Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Sự khác biệt giữa Sài Gòn-Hà Nội (1)



Hình thức

Ở Hà Nội, cho dù trong túi bạn không có tiền nhưng ra đường vẫn muốn “xe đẹp, điện thoại nhỏ, áo bỏ trong quần, đầu tóc bóng loáng”!
Đến Sài Gòn bạn sẽ thấy nhiều người đi xe 67 của bảo tàng, điện thoại đời đầu, áo phông cũ, nhưng nếu ai hỏi tiền sẽ trả lời: “Cần nhiêu?”.

 

Giao thông

Ở Hà Nội, nhiều xe máy lấn phần xe hơi, nhưng luôn phải quan sát phía sau nếu muốn dừng lại khi đèn đỏ!

Đến Sài Gòn, bạn có thể thấy người ta vượt đèn đỏ, nhưng không ai dám đi vào phần đường của xe hơi!

Gọi điện ngoài đường

Ở Hà Nội, bạn có thể đứng giữa ngã tư tấp nập người qua để nói chuyện điện thoại “cho cả thế giới biết bạn là ai”!

Đến Sài Gòn, bạn hãy dắt xe lên vỉa hè nói chuyện nếu không muốn chiếc điện thoại của bạn “cuốn theo chiều gió”!

Cơn mưa

Mưa Hà Nội giống như tính tình các cô gái Hà Nội, âm ỉ dai dẳng và làm cho bạn nhớ mãi!

Những cơn mưa Sài Gòn giống tính tình của các cô gái Sài Gòn , đỏng đảnh nhưng mau quên!

Con gái

Con gái Hà Nội, da trắng, nói năng nhỏ nhẹ, gọi người yêu là anh yêu. Khi bạn đã yêu thì khó bỏ!

Con gái Sài Gòn da rám nắng, nói năng ngọt ngào, gọi người yêu là ông xã. Khó tán nếu muốn yêu!

Hai cô gái cùng thích một món đồ

Con gái Hà Nội sẽ nói với bạn: “Tớ với ấy cùng mua nó nhé?”.
Con gái Sài Gòn thủ thỉ: “Ấy mua rồi à? Vậy tớ sẽ chọn thứ khác”.

Khách sạn

Ở Hà Nội, khi dừng xe trước cửa khách sạn, có thể bạn sẽ phải gọi rát cả cổ mà chưa thấy lễ tân đâu!

Đến Sài Gòn, xe vừa dừng, xuất hiện ngay người chạy tới mở cửa và giúp bạn bê đồ vào khách sạn!

Thái độ phục vụ

Ở Hà Nội, chắc hẳn bạn sẽ xúc động đến lăn đùng khi thấy người phục vụ nói lời cảm ơn!

Đến Sài Gòn, dần dần bạn sẽ thấy “bình thường thôi” khi cô lễ tân cúi gập người chào bạn!

Đi hát Karaoke

Đi hát ở Hà Nội chủ yếu hát vui là chính, hát sai tông cũng kệ. Hát xong quên luôn vừa hát bài gì!

Đến Sài Gòn nhớ hát hay là chính, vì thế phải gắng hát rất tình cảm. Nhỡ mà sai tông sẽ quê một cục!

Đi sắm đồ

Ở Hà Nội, sáng ra bạn vào cửa hàng quần áo chọn hàng mà không mua, bạn sẽ được nghe người bán hàng văng một tràng tiếng Đan Mạch và họ còn đốt vía sau khi bạn đi!

Đến Sài Gòn, không kể sáng trưa chiều tối, nắng mưa gió bão, bạn chọn thoải mái, nếu bạn không mua, người bán hàng nói: “Cám ơn anh. Lần sau lại ghé em nha”!

Ngôn ngữ

Ở Hà Nội, trước khi đi Sài Gòn, bạn chào họ hàng: “Cháu chào cô cháu đi!”.

Từ Sài Gòn, bạn về Hà Nội, bạn chào hàng xóm: “Con thưa dì con dzìa!”.

Quán cà phê
Ở Hà Nội bạn sẽ quen mắt với quán cà phê chen chúc, hai đôi tình nhân chung một bàn!
Đến Sài Gòn bạn sẽ lạ mắt khi thấy những hàng ghế xếp thẳng hàng như trên xe bus!

