Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2024

Văn hóa... "đầu ra"

       Ẩm thực có lẽ là một trong những chủ đề hấp dẫn hàng đầu ở xứ ta. Người ta có thể nói về ẩm thực hàng ngày, hàng giờ, viết những cuốn sách về nó, đưa nó lên thành văn hóa ẩm thực. Có những món ăn trở thành “quốc hồn quốc túy”, tới mức Philip Kotler, ông vua marketing còn gợi ý bảo Việt Nam nên phát triển thương hiệu thành “Nhà bếp của thế giới”. Nhưng ngược lại, hầu như chẳng mấy ai thích nói đến “văn hóa đầu ra”. “Vào” mà không có “ra” tương xứng, thì dễ mất cân bằng…


Văn minh đôi khi được quyết định ở những thứ tưởng chừng rất ngớ ngẩn và kinh hãi là cái toilet… Tôi chưa có cơ hội nghiên cứu cung cách thiết kế toilet thời cổ xưa ở mình, song cũng từng mục sở thị hàng trăm loại toilet từ bình dân đến thành thị, từ Đông sang Tây, từ cổ xưa cho đến tân thời, và cho rằng cái toilet cũng là một thứ văn hóa sống. Nhìn vào toilet, người ta có thể thấy ngay được cung cách, nề nếp sinh hoạt, thẩm mỹ, tính cách… của cả một dân tộc hoặc chí ít thì cũng của gia chủ.

Nếu dân ở vùng đồng bằng sông nước, tiện nhất là bắc một cái lán quây ở cầu ao. Tôi thấy có nhiều người nói rằng cá tra, cá basa gì đó mà dân Mỹ vẫn mua về ăn ào ào chính là loại cá xưa nay vẫn hay sinh sống dưới “cầu tõm”. Người miền núi không có sông nước ao hồ, nên toilet cũng phải phù hợp với hoàn cảnh địa lý. Họ sáng tác ra một loại toilet mang “sắc thái vùng miền” cũng không kém phần kinh hoàng. Đó là một chiếc thùng phuy được chôn chìm xuống đất, chỉ nhô lên phần miệng cao độ 30 phân. Một thanh gỗ được bắc ngang qua miệng làm chỗ ngồi. Thế là xong.

Từ cổ chí kim, người ta còn duy trì một loại toilet rất gần gũi với thiên nhiên, ấy là: thứ nhất quận công, thứ nhì ra đồng.

Cách đây khoảng ba mươi năm, người ta gọi toilet là công trình phụ, toilet thường được tách rời với nhà tắm cho… sạch sẽ. Người ta tự làm cho mình sạch sẽ đến độ cắt rời cái công trình không sạch sẽ ấy càng xa càng tốt. Thậm chí không có luôn cũng được… Tôi sinh ra chưa từng nhìn thấy một cái toilet riêng bao giờ, rồi đến nhà hàng xóm, bạn bè, họ hàng thấy nhà nào cũng đều như thế cả, khái niệm không sinh ra sao biết đến đòi hỏi. Song nếu không có toilet riêng thì người ta làm thế nào? Dĩ nhiên là viện đến toilet công cộng. Riêng cái sự này đã là cả một nỗi ám ảnh suốt thời thơ ấu. Nhà chung cư kiểu cũ – toilet công cộng, nhà trên khu phố cổ chật chội – toilet công cộng, nhà kiểu biệt thự Pháp cổ sau phân chia cho nhiều hộ - toilet công cộng.

Phần lớn các nhà vệ sinh công cộng không bao giờ được thiết kế kín cửa. Cửa gỗ sẽ để hụt phía trên để thông gió. Thậm chí nhiều nơi chỉ thửa một tấm vải bao tải và một chiếc móc sắt để làm “rèm” cho thoáng. Vì thế nên mới sinh ra nhiều câu chuyện thật như đùa thế này. Một trường học có nhà vệ sinh ở đằng sau, cũng có cửa hổng phía trên để thông gió, song không biết do công trình xuống cấp hay thợ thiết kế ban đầu có ý làm thế cho thoáng mà người ngồi bên trong được che chắn tất cả, trừ phần đầu. Không ai chỉnh đốn cánh cửa này vì có sao đâu. Người ta mặc quần áo để che cơ thể chứ ai che mặt. Mặt chứ gì mà phải xấu hổ. Của đáng tội khu vệ sinh đó dựng sát bờ mương, chỗ chẳng bao giờ có người qua lại. Người vào đây cũng chỉ có mục đích duy nhất ấy thôi, nhìn thấy người lấp ló bên trong sẽ đứng tránh ra xa mà chờ đợi. Càng tốt, đôi bên đỡ phải đánh tiếng. Tuy nhiên có một số học sinh hay đi đường tắt qua đó để về nhà. Thấy thầy cô ngồi bên trong thò cổ lên, chúng chào rõ to “Em chào thầy ạ”. Thấy thầy cô thì phải chào, học trò nào mà chẳng được dạy thế. Vậy là thầy (hoặc cô) đành lúng túng chào vọng ra để đáp trò mà trong bụng rủa thầm đứa học trò đần độn. 

(Tật xấu người Việt – Di Li – Nxb Hội Nhà Văn, 2023)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét