Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Đình làng Vạn Phúc



Nhớ câu thành ngữ: “Mồng Một tết Cha, mồng Hai tết Mẹ, mồng Ba tết Thầy”... Tôi, một ông già bước sang tuổi sáu mươi đã tìm về ngôi trường học năm lớp bốn (theo hệ thống giáo dục phổ thông mười năm) sau tròn nửa thế k. Đó là Đình làng Vạn Phúc, Hà Đông. 


Đi theo con đường vào làng lụa Vạn Phúc dẫn thẳng đến ngôi Đình, hai bên đường san sát nhà cửa khang trang mà khi xưa chỉ là con đường đắp đất chạy giữa hai bên ruộng lúa. Ngày mưa đi không cẩn thận là “vồ ếch” hoặc “trượt tuyết” ngay xuống ruộng hoặc con mương mang nước thải của xí nghiệp ruộm chạy ra sông Nhuệ mà lúc nào cũng đen sì và bốc mùi hôi khó chịu. Chính chú em tôi – nay đã gần sáu mươi, nhớ lại – đã bị “nhảy” xuống con kênh ấy và phải nghỉ học quay về nhà thay quần áo…

Lối vào đình làng lụa Vạn Phúc ngày nay


Đình làng Vạn Phúc nay vẫn như xưa gồm cổng đình, hai bên có hai ông “thiện” và “ác”. Bên trong, chính giữa là ngôi đình rộng nhưng không có tường bao quanh. Chính giữa có bàn thờ Thành hoàng làng. Vẫn còn đôi hạc quý chầu hai bên, phía trước có bộ đồ tế khí. Và hai bên ngôi đình là hai dãy nhà ngang chạy dài từ cổng vào sâu đến cuối đình. Và hai dãy nhà này chính là ngôi trường khi xưa. Vẫn chỉ có bức tường bao bên ngoài, còn phía quay về ngôi đình thì để trống. Ngày đó, trường lớp tuy đơn sơ nhưng cũng đủ cho bọn học trò chúng tôi có đủ chữ, nên người đến ngày nay.

Dãy nhà ngang, lớp học ngày xưa
Nhân tiện, trích Từ điển Bách khoa mở Wikipedia có viết về đình Vạn Phúc như sau: “Đình Vạn Phúc nằm ở giữa làng Vạn Phúc, là nơi thờ thành hoàng làng. Trước đây đình được dựng bằng tranh tre nứa lá, đến đời vua Tự Đức (1867) đình được xây dựng với kiến trúc khung gỗ truyền thống, mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. 

Ao vuông trước cửa đình
Trước cửa đình có 1 ao vuông, có lan can đá chạy xung quanh, có 2 bức bình phong và 1 bể non bộ rất đẹp. Đình bao gồm tòa Phương đình và Hậu cung. Tòa Phương đình được thiết kế theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái, đao cong có rồng chầu, nghệ thuật chạm khắc đơn giản. Điểm nhấn của tòa Phương đình là một số bức chạm khắc theo phong cách thời Nguyễn, đặc biệt là bức chạm cửa võng gian thờ gồm 9 rồng chầu. Tòa Phương đình độc đáo với tầng 2 được nâng cao, có hệ thống con tiện chạy vây quanh để lấy ánh sáng cho Phương đình, hơn thế quanh Phương đình không có tường bao ngăn cách nên trong Phương đình luôn thoáng mát, đủ ánh sáng. Đôi hạc gỗ cao hiếm thấy cùng với bàn thờ Thành hoàng được chạm trổ tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. 

Toàn cảnh đình làng lụa Vạn Phúc ngày nay
Ngoài ra, Đình còn giữ được đầy đủ bộ đồ tế khí như bát tiên, bát bửu, chấp kích, kiệu bát cống, long đình, nhất là 1 bát hương chạm gỗ độc đáo. Tất cả đều được chạm khắc tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hệ cột kèo của đình được bố trí vừa phải, với 3 gian và mặt bằng hình vuông, chạy xung quanh là hàng cột gạch, vừa chắc chắn vừa thẩm mỹ, lại không lo mối mọt do là nơi tiếp xúc nhiều với mưa nắng. Hệ thống câu đối hoàn chỉnh, đầy đủ với nộng dung ca ngợi Thành hoàng làng được treo, đắp ở hầu khắp các cột của đình, trừ hàng cột gạch vây quanh. Tòa Hậu cung ở phía sau gồm 3 gian, phong cách đơn giản bào trơn đóng bén, xung quanh xây tường gạch dày và cũng được chia thành 2 tầng mái, có hệ thống con tiện lấy ánh sáng. Đặc biệt nơi thờ trong hậu cung được đặt trên tầng lửng theo lối nhà sàn, là dấu vết kiến trúc cổ truyền từ thời Lê trung hưng về trước còn lại”.

Cây đào mùng 3 tết trước cửa đình

Ấn tượng một thời “trường làng” còn đọng lại trong tâm trí tôi chỉ còn là những trò nghịch ngợm của đám học trò. Giờ ra chơi, lũ trẻ con chỉ quanh quẩn quanh sân đình, chạy ra ngoài cửa đình, ném đất xuống cái ao vuông hoặc ra bờ ruộng đi … tè. 