Gọi cà phê

Ở Hà Nội khi bạn gọi “cà phê nâu” sẽ được cà phê sữa. Đến Sài Gòn nếu gọi câu đó chủ quán sẽ mang cho cà phê đen!

Ở Hà Nội, nếu bạn gọi “bạch sửu” họ tưởng bạn là người Tàu! Nhưng đến Sài Gòn họ sẽ mang cho bạn ly cà phê sữa!

Sau khi gọi cà phê

Ở Hà Nội, bạn được một cốc cà phê có ít sữa và vài cục đá lạnh nhỏ. Nếu muốn có cốc nước lọc bạn phải gọi vài lần.

Đến Sài Gòn, bạn sẽ thấy cốc cà phê có sữa và đá lạnh đầy ú ụ. Cùng với đó là cốc trà đá to đùng và nước lọc đủ để tắm!

Uống cà phê

Ở Hà Nội thường có thói quen uống cà phê khi đi chơi vào buổi tối, hoặc trước khi… đi ngủ!

Đến Sài Gòn bạn sẽ thấy thiên hạ uống cà phê có nhiều đá vào buổi sáng, và uống trước khi đi làm!

Khi có người rủ bạn ăn sáng
Ở Hà Nội: Hoặc là bạn đủ tiền

cho hai người, hoặc là chẳng cần đồng nào!

Đến Sài Gòn: Nếu bạn nhận lời đi ăn sáng cùng, ăn xong tiền ai nấy trả!

Ăn sáng

Có thể bạn quen với bát phở Hà Nội không thể thiếu mì chính và quẩy, được bưng ra trong khi ngón tay người phục vụ nhúng cả vào đó!

Đến Sài Gòn bạn đừng ngạc nhiên khi phở phải có rau, giá và tương, được bưng ra với cái tô được đặt trên chiếc đĩa!

Chùa chiền

Chùa chiền ở Hà Nội khi bước chân vào là thấy lòng nhẹ bẫng, hỉ nộ ái ố đã để lại ở phía ngoài cửa!

Đến Sài Gòn bạn sẽ không quen với không gian ồn ào, không tịnh, khách đến chủ yếu là tham quan!

Đèn đỏ

Ở Hà Nội: Đèn đỏ không được rẽ phải

Ở Sài gòn: Đèn đỏ có nơi còn được quẹo trái

Lơ đễnh đụng phải xe dừng đèn đỏ đằng trước

Hà Nội: chửi tan nát đối tượng

Sài Gòn: Nạn nhân chỉ quay lại xem thủ phạm là ai rồi… chờ đèn xanh tiếp

Con đường

Hà Nội: Đường, phố, ngõ, ngách

Sài Gòn: Đại lộ, đường, hẻm, hẻm

Trà đá

Ở Hà Nội, một cốc trà đá của mấy bà hàng nước giá năm trăm đồng

Ở Sài Gòn, cốc trà đá đó có thể pha làm bốn ly nhưng lại miễn phí

Ăn trưa

Cơm trưa Sài Gòn với tô canh khổ qua hai ngàn rưởi

Cơm trưa Hà Nội với bát nước rau dầm sấu không lấy tiền

Dao dĩa

Khi bạn nói: “Cho tôi thêm một cái dĩa” với người bồi bàn

Ở Hà Nội: Người ta sẽ mang cho bạn một cái nĩa

Ở Sài Gòn: Họ sẽ mang cho bạn một chiếc đĩa

Dạ vâng

Khi phụ huynh người yêu bạn có lời mời bạn đến nhà dùng bữa

Ở Hà Nội: Bạn nói: “Dạ, vâng!”

Ở Sài Gòn:! Đã “Dạ” thì khỏi cần “Vâng”

Tỏ tình

Khi bạn nói với một cô gái: “Thế em có yêu anh không?”

Con gái Hà Nội: “Nếu nói không thì sao?”

Con gái Sài Gòn: “Tại sao lại không nhỉ!”

