất .Bực mình vì nhỡ hết kế hoạch nên trả lại vé được "bồi thường" là lời xin lỗido bất khả kháng và được bay đến Điện Biên không mất tiền giống như tôi hay có dịp đi thử tàu thủy trên biển đó.Lại nói đoàn đi ô tô không bị ảnh hưởng gì đến nơi được đón tiếp trọng thị ,dự đủ các chương trình đề ra sau này về lại Hà nội họ kể cho mình nghe nghĩ đến bây giừ vẫn "thèm" Đấy cũng là kỷ niệm về Điện biên và sau này chưa có dịp quay lại đó .

    Trả lờiXóa