Bộ bát bửu và đôi hạc quý trong đình

Có vài thằng “đầu gấu” còn nhảy vào sát bàn thờ, rút mấy đồ binh khí trong bộ bát bửu, đứa cầm đao, thằng khua thương, … dứ dứ vào mặt nhau. May mà còn có ông từ trông coi đình ra quát tháo, chứ không biết bọn này gây ra chuyện gì nữa … Bọn bạn học còn kể chuyện có thằng lại dám đái vào tượng một trong hai ông hộ pháp đắp ở cửa đình – ông “ác”. Tối về nhà, thằng này bị … bống, tức là “chim” nó sưng to, căng nhức, … phải nghỉ học mấy ngày. Mẹ nó phải làm cái lễ cúng mấy ngày, ông “ác” mới tha cho, trở lại bình thường. 

Cổng đình với tượng hai ông hộ pháp

Chuyện kể là vậy, chả biết có thật không. Nhưng lũ trẻ ngày ấy ra vào cổng đình rất sợ nhìn mặt ông “ác” chứ đừng nói đến bậy bạ này kia. Mà ngày ấy, ông “thiện”, ông “ác” còn bị bong tróc, ghẻ lở và toàn thân bẩn thỉu, vấy bùn đất chứ không được sơn phết màu mè như ngày nay. 

5 nhận xét:

  1. Các cụ ta nói cấm có sai "một già một trẻ bằng nhau ".Khi ta "về già"rất thích ôn lại các kỷ niệm xưa thích trở lại các nơi ta đã sống những năm tháng tuổi thơ và thật tuyệt vời nếu còn được gặp thầy, cô,bạn cũ .Tụi mình chưa phải xa quê hương và các nơi mình đã sống còn hay quay lại độ mươi năm một lần chớ như "Việt kiều"lâu lắm mới có điều kiện về thăm quê hương thì họ nhớ phải biết.Tôi đã đến đình làng Vạn phúc nhiều lần nhưng bây giờ mà quay lại chắc đã thay đổi nhiều lắm .Tôi rất hay đi chùa ,đình,đền và tuổi thơ của tôi gắn với đình làng Nam ngư ở phố cùng tên bây giừ đó .Hồi những năm 60 ngôi đình phố tôi to ,đẹp lắm .vào các ngày lễ tết là nơi tổ chức lễ hội vui lắm .Còn bình thường là nơi sinh hoạt thanh thiếu niên bọn tôi .Có lớp tập quyền anh cho thanh niên ,thiếu niên như tôi dủ trò và tôi nhớ nhât là bích báo dán ở bản tin có bài viết hay lắm phóng sự nhiều kỳ ai cũng háo hức đợi đọc .Bọn trẻ tôi chơi đáo ,ô ăn quan ,cướp cờ,đá bóng ở đường phố .Tôi thời bé ham đá bóng lắm và đúng nghĩa từ đường phố đến các sân vận động sau này .Mình chơi nghiệp dư chứ không chuyên nghiệp để nổi danh như "Cao Cường " đá cho Thể công ,bạn thể thao cùng lứa với tôi .Vào ngày lễ tết phố tôi còn cấm xe vào mà hồi đó xe đạp còn hiếm nói gì đến ô tô xe máy như bây giờ Rồi chiến tranh ,dân đi kinh tế mới về ở đầy đình .và sinh sôi nên ngôi đình của phố tôi cứ nhỏ dần và đến bây giừ chỉ còn tý chút và đã 20 năm nay tôi chưa vào lại.Phố tôi "người cũ'như tôi giừ hơi hiếm .Một lớp khác đã đến biến con phố nhỏ thành nơi ăn uống ,khách sạn,các cửa hàng buôn bán và con phố luôn tắc đường bởi các loại xe .Bọn trẻ giừ muốn chơi không có chỗ nên suốt ngày dán mặt vào màn hình đâu có vận động gì.Mà hiện giờ gần như bọn nhỏ đâu có chơi với nhau như mình hồi nhỏ ,nhà ai biết nhà đó đâu có sinh hoạt gì.Nghĩ mà buồn
    Ng duy Cường 41 Nam ngư Hoàn Kiếm Hà nội

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phố Nam Ngư và khu vực xung quanh chả có cái đình nào "to, đẹp" cả. Chỉ có Chùa Tiên Tích, 110 Lê Duẩn và chùa Thiên Phúc, 94 Hai Bà Trưng thôi. Tưởng tượng vừa vừa thôi.

      Xóa
  2. Chào bạn Quang
    Tôi đâu có "tưởng tượng"như bạn nói.Chẳng lẽ tuổi thơ tôi gắn bao kỷ niệm với đình Nam ngư đó là giả ? Bạn chỉ tìm trên báo chí ,quảng bá du lịch có mấy cái di tích được nhà nước chi tiền tu bổ nhân 1000 năm Thăng long như vừa qua thì đúng là không có nó đâu . Hiện giờ nó vẫn còn tại địa chỉ 46,48 phố Nam ngư đó nhưng bị lấn chiếm gần hết rồi muốn vào chắc chỉ còn chính điện thờ khoảng 30 m2 thôi .Bạn nên đến đó thì biết.
    Ng duy Cường 41 Nam ngư Hà nội

    Trả lờiXóa
  3. Xin đừng cãi nhau làm gì... Có bài viết về Đình N rồi còn gì...Bài viết trên chắc là của Quang vì có lần vào năm 1974 mình thấy Quang đi vào BTL Quân Khu... gần Cầu Am tức là làng Vạn Phúc nổi tiếng về dệt lụa còn gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn này biết hay vậy. Hóa ra tôi bị theo dõi từ 40 năm nay ... Đúng là hồi nhỏ, năm 1963 - 1965 tôi ở doanh trại Quân khu ... và đi học ở làng Vạn Phúc.
      Cảm ơn đã gợi lại ký ức ...

      Xóa