HN: Yêu vẫn phải giữ

SG: Yêu là hết mình luôn

Giữ xe hàng quán

Hà Nội: trông hộ xe miễn phí

Sài Gòn: “Anh cho xin 2 ngàn”

Xôi
Hà Nội: Gói lá khoai hay lá sen, xôi đồ bằng chõ

Sài Gòn: Cho vào hộp, hay bịch nylon, cơm nếp nấu bằng nồi

Siêu thị
Hà Nội: Đắt đỏ, hàng hóa kô thiết thực
Sài Gòn: Thuận tiện, giá rẻ như chợ. Là nơi thư giãn mỗi cuối tuần cả gia đình

Nhà sách

Hà Nội  Nhân viên hách dịch

Sài Gòn: Vào đọc chùa thoải mái, nhất là các em bé, có thể ngồi tại chỗ đọc mà không sợ bị đuổi

Tào phớ

Hà Nội: Lát mỏng, em nhớ ngày xưa hay hớt bằng vỏ con trai!

Sài Gòn: Lát dày cục, có gừng trong nước đường chứ không phải là hoa nhài.

(Còn nữa)

2 nhận xét:

  1. Hay đấy! Nhàn rỗi đọc chơi: vừa thêm kiến thức vừa thư giãn. Cảm ơn bạn đã viết trang này.

    Trả lờiXóa
  2. Bạn đưa trang này lên mạng để tán gẫu với nhau quá là hay .Đối với những người từng sống tại Sài gòn ít nhất vài năm và trải dài từ giải phóng đến giờ có lẽ tán mới thú .Tôi biết Sài gòn lần đầu vào năm mới giải phóng và có quãng thời gian 3 năm biệt phái vào đó .Lúc bấy giờ quả đúng như bạn kể .Hai lối sống của 2 thành phố lớn nhất nước thời đó khác nhau xa lắm .Bạn tôi bán hết cả nhà (căn hộ được phân phối ở Khương thượng và đồ đạc là cái tủ lạnh ,xe đạp ,..v v)vào Sài gòn tậu ngay được biệt thự và vườn cây ao cá tại bến xe miền đông rộng dễ đến cả ngàn mét vuông .Hồi đó bạn đó "bắt vợ"ở nhà nội trợ nhưng vợ không chịu và tôi thấy quyết định đó của vợ bạn tôi là đúng . Bạn tôi thời đó làm về xây dựng cũng kiếm được .Tại cư dinh làm vườn ao chuồng nuôi hàng chục con lợn vườn cây đủ các loại hoa trái .Cứ ngày nghỉ tôi lại đến tư dinh của bạn chơi .Khỏi phải nói gia đình bạn tôi quý như thế nào vì dẫu sao mình mang tiếng là dân Bắc nghèo đói là anh công chức xa nhà sống tập thể tại cơ quan thường trú Bộ ở miền Nam .Chỉ tội cho bà mẹ ,vợ bạn để lo cho cơ ngơi đó hoạt động ngày nghỉ vẫn phải làm vườn ,nuôi lợn lại phục vụ mấy ông bạn chồng" lai dai, chém gió "với nhau .Tôi thời đó quan trọng lắm vì là anh cán bộ Bộ công tác phía Nam .Để được đi máy bay vào Nam thời đó (Lần đầu)tháp tùng Thứ trưởng tôi phải khai man cấp trưởng phòng Bộ và khi đi còn phải mang tem lương thực 15 Kg/th chứ .Tôi nghe lời khuyên của bạn tôi vay được ít tiền đi buôn thuốc Tây,thuốc lá ..v. Vào Sài gòn dấm dúi bán mãi mới được may mà không lỗ .Những lần sau khôn hơn lên cũng có lãi tý ti hứng chí rủ Tiến con vào Nam chơi .Giờ tôi có dịp quay lại Sài gòn và cảm nhận là Hà nội ,Sài gòn ít khác biệt lắm bởi sự di dân .Dân gốc Sài gòn ,dân gốc Hà nội là sao ?Có lẽ đến tôi đây sinh ra và lớn lên gần 60 năm ở Hà nội mà khi khai lý lịch vẫn quê quán không phải Hà nội mà ở quê liệu còn mấy ai .
    Dù ai đi ngược về xuôi
    Riêng ta ,Ta cứ Thủ đô ta ngồi
    Không cần đề tên các bạn cũng biết là ai rồi

    Trả lờiXóa