Tới lúc
hơn sáu mươi tuổi mới tự đặt một câu ngô nghê: Tôi là ai? Một cuộc đời có hơn
40 năm ăn cơm, uống nước Hà Nội chả là người Hà Nội à! Hơn nữa, bố mẹ tôi đến ở
đây, chúng tôi lập gia đình ở đây, sinh con, nuôi con lớn lên ở đây, danh sách
tất cả gia đình có chung một cuốn sổ hộ khẩu. Đích thị là người Hà Nội rồi!
Theo như
câu chuyện “Việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố thì “những người ngụ cư ba đời
mới được “thành tổ”, mới được “vào ngôi”, mới được coi là dân có gốc gác.
Mới đây,
khi làm việc với nhà xuất bản Hội Nhà văn, ông Giám đốc thân tình tặng cuốn sách
mới của ông ấy, có ghi kèm dòng chữ: “Thân tặng chàng trai Hà Nội!”. Tóm lại,
trông mặt mà bắt hình dong, người xưa nói cấm có bao giờ sai... Nhưng tôi cũng
cảnh giác lắm, vì các bác nhà văn hay đùa dai, vả lại: Mình cũng phải biết mình
là ai chứ lị!
Có một
câu chuyện kể ra cũng buồn: Một lần bạn học hồi Đại học gọi nhau ra quán uống
bia. Vài câu hỏi han sức khỏe, gia cảnh... Đến cốc bia thứ mười mấy, mặt đỏ tía
tai, quát tháo ầm ỹ nghe cứ như sắp có đánh nhau. Bạn hằm hằm: Tao căm chúng
mày lắm! Hồi còn sinh viên, chúng mày khinh bọn tao là “nhà quê”, không chơi
với chúng tao! À ra là vậy! Các bạn từ nông thôn, từ các tỉnh thành về Hà Nội
học. Học xong ra đi làm cơ quan toàn ở Hà Nội – hồi ấy đi học đã là cán bộ Nhà
nước rồi. Nay đã có một chỗ đứng kha khá trong cơ quan, ngoài xã hội, nhà cửa
đàng hoàng hơn cả những thằng học sinh Hà Nội, quay lại “chửi” một trận cho
nó... hả!
Sinh viên
các trường có hai loại chính: nội trú và ngoại trú. Nội trú là những bạn ở tỉnh
thành ngoài Hà Nội về học. Do nhiều trường khu ký túc xá chật chội nên số sinh
viên được xét vào ở nội trú rất khắt khe. Một bạn ở Hà Nội nhưng nhà cửa chật
chội, phương tiện đi lại không có, toàn phải đi bộ 4-5 cây số, viết đơn xin vào
ở nội trú. Mãi mới được nhà trường xếp cho ở ký túc xá và rồi cũng chỉ được hơn
một năm lại “bật bãi” vì ký túc xá cũng không còn chỗ. Đám ngoại trú thì đến
giờ lên lớp thì vào học, hết giờ lại về nhà hoặc đi chơi với nhau, chứ ít khi
la cà vào nội trú chơi bời. Dân nội trú ngoài giờ học trên lớp, về đến ký túc
xá còn biết bao nhiêu việc cá nhân phải giải quyết: cơm nước, tắm giặt, cưa gái...
mà thời đó những việc trên chiếm khá nhiều thời gian. Vậy là điều kiện tiếp xúc
cũng rất hạn chế. Do vậy, mối quan hệ trong lớp cũng không sâu sắc, thậm chí
chỉ biết đến tên của nhau cũng là quý lắm rồi.
Nghe bạn
chửi xong, tôi nhẹ nhàng bảo: Tao cũng là “nhà quê” lên tỉnh đây. Vừa nói vừa
chìa cái Chứng minh thư cho bạn xem: Đấy ghi rõ ràng trong Chứng minh thư nhé,
quê quán xã... huyện... tỉnh... Nhưng thôi, anh em giờ gặp nhau là quý rồi,
chậm còn hơn không, thích thì chơi mà không thích thì xéo, đường thằng nào
thằng ấy đi! Thế là bạn khóc tu tu – tất nhiên là khóc say...
Những năm
còn nhỏ, tôi sống với cha tôi ở Nam Định, phố Hoàng Hoa Thám. Cũng là dân phố
phường từ nhỏ nhưng không hề biết những trò chơi đường phố. Đi học về tha thẩn
nhặt những bông hoa gạo rơi trên đường Trần Quốc Toản, hái quả những cây mọc
dại chân tường bên hè phố. Cha tôi kể có lần tôi bị một trận ngộ độc suýt chết
do ăn quả ngô đồng. Sau khi cha tôi đi vào chiến trường miền Nam, tôi sống với
mẹ ở Hà Nội một thời gian rồi vào học Trường Văn hóa Quân đội. Cho đến năm 1970
về học lớp Mười rồi vào Đại học Bách khoa Hà Nội thì ở với mẹ cho đến ngày Thống Nhất đất nước thì gia đình về ở nhà phố, có sổ đỏ hẳn hoi.
Đúng là
sống nhiều năm ở Hà Nội nhưng trong một môi trường sống không có những phong
cách, tập quán người Hà Nội xưa, tôi vẫn là một anh “nhà quê”. Chả thế mà lũ
bạn Đại học đặt cho tôi cái “nghệ danh” là... tẩm – một cách gọi người “nhà
quê”. Chúng còn thêu dệt ra chuyện có lần đi ăn bánh tôm Hồ Tây, ăn xong thì
tôi mang bát đĩa xuống bờ hồ Trúc Bạch để... rửa. Chuyện này cũng tương tự như
tích Hà Nội ăn cắp như ranh! Chuyện như sau: Có một anh “nhà quê” đi xem phim
trong rạp, đến đoạn hay hay, đại loại là lúc quân ta đánh đuổi quân địch, anh
đứng vụt dậy vỗ tay hoan hô. Hết đánh nhau, anh ngồi xuống thì bị ngã hụt, đập
mông xuống sàn nhà vì cái ghế anh ngồi không còn ở vị trí cũ. Anh tức giận,
chửi quân Hà Nội ăn cắp ghế của anh. Nhưng thực ra thì ghế trong rạp chiếu phim
dạo ấy tự quay lật khi ta nhấc mông khỏi mặt ghế. Chả thế mà khi hết phim, khán
giả đồng loạt đứng dậy, tiếng ghế đập vào nhau nghe như nổ pháo Tết.
Hà Nội
nay có tới nửa số dân là người Sơn Tây, Hà Nam, Hà Đông... xưa. Có dạo, thống
kê “vỉa hè” còn cho biết cứ 5 người sống ở Hà Nội thì có một người nói giọng...
Nghệ - Tĩnh.
Biết như
vậy nên tôi cũng không quan trọng quá gốc gác mình ở đâu? Là người của “nhà
quê” hay đã là người Hà Nội? Chỉ có một điều chắc chắn, đó là: Tôi được làm...
người. Thế giới rộng lớn này, với tất cả những nơi tôi đã đặt chân tới, nếu ai
hỏi là người đến từ đâu? Tôi trả lời: Việt Nam.
Viết lần đầu: Tháng 9 năm 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét