Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Những di tích quốc gia đặc biệt (2)



4. Hội trường Thống Nhất (tên gọi trước đây dinh Độc Lập, dinh Norodom) là một di tích lịch sử tại thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ).
Năm 1868, trên khu đất này, công trình dinh Norodom được xây dựng (từ 1870 đến 1873) với diện tích 12 ha bao gồm một dinh th lớn có mặt trước rộng 80 m, bên trong có phòng khách chứa 800 người và một khuôn viên cây xanh và thảm cỏ rộng. Từ khi đưa vào sử dụng, nơi đây là trụ sở làm việc của chính quyền thuộc địa của Pháp (từ 1871 đến 1954) và Mỹ (từ 1954 đến 1962, gọi là dinh Độc Lập). Ngày 27/02/1962, dinh bị phi công phe đảo chính ném bom hư hỏng nên đã được xây dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Việc xây dựng tiến hành từ tháng 7/1962 đến 10/1966, nơi đây trở thành trụ sở của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.


Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nơi đây được gọi là Hội trường Thống Nhất. Hội trường Thống Nhất được xây dựng trên diện tích 4500 mét vuông, diện tích sử dụng 20.000 mét vuông, gồm ba tầng chính cao 26 m, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, hai tầng hầm và một sân thượng dùng đỗ máy bay trực thăng. Hơn 100 căn phòng được trang trí theo các phong cách khác nhau. Đây là địa điểm lịch sử văn hoá nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.
5. Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ) liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử Việt Nam. Xưa nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… 

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình. Trong đó, vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 3 km2 gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư và một vùng đệm có diện tích 10,87 km2 gồm cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể Tràng An. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.
6. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ) có tính đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám, mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). 


Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học. Được xây dựng từ năm 1070 đến nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây còn là nơi các sĩ tử ngày nay đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét