Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Không uống thì phí



Người duy nhất còn làm dép cao su ở Hà Thành - Cụ Phạm Quang Xuân (72 tuổi) nhớ, hồi đó cụ là ở công ty Bách Hóa Cấp 2 nằm ở 45 phố Hàng Bồ (Hà Nội). Công ty có tiêu chuẩn phân phối nhiều loại hàng hóa hàng năm. 

Chẳng hạn, cán bộ công nhân, mỗi năm được một đôi dép cao su. Và thỉnh thoảng, cơ quan cụ được phân phối phụ tùng xe đạp.

Hầu hết nhà máy xí nghiệp mà cụ biết, người ta đều thỏa thuận được với nhau. Có thể người ta tự nguyện bốc thăm cho công bằng, nhưng sau đó họ đổi chác cho nhau. Thậm chí có thể nhường nhau, lần này anh nhận, lần sau đến lượt tôi...

Tuy nhiên, có người từng chứng kiến, một ông không có xe đạp nhưng bốc trúng cái vành. Ông ta không chịu đổi chác với ai cả mà vác về nhà chờ các lần sau bốc trúng những bộ phận khác với hi vọng ghép dần được cái xe đạp. Vậy nhưng chờ mãi đến khi hết thời bao cấp, cái vành vẫn được treo trong góc nhà sáng bóng mà xe đạp chưa thấy đâu.

Cụ Phạm Quang Xuân còn kể, vì chuyện phân phối khiến cụ đâm ra có sở thích uống bia. Chả là, một hôm bỗng thấy có xe chở bia đến công ty cụ làm việc. Lãnh đạo công ty tập hợp cánh đàn ông ở sân, chia nhau uống.

Trước đó, cụ Xuân cùng một số ít người không biết uống bia rượu bao giờ. Nhưng thấy được bia phân phối, nghĩ bụng, không uống cũng phí. Vậy là chẳng ngần ngại, mấy ông rủ nhau nhập cuộc, uống bừa. Sau nhiều lần nhận được bia phân phối, uống mãi thành quen rồi đâm ra "nghiện". Sau này không được phân phối nữa, cụ Xuân vẫn giữ sở thích uống bia đến tận ngày nay.

Bà Nguyễn Thị Vân (Từ Liêm, Hà Nội), công nhân một doanh nghiệp gần nhà vẫn nhớ mãi câu chuyện phân phối hàng Tết vào khoảng năm 1982. Xí nghiệp bà làm việc có hàng trăm công nhân, bà không nhớ cụ thể, được phân phối mấy chục chai rượu. Cơ quan thống nhất chia đều cho công nhân bằng cách 3 người 1 chai, rồi các gia đình tự thỏa thuận với nhau. Danh sách chia rượu cứ thế tính từ trên xuống.

Hầu hết các nhà đều thỏa thuận được với nhau. Nhà nào muốn rượu thì đổi cho 2 nhà kia một thứ gì đó tương đương. Tuy nhiên có 3 công nhân nữ đều muốn lấy rượu. Phần vì ngày Tết có chai rượu chanh trên bàn thờ cũng đẹp, sau lại dùng mời khách, không thì chồng uống.

Thỏa thuận mãi không được, 3 nữ công nhân quyết định khui rượu uống tại chỗ chứ không ai nhường ai. Khốn nỗi rượu chanh hồi đó vào loại nặng đô, phụ nữ chẳng quen hơi men, cả ba đều chếnh choáng, mặt đỏ gay, rước mệt vào người mà chẳng được gì.

4 nhận xét:

  1. Nhớ lại các kỷ niệm của một' bao cấp"là đề tài mà mỗi chúng ta không quên .Bạn kể luôn về mình có phải hay không ?Tôi có 1 kỷ niệm thời đó là hút thuốc lá và bia .Thời sinh viên đâu có biết hút thuốc và uống bia đơn giản là không có tiền .Khi được tổ chức phân công về làm việc tại Viện thuộc Bộ mới thành lập có lương 53 d gì đó tôi không nhớ kèm theo t/c một tháng tùy theo đánh giá của công đoàn được vài bao thuốc .Vì sĩ diện tôi nghiện từ đó .NGày ấy ngày tôi phải đốt độ 1bao TRường sơn hay thuốc cuốn .Tiêu chuẩn không đủ phải nhờ của bạn bè kiếm thuốc đã cơn nghiền .Tôi nghiện mất 20 năm sau bị trận ốm mới cai được .Giờ chỉ khi vui mới làm 1 điếu mà bị vợ kêu quá trời .Còn về uống khi xưa bia cả chục vại ,riệu cả chai trong các lần liên hoan còn thì có tiền đâu mà uống.Nay có cho cũng chỉ uống lấy lệ gọi là vài vại,vài ly thôi vì ,.."sợ" Nên bị bạn bè chê quá trong các lần gặp mặt.Vài lời tâm sự cùng các bạn
    HV K16a CTM

    Trả lờiXóa
  2. Vào khoảng những năm đầu 198.. mỗi khi Tết đến mọi gia đình CBCNV đều trông vào .."Công đoàn".Thời đó vai trò anh công đoàn quan trọng lắm .Để chuẩn bị đón Tết đã cử người đến đơn vị làm ăn được "xin"được mua nơi thì cân cá,chỗ thì ít nước mắm,và anh nào giỏi còn được mua nhu yếu phẩm như thuốc lá ,đường ,vải ,thịt lợn ..vv nữa chứ.Cơ quan tôi là đơn vị thuộc Bộ Thủy sản khỏi phải nói thời đó so với các nơi khác nó thuộc vào hàng VIP .Tôi hồi đó đang tuổi thanh niên đầy sức cống hiến lại được vào BCH công đoàn nên dịp đó bận tối mắt,tối mũi .Khi thì đivùng biển Thanh hóa lấy cá ,nước mắm .. Lúc thì xuống Quảng ninh ,sang Seaprodex làm ít hàng đông lạnh,mỳ chính vải vóc ..Mà mỳ chính thời đó quý lắm, bọn tôi có cả cân chứ không như anh khac được chia dịp Tết 1 lạng đâu .Hàng về cơ quan lại phải lo phân phối nữa chứ .Cứ gọi là cả tháng chạp đó cả cơ quan đúng là vui như Tết .Nơi chia cá ,chỗ chia thịt lợn ,mắm ,mỳ chính .. gọi nhau ý ới có làm ăn gì đâu .Đem về nhà cả nhà sướng lắm vì cá được chia bọn tôi được cả yến chứ không tính cân nên cả tối phải làm "ruốc cá" ra giêng ăn mới hết.Ôi thời bao cấp sao Tết vui thế ,các đồng nghiệp chan hòa sống thật với nhau .Còn bây giờ Tết đến tuy vật chất không thiếu nhưng đâu có được "vui" như xưa .Đúng là bao giờ cho đến ..ngày xưa
    Ng duy Cường .P/V thiết kế cơ khí tàu thuyền Bộ thủy sản những năm đó

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thằng này sống phè phỡn sướng thế ... trong khi mình hơi bị khổ vì hai vợ chồng chả có chân Công đoàn như nó.

      Xóa
  3. Ôn nghèo kể khổ làm gì? Giờ còn sức gặp nhau làm vài vại bia hay kiếm con xe đạp mấy vòng Hồ Tây ngồi uống cafe rồi nếu có điều kiện rủ nhau đi chơi nước nọ nước kia hay nơi nào trong nước mà chả thích à ?Còn hết hơi thì lên FB xem bạn bè ra sao và nhờ anh Phây thì thấy bạn nào đã xuất hiện đều trẻ khỏe vui vẻ bên gia đình bạn bè Ơn trời các bạn tôi hiện thời đều Khỏe
    HT K16 A CTM ĐHBK

    Trả lờiXóa