Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Hồ Gươm



Dịp Tết đến Xuân về, người sống ở Hà Nội có thói quen gần sát Tết Nguyên đán dạo một vòng quanh chợ hoa Hàng Lược đón nhận không khí ngày Tết đang ùa về, ngắm nghía những cành đào muôn vẻ hồng thắm của mùa xuân… Chiều mồng Một, dạo một vòng quanh Bờ Hồ, trung tâm của Thủ Đô, mà cũng là của cả nước… 


Có nhiều văn nghệ sĩ đã miêu tả về Bờ Hồ, dưới đây xin giới thiệu một bài viết về Bờ Hồ:

“Hồ Hoàn Kiếm là một đoạn dòng cũ của sông Hồng để lại sau khi sông chuyển dòng, cho đến nay hồ đã có đến vài nghìn tuổi. Nhưng cái tên Hoàn Kiếm thì mới có từ năm thế kỷ nay. Trước đó, hồ có tên là Lục Thủy vì nước hồ bốn mùa xanh ngắt. 


Tháp Rùa mờ sương ngày mồng Một tết
... khi ẩn
... khi hiện
Tới thế kỷ XV có tên Hoàn Kiếm do sự tích Lê Lợi trả gươm. Truyện kể rằng Lê Lợi khi còn ở Lam Sơn có bắt được một thanh gươm. Gươm ấy luôn ở bên ông trong suốt 10 năm chinh chiến. Khi dẹp xong giặc Minh, vua Lê về Thăng Long, một hôm ngự thuyền dạo trên hồ Lục Thủy bỗng có con rùa nổi lên, ông rút gươm ra trỏ thì rùa liền đớp ngay thanh gươm mà lặn xuống. Như vậy là vua trả gươm cho trời. Vì vậy hồ có tên là Hoàn Kiếm, gọi nôm na là hồ Gươm. Sau thủy quân dùng hồ làm nơi luyện tập nên có thêm tên là Thủy Quân hồ. Theo truyền thuyết thì đời Lê Thánh Tông (nửa sau thế kỷ XV) chỗ nay là gò Tháp Rùa từng là Điếu Đài tức nơi vua đến ngồi câu cá. Nhưng chỉ từ sau khi trung hưng thì chúa Trịnh mới bắt đầu trang điểm cho hồ. Đời Vĩnh Hựu, chúa Trịnh Giang lập cung Khánh Thụy ở đảo Ngọc làm nơi hóng gió ngày hè. Sau đó Trịnh Doanh cho đắp ở bờ hồ gò Ngọc Bội để ghi chiến công đánh dẹp Quận Hèo ở núi Ngọc Bội (vùng Tam Đảo ngày nay). Đầu thế kỷ XIX, một ngôi chùa được dựng lên trên nền cung Khánh Thụy cũ và có tên là chùa Ngọc Sơn. Ít lâu sau, không thờ Phật nữa mà thờ thánh Văn Xương, chủ về văn chương khoa cử - và Đức thánh Trần tức anh hùng Trần Quốc Tuấn, do vậy được đổi gọi là đền Ngọc Sơn. Năm 1864, Nguyễn Văn Siêu, nhà văn hóa lớn của Hà Nội thời đó, đã đứng ra sửa sang lại toàn cảnh. Trên núi Ngọc Bội, ông xây một ngọn tháp hình bút lông, thân tháp có tạc ba chữ Tả Thiên Thanh (viết lên trời xanh). Đó là Tháp Bút. Đi qua Tháp Bút tới một cửa cuốn gọi là Đài Nghiên vì trên có đặt một cái nghiên mực bằng đá. Quanh nghiên có khắc một bài thơ nói về công dụng của cái nghiên xét về mặt triết học. Qua Đài Nghiên đến cầu Thê Húc (có nghĩa: nơi ánh mặt trời đậu lại). Càu dẫn đến Đắc Nguyệt lầu tức cũng là cổng đền Ngọc Sơn. Đền có ba nếp, nếp ngoài là bái đường, nếp giữa là nơi thờ Văn Xương và nếp sau thờ Trần Hưng Đạo. Trước mặt nhà bái đường là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Nhìn thẳng về hướng Nam là gò Tháp Rùa. Tháp chỉ mới có từ cuối thế kỷ XIX, kiến trúc không có gì là đặc sắc, nhưng đã trở thành biểu tượng quen thuộc của Hồ Gươm Hà Nội.

Chen nhau vào lại chen nhau ra

Ngày nay, khu vực quanh hồ, đã thành tên là Bờ Hồ, là nơi nhân dân Thủ đô dạo chơi ngày hè, nơi đón giao thừa, lại còn là nơi tổ chức hội hoa đăng – đèn hoa, pháo hoa – trong những dịp Quốc khánh hàng năm”.


(Văn hóa Việt Nam tổng hợp, Trần Độ, Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, 1989, trang 101)


Về Tháp Rùa, xin trích đăng bài viết của Wikipedia như sau:

“Tháp xây trên gò Rùa nơi xưa từ thời vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua ra câu cá. Sang thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ 17-thế kỷ 18) thì chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò nhưng sang thời nhà Nguyễn thì không còn dấu tích gì nữa.

Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội năm 1883 thì dân vùng ven hồ xiêu tán cả. Các quan Việt cũng bỏ sở nhiệm. Riêng có Nguyễn Ngọc Kim, chức dịch làng Tự Tháp được cử làm trung gian giữa quân Pháp và người Việt, lại được chính quyền mới tín nhiệm nên ít lâu trở thành bá hộ, tục gọi là Bá hộ Kim.

Khi phố xá lên đèn


Năm 1886 thấy huyệt đất trên gò Rùa hợp phong thủy ông xuất tiền xây tháp trên gò với ý định chôn hài cốt của cha vào đó. Việc không thành nhưng ngọn tháp ba tầng vẫn được hoàn tất. Vì vậy nên ban đầu Tháp này có tên là Tháp Bá hộ Kim. Vì vị trí đẹp giữa hồ, tháp nghiễm nhiên biến thành thắng tích Hà Nội.


Thời Pháp thuộc, trên đỉnh Tháp Rùa có dựng một phiên bản của tượng Nữ Thần Tự Do (1890-1896) mà dân chúng châm biếm gọi là tượng Đầm Xòe). Sang thập niên 1950 tượng này đã bị phá bỏ khi chính phủ Đế quốc Việt Nam của thủ tướng Trần Trọng Kim nắm chính quyền thay cho quân Pháp”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét