Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Những di tích quốc gia đặc biệt (4)

10. Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên là khu di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ) tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 15 km theo tỉnh lộ 49.


Là địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; nơi Hồ Chí Minh đã sống những năm 1901 - 1906 ở quê nội làng Kim Liên; khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh); núi Chung và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Hồ Chí Minh.

Khu di tích Kim Liên là một trong bốn di tích quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình. Toàn bộ khu di tích bao gồm nhà tranh nhỏ của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan; ngôi nhà của ông bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân (thuộc cụm di tích Hoàng Trù); nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; giếng Cốc; lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy học khai tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích cây đa, sân vận động Làng Sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thuộc cụm di tích Làng Sen); phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ và cụm di tích Núi Chung. Toàn khu di tích rộng trên 205 ha, các điểm và cụm di tích cách nhau 2 – 10 km. Hàng năm, khu di tích đón tiếp hàng triệu khách tham quan trong và ngoài nước tới viếng thăm.

11. Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm ở Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây là di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ), được xây dựng trên diện tích hơn 50 ha bao gồm: Khu lưu niệm, nhà trưng bày thân thế - sự nghiệp và đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Xen kẽ giữa các khu là những vườn hoa cây đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.

Nhà của ông Tôn Đức Thắng làm theo kiểu nhà sàn nhưng thấp hơn các nhà sàn của người Tây Nguyên. Từ mặt đất lên đến mặt sàn chỉ hơn 1,2 m. Nhà có 3 gian 2 chái, có diện tích 156 m2, toàn bộ được làm bằng gỗ Thao Lao, cột bằng gỗ Tràm. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương. Ngôi nhà này vẫn được nhân dân địa phương và thân tộc của bác Tôn giữ gìn nguyên trạng.

12. Pác Bó là Khu di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ) thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà huyện Hà Quảng, cách thành phố Cao Bằng 55 km về phía Bắc. 


Di tích chính của Khu là hang Cốc Bó. Hang Cốc Bó (tên địa phương có nghĩa là “đầu nguồn”) là một hang đá nằm trong một dãy núi lớn tại tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Ngày 08/02/1941, khi về nước, Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong hang Cốc Bó và đặt tên dòng suối trước cửa hang là “suối Lênin” và ngọn núi có hang này là “núi Các Mác”. Hang rộng khoảng 15m³, trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi đá ra, nguồn của con suối là bên phía Bắc của ngọn núi này và thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét