Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Phong cảnh Đồng Hới


Ngay sau khi tới Thành phố Đồng Hới, chúng tôi rủ nhau làm chuyến lướt qua những điểm thăm quan của thành phố. 
Vì đã tìm hiểu trước nên tôi đưa các bạn đi từ Quảng Bình quan, thành Đồng Hới, cửa sông Nhật Lệ, tượng mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ, chợ Đồng Hới, cầu Nhật Lệ, sang Bảo Ninh thăm quan khuôn viên Sun Spa Resort, tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, Hải đăng Nhật Lệ, …
Nhà nghỉ nơi đoàn HoiK16A chiếu cố ngả lưng.
 Quảng Bình quan là một công trình kiến trúc lịch sử, là biểu tượng của Quảng Bình, của Thành phố Đồng Hới. Quảng Bình quan còn có nhiều tên gọi khác : cửa vào dinh Quảng Bình, cổng Bình quan, ... 
 Quảng Bình quan nguyên là một cổng thành của thành Đồng Hới, hệ thống thành lũy cổ được chúa Nguyễn xây dựng từ năm 1630 để bảo vệ kinh đô Phú Xuân. Phía trước có đường hào chạy ngoài thành, có cầu gạch bắc qua hào, ... Năm 1954, quân đội Pháp phá hủy hoàn toàn Quảng Bình quan khi rút khỏi Đồng Hới. Sau hòa bình lập lại, Nhà nước đã cho xây dựng lại gần giống như cũ. Năm 1965, chiến tranh phá hoại, bị máy bay Mỹ ném bom phá tan. Hiện nay, Quảng Bình quan đã được phục chế lại gần đúng như cũ.
Cửa sông Nhật Lệ
Bên bờ sông Nhật Lệ, có tượng Mẹ Suốt. Mẹ Nguyễn Thị Suốt sinh ra ở xóm Vạn chài làng Phú Mỹ (nay thuộc thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới). Khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ xảy ra, Mẹ Suốt vẫn chèo đò ngang qua sông Nhật Lệ làm nhiệm vụ cấp cứu, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại cho dân quân và bộ đội. Với thành tích kiên cường bám trụ từ năm 1964 đến 1966, Mẹ Suốt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày 11/10/1968 Mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trong một trận chiến đấu.
Dưới chân tượng Mẹ Suốt là bốn câu thơ được nhà thơ Tố Hữu viết :
“Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng Mỹ này mình chẳng thua”.
Nhà thờ Tam Toà được Giáo hội công giáo xây dựng vào năm 1886 nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn Đồng Hới. 
Năm 1954, hầu hết giáo dân Đồng Hới và các vùng phụ cận đã di cư vào Nam, chỉ còn lại rất ít một số giáo dân sinh hoạt tại gia. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ Tam Tòa bị trận bom ngày 11/02/1965 đánh sập, phần còn lại chỉ là tháp chuông với chi chít vết đạn. Ngày 26/2/1997, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định công nhận tháp chuông nhà thờ Tam Tòa là di tích lịch sử - văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh.
Kỳ sau : Gặp gỡ Hoàng Ngọc Lự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét