Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Một số bệnh thường thấy ở người cao tuổi (2)

(tiếp theo và hết)

Bệnh động mạch vành. Động mạch vành là nguồn cung cấp dưỡng chất chính yếu của tim. Đây là nguyên nhân tử vong số một của người già và thấy ở 70% những người trên 60 tuổi.

Các dấu hiệu bệnh có thể xuất hiện dưới ba hình thức: Cơn đau tim vì thiếu máu tới tim, gây ra cơn đau thắt trước ngực, nhất là khi gắng sức, ăn uống linh đình hoặc tâm thần kích động và hết đi khi nghỉ ngơi. Cơn quỵ tim và chết đột ngột (đột tử) hầu như đều gây ra do cục máu đông đột nhiên làm tắc nghẽn động mạch vành.
Bệnh thường do hiện tượng vữa xơ động mạch: sự đóng mảng các chất béo, tế bào vào lòng của mạch máu, làm máu lưu thông bị gián đoạn.
Các nguy cơ đưa tới bệnh này gồm có: cholesterol LDH quá cao, HDL quá thấp; hút thuốc lá; cao huyết áp; mập phì; ít vận động.
Giải phẫu ghép nối động mạch vẫn được coi như phương thức trị bệnh công hiệu. Sự phòng ngừa bệnh bao gồm thay đổi nếp sống, giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, ăn nhiều rau, trái cây, giảm cân, vận động cơ thể, giảm căng thẳng tâm thần.
 
4- Giảm khả năng trí tuệ
Người cao tuổi thường lo ngại sự giảm khả năng trí tuệ nhiều hơn là giảm các chức năng khác. Vì nó gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh và thân nhân.
Các cụ ưu tư vì đột nhiên quên tên một người bạn lâu đời, quên tên một tiệm ăn vừa tới tuần trước. Rồi phải nghĩ một lúc lâu mới chợt nhớ ra. Các cụ than phiền “lại bị bệnh sa sút trí tuệ - mà Alzheimer là một loại - rồi”.
Thực ra, sự chợt nhớ chợt quên chẳng phải là vấn đề riêng cho người già, vì sau tuổi 30, nhiều người chúng ta đôi khi cũng có rắc rối với cái trí nhớ này rồi. Cho nên mới có lỡ hẹn với bạn bè cũng như cặp kính gài trên mái tóc mà cứ đi tìm khắp nhà... Sự chậm chạp trí nhớ này khác với sa sút trí tuệ: các chức năng khác của tâm thần không suy yếu, sự quên không ngày một trầm trọng và sự sinh hoạt hàng ngày vẫn bình thường.
Còn sa sút trí tuệ thì tàn phế nhiều hơn. Không nhận ra cả thân nhân, quên cả cách ăn uống, tắm rửa, quên cả các động tác vệ sinh cơ thể, mất hết ngôn từ, không biết diễn tả sự việc quá quen thuộc... Nghĩa là hoàn toàn lệ thuộc vào thân nhân, vào cộng đồng. May mắn là sa sút trí tuệ này cũng không nhiều, chỉ dăm ba phần trăm người trên 65 tuổi bị mà thôi. Nhưng bất hạnh nữa là, cho tới nay Y khoa học vẫn còn bó tay trước nan bệnh. Vì chưa biết rõ nguyên nhân. Vì không có phương thức trị liệu hữu hiệu.
 
5- Giảm thính - thị giác
Giảm thính giác ở người cao tuổi, là rối loạn thường thấy nhất trong các giác quan. Có tới 30% người trên 65 tuổi và gần 50% người trên 85 tuổi đều cho hay là nghe không còn tốt như vài chục năm về trước. Lão nam thường có vấn đề này nhiều hơn lão nữ. Và có tới 20% cụ ông trên 85 tuổi điếc đặc cán mai.
Rối loạn nghe thường thấy là điếc với âm thanh cao và điếc nhận thức của tuổi già: nghe được từ ngữ mà không nhắc lại hoặc viết ra được từ ngữ đó.
Ngoài lý do tự nhiên của tuổi già, một vài loại thuốc kháng sinh, vài thuốc lợi tiểu có thể gây ra giảm thính giác ở người cao tuổi. Nhiều khi ráy tai đóng cục trong lỗ tai cũng là một nguyên nhân.
Giảm thính giác có thể đặt người già vào hoàn cảnh cô đơn: nhìn thiên hạ chung quanh sôi nổi bàn tán, mà chẳng biết họ nói gì. Rồi buồn rầu. Rồi tự cô lập.
Cho nên, hàng năm người cao tuổi cần đi khám đo thính giác. Nếu cần thì mang máy trợ thính, rất hữu ích và dễ mang. Nên mang máy cả hai tai để nghe được âm thanh đều hơn.
Khi đối thoại: đợi khi thấy người nghe nhìn thấy mình hãy nói, nói hơi cao giọng nhưng không hét to; tránh nói trực tiếp vào tai người khác; nói với nhịp bình thường và ngắt giọng sau mỗi câu, nếu cần, ta nói thêm bằng cách ra hiệu.
Thị lực thay đổi với tuổi già. Tới tuổi 65 thì khoảng 15% vị có vấn đề, mà tới 85 tuổi thì số người bị rối loạn thị lực lên tới 28%. Trên 90% quý vị cao niên cần mang kính mà tới 20% dù có mang kính mà nhìn vẫn kém. Đa số đều cảm thấy như cánh tay mình ngắn lại khi đưa tờ báo ra trước mặt để đọc.
Hầu hết giảm thị lực đều do các bệnh đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thoái hóa võng mạc và biến chứng của bệnh tiểu đường.
Đục thủy tinh thể thấy ở 40% người ngoài 75 tuổi và có thể bị một mắt hoặc cả hai bên. Bệnh nhẹ có thể điều chỉnh bằng kính. Nặng thì có thể giải phẫu thay thủy tinh thể.
Tăng nhãn áp xẩy ra ở 3% người trên tuổi 65, khiến thị lực giảm đi. Bệnh này rất dễ dàng phát hiện nếu ta đi bác sĩ khám mắt hàng năm và bệnh chữa được dễ dàng bằng thuốc hoặc giải phẫu với tia laser.
Thoái hóa võng mạc là nguyên nhân số một đưa tới mù ở người cao tuổi. Thoái hóa có thể là khô, thường xẩy ra nhưng ít đưa tới mất thị lực; ướt, ít xẩy ra nhưng hay gây mù. Điều trị thường ít mang lại kết quả.
Bệnh tiểu đường gây ra rối loạn thị giác cho 3% người cao tuổi, và thị lực càng giảm khi tuổi càng cao. Tiểu đường hủy hoại dây thần kinh và mạch máu trên toàn cơ thể, trong đó có mắt. Rối loạn diễn ra âm thầm, nên bị tiểu đường cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt hàng năm. Phát hiện sớm có thể chữa được bằng tia laser.
Trên đây là một số bệnh thường thấy, xin tường trình cùng các cụ ông, cụ bà. Cầu mong là chúng chẳng bao giờ bén mảng tới tuổi già, để mọi người được nhẹ nhàng xuôi buồm thuận gió tới miền vĩnh cửu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét